Nguyên Ngọc

Thứ Ba, 06 Tháng Chín 202210:00 SA(Xem: 2670)
Nguyên Ngọc

Huy Đức

5-9-2022

NN
Cựu Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Nguyên Ngọc. Ảnh trên mạng

Một lần, bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi Nguyên Ngọc, “Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?” Nguyên Ngọc nói, “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua” [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Pháp tổ chứ tại thành phố Tours, năm 1920].

Sáng nay, 5-9-2022, tôi gọi điện thoại vào Hội An chúc mừng sinh nhật ông và xin ông cho phép tôi nhắc lại câu chuyện “từ Đại hội Tours”. Ông nói, “Được nhưng nên nói rõ phản ứng của bà Bình”. “Bà Bình phản ứng sao ạ?”. “Bà ấy im lặng”.

Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước vĩ đại Phan Chu Trinh. Ngày 19-6-1919, Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là “Nguyễn Ái Quốc”.

Linh hồn của bản “Yêu sách” này là các trí thức lớn – Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền – những người kiên trì chủ trương, “Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mới mưu cầu độc lập chứ không nên cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập”.

Bà Nguyễn Thị Bình từng nhận xét, “Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước”. Không thể nhận biết lòng yêu nước của Nguyên Ngọc theo cách hiểu thông thường.

Trong chiến tranh, ông Võ Chí Công khi ấy đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Khu ủy khu V, “ra lệnh” cho hai người “không được chết” là Nguyễn Chơn (một người giỏi cầm quân) và Nguyên Ngọc (một người cầm bút). Nhưng lệnh ấy của Bí thư khu ủy cũng không ngăn được Nguyên Ngọc xuống xã, nằm ngay trước mũi đạn, hòn tên.

Năm 1979, khi đang là một đại tá quân đội, đại biểu Quốc hội, Bí thư đảng đoàn kiêm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, trong “đề dẫn” của mình, Nguyên Ngọc đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng “có nhiều sách mà không có tác phẩm” là bởi “Tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học”.

Sự thẳng thắn này đã giới hạn sự nghiệp chính trị của ông, nhưng văn chương nước nhà thời ông làm Tổng Biên tập của tờ Văn Nghệ đã có thêm rất nhiều tác giả và tác phẩm.

Cho dù, từ “Đất Nước Đứng Lên” đến “Dọc Đường” nội hàm yêu nước của ông đã thay đổi rất nhiều; nhưng tất cả đều nhất quán với tính cách ông. Nguyên Ngọc là một người không bao giờ đóng đinh nhãn hiệu yêu nước của mình ở “Rừng Xà Nu” và không dùng nó để đổi chác công danh hay tiền bạc.

NN-1
Sách của Nguyên Ngọc. Ảnh trên mạng

Lòng yêu nước của ông không chỉ có trách nhiệm mà còn phải đi cùng trí tuệ. Và điều cốt lõi nhất của Nguyên Ngọc là trung thực. Ông trung thực một cách cực đoan, trước hết, với từng suy nghĩ của mình. Điểm sai từ “Đại hội Tours” không chỉ có Nguyên Ngọc nhìn ra nhưng nói thẳng ra, có lẽ, chỉ những người như Nguyên Ngọc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn