Tự thầy xô ngã mình thôi…

Thứ Tư, 09 Tháng Mười Một 202211:51 SA(Xem: 2015)
Tự thầy xô ngã mình thôi…

Chu Mộng Long

8-11-2022

Đọc bài của bạn Vân Thiêng trên Vietnamnet, là một thầy giáo, lẽ ra phải “uất nghẹn” theo bạn, nhưng tôi chỉ bật cười. Cười văng nước bọt.

Bạn Vân Thiêng đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta đang sai lầm khi đang mải mê cổ vũ cho một không khí bình đẳng quá đà, mà không cần biết rằng Thầy – Trò là một quan hệ thuộc phạm trù đạo đức, thậm chí là thiêng liêng như một thứ “niềm tin tôn giáo” của người đi học“.

1-10-142x300

 Theo bạn Vân Thiêng, việc người cha vác dao bắt “thầy hiệu trưởng” quỳ là tội ác, không chỉ làm nhục một cá nhân người thầy mà còn “xô ngã” cả bức tường đạo đức-tôn giáo-văn hoá tôn sư trọng đạo truyền thống. Xem chừng với cách luận tội ấy, cả gia đình hai đứa trẻ đáng bị tru di?

Tôi bật cười vì… bạn Vân Thiêng chỉ nhìn một chiều dưới góc nhìn của hôn quân bạo chúa phong kiến. Thưa bạn Vân Thiêng, đạo Thầy – Trò, cụ thể là “Tôn sư trọng đạo”, chắc chắn không lớn hơn đạo Vua – Tôi, tức “Đạo trung quân” trong tôn ti của Nho giáo. Khi học trò hỏi Khổng Tử, rằng Khương Tử Nha giúp Chu Vũ Vương giết vua Trụ là bất trung chăng? Không Tử đáp: “Đó không phải là giết vua, mà là giết tên hôn quân bạo chúa”. Để giữ tôn ti, Khổng Tử dạy: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Nôm na, vua phải cho ra vua, bề tôi phải cho ra bề tôi, cha cho ra cha, con cho ra con. Suy rộng hơn, thầy cho ra thầy, trò cho ra trò. Đó là “Chính danh”. Không chính danh, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”.

Mạnh Tử cụ thể hơn: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm; quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc quân; quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù” (Vua mà coi bề tôi như tay chân, ắt bề tôi sẽ coi vua như ruột rà; vua mà coi bề tôi như chó ngựa, ắt bề tôi sẽ coi vua như người dưng nước lã; vua mà coi bề tôi như cỏ rác, ắt bề tôi sẽ coi vua như thù địch).

Có lẽ chỉ cần dẫn chừng ấy, bạn Vân Thiêng đã hiểu. Rằng cái “thành trì tôn sư trọng đạo” do ai xô ngã. Tên bạo chúa mà bạn Vân Thiêng trân trọng gọi bằng “thầy Hiệu trưởng” kia tự xô ngã hay do phụ huynh học sinh xô ngã?

Không cần sự “bình đẳng quá đà” nào cả, khi thầy không còn ra thầy, ắt tự thầy xô ngã chính mình, kéo theo cả bức tường thành “tôn sư trọng đạo” lâu đời bị vạ lây. Những vụ khác mà bạn dẫn ra là sự vạ lây đấy. Thử lật trong sách xưa và trong Luật Giáo dục thời nay xem, có chỗ nào ghi chức trách của thầy giáo là đi đòi nợ thuê để hưởng hoa hồng không? Đòi nợ thuê là công việc của bọn côn đồ vô lại, ắt bị đối xử ngược lại như côn đồ ở chốn giang hồ. Nếu cảm thấy “xấu hổ, nhục nhã” thì là ở những người thầy “chính danh” thôi. Một Hiệu trưởng sắm vai một anh trùm đầu gấu đòi nợ thuê, đem bêu học trò trước cờ để hạ nhục, thì chính mình khi bị hạ nhục lại phải dày mặt ra chứ còn thấy xấu hổ, nhục nhã sao?

Tôi hình dung “thầy Hiệu trưởng” ấy đang hả hê khi người phụ huynh kia bị tống vào tù, những đứa con bé nhỏ của người cha ấy thất học, đúng tâm lý trả đũa của đứa đầu gấu chứ không có nỗi nhục nào hiện ra trên gương mặt dày của đứa đầu gấu!

Tôi ba mươi năm dạy học, để học sinh tự tin với khẩu hiệu “lấy học sinh làm trung tâm”, mỗi khi bắt đầu tổ chức hoạt động, tôi thường nói, “các bạn hãy xem tôi là bạn đồng hành tri thức”, tức bình đẳng đấy, nhưng từ lớp nhỏ đến lớp lớn, từ đồng nghiệp đến phụ huynh, có ai dám hạ nhục tôi?

Thưa bạn Vân Thiêng và ông chủ báo Vietnamnet, phàm là thầy yêu thương trò như yêu thương con mình, ắt trò cũng yêu thương thầy như cha mẹ. Không có chuyện biến yêu thương thành thù địch. Cứ hình dung, đầu giờ mỗi khi vào lớp học (chứ không cần bêu trước cờ), mỗi thầy cô xuất hiện là gầm gừ gọi tên trò đòi nợ, trẻ em nhìn thầy cô thế nào? Có khác con nợ nhìn tên đầu gấu đòi nợ thuê không? Nhà trường có giống chốn giang hồ không?

Bạn Vân Thiêng nhìn “thầy Hiệu trưởng” của bạn vì bị quỳ mà thấy “nhục nhã ê chề” thì lẽ ra cũng phải biết trẻ em và cha mẹ của chúng đã “nhục nhã, ê chề” như thế nào khi bị bêu thành con nợ bất đắc dĩ đấy chứ? Gọi là “bất đắc dĩ” vì tại sao nộp bảo hiểm lại là món nợ bên cạnh các loại phí đầu năm mà phụ huynh gánh bẹp cả thân xác mình? Bản thân ta biết nhục mà không cần biết người khác cũng nhục như mình, nên tha hồ làm nhục người khác chăng? Nhận thức như vậy có xứng đáng làm thầy không? Hay người thầy thời nay tự cho mình cái quyền làm tên hôn quân bạo chúa như vua Trụ xưa, để khi bị lật đổ thì ngửa cổ trách thần dân vô đạo?

Bài viết của bạn Vân Thiêng không chỉ lấy cái mặt nạ “tôn sư trọng đạo” ra doạ mọi người mà còn dùng nước mắt “xấu hổ, nhục nhã” làm khổ nhục kế để, một mặt che đậy tội ác của tên bạo chúa học đường, mặt khác quy tội nặng nề hơn cho người cha nông nổi. Nguy hiểm hơn, cách viết này đã thêm một lần giết hại cả gia đình hai đứa trẻ thơ vô tội. Cha hai đứa trẻ đi tù, còn hai đứa trẻ ấy không chỉ thất học mà còn mang tiếng xấu cả đời vì sự vô đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn