Bà Nhàn AIC: Cần đề phòng “đột tử”

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 20226:00 SA(Xem: 2320)
Bà Nhàn AIC: Cần đề phòng “đột tử”
rfa.org

Bà Nhàn AIC: Cần đề phòng “đột tử”

Bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Nga-Ukraine đánh nhau, rộ lên nỗi lo bom nguyên tử. Nhưng ở xứ Việt, một “quả bom nguyên tử” đã lù lù tự bao giờ: bà Nhàn AIC.

Chỉ có điều, thứ bom này là loại bom “định hướng”, nó mà nổ, dân hoan hô, còn quan tham thì chắc … chết như rạ. Ai biết được những chuyện hậu cung của bà Nhàn, sẽ không lạ về điều đó.

Giờ lại đang rộ lên tin bà Nhàn đang ở Việt Nam. Dù đúng hay không, qua những vụ “đột tử” kinh hoàng gần đây của các bị can, người liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát, thiết tưởng cũng nên góp đôi dòng, đề phòng bom bị tháo kíp nổ, là thành bom xịt.

Đó là chút kinh nghiệm từ Trại tạm giam B14 của Bộ Công an, nơi có lẽ được coi như nghiêm cẩn nhất.

40 năm trước

Xã hội thời “bao cấp”, đóng cửa với thế giới, nghèo khó, nó cũng có cái mặt tốt, tạm gọi là SẠCH.

Nhớ những năm đầu 1980, vụ án cựu Đại tá quân đội Việt Nam Cộng hòa, Võ Đại Tôn, được coi là quan trọng nhất khi đó, do Bộ trưởng Nội vụ (Công an) Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo.  

Trại B14, nơi giam giữ ông Tôn, còn đơn sơ từ canh phòng cho tới điều kiện ăn uống của phạm nhân, nhưng chẳng có gì phải quá lo.

Đơn cử, khi tôi đưa ông Tôn đi thăm phố xá Hà Nội, ra cầu Thăng Long đang xây dở, để “khoe” là đất nước đang “thay da đổi thịt từng ngày”, nhưng chẳng phải còng tay, súng ống kè kè, chỉ tôi và cậu lái xe.

40 năm sau

Tôi trở lại nhưng trong vai tù, như ông Tôn ngày đó. Đại tá Tình, Giám thị trại, chính là cậu quản giáo cuối cùng còn lại từ thời giam giữ ông Tôn. 

Trong câu chuyện vui, tôi kể về Võ Đại Tôn-nhà thơ bút danh Hoàng Phong Linh, có bốn câu trong một bài thơ, tôi rất thích và nhớ mãi:

Đông về qua cửa sổ

Giá lạnh xám màu chì

Cánh chim nào mới vỗ

Mang nỗi sầu bay đi, …

Tình cũng vui chuyện, kể, mình có tấm ảnh khi bé cùng bọn trẻ con, đã nhờ Tôn vẽ lại, kiểu truyền thần, giống như đúc.

Nhưng Tình cũng không thể không nhận ra qua 40 năm đó, mọi sự thay đổi rất nhiều, trong đó có phần đóng góp của mình. Tiếng là khá lên, hiện đại hơn, nhưng vẫn đẫy dẫy những khiếm khuyết, nó không phải do nghèo, mà ngược lại, do nhiều tiền hám quyền mà làm hư con người.

Những ngày đầu, tôi đã nói với thượng tá Dũng, cán bộ hỏi cung, rằng ở ngoài, bao nhiêu năm, tôi không ngừng chỉ ra những sai trái, khiếm khuyết của ngành Công an. Giờ vào đây cũng vẫn vậy, tôi sẽ chỉ ra chế độ lao tù như thế nào, mà báo chí, người dân hầu như không được biết. Tôi tuổi khỉ, như Tôn Ngộ Không, đang chui vào bụng Bạch Cốt Tinh, quậy.

Đưa cơm tù

Hai ông nằm khểnh trong buồng giam

Hai thằng tất tả ngoài hành lang

Cơm khiêng nước gánh ngày hai bữa

Canh trộn mồ hôi nhỏ từng hàng …

Đó là trích đoạn trong một bài thơ, tôi tức cảnh đưa cơm tù. Kiểu đưa cơm như thế không ổn, tôi nói với H., cùng buồng giam.

Mỗi bữa cơm có hai tù hình sự, gọi là “phạm tự giác”, gánh cơm canh đi quanh mấy dãy buồng giam để chia cho từng buồng. Dù có một cán bộ quản giáo đi cùng để giám sát, nhưng các phạm nhân này rất dễ tuồn đồ cấm từ ngoài vào, nhận thông tin từ trong ra. Chưa kể, kiểu đưa cơm đó rất bệ rạc, chẳng có chút gì gọi là chính quy cả.

Nay càng thấy, cứ hiểu đó, “đột tử” như người của Vạn Thịnh Phát trong tù là dễ hiểu.

Khoảng một tháng sau, thật bất ngờ, tới bữa ăn, chúng tôi thấy đích thân cán bộ quản giáo đẩy một chiếc xe mạ kền bóng loáng, trên là những khay nhựa có nhiều ngăn để cơm, rau, như thể trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Tôi cười thầm, biết tiếp thu ý kiến, cải tiến vậy là tốt.

Ăn cơm tù

Trại cho ăn tươi gì

Mà bụng đầy dạ chướng

Nửa đêm đồng loạt đi-

-đồng-chí-hướng … đầu giường (*)

Thằng nằm thương thằng ngồi

Phì phẹt mãi không thôi

Thằng ngồi tội thằng nằm

Bịt mũi trùm kín chăn.

Đó là bài thơ “Đồng khởi”, sau khi là nạn nhân, đồng thời cũng được chứng kiến cảnh cả đêm các buồng giam như trẩy hội. Sáng ra bác sĩ, y tá trại cuống cuồng chạy lui chạy tới phát thuốc. Đó là kết quả của một bữa cá kho. Tôi bảo H., “Lúc ăn mình đã ngờ ngợ, có vẻ như kho xong, các phạm tự giác làm bếp đã đổ thêm nước vào cho được nhiều, nhưng lại dùng nước … lã”.

Chuyện chỉ là vô tình, nhưng cũng có khi chỉ vì để tháo kíp nổ của một “quả bom” nào đó, mà cả lũ chết lây, thì sao?

Bạn tù

Một hôm trong trạm xá, vui chuyện tôi nói với Tình: “Phải nói Trại B14 là nghiêm nhất trong các trại”. Tình làm bộ khiêm nhường: “Anh thì cứ nịnh”. Tôi cười: “Vậy thì tôi nói không nịnh nha. Là có những chuyện rất lạ. Trại nghiêm thế, mà đôi khi nửa đêm, tôi nghe tiếng cười nói oang oang, như thể ai đó đang đánh bài. Hỏi ra thì biết hình như đó là ở buồng giam Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng). Tại sao anh ta lại được đặc ân đó?”

Tình nín lặng. Từ hôm sau, không còn diễn ra cảnh đó nữa.

Tôi thừa hiểu, và trong hai năm rưỡi ở đó, cũng được biết dần những chuyện liên quan tiêu cực. Bên an ninh thì không có điều kiện kiếm chác như bên cảnh sát, đồng thời do tính chất công việc và truyền thống, nói chung đỡ tiêu cực hơn.

Nhưng thời thế khác dần, an ninh cũng đánh án kinh tế ngày càng nhiều thì càng dễ bị lung lạc. Quản giáo mà cũng có ô tô riêng, đi chơi tennis. Tù có tiền là dễ được ưu ái. Đó cũng chính là kẽ hở dễ làm cho tù nào đó tự nhiên bị “đột tử”, chẳng hạn.

000_Hkg8933678.jpg
Tù nhân nghe lệnh ân xá của Chủ tịch nước tại trại tù Hoàng Tiến hôm 30/8/2013 (minh họa). AFP

Cấp cứu

Khi xảy chuyện kiểu như vậy, bệnh xá phải xử lý. Nhưng về đêm, là nan giải. Mỗi khi nghe la hét “Cán bộ ơi cấp cứu!” là cứ sởn da gà, tưởng tượng sáng ra, một phạm nhân đã ra đi.

Lo là vì cả bệnh xá chỉ có đúng một bác sĩ, chính là … con gái giám thị Tình.

Trước khi bị bắt mấy tháng, một hôm, thằng M. bạn tôi gọi điện bảo: “Thằng Tình, trước nó là quản giáo B14, giờ nó là giám thị. Con gái nó lấy chồng, nó mời mấy thằng mình dự, tổ chức ngay trong trại”. Tôi cười bảo: “Điên! Đám cưới mà tổ chức trong trại giam … Có mà nhà giai nó sợ chết khiếp”.

Khi có cấp cứu, bác sĩ có thể đang ở nhà, gọi được, đủng đỉnh đến, thì phạm toi rồi cũng nên. Mà bác sĩ lại là con thủ trưởng, có chểnh mảng gì thì cũng chẳng ai dám hó hé.

Vậy là “đột tử” do điều kiện ấm ớ như vậy, hay “đột tử” là từ những âm mưu đen tối, khó phân biệt.

Lính gác

Buồng giam của tôi ở đầu hành lang, sát phòng trực ban của cán bộ. Tiếp đó là buồng giam tử tù Dương Chí Dũng. Có một chốt lính bảo vệ thay nhau túc trực ngay sát cửa buồng giam tôi, sau này mới biết là để canh tử tù Dũng.

Ấy thế mà trong số lính đó, có một cậu như thể đến chỉ để ngủ, suốt buổi gác toàn ngáy khò khò. Cán bộ quản giáo đi qua chẳng nhắc nhở gì, có khi còn lách người qua như thể tránh làm mất giấc ngủ cậu ta.

Một hôm, nghe lính chuyện trò với nhau, bảo cậu ta là cháu một bà nào đó trên Bộ… Đây cũng là cách mà nhiều cán bộ công an có chức quyền “thiết kế” cho con cháu thăng tiến. Xin vào làm bảo vệ, học tại chức Đại học An ninh, Cảnh sát, có mảnh bằng vào là xong.

Từ Bộ trưởng, tới các thứ trưởng đều có kiểu lôi con cái vào ngành, rồi nâng đỡ cho thăng tiến, trong khi năng lực yếu; đến độ phải đi tù thảm như cựu Phó Tổng cục trưởng Tình báo Nguyễn Duy Linh, thì thử hỏi các cấp nhỏ bên dưới sao không học theo?

Trước khi bị bắt, tôi theo dõi rất kỹ vụ Dương Chí Dũng, biết Dũng khai ra tướng Phạm Quý Ngọ. Như vậy là được coi như “lập công chuộc tội”, thoát án tử. Vậy mà chưa chi Ngọ đã lăn quay ra chết. Toi công! Hồi đó, tôi còn nghe nguồn tin trong báo giới kể khá chi tiết, Ngọ đã gọi điện trực tiếp cho Dũng đang đi trốn, lên tới biên giới Việt-Trung, liền chỉ đạo quay lại ngay, đi đường Campuchia… Giờ thì mọi bí mật đi theo tướng Ngọ xuống mồ.

Tôi cũng biết, người ta rất hy vọng Dũng sẽ khai ra trên Ngọ là ai. Như vậy, khoảng thời gian mấy tháng Dũng ở B14 là cực kỳ quan trọng. Thế mà giam giữ kiểu đó, ngỏm như chơi.

Tôi lo, trong lúc cậu lính gác đó đang ngon giấc, ai đó lướt qua, gửi cho Dũng món “bả chuột”, thì sao?

Đĩ nhân kế

Trong số quản giáo, có duy nhất một nữ đại úy. Cô ta hay đứng cửa buồng giam Dương Chí Dũng nói chuyện, có khi hàng chục phút. Khi đó, tôi cho là vi phạm nguyên tắc.

Nhưng sau này, trong lối cư xử của cô ta với tôi, rồi có lúc một phó giám thị còn nhấm nháy khoe: “Hoa khôi của trại đấy!”, tôi mới vỡ lẽ. Họ còn cử cô ta đi theo tôi ra tòa phúc thẩm, chỉ mỗi nhiệm vụ như thể … thư ký, giữ bản tự bào chữa của tôi, dài 78 trang. Họ rất sợ nội dung trong đó bị tiết lộ ra cho các luật sư, còn đọc tại tòa thì đã có quan tòa chặn nếu đi vào phần “nhạy cảm”, cần giữ bí mật.

Tôi bảo H., “Đúng là trò … đĩ nhân kế”. Hai thằng cười khoái chí.

Người ta đang rất cần Dũng khai ra “trùm cuối” là ai. Vậy thì phải tìm hết những điểm yếu mà tấn công. Nhưng mặt trái của nó, là sự an toàn cho phạm nhân, không thể loại trừ khả năng Dũng cũng ra đi như Ngọ, rồi xập xí xập ngầu, ai mà biết được là do đĩ nhân kế hay do nguyên nhân nào khác mà “đột tử”.

Thời Tình là quản giáo, hai chữ “quyền”, “tiền” nó không ghê gớm như thời nay. Có tiền không dễ để tiêu, có quyền cũng không dễ kiếm được nhiều tiền.

Khi Tình làm giám thị thì mọi sự đã khác hoàn toàn, nhưng tất cả đều được bọc chung trong cái vỏ nghèo khó: CỘNG SẢN.

Chính vậy mới rất lo cho một người đẹp, đi lên không phải bằng đĩ nhân kế, cũng không chỉ dùng mỹ nhân kế. Bà thực sự là một “liệt nữ”, theo cái nghĩa nhờ tài năng mà đang góp phần làm tê liệt cả một hệ thống khổng lồ. Biết đâu sẽ có ngày bà được ghi công, không phải kiểu “công” như bà từng nghĩ là để xây dựng chế độ, mà là ngược lại.

Nay nếu “tự đầu thú” (hoặc được cho là vậy), thì bà sẽ phải ở đâu cho an toàn trên đất nước này?

Mấy tuần trước nghe đồn bà đã có mặt ở Việt Nam, được giam trong một trại tạm giam quân đội. Chẳng biết có phải đó là một chiêu Rung cây dọa khỉ?  Nhưng dù đã hay sẽ được giam ở đó thì cũng tạm yên tâm hơn.  

________________

(*) Buồng giam 2 người, rộng 9m2, bệ xí ngay đầu giường.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn