Tự do tôn giáo tại Việt Nam

Thứ Hai, 25 Tháng Bảy 20224:00 SA(Xem: 2113)
Tự do tôn giáo tại Việt Nam

Lâm Bình Duy Nhiên

23-7-2022

Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam vẫn chỉ là trò hề của nhà cầm quyền. Các tổ chức tôn giáo của Phật giáo và Kitô giáo, thật ra chỉ là cánh tay nối dài của bộ máy chính trị nhằm thao túng và định hướng mọi sinh hoạt của các Phật tử và Giáo dân.

Các tôn giáo khác tại Việt Nam cũng chịu sự chi phối và kiểm soát của Ban Tôn giáo chính phủ.

Ngoài niềm tin tôn giáo, có một niềm tin khác mãnh liệt hơn, quan trọng hơn đó là niềm tin vào Đảng, vào nhà nước. Đó là nhiệm vụ quan trọng mà các tôn giáo tại Việt Nam phải đảm nhiệm. Các Sư thầy và các Linh mục của “Phật giáo quốc doanh” và “Giáo hội nhà nước” chỉ là các con cờ của nhà nước trong tiến trình “quốc doanh hoá” các tôn giáo của chế độ.

Nằm trong “qui chế quốc doanh” thì sẽ được nhận nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ nhà cầm quyền. Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh và Giáo hội nhà nước được sử dụng cho mục đích mị dân và tuyên truyền về tự do tôn giáo đối với quốc tế.

Các tổ chức tôn giáo quốc doanh thực chất chính là các chi bộ đảng của đảng cộng sản Việt Nam. Sự thao túng tôn giáo bằng quyền lực chính trị là điều tối kỵ trong một xã hội tiến bộ nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn ra sức thực thi nhằm duy trì và bảo vệ sự tồn tại của đảng cộng sản.

Ngược lại, các tổ chức tôn giáo không chịu nằm trong vòng kiểm soát của nhà nước, không chịu để bị “quốc doanh hoá” thì sẽ bị nhà cầm quyền đàn áp, sách nhiễu, ngăn cấm sinh hoạt thậm chí cưỡng chiếm đất đai và các cơ sở tôn giáo một cách nghiêm trọng. Các chức sắc tôn giáo bất đồng chính kiến thì bị quản thúc, đe doạ và tù đày.

Cái gì đã là quốc doanh kiểu Việt Nam thì chất lượng yếu kém là điều khó tránh. Cho nên mới có chuyện các Sư thầy hay các Linh mục trình độ thấp, ăn nói trịch thượng, tư cách cán bộ đảng của ban Tôn giáo, lại đứng ra giảng dạy cho các Phật tử và Giáo dân.

Nhà nước Việt Nam vẫn lập đi lập lại một luận điệu như Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

Trớ trêu thay, đó lại là hệ thống luật pháp của một chế độ pha trộn giữa độc tài chuyên chế và độc tài toàn trị mà trong đó chỉ có sự đàn áp và khủng bố được xem là nền tảng cho sự sống còn của chế độ.

Người cộng sản vốn luôn lo ngại trước hai chữ Tự Do nên Tự do tôn giáo và tín ngưỡng lại càng không thể được chấp nhận, ngoại trừ khi sự Tự do ấy nằm trong khuôn khổ giới hạn và sự cho phép của nhà cầm quyền.

Hết tôn giáo quốc doanh nay lại đến tự do quốc doanh! E rằng đó chính là bản chất của xã hội Việt Nam ngày nay!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn