Đâu là công bằng xã hội?

Thứ Ba, 07 Tháng Sáu 20222:00 SA(Xem: 2402)
Đâu là công bằng xã hội?

Đoàn Bảo Châu

6-6-2022

Liệu mấy nét phác thảo này đã đủ để lột tả chân dung của một hệ thống chưa? Chưa đủ chăng?

– Ngành y là ngành đề cao y đức, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cao bởi nó liên quan tới mạng sống của con người, chẳng thế mà có câu “lương y như mẹ hiền”. Vậy mà “mẹ hiền” thời nay lại nỡ nào lợi dụng khi con đau ốm, khánh kiệt để vừa vuốt ve vỗ về khe khẽ “do dân, vì dân” hay “tất cả vì bệnh nhân thân yêu” rồi lặng lẽ hút máu khi con đang lịm dần vào cõi chết?

– Ngành ngoại giao là một ngành với những con người được ăn học tử tế, với những gương mặt sáng sủa, ngoại ngữ giỏi, hiểu biết về văn hoá quốc tế, có thể nói là một ngành với nhiều con người văn minh nhất của xã hội, nhưng những điều ấy không đủ để ngăn họ thành những con quỷ hút máu công dân, họ “ngạo nghễ” xông vào vùng dịch để mỗi chuyến bay “giải cứu” thì cũng “cứu” luôn được 2 tỉ đồng của dân. Vậy là họ đã “cứu” được mấy ngàn tỉ rồi đấy.

Điều này nói lên rằng, khi có cơ hội thì ngành ngành, bộ bộ, cục cục sẽ thi đua làm theo hai cái ngành trên. Điều này cũng nói lên rằng, các cán bộ thời nay không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân gì mà trong đầu họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là kiếm lợi trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi “đồng bào” của họ khốn cùng nhất và đang thở hắt ra trong những hơi cuối cùng trong cuộc đời.

Theo bạn tôi nói có quá không? Riêng hôm nay tôi hứa sẽ không block lực lượng Red Bull và cũng không xoá comment của các cháu, tôi sẽ để các cháu tranh biện thoải mái, chửi bới thoải mái, cho các cháu cơ hội thi triển nghiệp vụ thượng thặng của nghề DLV, một nghề rất “danh giá” ở Việt Nam.

Không có một thế lực thù địch nào, không một lực lượng phản động nào có thể làm hại uy tín của một hệ thống như chính cán bộ của họ. Tôi viết ở đây với hy vọng các vị đứng đầu hệ thống có thể nhìn thấy một cách rõ nét nhất chất lượng cán bộ để có được những biện pháp xử lý kịp thời, hợp lý và cần có một chiến lược lâu dài để cải thiện bộ máy của mình.

Cái lò đốt củi ở Việt Nam cứ cháy rừng rực cả ngày lẫn đêm, đủ 365 ngày/năm vẫn không hết củi bởi chính cái hệ thống ấy lại là nơi sản xuất ra củi đều đều.

Nhìn được bức tranh toàn cảnh ấy, các vị sẽ biết thương người dân. Bao người dân ở các địa phương lầm vào cảnh khốn cùng khi chính quyền địa phương câu kết với doanh nghiệp để lấy đất của họ. Thủ Thiêm chỉ là một ví dụ tiêu biểu. Khi luật pháp lỏng lẻo và quyền lực bị tha hoá thì người dân sẽ rất khổ cực. Họ là những con bò sữa mà khi khoẻ mạnh hay đau ốm đều bị lấy sữa. Đến bệnh nhân ung thư cũng còn là một nguồn lợi cơ mà.

Những chuyện này lặp đi lặp lại đến phát chán, người viết như tôi cũng cảm thấy chán không muốn viết một nội dung đã cũ, nhưng chẳng lẽ trước những vấn đề đau lòng thì người cầm bút lại ngồi yên và chấp nhận tất cả những sự xấu xa như thể đấy là những việc tất yếu và không quan trọng?

Những người được gọi là “nhà văn” trong Hội Nhà văn ở Việt Nam thì đã như vậy rồi, họ không quan tâm mấy đến mấy thứ “trần tục” và “tầm thường” như tham nhũng và những giọt nước mắt của dân đen. Tài năng văn học của họ là để bay bổng, mơ màng trong thế giới mộng tưởng đẹp đẽ và cao sang. Mấy vụ tham nhũng, mấy giọt nước mắt của dân đen không phải là chủ đề ưa thích của họ, nhất là khi những việc ấy không nằm trong định hướng nghệ thuật mà họ được biết.

Nhưng người viết phản biện xã hội như tôi nếu không khéo thì vào bóc lịch như chơi, chưa bị bóc lịch thì cuộc sống ngoài đời và trên mạng xã hội cũng bị căng thẳng. Tôi coi việc dạy võ như một đóng góp của mình với xã hội, ấy vậy mà cũng đã năm lần bẩy lượt phải chuyển chỗ dạy bởi một lý do nào đấy, bởi một ai đấy không ưa mình.

Xin nói rõ là cuộc sống của tôi không phụ thuộc vào mấy đồng học phí của võ sinh và tuy võ là một niềm đam mê nhưng cũng là một gánh nặng. Ai nhìn thấy tôi đứng lớp trong mùa nóng này sẽ hiểu được điều ấy. Do vậy, nếu bị phá quá thì việc từ bỏ võ là một điều đáng tiếc nhưng cũng là một gánh nặng được cất khỏi vai. Âu cũng là duyên võ chỉ đến vậy.

Nhưng với những người khi mưu sinh chính của họ bị phá thì lại là một chuyện khác. Có những người đang nửa đêm còn bị chủ nhà cho ra đường hay xin việc ở đâu vài ngày lại bị đuổi khéo.

Vậy đâu là công bằng xã hội? Mấy bài viết của những người bị chụp mũ với đủ thứ tên rùng rợn so với những cán bộ tham nhũng, ai làm hại xã hội hơn?

Theo tôi được biết thì mấy thành phần “phản động” hay “thế lực thù địch” chưa kiếm chác được đồng nào mà chỉ thấy toàn “lên bờ xuống ruộng”.

Bất cứ ngành nào, hay một xã hội nào muốn phát triển thì những ý kiến phản biện là điều cần thiết, việc tự do biểu đạt tư tưởng, nêu lên ý kiến cá nhân cần được động viên. Chính sư tổ của CNXH, CNCS, ông gì râu rậm ấy nhỉ, cũng nói rằng mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập là động lực để phát triển xã hội cơ mà?

Một xã hội mà chỉ có một luồng thông tin, tư tưởng được gọi là “lề phải” thống trị và bao trùm, thì đấy là một xã hội suy đồi, hãy nhìn xã hội Bắc Triều Tiên, ấy là một ví dụ điển hình.

Xin hãy có cái nhìn công bằng, đấy là tiền đề để có một xã hội công bằng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn