Khi Đảng cũng phải tự kiểm duyệt: Chống quân Ba Chấm xâm lược

Thứ Bảy, 19 Tháng Hai 20225:44 SA(Xem: 2696)
Khi Đảng cũng phải tự kiểm duyệt: Chống quân Ba Chấm xâm lược
rfa.org

Khi Đảng cũng phải tự kiểm duyệt: Chống quân Ba Chấm xâm lược

Bình luận của Trạch Văn Đoành

Ngày 25/9/2009, ở Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã tổ chức công bố "Văn kiện Đảng toàn tập". Đây là lần đầu tiên, toàn bộ các văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến thời điểm đó được tập hợp để xuất bản một cách hệ thống.

Trong các tập in văn kiện năm 1979, 1980, những phần liên quan đến cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979, từ "Trung Quốc" bị cắt bỏ, thay bằng dấu ba chấm (...).

Ví dụ, các văn kiện Đảng thời đó viết "chống quân Trung Quốc xâm lược" thì "Văn kiện Đảng toàn tập" ở thập niên 2000 khi in lại đã tự kiểm duyệt thành "chống quân... xâm lược". (“Chống quan ba chấm xâm lược”)

Dưới đây là ảnh chụp vài trang trong các tập 40 (văn kiện năm 1979) và 41 (năm 1980). Toàn văn bộ tư liệu này có trên Website của Đảng. Ở điểm nói trên, cả bản in và bản online đều giống nhau: hai chữ “Trung Quốc” bị cắt bỏ, thay bằng dấu ba chấm.

Trang 117, tập 40: Quyết định của Bộ Chính trị “Thành lập Quân đoàn 5”, viết:

“Căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược…”

Không rõ Đảng đang chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của ai, vì quân xâm lược được ghi bằng dấu ba chấm (...)

vankiendangtq1.jpeg

Tập 40, trang 118, in “Quyết định của Bộ Chính trị” ngày 5 tháng 3 năm 1979 về việc “Thành lập Quân khu Thủ đô” cũng viết:

“Căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược… Xét đề nghị của Thường vụ Quân ủy Trung ương”

Không rõ ai xâm lược và Đảng thành lập Quân khu Thủ đô để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của ai.

vankiendangtq2.jpeg

Tập 40, năm 1979, trang 131, in Thông tri của Ban Bí thư ngày 26 tháng 3 năm 1979 về việc “bảo vệ tài liệu của Đảng” cũng viết:

“Về cuộc kháng chiến chống bọn phản động… xâm lược”

Không ai biết hồi đó Đảng chống bọn phản động xâm lược nào.

vankiendangtq3.jpeg

Xem tập 40 trên trang Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tập 41, in các văn kiện năm 1980, trang 18, viết:

“Cảnh giác trước việc Mỹ và… xúc tiến liên minh quân sự,”

Không ai biết Mỹ xúc tiến liên minh quân sự với ai và Đảng cảnh giác ai.

vankiendangtq4.jpeg

Tập 41 trên trang Đảng Cộng sản Việt Nam

Cả hai tập 40 (in các văn kiện năm 1979) và tập 41 (in các văn kiện năm 1980) đều được xuất bản năm 2005 tại Hà Nội.

Năm 2005, vào ngày 17/1, đầu năm mới, Trung Quốc giết hại ngư dân Hậu Lộc, Thanh Hóa. Tuy nhiên, ở Việt Nam lúc đó vẫn chưa xảy ra các điểm nóng biểu tình chống Trung Quốc như mấy năm sau đó.

Việc xóa bỏ kí ức cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc năm 1979 ít nhất được thực thi sớm hơn thời điểm xuất bản tập 40, 41 của “Văn kiện Đảng toàn tập”. Mới đây, trên Diplomat, Travis Vincent cho biết “Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 ở Việt Nam năm 2001 chỉ dành 24 dòng cuối sách kể lại cuộc chiến tranh, nhưng đến phiên bản năm 2018, phần kể lại cuộc chiến này chỉ còn 11 dòng.”

Bài viết nói trên của Travis Vincent cũng dẫn lời một giáo viên trung học môn sử ở Hà Nội, phân tích về chiến thuật của người soạn sách và hệ thống thi cử để khiến học sinh không học những đoạn ngắn ngủi đó: Đưa vào cuối sách giáo khoa, tức là học ở thời điểm cuối lớp 12, khi học sinh phải căng thẳng thi tốt nghiệp trung học, và Bộ Giáo dục không bao giờ đưa nội dung cuộc chiến 1979 vào đề cương ôn thi, nên giáo viên cũng không dạy và học sinh cũng không học. Như vậy, 11 dòng về cuộc xâm lược của Trung Quốc được đưa vào Sách giáo khoa chỉ để điểm danh.

Một bên soạn thật ngắn và bố trí ở cuối sách, một bên không đưa vào đề cương ôn thi trung học, người soạn sách giáo khoa và lãnh đạo ngành giáo dục đã phối hợp cùng với nhau để vô hiệu hóa 11 dòng ngắn ngủi đó.

Có thể nói những biểu hiện nói trên trong sách giáo khoa và ngành giáo dục ở Việt Nam có thể chỉ là ngẫu nhiên? Việc Đảng tự kiểm duyệt văn kiện của chính mình, không dám nhắc đến tên Trung Quốc ngay cả khi in lại văn kiện cũ, chứng tỏ vào thời điểm đó, 2005, chính sách xóa bỏ cuộc xâm lược của Trung Quốc khỏi lịch sử là một chính sách nhất quán, được chỉ đạo từ cấp cao nhất của Đảng.

Hội đồng Xuất bản bộ sách “Văn kiện Đảng toàn tập” gồm có Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Phan Diễn (Chủ tịch Hội đồng), Nguyễn Đức Bình (Phó Chủ tịch Hội đồng), Ủy viên Hội đồng có Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Duy Quý, Đặng Xuân Kỳ và 9 vị khác. Ông Nguyễn Phú Trọng khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Một số học giả cho rằng từ sau 2014, khi Trung Quốc đem giàn khoa 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thái độ của Chính phủ Việt Nam đã thay đổi: nhiều buổi lễ kỉ niệm cuộc chiến được phép tổ chức.

Tuy nhiên các học giả này chưa lưu ý đến sự thực là tác nhân tạo ra sự thay đổi này là các cựu chiến binh chứ không phải Nhà nước. Họ tự tổ chức các buổi tưởng niệm đồng đội của họ hi sinh năm 1979 và ở chiến trường Vị Xuyên 1984. Họ là những người nhà nước không thể đàn áp, cũng không tìm được lý do đàn áp. Mặt khác, sách giáo khoa sử lớp 12 vẫn tiếp tục duy trì độ dài 11 dòng về cuộc xâm lược năm 1979, bố trí ở cuối sách, học vào thời điểm sắp thi tốt nghiệp, và nội dung này không được đưa vào đề cương ôn thi, nên hiếm có giáo viên và học sinh dạy và học nó.

Cuối cùng, sau vụ giàn khoan 981 năm 2014, lúc này lúc khác, nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã có những động thái tưởng nhớ về cuộc chiến. Nhưng cách tưởng niệm dường như là để nắm lấy ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc, tương tự như cách họ xuất hiện cùng đội tuyển bóng đá mỗi khi thắng trận bóng nào đó, nhiều hơn là do nhận thức đúng về lịch sử. Cuộc tấn công năm 1979 của Trung Quốc là một cuộc xâm lược, nhưng nó không nhắm đến việc đánh chiếm lãnh thổ như các cuộc xâm lược trước đó. Việt Nam bị đánh vì lãnh đạo Hà Nội (Lê Duẩn) đã mắc những sai lầm có tính lịch sử khi không thể nhận thức đúng đắn sự xoay chuyển của cục diện quốc tế đương thời.

Xóa bỏ khỏi ký ức dân tộc về cuộc xâm lược năm 1979 của Trung Quốc cũng nguy hiểm giống như kích động tinh thần chống Trung Quốc bằng mọi giá, trên mọi lĩnh vực, chống chỉ để chống mà không có mục tiêu cụ thể gì, như thời Lê Duẩn thập niên 1980.

Sử dụng chủ nghĩa dân tộc là điều không thể tránh khỏi đối với người làm chính trị thời nay. Nhưng sẽ là một nguy hiểm cho một nước như Việt Nam nếu như trong nội bộ, các vị lãnh đạo không hiểu đúng bản chất của cuộc chiến 1979.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn