Đồng Tâm: Chính quyền xã xây nhà văn hóa trên đất nhà thờ bị người dân phản đối

Thứ Bảy, 29 Tháng Mười 20228:00 SA(Xem: 1650)
Đồng Tâm: Chính quyền xã xây nhà văn hóa trên đất nhà thờ bị người dân phản đối
rfa.org

Đồng Tâm: Chính quyền xã xây nhà văn hóa trên đất nhà thờ bị người dân phản đối

RFA

Hai năm sau biến cố Đồng Tâm, chính quyền xã thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội lại có kế hoạch xây dựng công trình công cộng trên mảnh đất thuộc sở hữu của nhà thờ Thượng Lâm cho dù vấp phải sự phản đối của giáo xứ.

Theo Fanpage Đồng Tâm-Mỹ Đức-Hà Nội, chính quyền xã Đồng Tâm có kế hoạch xây dựng, cải tạo nhà văn hóa tại khu vực đất Song Bát vào ngày 28/10. Mảnh đất này có diện tích hai mẫu đất (mẫu Bắc Bộ 3.600 mét vuông), thuộc Giáo xứ Thượng Lâm.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thoan, Linh mục chính xứ Thượng Lâm, qua tin nhắn với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết, khu đất này thuộc về giáo xứ Thượng Lâm cách đây hơn 100 năm, do Cha Loan (Hội thừa sai) mua để giúp việc dầu đèn nhà thờ.

Theo linh mục này, đến năm 1956 có giấy của ông Nguyễn Chí Trực- Chủ tịch tỉnh Hà Đông (tỉnh cũ) cấp nhằm giúp các ông bõ nhà thờ và dầu đèn, và tránh bị nhập vào quỹ đất Hợp tác xã.

Bản sao giấy Quyết Nghị về việc để lại ruộng đất cho nhà thờ xứ ở xã Đồng Tâm do ông Chủ tịch tỉnh Hà Đông ký vào ngày 27/6/1956 thể hiện, "Ủy ban hành chính tỉnh đồng ý để lại cho nhà thờ xứ ruộng 2 mẫu đất... để xử dụng vào việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có điều kiện sinh sống làm việc tôn giáo."

Tuy nhiên, tới năm 1972, chính quyền xã Đồng Tâm tự động chiếm dụng khu đất này, linh mục Thoan cho biết qua tin nhắn:

Khi linh mục Viên (linh mục Gioan Nguyễn Trọng Viên - PV) về giáo xứ năm 2012, ngài đã làm đơn xin chính quyền địa phương trả lại đất.

Từ khi về quản giáo xứ năm 2018, tôi có 12 lần gửi đơn lên chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị trả lại đất cho giáo xứ để có đủ diện tích sinh hoạt tôn giáo ngoài trời, nhưng chính quyền vẫn không giải quyết. Hiện nay, chính quyền xã Đồng Tâm đang có dự án xây lại nhà văn hóa ở đó.”

Một người dân ở thôn Hoành nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho biết khu đất Song Bát trước kia là ruộng và nhiều giáo dân Thượng Lâm tận dụng để trồng rau muống trước khi chính quyền xã cho người đổ đất san nền và sau đó xây dựng nhà văn hoá xã.

Chính nơi này là địa điểm người dân xã Đồng Tâm dùng để giữ 37 cảnh sát cơ động trong vụ bắt con tin giữa tháng tư năm 2017 khi nhà chức trách Hà Nội đưa lực lượng vào để trấn áp người dân trong xã trong vụ tranh chấp 59 hecta đất ở đồng Sênh.

Một người thuộc giáo xứ Thượng Lâm cho hay, nhà thờ Thượng Lâm thường tổ chức sự kiện tôn giáo ở khu vực Song Bát, nhưng gần đây thường bị ngăn cản bởi chính quyền xã.

Cũng theo bà này, hồi năm 2021, giáo dân dựng rạp, tượng và trang trí Noel ở khu vực này nhưng bị chính quyền đưa người đến tháo dỡ và chở đi nơi khác.

Trong bài viết "Linh mục Nguyễn Văn Thoan cần xem xét lại!" đăng trên trang báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân hồi tháng 12/2020, cho rằng linh mục Nguyễn Văn Thoan - Giám quản Thượng Lâm-Phúc Lâm, cùng một số công dân theo Thiên chúa giáo tại Đồng Tâm ngang nhiên dựng thánh giá, dựng tượng Đức mẹ ở ngoài và trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Hoành.

Cũng theo trang này, điểm sinh hoạt văn hóa của nhân dân thôn Hoành, hoàn toàn không liên quan bất kỳ tôn giáo nào.

Báo Hà Nội Mới trong năm 2020 cũng có bài viết nói UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý về chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình trường học và nhà văn hóa thôn ở xã Đồng Tâm.

Fanpage Đồng Tâm-Mỹ Đức-Hà Nội cho biết, trong buổi sáng ngày 27/10, giáo viên của Trường Phổ thông Trung học Mỹ Đức B đã gặp gỡ các học sinh theo đạo Công giáo ở Đồng Tâm để yêu cầu họ không được tham gia vào việc tranh chấp đất.

Phóng viên nhắn tin và liên lạc với Fanpage trên để xác minh nhưng không nhận được câu trả lời. Chúng tôi cũng gọi điện thoại vào số máy của Trường Phổ thông Trung học Mỹ Đức B và Uỷ ban Nhân dân huyện Mỹ Đức để hỏi về vụ việc trên nhưng không có ai nghe máy.

Đồng Tâm cũng là nơi xảy ra tranh chấp đất đai xung quanh khu vực đồng Sênh có diện tích 59 hecta. Người dân trong xã nói đây là đất của dân địa phương trong khi chính quyền Hà Nội nói đó là đất quốc phòng và có kế hoạch trao nó cho một doanh nghiệp quốc phòng để làm dự án.

Đầu năm 2020, Bộ Công an Việt Nam và Công an thành phố Hà Nội điều động khoảng 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Hoành, bắn chết thủ lĩnh tinh thần là ông Lê Đình Kình, và bắt giữ khoảng 30 người khác.

Những người dân Đồng Tâm này bị tuyên hai mức án tử hình, một án chung thân và nhiều bản án tù khác vì bị cho là tham gia trong vụ làm chết 3 sỹ quan công an.

Hiện mảnh đất đồng Sênh được quây kín và bỏ không, độc lập với khu đất quốc phòng hơn 200 hecta thuộc sân bay Miếu Môn dưới sự quản lý của Quân chủng Phỏng không Không quân.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn