Xăng: Kỹ trị và Chính trị

Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một 20224:00 SA(Xem: 2455)
Xăng: Kỹ trị và Chính trị

Huy Đức

12-11-2022

1-31
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Tại sao người dân sẵn sàng bỏ thêm dăm ba nghìn đồng/lít để mua “xăng cục gạch?” Vì chi phí đó rẻ hơn thời gian rồng rắn xếp hàng. Cũng như thời bao cấp, không phải “gạo 4 hào” mà là gạo 12 đồng (1982) của bà Ba Thi mới cứu người dân Sài Gòn khỏi đói.

Cách điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mấy tuần qua xứng đáng để bị bất tín nhiệm. Ông vừa muốn chống lạm phát vừa muốn có đủ xăng nhưng không thể trả lời ai bù lỗ cho các công ty kinh doanh xăng dầu. Cả PV Oil và Petrolimex, cũng đều là “dân làm ăn”, chẳng ai chịu đóng vai trò “chủ đạo”.

Những người thạo việc trong Bộ Công thương tủm tỉm “tọa sơn…”. Nhưng, ông Diên không dễ cách chức những ai thấy ông rối như gà mắc tóc mà đắc chí. Wiki tiếng Việt gọi các bộ trưởng của ta là “chính trị gia”. Nhưng, khi đối diện với một khủng hoẳng như vừa qua, ông Diên [và các bộ trưởng của ta] đều bị chìm trong sự vụ.

Ngay cả khi coi mua bán xăng dầu là dịch vụ công thì bộ trưởng cũng không thể nào 5, 10 ngày lại ngồi duyệt giá. Đây là lúc mà ông Diên phải chứng minh mình là chính trị gia. Ông phải ra một quyết định không chỉ xử lý được căn bản thị trường xăng dầu mà còn đánh vào cả những xấp phong bì trong ngăn kéo của từng cục, vụ [hỏi khi đó họ còn dám cười cợt một ông bộ trưởng tay ngang nữa không].

[Vì “định hướng”] Có thể quy định “room” cho chi phí, lời lãi của các công ty. Nhưng, thay vì Bộ Công thương làm giá với “các cây xăng”; Bộ chỉ đưa ra một biên độ, khi thị trường xăng dầu biến động ở mức nào thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được quyền điều chỉnh giá [Mốc biến động không căn cứ vào giá nhập do doanh nghiệp kê khai mà căn cứ vào giá được công bố bởi thị trường khu vực].

Với cách tiếp cận này của các “chính trị gia”, hành pháp chính trị và hành chính công vụ (ngay trong một bộ) sẽ rất dễ dàng tác bạch. Thay vì giữ một tiểu đội thứ trưởng, mỗi bộ nên có một tổng thư ký hoặc một ông thứ trưởng chuyên trách, đứng đầu lực lượng công chức đảm trách dịch vụ hành chánh công. Ông này không bao giờ lên bộ trưởng nhưng cũng rất ít khi chịu rủi ro mất chức.

Khi có chính sách mới, chính ông tổng thư ký hoặc thứ trưởng này sẽ thiết kế thủ tục và hướng dẫn công chức toàn ngành thi hành. Bộ trưởng chọn cho mình các trợ lý [hàm thứ trưởng – tham mưu chính sách], thay vì can thiệp hoặc bị kéo vào sự vụ, dành nhiều thời gian hơn để tư duy chiến lược về ngành và chơi golf với bạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn