Những dự án ‘zombie’ cuả Việt Cộng

Thứ Bảy, 17 Tháng Chín 20228:00 SA(Xem: 2327)
Những dự án ‘zombie’ cuả Việt Cộng

Blog VOA

Trân Văn

16-9-2022

Cách nay khoảng 20 năm, chuyên gia nhiều giới từng cảnh báo, khi khoảng cách giữa nhiều phi cảng quá nhỏ và khi hệ thống giao thông đường bộ đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển, đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi cảng chính là vứt tiền qua cửa sổ.

Có không ít zombie (những xác chết đội mồ đứng dậy, tiến – lui, hành động theo sự điều khiển của các pháp sư, khuấy động thế giới người sống) trong hệ thống chính trị và hệ thống công quyền tại Việt Nam. Việc tìm đủ cách khôi phục những chủ trương, dự án đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông như đường sắt cao tốc, phi cảng,… sau khi tạm lắng bởi các trận bão dư luận chính là ví dụ.

***

Giữa năm 2010, sau khi nghe nhiều người, nhiều giới phân tích thiệt – hơn, hay – dở về “Dự án Đường sắt cao tốc” (1) , các Đại biểu Quốc hội khóa 12 (2007 – 2011) đã nhất trí gạt bỏ dự án này (2). Tuy nhiên năm năm sau, chính phủ Việt Nam đã “hà hơi, tiếp sức” để dựng dự án vừa kể đứng dậy bằng cách đổi tên dự án từ “Đường sắt cao tốc” thành “Đường sắt… tốc độ cao” (3).

Từ đó đến nay, thỉnh thoảng “Dự án Đường sắt… tốc độ cao” lại khuấy động dư luận vì cứ xẹp xuống một thời gian do có nhiều người, nhiều giới khuyên can lại được dựng dậy, chẳng hạn, hệ thống công quyền đã từng có ý định mang dự án ra trình các ĐBQH khóa 14 hồi 2020 nhưng ngừng lại dường như vì khó được thông qua và tin mới nhất: Chính phủ đang chờ Bộ Chính trị cho… chủ trương trong tháng này (4).

Cứ dùng Google để tìm – đối chiếu khuyến cáo của các giới về “Dự án Đường sắt cao tốc”, sau này đổi lại thành “Dự án Đường sắt tốc độ cao” suốt từ 2008 đến nay ắt sẽ thấy, tuy dự án không thuyết phục được công chúng về tính khả thi, không có giải pháp giải quyết hậu quả như nợ nần (sẽ phải vay vài chục… tỉ Mỹ kim), bảo đảm hiệu quả hoạt động (5)… nhưng trong 14 năm qua, hệ thống công quyền Việt Nam dứt khoát không bỏ cuộc (6).

Không chỉ có “Dự án Đường sắt tốc độ cao” giống như… “Zombie”. Có rất nhiều chủ trương, kế hoạch, dự án khác, cả của chính phủ lẫn chính quyền các địa phương chẳng khác gì… “Zombie”. Chẳng hạn, tính riêng trong lĩnh vực giao thông, song hành với… “Zombieđường sắt tốc độ cao” là… “Zombie… Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc”.

***

Cách nay khoảng 20 năm, chuyên gia nhiều giới (kinh tế, hàng không,…) từng cảnh báo, khi khoảng cách giữa nhiều phi cảng quá nhỏ (chỉ từ vài chục đến chừng hơn một trăm cây số) và khi hệ thống giao thông đường bộ đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển, đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi cảng chính là vứt tiền qua cửa sổ. Thậm chí tháng 3 năm 2016, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam từng chính thức thú nhận, trong 22 phi cảng, chỉ Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sinh lợi, 20 phi cảng còn lại đều lỗ nặng. Lượng khách hàng năm của 20 phi cảng đó chỉ dao động trong khoảng từ 8% đến 37% so với qui mô đầu tư.

Tuy nhiên với sự ủng hộ… “không mệt mỏi” của chính phủ, Bộ GTVT vẫn hết sức… “kiên nhẫn”, không ngừng chỉnh sửa cho cái gọi là… “Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn từ 2021 – 2031 và định hướng đến năm 2050”. Kể cả sau khi Trà Nóc được biến thành… phi cảng quốc tế và sau đó, chính quyền thành phố Cần Thơ suýt thực hiện… sáng kiến… dùng công quỹ để… bù lỗ cho các hãng hàng không mở… đường bay đến Trà Nóc (7).

Bất kể thực tế là vốn (thuế, tiền vay cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam, tiền lãi) rót vào hệ thống phi cảng không những không sinh lợi còn khiến nợ nần càng ngày càng lớn,… hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương (chính phủ với đại diện là Bộ GTVT) đến địa phương (chính quyền các tỉnh) vẫn… không tỉnh! Tuy “thi đua mở sân bay rồi thi đua bù lỗ” đã được đúc kết cách nay năm năm nhưng “Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn từ 2021 – 2031 và định hướng đến năm 2050 cứ lắng xuống mỗi khi công chúng sốt ruột rồi lại… trồi lên, trở thành cơ hội để chính quyền các tỉnh thi nhau… xin, còn chính phủ thì nhờ vậy mà có cơ hội… xem xét – phê duyệt!

Mới đây, ông Lê Văn Thành – một trong các Phó Thủ tướng – vừa họp với đại diện của “15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cảng hàng không” để “tìm các nhà đầu tư sân bay theo hình thức PPP” (hình thức đối tác công tư: chính quyền giao đất để nhà đầu tư thực hiện – quản lý – vận hành dự án) (8). Cũng vì vậy “Zombie… Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc” lại khuấy động dư luận. Ngay cả những cơ quan truyền thông vốn hết lòng ủng hộ mọi chủ trương, chính sách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền như Công An Nhân Dân cũng thấy cần phải mở miệng trước những sự kiện như Sơn La xin đầu tư hai phi cảng (9).

***

Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn bất động, không đặt định được giải pháp khả thi nào để đưa giáo dục, y tế (vốn là phúc lợi công cộng, bảo đảm an sinh) ra khỏi khủng hoảng vì thiếu đủ thứ từ chủ trương đúng, chính sách hợp lý và khả thi đến nhân lực, hạ tầng, hay tìm cho ra cách thức giải quyết những bế tắc cố hữu trong lĩnh vực việc làm (vốn liên quan để cả kinh tế lẫn dân sinh),… ngoài những chỉ đạo quái gở bởi đã vô duyên còn vô trách nhiệm kiểu như: “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm” (9)? Vì lẽ gì mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lại trung thành với một số chủ trương, kế hoạch, dự án tới mức biến chúng thành… “Zombie” như đã biết và đang thấy? Ai, cái gì đang để nhiều thành viên từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác có thể vận hành các hệ thống như chỗ bảo trợ và dành hết tâm huyết cho… “Zombie”?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn