Xử lý Vạn Thịnh Phát tù mù: kẻ no cơm, người không chút cháo!

Thứ Ba, 18 Tháng Mười 20224:00 SA(Xem: 1935)
Xử lý Vạn Thịnh Phát tù mù: kẻ no cơm, người không chút cháo!
rfa.org

Xử lý Vạn Thịnh Phát tù mù: kẻ no cơm, người không chút cháo!

Bình luận của blogger Gió Bấc

Đối với đại án Vạn Thịnh Phát, tổng giá trị tài sản bị lừa đảo phải xử lý trách nhiệm dân sự sẽ lớn đến mức khó thể hình dung mà 25.000 tỷ đồng trái phiếu của An Đông chỉ là con số lẻ. Trách nhiệm và quyền dân sự của vụ án sẽ liên quan đến hàng vạn thể nhân, pháp nhân, cá nhân với các mối quan hệ chồng chéo, phức tạp. Nay sự việc đổ bể phải xử lý nhưng ngay những bước đầu tiên của tiến trình tố tụng đã cho thấy nhiều hiện tượng bất minh, vi phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực, dự báo hệ quả tất yếu xảy ra là hàng vạn trái chủ các trái phiếu, những người có quyền lợi liên quan đến Vạn Thịnh Phát sẽ vừa bị đá vừa bị đạp, có thêm nguy cơ thiệt thòi về quyền lợi dân sự trong vụ án.

Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã và sẽ tiếp tục bị khởi tố đều có liên quan trách nhiệm trong những dòng tiền khổng lồ huy động từ các cá nhân, pháp nhân trong xã hội. Việc xử lý hình sự là quyền và trách nhiệm của Nhà nước để thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh, tài chính tiền tệ nhưng còn một trách nhiệm quan trọng hơn nửa là việc xử lý trách nhiệm dân sự của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và những cá nhân trong tập đoàn này.

Đây là công việc hết sức phức tạp đòi hỏi sự minh bạch, công chính của cơ quan tố tụng, tài phán, trước hết là sự nghiêm minh tuân thủ pháp luật của các cơ quan này. Tuy nhiên, vụ án vừa khởi động đã cho thấy nhiều dấu hiệu mờ ám, bất thường hết sức nghiêm trọng. Rõ ràng nhất là cái chết bí ẩn của hai nhân vật quan trọng trong vụ án:

Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), thành viên Hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ông Thành, người có ba vai trò trong ba chủ thể  của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, đã đột tử đêm 6/10, một ngày trước khi vụ án được công bố công khai là khởi tố nhưng thực tế chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi công an khám xét nơi ở và làm việc của bà Trương Mỹ Lan. Mặc dù thông tin chung công bố khởi tố vào ngày 8-10 nhưng theo theo ghi nhận của phóng viên báo Thanh Niên có kèm hình ảnh, lúc 1 giờ 48 ngày 7/10, tổ công tác của cơ quan tố tụng đi trên ô tô biển số xanh xuất hiện và đi thẳng vào cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence thuộc sở hữu của Công ty Vạn Thịnh Phát (tọa lạc trên đường Pasteur, Q.3, TP.HCM) - một căn hộ Penthouse của cao ốc được cho là nơi ở của vợ chồng bà Lan.(1)

Tiếp theo đó là cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng chỉ một ngày sau khi công an công bố khởi tố bắt giam. Thông tin từ việc bắt giam đến cái chết có nhiều mờ ám. Bị can của vụ trọng án chết trong lúc đang bị giam giữ nhưng cơ quan điều tra không hề công bố thông tin. Báo chí đưa tin đám tang vài giờ lại rút xuống.

Về chức danh bà Hồng khi bị bắt, công an chỉ công bố là Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên có tờ báo đã kịp phát hiện thông tin chức danh của bà Hồng ngay sau khi ông Nguyễn Tiến Thành chết. Theo thông tin được đăng tải được chụp từ màn hình giới thiệu của SCB thì bà Hồng từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại SCB bao gồm: Trưởng phòng tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ Kinh doanh, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB. Sau khi bà Hồng chết, thông tin này không còn được tìm thấy trên website này.

nguyenphuonghongscb.jpeg
Ảnh chụp màn hình

Là dân đen chúng tôi không dám bắt lỗi công an, vi phạm pháp luật là chuyện thường ngày của họ vấn đề là hệ quả cái chết bất minh và cách làm việc bất minh ấy tạo ra những nguy cơ gây thiệt hại cho người dân. Luật sư Phùng Thanh Sơn đoàn luật sư TPHCM đã có status trên Facebook cá nhân  nêu vấn đề quan trọng. 

“Nhân sự kiện bị can Nguyễn Phương Hồng đột tử:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị can đã chết có được đặt ra? Và cơ chế kế thừa quyền tố tụng liên quan đến trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự được đặt ra như thế nào?” (2)

Lập luật của luật sư Phùng Thanh Sơn rất đáng lưu ý. Hơn bất cứ công ty nào khác, các cá nhân trong guồng máy Vạn Thịnh Phát cùng lúc có nhiều vai trò khác nhau với các ông ty con hoặc các đối tác. Thí dụ, ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trong dự án tỉ đô ở Vân Đồn, ông Nguyễn Vũ Anh Thi vừa là Tổng giám đốc HDMon Vân Đồn JSC vừa là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam, một nhánh trong hệ sinh thái của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. HDMon Vân Đồn JSC đứng ra tranh thầu với Liên danh Vạn Phát Hưng – Xuân Đỉnh có bà Vi Thị Thảo mà bà Thảo lại là là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Emerald Harbour – công ty con của CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam. 

Xác định trách nhiệm dân sự cá nhân trong vụ án này đã khó, xác định trách nhiệm dân sự chung của Vạn Thịnh Phát lại càng khó. Hiện nay, công an chỉ mới điều tra hành vi lừa đảo của Vạn Thịnh Phát ở công ty An Đông với số trái phiếu trị giá gần 25.000 tỉ đồng. Khối tài sản An Đông đã rất phức tạp nhưng đâu riêng chỉ An Đông, vì vòi bạch tuộc của nó vươn dài ra thâu tóm, dần mình liên kết với nhiều dự án, doanh nghiệp khác mà hầu hết đều có vấn đề và có nguy cơ phải điều tra xử lý.

Chỉ cần điểm qua vài thông tin báo chí đã thấy giật mình. Vạn Thịnh Phát đứng sau hai công ty trúng thầu do đấu giá ảo đất ở Thủ Thiêm. 

“Cả hai công ty đang nợ 8.000 tỷ đồng tiền đấu giá đất Thủ Thiêm vừa bị ngành thuế cưỡng chế đều có liên hệ đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Mới đây, Chi Cục Thuế TP. Thủ Đức đã ban hành quyết định 1572 cưỡng chế số tiền thuế 1.794 tỷ đồng với Công ty CP Dream Republic và quyết định 1573 cưỡng chế số tiền thuế 1.796 tỷ đồng với Công ty CP Sheen Mega.

Theo hồ sơ, cả hai Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đều có liên hệ đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan. Theo đó, một trong ba cổ đông sáng lập của Công ty CP Dream Republic là ông Đặng Minh Thắng. Ông Thắng lại là Tổng Giám đốc của một công ty có tên Innoware mà ở đó bà Trương Huệ Vân - cháu của bà Trương Mỹ Lan - là Thành viên HĐQT.

Đối với Công ty CP Sheen Mega, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Huyền tham gia góp vốn sáng lập Đắc Vạn Hưng, đơn vị gián tiếp sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, chủ đầu tư dự án Sài Gòn Peninsula (quận 7, TPHCM) nhưng chưa thể triển khai nhiều năm qua và cũng từng được Vạn Thịnh Phát giới thiệu trên trang chủ của mình”.(3)

Không chỉ vậy, Vạn Thịnh Phát dính tới siêu dự án 22.000 tỷ đồng có nhiều sai phạm. “Sau những ảnh hưởng lớn với các pháp nhân trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm gần đây, Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan tiếp tục cho thấy bóng dáng của mình tại một khu đất vàng khác còn sót lại ở thành phố Thủ Đức. Đó là siêu dự án Sài Gòn Bình An có quy mô lên đến 117 ha được chủ đầu tư "rót" hơn 22.000 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn, tại Khu đô thị Sài Gòn Bình An, dự án đã chuyển nhượng cho Vạn Thịnh Phát, công ty liên quan đến Him Lam bị chỉ ra nhiều vi phạm” (5)

Đáng chú ý, thông tin trên một số báo Nhà nước về mối liên quan giữa Vạn Thịnh Phát với dự án Sài Gòn Bình An được đưa cách đây vài ngày nay đã không còn được tìm thấy trên mạng. Đường dẫn đến bài báo cũ nêu các thông tin cụ thể này đã báo lỗi.

Pháp luật dân sự Việt Nam vốn đã mơ hồ đến mức Chánh Án Trịnh Hồng Dương từng tuyên bố “Luật Dân Sự xử sao cũng được”. Trong thực tế năng lực và công tâm của các cơ quan tố tụng Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Chánh án Nguyễn Hòa Bình nổi tiếng từng chủ trì hội đồng dao thớt giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải từng đưa ra nhiều phán quyết bất công nghiêng lệch chết người.

Trong xác lập trách nhiệm dân sự trong án hình sự lại đầy oan trái bất công. Ông Liên Khui Thìn bị án tử tù vụ EPCO-Minh Phụng đã có đơn tố cáo việc bản án có hiệu lực đã 21 năm (từ ngày 11-2000) vẫn không thể hoàn thành việc thi hành án. Các cơ quan tố tụng đã bỏ sót hoặc áp dụng cách tính toán không thực tế khiến cho một khối lượng tài sản giá trị lớn của ông đã bị mất đi. Tài sản của công ty TNHH EPCO, công ty TNHH An Khánh và công ty TNHH Hồng Long của ông đã bị cướp đi giá trị hàng ngàn tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, xác minh đơn và ngày 16-4-2021, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty TNHH EPCO (TPHCM) và một số đơn vị có liên quan”.(5)

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát lần này, trách nhiệm dân sự lại càng phức tạp với nhiều loại chủ thể khác nhau. Sẽ không thiếu những cơ quan nhà nước, các đại gia, doanh nghiệp là người bị hại hoặc là bên liên quan tranh chấp tài sản nhưng sẽ có rất đông là những cá nhân đơn lẻ bị lừa mua cổ phiếu. Mâu thuẫn đối kháng quyền lợi, trách nhiệm dân sự không chỉ xảy ra giữa Vạn Thịnh Phát và các đối tác mà còn có cả giữa những người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có liên quan.

Sự bất minh và thiếu công tâm, năng lực pháp lý của các cơ quan tố tụng bộc lộ ngay trong bước đầu tiên khởi tố vụ án dự báo sẽ dẫn đến hệ quả kẻ no cơm ấm cật, người không có cháo mà húp. Thiệt thòi đương nhiên sẽ thuộc về số đông những trái chủ cá thể yếu thế
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn