Kinh tế Việt Cộng: Nghịch lý đằng sau GDP tăng trưởng cao

Thứ Ba, 09 Tháng Tám 20224:00 SA(Xem: 1934)
Kinh tế Việt Cộng: Nghịch lý đằng sau GDP tăng trưởng cao
rfa.org

Kinh tế Việt Nam: Nghịch lý đằng sau GDP tăng trưởng cao

Phân tích của TS. Phạm Quý Thọ

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu quan trọng đối với mọi quốc gia, không chỉ về kinh tế - nó là cơ sở để tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo và tăng thu nhập…; mà còn về chính trị - nó có thể biểu thị mức độ sự ủng hộ của người dân với chính quyền về chính sách và sự điều hành. Hơn thế, đối với Việt Nam nó là sự bảo đảm cho tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền khi không được bầu trực tiếp bởi dân chúng. Các nhà kinh tế cố gắng lý giải về con số GDP tại từng thời điểm, chỉ ra những nghịch lý nhằm phục vụ cho việc vận hành kinh tế; không dễ cho người dân để hiểu đúng thực chất, nhưng lại có ý nghĩa với các nhà lãnh đạo để lý giải cho lợi ích chính trị của họ.

Cuối tháng 6 năm 2022, GDP quý 2 năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố ước tính là 7,72% tăng so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. Trong đó, khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất với tỷ trọng 48,59%; tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp với tỷ lệ 46,85%; còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp tỷ lệ thấp là 4.56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; Về sử dụng GDP quý 2/2022, tích lũy tài sản tăng 4,57%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,88%...

Con số trên bị cho là “bất thường”, nhưng được tính toán so với năm “gốc” chỉ là 0,39% được cho là hợp lý về chuyên môn và, hơn thế, nó phản ánh bối cảnh ‘bất thường” vì đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đình trệ sản xuất ở Việt Nam, xáo trộn về lao động và tổn hại sinh mệnh và đời sống người dân. Hình ảnh về đợt dịch thứ tư ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vành đai xung quanh là nỗi kinh hoàng.

Chỉ tiêu GDP được tính dựa vào giá cả tiêu dùng những sản phẩm và dịch vụ hàng hoá đã hoàn thành, đầu tư, chi tiêu của chính phủ và chênh lệch thương mại ròng giữa xuất khẩu và nhập khẩu, đã chỉ ra những nghịch lý tăng trưởng. Trước hết, tiêu dùng cuối cùng thường phản ánh cuộc sống thực tế của người dân, nhưng đã tăng 7,32%, nghĩa là thấp hơn GDP so với cùng kỳ năm trước. Ở đây, sự chênh lệch tiêu dùng giữa các bộ phận dân cư đã bị che khuất. Chẳng hạn, du lịch đã bùng nổ sau đại dịch COVID lâu ngày, được ví như “ăn trả bữa sau bệnh”, nhưng những ai là người có tiền để “hưởng thụ” dịch vụ này dù chỉ là kích cầu giá rẻ, ngắn ngày: tầng lớp trung lưu, cổ cồn, gia đình viên chức nhà nước có thu nhập ‘ổn định’ hay những người lao động nghèo bị ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh?

Nhiều cửa hàng phải đóng cửa hay giảm giá bán vì sức mua giảm cũng phản ánh điều này. Chẳng hạn, nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh đồng loạt treo biển xả kho, giảm giá. Nhiều cửa hàng trong hệ thống này đồng loạt treo bảng "sốc, xả kho giảm đến 50%", thậm chí một số cửa hàng treo bảng tạm đóng cửa để nâng cấp. Theo Báo cáo tài chính quý 1/2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, chỉ trong một quý II chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đóng cửa 170 điểm bán trên tổng số 2.140 cửa hàng…

Tiếp đến, Chính phủ thì nói tỷ lệ lạm phát đang được kiểm soát, ‘ra lệnh’ chưa tăng giá điện – lĩnh lực nhà nước độc quyền, nhưng giá xăng dầu tăng cao “chưa từng thấy” vì giá thế giới đã ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động của các phương tiện cơ giới, giá cả đầu vào cho sản xuất và các hàng hoá và dịch vụ khác. Việc ra khơi đánh bắt cá của bà con ngư dân đang bị ngừng trệ ở một số vùng ven biển khi tính toán lỗ - lãi của những chuyến đi biển xa bờ…

Đầu tư công luôn được coi là trụ cột tăng trưởng, nhưng ngày càng gặp thách thức bởi bộ máy quan chức bị “đông cứng” trong bối cảnh chống tham nhũng. Các hình thức trục lợi như vi phạm các quy định đấu thầu, giải phóng mặt bằng, giao quyền sử dụng đất, những tỷ lệ ‘hoa hồng khủng’, ‘lại quả’, quy hoạch treo, tài sản rỉ sét nhiều năm… bị phơi bày. Trường hợp các dự án đường cao tốc Bắc – Nam là những điển hình cho thấy đầu tư công ngày càng khó khăn, tiền vốn có sẵn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp, có địa phương dưới 20%. Sáu đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ được thành lập nhằm tháo gỡ nhưng “tình hình vẫn không mấy sáng sủa”…

Sau nữa, con số 116.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong sáu tháng đầu năm, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021, có thể là động lực cho tăng trưởng nhưng không ngay tức thì. Tỷ trọng vốn của khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh, cũng chỉ là “tiềm năng”, nhưng tổng vốn đầu tư thực hiện của dân doanh tăng rất cao, chiếm tới 57,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội được giải ngân trong quý 1, là sự đóng góp cho GDP...

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, trên 200%, cũng đang phát sinh các nghịch lý trong thương mại. Trước hết, nhiệm vụ kiềm chế tỷ lệ lạm phát dưới 4% là thách thức trong bối cảnh kinh tế đang bị đe doạ bởi lạm phát cao chưa từng thấy và suy thoái. Tiếp đến, sự phục hồi của các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò tích cực. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam khoảng 70% phụ thuộc vào khu vực này, trong đó chủ yếu là gia công, lắp ráp với nhân công giá rẻ, bởi vậy giá trị tăng thêm đóng góp trong GDP còn lại trong nước là nhỏ bé.

Suy cho cùng, thực trạng kinh tế - xã hội, sự cảm nhận người dân trong bữa ăn thường nhật và khi ra đường… mới phản ánh thực sự tăng trưởng. Con số GDP = 7,72%  khi thị trường chứng khoán ‘èo uột’, giảm sút kéo dài về chỉ báo cũng như thanh khoản, hệ thống ngân hàng tài chính đều công bố lãi đậm trong khi rủi ro phát hành trái phiếu đã lên đến mức báo động bởi Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản kém sôi động và sự thao túng tài chính của các đại gia bị Chính phủ trừng phạt…, tất cả đều là những nghịch lý hữu hình.

Những nghịch lý tăng trưởng có thể do nghi ngờ về độ tin cậy của số liệu thống kê và và sự tuyên truyền một chiều quá thái. Chẳng hạn, những lo ngại về sự tính toán trùng lắp số tiền trợ cấp rất lớn từ Chính phủ cho người dân, lao động và doanh nghiệp bị ảnh bởi đại dịch, có thể đã không bị khấu trừ giá trị tiêu dùng cuối cùng của họ. Ngoài ra, tính “không độc lập” của Tổng cục Thống kê và yếu tố “chuyển đổi” của thị trường thường cũng gây quan ngại về sự chính xác của số liệu. Chẳng hạn, số liệu GDP của các địa phương tỉnh thành luôn cao hơn mức bình quân cả nước là một ‘thực tế buồn’ đeo đuổi. Ngoài ra, sự điều chỉnh GDP “chưa từng có” cho giai đoạn 2010-2017 được Tổng cục Thống kê công bố hồi giữa tháng 12 năm 2019 đã gây ra “cú sốc” số liệu. Theo đó, GDP bình quân đầu người đã tăng thêm 25,6%, là 10,3 triệu/người tương đương với 485,2 USD/người… 

Cuối cùng, giới tinh hoa hơn ai hết hiểu những nghịch lý tăng trưởng, nhưng khi họ cầm quyền không thể không coi GDP tăng cao là thành tích của chế độ. Hơn thế, ở các nước có đảng cộng sản lãnh đạo, trong đó có  Việt Nam, kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, luôn có nghịch lý lớn nhất đeo đuổi tăng trưởng, bởi vì thị trường thì “vô hình” và không dễ bị ‘sai khiến’. Đây là nghịch lý cơ bản, nguồn cơn của nhiều nghịch lý khác, luôn buộc phải tính đến trong quá trình cải cách.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn