Tư duy cải cách giáo điều kìm hãm động lực tăng trưởng kinh tế thế nào?

Thứ Ba, 16 Tháng Tám 202210:00 SA(Xem: 1576)
Tư duy cải cách giáo điều kìm hãm động lực tăng trưởng kinh tế thế nào?
rfa.org

Tư duy cải cách giáo điều kìm hãm động lực tăng trưởng kinh tế thế nào?

Bình luận của TS. Phạm Quý Thọ

Sự kết hợp các yếu tố tăng trưởng kinh tế chứa đựng ‘bí ẩn’ cần giải mã cho mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Mỗi yếu tố có sự đóng góp nhất định của mình cho tăng trưởng nhưng việc tổ chức vận hành chúng có vai trò đặc biệt, quyết định hiệu quả sự kết hợp và phụ thuộc vào hệ tư tưởng, ý thức hệ. Đây là “bí ẩn” chủ yếu cần giải mã đối với Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) chuyển đổi sang thị trường, tư duy cải cách giáo điều đang kìm hãm động lực tăng trưởng kinh tế.

Tư duy giáo điều

Cải cách được coi là chế độ Đảng Cộng sản cầm quyền ‘tự sửa’ chính mình để lãnh đạo đất nước. Chính sách cải cách dù có lấy tên gọi thế nào, như ở Trung Quốc là “Cải cách và Mở cửa” hay ở Việt Nam là “Đổi mới” thì bản chất vẫn không thay đổi. Việc vận hành mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã triệt tiêu động lực tăng trưởng, kinh tế không phát triển, thua trong cạnh tranh thể chế với chủ nghĩa tư bản (CNTN) trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đe doạ sự tồn vong chế độ chuyên chế. Chuyển đổi sang thị trường đã “cứu” chế độ, dù nhà cầm quyền vẫn nói là nhờ “sự sáng suốt” của Đảng. Khi động lực thị trường giúp đất nước “nghèo nàn, lạc hậu”, xuất phát điểm kinh tế thấp đã có thể tăng trưởng nhanh, thì “thành tích” vẫn thuộc về… Đảng.

Sự giáo điều thể hiện ở chỗ tư tưởng CNXH đã không còn thích hợp với thực tế chuyển đổi hiện nay, nhưng vẫn ‘lấn át’ cải cách thể chế để tạo dựng môi trường cho thị trường hoạt động thúc đẩy tăng trưởng. Tư duy ‘giáo điều’ trong cải cách chứa đựng mâu thuẫn giữa hai hệ giá trị CNTB và CNXH, nó luôn ‘trực chờ’ bùng nổ khi vận hành chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Cải cách trở nên ngày càng trở nên ‘nhạy cảm’ với chế độ và, chỉ một sai lầm chính sách mắc phải cũng khiến nền kinh tế bị tổn thương. Như đã biết, ‘điều tồi tệ’ đã xảy ra. Sự “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế” đã để lại những hậu quả nặng nề, một thập kỷ ‘mất mát’ của nền kinh tế, do chính sách tăng trưởng ‘nóng vội’ sai lầm dựa vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nghĩa là các doanh nghiệp ‘CNXH’ bị ‘ngộ nhận’ là “trụ cột” tạo ra động lực tăng trưởng.

Một loạt công trình dự án được coi là trọng điểm quốc gia, đã ra đời bởi chính sách trên từ những năm của nhiệm kỳ 11 (2006-2011), nhưng tới nay vẫn còn là “chậm tiến độ, kém hiệu quả”. Mặc dù trong đó Đảng đã ‘chỉ rõ’ có 12 dự án cần được “xử lý”, nhưng phần nhiều trong số đó vẫn đứng “trơ trơ” thách thức công luận, thách thức cải cách. Mới đây, ngày 31/7/2022, ông Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đi ‘thị sát’ một trong những công trình dở dang kéo dài nêu trên, dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên , được khởi động từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn là “đống sắt vụn, hoen rỉ phủ bạt!” - những hình ảnh được truyền thông nhà nước phản ánh công khai. Liệu có giải pháp ‘đột phá’ sau những chuyến ‘thị sát’ như vậy?

Để trấn an dư luận đã có những quan tham bị pháp luật trừng trị, không ít lãnh đạo cao cấp bị Đảng kỷ luật phê bình, cảnh cáo, nhưng giải pháp là gì sẽ là câu hỏi thách đố khi câu trả lời phụ thuộc vào tư duy cải cách. Thay vì để các dự án trên phá sản theo quy định luật pháp, một quy trình bắt buộc, cần thiết và ‘đương nhiên’ trong kinh tế thị trường, thì chúng lại được ‘cân nhắc’ giải quyết theo lộ trình của Đảng… khi sự thiệt hại vẫn hàng ngày bào mòn tiền thuế, công sức của dân!

Tất nhiên, hậu quả nghiêm trọng hơn những thiệt hại ‘vật chất’ là sự “bất ổn thể chế”. Hệ thống chính trị đang “suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống.” Điều khiến Đảng đang phải nỗ lực tập trung quyền lực để ‘chống tham nhũng’ và củng cố nội bộ. Đây là vấn đề cốt tử, thường hay lấy “gót chân Asin” làm hình tượng so sánh, nhưng vô cùng phức tạp và, chắc sẽ có dịp cùng nhau bàn thảo tiếp sâu hơn.

gangthepthainguyen.jpg
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 ở Công ty Gang thép Thái Nguyên còn lại đống sắt hỏng. Hình: Tổ Quốc

Đột phá thế nào

Tuy nhiên, cải cách không thể dừng lại bởi chuyển đổi thị trường tạo động lực tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo tính chính danh cho Đảng và chế độ. Từ những “mất mát” nêu trên, cải cách thể chế chính trị được nhấn mạnh, nhưng quá trình này đang ở thế lưỡng nan, thúc đẩy thị trường kéo theo chuyển đổi dân chủ khiến quyền lực tuyệt đối phải được kiểm soát và, lớn dần nguy cơ sụp đổ chế độ. Thay đổi tư duy cải cách đang là đòi hỏi từ thực tế, nhưng tuỳ thuộc vào ‘cán cân’ quyền lực trong Đảng, quan điểm bảo thủ hay cấp tiến, thay vì từ người dân. Sau những “bất ổn” diễn ra, tăng trưởng không ổn định, điều hành nền kinh tế khó khăn, “bẫy thu nhập trung bình thấp” được cảnh báo…, sự cam kết của Đảng về nhà nước “trong sạch, vững mạnh” được nhấn mạnh thường xuyên hơn; chống tham nhũng “không vùng cấm”, không ngừng nghỉ; ‘phá băng’ bộ máy trì trệ, “ai không làm đứng sang một bên”; thiết lập “lồng thể chế” để kiểm soát quyền lực; đề cao vai trò của người dân…

Đảng đang “bật đèn xanh” cho các quyết sách ‘đột phá’ nhưng dường như sự quyết tâm tìm kiếm vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề đột phá thế nào? Đảng đã khẳng định “quan điểm về các đột phá chiến lược” trong Văn kiện, đã “chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng…” là nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế từ đầu nhiệm kỳ 12. “Nghẽn” là trạng thái kết hợp không tốt, không hiệu quả của các yếu tố tăng trưởng kinh tế, nhưng nó đã không được giải mã ‘đến tận cùng’, cho nên, đến nay các điểm nghẽn này vẫn đeo bám, trầm trọng thêm, đặc biệt về “bất ổn thể chế” mang tính hệ thống, lan rộng và rối loạn điều hành trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân như y tế, giáo dục…

 Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.” Nhưng liệu cán bộ ‘đột phá’ thế nào khi sinh mạng chính trị của họ khó được đảm bảo vì những quy định về suy thoái tư tưởng có thể diễn giải chủ quan. Tuy nhiên, quyết sách đột phá cần được mở mang bằng trí tuệ. Tốt và có ý định tốt cũng là chưa đủ. Câu nói “Đường đến địa ngục có thể được lát bằng những mục đích tốt” luôn là lời cảnh tỉnh. Rõ ràng, tiếp tục cải cách tuỳ thuộc vào sự thoát khỏi sự giáo điều của tư duy ý thức hệ CNXH.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn