Bấn quá, các bác để em kiếm tí cháo!

Thứ Năm, 27 Tháng Mười 20226:00 SA(Xem: 1922)
Bấn quá, các bác để em kiếm tí cháo!
rfa.org

Bấn quá, các bác để em kiếm tí cháo!

Bình luận của Chánh Anh

“Các bác ăn (cả giày cả tất) đất xung quanh. Bộ Dục đè con cháu ra bắt thay sách hàng năm. Bộ Y đè cả nước ra ăn cứt mũi. Viễn thông ăn đằng viễn thông. Gang thép ăn đằng gang thép. Ăn cả phân (Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc). Hàng không với lãnh sự đồng tình bóp v. à nhầm ăn giải cứu công dân. Các bác có hồng phúc, quản người sống ăn được từ nhà xí ăn đi. Em hẩm hiu quản toàn người chết, người già, mẹ bỉm, trẻ con sơ sinh với người bệnh tật ốm đau, cựu chiến binh các thứ, em ăn cái gì? Nghĩ ra vụ khắc tên này là tuyệt cú mèo. Em đảm bảo với các bác, tuyệt đối không có đương sự nào đi kiện cả.”

Đấy bọn phản động nó sẽ giả mạo bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính chủ Đào Ngọc Dung nói thế. 

Bộ Lao động làm gì?

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, như cái tên dài dòng của nó, được Nhà nước Việt Nam giao quản lý tới 22 lĩnh vực, ngoài ra là thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng giao. 

Đó đều là các lĩnh vực rất quan trọng. Kể ra vài cái nhé:
-Hướng dẫn và tổ chức thực hiện hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công; 

-Về tiền lương tối thiểu, định mức lao động, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương; các quy định của pháp luật lao động đối với mọi dạng lao động.

-Phân tích, dự báo, công bố thông tin thị trường lao động về bảo hiểm thất nghiệp.

-Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; quy chế tuyển sinh đào tạo, quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

-Phát triển thị trường lao động ngoài nước.

-Hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

-Về an toàn, vệ sinh lao động; chế độ làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

-Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. 

-Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo và trợ giúp xã hội.

-Điều phối việc thực hiện quyền trẻ em.

-Phòng, chống tệ nạn xã hội: mại dâm, cai nghiện ma túy, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; giáo dục nghề nghiệp và tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy; xây dựng các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…

Riêng về lĩnh vực người có công với cách mạng, cụ thể Bộ phải làm những việc như sau:

-Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công.

-Quy định chế độ, định mức, phương thức trang cấp dụng cụ chỉnh hình và phương tiện trợ giúp.

-Tiếp nhận, quy tập hài cốt liệt sĩ; thông tin về mộ liệt sĩ;

-Tổ chức phong trào đền ơn đáp nghĩa, quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Việt Nam trải qua mấy cuộc chiến tranh, hậu quả rất nhiều và nặng. Theo Thông tấn xã Việt Nam, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật. Có những người mất bộ phận cơ thể khi không có nghề nghiệp chuyên môn, không có vốn liếng nên tìm việc vô cùng khó khăn. Họ sống nhờ vào các khoản trợ cấp ít ỏi.

Dân Việt ai cũng quen thuộc với cái quỹ gọi là “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó mọi người được Nhà nước kêu gọi đóng góp tiền để giúp đỡ những người có công với cách mạng, cụ thể là giúp về nhà cửa (gọi là Nhà tình nghĩa), nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng không còn người nương tựa, hay tặng sổ tiết kiệm cho họ. Dĩ nhiên, doanh nghiệp là đối tượng được đặc biệt quan tâm để xin tiền trong dịp này.

Những người bị nhiễm chất độc da cam thì đời sống hoàn toàn là bi kịch: con cái họ hết đứa nọ đến đứa kia bị nhiễm, trở nên tâm thần, khù khờ hoặc điên dại, không thể sống bình thường. Có những người buộc phải xích chính những đứa con của mình vào gốc cây hay đóng chuồng nhốt lại để rảnh tay kiếm ăn nuôi chúng. 

Khẩu hiệu của ngành này là người có công phải có đời sống tốt hơn hoặc bằng mức chung của xã hội, nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều người có công còn sống nghèo khổ. Chính ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) viết trong một bài viết mang tên Hoạt động đền ơn đáp nghĩa người có công với cách mạng, đăng trên trang web Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương vào ngày 26/7/2021, “trong năm 2020 đã xóa trên 16.000 hộ người có công thuộc diện nghèo”. Nghĩa là ít nhất đã có 16.000 gia đình của người có công với cách mạng thuộc diện nghèo.

Nghèo, theo chuẩn của Việt Nam thời điểm ấy là thu nhập trên đầu người mỗi tháng dưới mức 700.000 đ (ở nông thôn) và 900.000 đ (ở thành thị). Đồng thời họ cũng bị thiếu hụt ít nhất 3/5 dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Cụ thể ra là có tận 16.000 hộ gia đình người có công (tổng cộng số người ít nhất gấp đôi số hộ, vì mỗi gia đình tối thiểu phải 1-2 người) phải sống với mức thu nhập bèo bọt này, thiếu cả nước sạch hoặc không được chăm sóc y tế đúng mức… 

Vẫn theo ông Lợi, trong năm 2022 Bộ đã hỗ trợ gần 394.000 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở và tặng gần 62.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 104 tỷ đồng. 

Các con số nói lên rất rõ ràng rằng khẩu hiệu của ngành Lao động, Thương binh và xã hội vẫn đang là … khẩu hiệu mà thôi.

000_Hkg2600084.jpg
Hình minh hoạ: Một phụ nữ viếng mộ người lính đã hy sinh tại nghĩa trang ở Hà Nội nhân ngày Thương binh Liệt sĩ của Việt Nam 27/7/2009. AFP

Tham nhũng

Bộ Lao động có trách nhiệm chăm sóc người yếu thế (trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người già neo đơn không người chăm sóc.v.v), còn lại là lĩnh vực thuộc về liệt sĩ, rất linh thiêng theo tập quán của người Việt. Nhưng kể cả tiền già, tiền sữa, lẫn tiền thương binh, các cụ đều từng xơi tuốt. 

Trước năm 2015, từng có nhiều đơn thư tố cáo về việc làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh tại Quân khu 1 và Bộ tư lệnh thủ đô. Theo chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, kết quả kiểm tra có đến 70% tố cáo đúng. Con số làm giả hồ sơ thương binh và thương binh nặng được phát hiện năm 2015 lên đến hơn gần 3.000 vụ, nhiều cán bộ liên quan đã xộ khám.

Một trong những người phát hiện vụ án động trời này kể lại: “Hồi đó gia đình nào có người đi lính, có sẹo và nhiều tiền đều đổ xô làm hồ sơ. Có những người bị tai nạn xe máy cụt một ngón tay, hay tuốt lúa bị vật nhọn đâm vào trán cũng đi giám định để hưởng chế độ thương binh. Trong khi tôi đi bộ đội mấy chục năm, từng bị thương nặng, đặc biệt bao nhiêu chiến sĩ hy sinh trên chiến trường đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa được Nhà nước công nhận. Đó là điều bất công khiến chúng tôi không thể im lặng...” - ông Lãng (Nguyễn Tiến Lãng, ở tỉnh Bắc Ninh, một trong hai người tố cáo và góp phần lột trần đường dây chạy hồ sơ thương binh ở các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu ) nói trên báo Pháp Luật TP HCM vào tháng 5/2017.
Số tiền đương sự phải nộp cho mỗi bộ hồ sơ giả là 100 triệu đồng. Số tiền thu hồi về công quỹ là 115 tỷ đồng, giảm chi mỗi năm 20 tỷ. 

Năm 2018, chỉ riêng tỉnh Nghệ An phát hiện gần 600 hồ sơ thương binh giả, phải thu hồi gần 118 tỷ đồng.

Trở lại với con số gần 1,2 triệu liệt sĩ và gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật. Có những người cha người mẹ trước khi qua đời vẫn đau đáu dặn con cháu phải tìm cho ra hài cốt của anh/em/chú/bác, đưa về an táng và thờ cúng trong gia tộc. Có những người bỏ gần như cả cuộc đời còn lại để giúp đồng đội đi tìm và quy tập hài cốt của các liệt sĩ về nghĩa trang hay gia đình. Chi phí cho những cuộc lặn lội tìm kiếm mỗi năm suốt khắp các vùng rừng núi, thành thị, hay sông biển là không thể nào tính xuể. Dư âm của cuộc chiến tranh đau đớn không chỉ ở sự mất đi sinh mạng hay một phần cơ thể, nó còn kéo lê qua nỗi mong đợi và hy vọng đằng đẵng ở hàng triệu người.

Cho nên, nếu có dư tiền, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên làm cái việc giúp đỡ cho thân nhân đang còn sống của những liệt sĩ được có cơ hội việc làm, học hành, chăm sóc y tế, có nhà ở, có nước sạch và vệ sinh. Gánh một phần chi phí đi tìm hài cốt người thân cho họ. Chăm sóc thật tốt cuộc sống của những thương binh, bệnh binh, cho họ ăn thức ăn ngon, uống sữa tốt, mua những thiết bị hỗ trợ cuộc sống, giải trí lành mạnh cho họ, đền đáp những ngày cuối cùng của họ. 

Còn dòng chữ Vô danh khắc trên bia mộ của những người đã ngã xuống mà chưa tìm ra tên tuổi, đó là dòng chữ thiêng liêng và bi tráng. Nó thuật lại sự đau thương vô hạn của những cuộc chiến tranh, bất kể là chiến tranh vì mục đích gì. Nó thuật lại sự hy sinh không thể kể xiết của hàng triệu triệu con người bằng xương bằng thịt, ở tuổi mười tám hai mươi, mắt trong, môi hồng, tâm hồn phơi phới đầy nhạc và thơ. Và, trên hết mọi quan điểm chính trị, chủ nghĩa anh hùng và thời gian, bất cứ tấm bia mộ chiến sĩ Vô danh nào cũng khiến cho người ta đau xót, thương tâm. Người ta sẽ sợ hãi và căm ghét những gì đã tạo nên những nghĩa trang trùng trùng bia mộ vô danh. Giá trị này sâu sắc và mang tính nhân loại hơn vô vàn những lời hiệu triệu, ca ngợi, bia đá bảng vàng. 

Nó không có cái nghĩa thô thiển, sỗ sàng như Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị kiến nghị và ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát ngôn.
Trích bản tin trên trang web Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 

“Liên quan tới việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ mà đoàn công tác tỉnh Quảng Trị kiến nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo quyết liệt tỉnh Quảng Trị thực hiện việc đổi tên bia mộ.

"Không liệt sĩ nào là vô danh. Các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán, vì thế, việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện. Với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất tên trên những tấm bia này là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Bia mộ nên làm với cùng một loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu đến năm 2023, tỉnh Quảng Trị phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Trong quá trình tu sửa và khắc lại tên trên bia mộ liệt sĩ cần có sự bàn bạc với địa phương. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, không được để tiêu cực trong việc này”.
Ủa ủa hóa ra tiêu cực là việc quen quá trong ngành rồi hay sao mà tới việc này Bộ trưởng phải đặc biệt lưu ý vậy ta? Mà mấy đứa quen ăn bẩn không sợ liệt sĩ hiện về bóp cổ ằng ặc hay sao?

Nói túm lại, có tiền thì cần dùng vào việc đền ơn đáp nghĩa thiết thực. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nên quyết liệt rút lại yêu cầu khắc lại bia mộ liệt sĩ vô danh của bản thân. Ai chả nhìn ra đấy là một dự án móc tiền ngân sách để cuối năm xài Tết của những người đề nghị, chứ chẳng hề có ý nghĩa hay giá trị nào với các liệt sĩ hay thân nhân của họ.
Đừng để như Việt Á! Vài năm nữa tổ chức hội nghị ngành trong tù, thì lại tiết kiệm được chi phí nhiều lắm!

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 28 Tháng Mười 20221:45 SA
Khách
La lung mot dieu : sau 47 nam,ke tu 1975.Dang cong san chua he bao gio tim kiem mo ma nhung nguoi " SINH BAC TU NAM " ma sau moi tran danh,ho deu bi ca hai phia chon tap the.Muon tim kiem nhung nguoi " xam lang " nay thi de lam,cu go dau cac don vi truong,va hoi tham dan chung o cac vung chien tran la ra ngay.Dieu thu hai.Dan chung mien bac Vietnam khong he thac mac,tai sao o Mien nam co thuong phe binh ma VNDCCH lai khong co ! Vay thi vai trieu thanh thieu nien SINH BAC TU NAM deu chay theo dich ca???
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn