Đàn reo trước bão

Chủ Nhật, 25 Tháng Hai 20189:37 CH(Xem: 10138)
Đàn reo trước bão


Luật Khoa

Trịnh Hữu Long

Nhà báo Phạm Đoan Trang. Ảnh: An Nhiên.

“Mệt mỏi quá em. Cứ thế này thì đến bao giờ. Hôm qua cắt điện. Hôm nay cắt net”.

Đó là tin nhắn sau cùng tôi nhận được từ Đoan Trang vào chiều mùng 9. Không đầy một tiếng sau tôi nhắn không thấy cô trả lời nữa, cho đến tận nửa đêm.

Gia đình cho biết cô đã bị hai người lạ mặt tới nhà bắt đi làm việc vì cuốn “Chính trị bình dân” mà cô là tác giả.

Khai phá những vùng cấm

Đoan Trang từng được coi là một trong những phóng viên xuất sắc của làng báo “lề phải”.

Mặc dù khởi nghiệp viết lách ở VnExpress năm 2001 nhưng tên tuổi của Đoan Trang lại gắn liền với VietNamNet và những phóng sự, bình luận gây bão đăng trên tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào thời kỳ năm 2007-2008, loạt bài về Hoàng Sa – Trường Sa của Đoan Trang trên VietNamNet đã mang lại cho cô cả vinh quang lẫn tủi nhục. Đó có lẽ là lần đầu tiên, kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc đầu những năm 1990, vấn đề Biển Đông được phân tích trên báo chính thống một cách trực diện và giàu hàm lượng nghiên cứu đến thế. Cần nhớ rằng, vào thời điểm đó, Biển Đông là vùng cấm nhạy cảm bậc nhất ở nước ta mà không tờ báo chính thống nào dám nhắc tới.

Sự nghiệp cầm bút của Đoan Trang là hành trình khai khẩn những vùng đất hoang. Trước khi nổi tiếng với các bài chính luận đặc sắc trên VietNamNet, Đoan Trang đã cùng với Hoàng Nguyên chấp bút cuốn “Bóng”, tự truyện đầu tiên của một người đồng tính Việt Nam, vào năm 2008. Nhưng Biển Đông lại là vấn đề rất khác. Chạm đến vùng cấm này tức là đã đặt một chân vào sau chắn song sắt.

Sự thật là Đoan Trang đã đặt cả hai chân vào tù. Cô bị bắt và giam giữ trong chín ngày liền trong đồn công an cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2009. Cuộc bắt bớ đó liên quan đến hai người bị bắt cùng thời điểm là blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm).

“Cho đến nay, mình vẫn hoàn toàn không hiểu mình bị bắt vì chuyện gì”, cô chia sẻ.

Sau khi bị giam chín ngày trong trại tạm giam B14, Hà Nội, Đoan Trang mất việc ở VietNamNet. Chín ngày đó đủ để biến cô từ một phóng viên được trọng vọng thành một “đối tượng” xâm phạm “an ninh quốc gia” và đứng trước nguy cơ thất nghiệp vô thời hạn. Nhưng không lâu sau đó, cô về đầu quân cho văn phòng Hà Nội của tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh theo lời mời và sự bảo đảm chắc nịch của Tổng biên tập Nam Đồng.

Nếu công an tính dằn mặt Đoan Trang thì họ đã lầm. Biến cố đó đẩy Đoan Trang đi xa hơn. Cô dấn thân vào hoạt động dân chủ và tiếp tục viết những gì các phóng viên “lề phải” khác chưa viết.

Blog phamdoantrang.com của cô dần dần bàn về những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất như thể chế một đảng, chế độ công an trị, các cuộc biểu tình và các cuộc đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động. Cô xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, 2012, hay phong trào biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội năm 2015. Gương mặt cô trở thành tâm điểm của những phái đoàn vận động quốc tế ở Mỹ hay châu Âu.

Cô đặt chân vào tất cả những cánh rừng thiêng nước độc, những vùng cấm tối kỵ mà lực lượng an ninh của đảng Cộng sản Việt Nam luôn canh phòng cẩn mật.

Dĩ nhiên, thanh gươm của chế độ không dung tha cho những kẻ “nghịch dại” như vậy bao giờ.

Mèo vờn chuột

2 giờ 39 phút sáng một ngày giữa năm 2016, Đoan Trang bật dậy vì tiếng chuông cửa.

Cô đang ở nhờ nhà một người bạn trong hành trình chạy trốn một cuộc truy lùng của công an. Căn hộ chung cư này có bảo vệ canh gác 24/24, không người lạ nào có thể vào được chứ chưa nói là lên tận các tầng trên để bấm chuông.

“Đó chính xác là tiếng chuông gọi hồn”, Đoan Trang nhớ lại.

“Mình nghe rõ ngoài cửa có tiếng nói chuyện của một nhóm người. Không lý do gì khác có thể giải thích được sự xuất hiện của họ vào giờ đó, ngoài việc họ đã lần ra được dấu vết của mình”.

Không thấy có ai động tĩnh trong nhà, toán người lạ mặt rời đi. Đoan Trang thoát được lần đó.

Đi “dạt vòm” như vậy không phải là việc xa lạ với Đoan Trang. Trước mỗi cuộc biểu tình hay mỗi cuộc gặp với các quan chức nước ngoài, người phụ nữ bé nhỏ này đều phải lánh tới một địa điểm bí mật nào đó muộn nhất là vào đêm hôm trước để tránh bị an ninh giam lỏng ở nhà. Công an luôn tìm cách ngăn cản cô xuất hiện trong những sự kiện như vậy.

Khi thì cô tới ở nhờ nhà bạn bè, khi thì tới khách sạn, lại có khi phải trú ở một công trường xây dựng, vốn là nơi tập kết của nhiều số phận vật vờ bên lề xã hội. Nhưng chẳng phải khi nào cô cũng trốn được.

Không lâu sau khi từ Mỹ về nước vào tháng Một năm 2016, Đoan Trang bị bắt cóc ngay gần Hồ Gươm. Cô đang trên đường tới Trung tâm Văn hoá Pháp (L’ Espace) để phiên dịch cho cuộc gặp giữa gia đình của hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng với đại diện của Đại sứ quán New Zealand. Xe công an dừng sát bên đường và lôi cô lên xe, đưa về đồn công an gần nhất. Họ thả cô ra sau khi đã phá thành công cuộc gặp đó.

Những vụ bắt cóc tương tự xảy ra hết lần này đến lần khác, với tần suất hai hoặc ba tháng một lần.

“Mỗi lần như vậy anh em bạn bè lại nhảy bổ đi tìm khiến mình rất ái ngại. Mà bị bắt cóc thường xuyên như vậy, nếu tinh thần không vững thì con người ta dễ hoang tưởng, nhìn đâu cũng thấy an ninh”, Đoan Trang chia sẻ. 

Nhưng như vậy cũng chưa đủ gay cấn.

Ngày 24/5/2016, một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama với một số đại diện của giới xã hội dân sự Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào buổi sáng tại Hà Nội. Đoan Trang được mời tham dự cuộc gặp đó khi đang dưỡng bệnh ở Sài Gòn sau một ca phẫu thuật đầu gối.

Biết chắc an ninh sẽ theo dõi và ngăn cản cô tham dự cuộc họp, một chuyến xe bí mật do hai người bạn lái được bố trí để đưa cô ra Hà Nội.

Hành trình rất suôn sẻ. Họ về tới được Ninh Bình chiều muộn ngày 23, tức là trước cuộc gặp một ngày. Tìm được một nhà nghỉ rất kín đáo và cực kỳ khó phát hiện, họ yên tâm có thể qua đêm an toàn.

Nhưng lực lượng an ninh nhạy hơn họ nghĩ. Sáng sớm hôm sau, Đoan Trang thấy dưới sảnh đầy người với ánh mắt dò xét. Một nữ sĩ quan an ninh được một số người khác hộ tống mang những thiết bị lạ xông vào phòng với thái độ rất hả hê.

“Tôi cảm thấy mình như một con thú bị săn đuổi”, Đoan Trang nhớ lại.

Họ không đi hết được hành trình và bị giam lỏng ở Ninh Bình cho đến hết ngày.

“Trong văn học có tiểu thuyết ‘Cây thập tự thứ bảy’, nói về nỗi cô độc của người dân Đức trong hành trình trốn chạy phát-xít. Giờ thì mình đã hiểu được cảm giác của họ. Đôi khi đi giữa một thành phố lớn người xe tấp nập nhưng chẳng có lấy một chốn nương thân nào. Chẳng có nhà nghỉ hay khách sạn nào an toàn cả”.

“Họ không coi mình là người. Đối với họ, tất thảy chúng ta đều chỉ là những dự án dùng để chia chác bầu sữa ngân sách mà thôi. Vì thế nên đừng mong đối thoại được với an ninh. Chúng ta chỉ có thể đối thoại được với những người tôn trọng mình mà thôi”.

Điều này nghe có vẻ tiêu cực với nhiều người, nhưng đó là những gì mà một người bị ép “đối thoại” với an ninh hàng trăm lần nhận ra. 

Thính giả giấu mặt

 “Xưa em hay hát bài gì mà có ‘Let me go home’ ấy nhỉ? Nghe buồn chết đi. ”

Tôi nhận được tin nhắn như vậy từ Đoan Trang vào một buổi chiều khi cô đang lang bạt khắp nơi để tránh một cuộc truy lùng của công an.

“I wanna go home”, cô nhắn tiếp, mượn lời bài hát Home nổi tiếng của Michael Buble.

Rất thích chăm sóc nhà cửa, Đoan Trang nói cô “nhớ lọ hoa, nhớ cái bàn, nhớ bức tranh, và đặc biệt không thể xa cây đàn”.

Công chúng ít biết về đam mê chơi đàn guitar của Đoan Trang. Từng nhiều lần, Đoan Trang tâm sự với tôi rằng cô chẳng đam mê chính trị hay đấu tranh dân chủ như hầu hết mọi người vẫn nghĩ. Thứ cô không thể sống thiếu được lại chính là cây đàn guitar.

“Mình rất yêu cây đàn, xa nó thì nhớ da diết, về đến nhà mình ôm nó vào lòng, mình hôn nó và âu yếm nó bằng những ngón tay của mình”, cô nói.

Nếu có duyên, bạn có thể được nghe Đoan Trang đàn bản Cây sáo thần của Mozart, hay những bài đệm hát như If của Bread, I kiss your memories của Bee Gees, hay Love me with all your heart.

Đang theo thầy học đàn, những ngày phải đi “dạt vòm” là những ngày khổ sở với Đoan Trang. Cuộc sống không cho cô chơi đàn trong những hoàn cảnh bình thường như bao người khác. Cô chơi đàn như thể ngày mai không còn được chơi đàn nữa. Người ta có nhiều lý do để sợ đi tù, riêng Đoan Trang thì sợ vào tù không có đàn. Ít khi nào trại giam để cho tù nhân chơi đàn, có chơi thì cũng phải bị giám sát chặt chẽ. Dây đàn là thứ mà tù nhân có thể dùng để làm nhiều thứ, kể cả… tự sát.

Điều Đoan Trang chưa bao giờ biết chắc được là nhà mình có “bọ” hay không. Nhiều người khẳng định chắc nịch rằng thành phần “phản động có số má” như cô thì không thể không bị nghe trộm được. Ở các nước Liên Xô và Đông Âu, sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ, nhiều người mới biết được trong nhà mình có “bọ”.

Đoan Trang luôn có cảm giác dù chơi đàn một mình nhưng vẫn có người nghe.

“Chẳng bao giờ mình nghĩ sẽ chơi đàn trong hoàn cảnh này. Ở ‘đầu dây’ bên kia, nếu có nghe thì không hiểu ‘họ’ nghĩ. Có khi ‘họ’ nghĩ mình là con điên”, Đoan Trang nửa đùa nửa thật.

Viết cho giới bình dân

Ngày 9/2 vừa rồi, tờ Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam chạy một bản tin khá bất thường: “Hải quan Đà Nẵng tịch thu hàng loạt sách có nội dung nhạy cảm chính trị”.

Trong bốn bưu kiện sách “có nội dung nhạy cảm chính trị” này, có hai bưu kiện là cuốn “Chính trị bình dân” mà Đoan Trang là tác giả.

“Chính trị bình dân”, một cuốn sách tiếng Việt, phần lớn nói về Việt Nam, và viết cho người Việt Nam, nhẽ tự nhiên là phải xuất bản trong nước chứ không cần phải đặt hàng từ nước ngoài về. Hơn hai mươi năm trước, tôi lục trong chồng sách cũ của bố mẹ tôi cuốn giáo trình “Chính trị sơ cấp” do nhà nước phát hành và đọc một mạch cho đến hết cuốn sách đã ố vàng theo thời gian ấy. Những câu chữ giản đơn, mạch lạc của nó khiến cho một đứa trẻ lớp 6 là tôi khi đó cũng hiểu được và say mê với chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Nhưng nhà nước ra sách chính trị không có nghĩa là người dân cũng được làm. Nhiều năm sau đó, tôi lại được đọc một cuốn sách chính trị khác mà câu được trích dẫn nhiều nhất của nó có lẽ là “mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác”.

Cuốn tiểu thuyết “Trại súc vật” trứ danh đó của George Orwell, không biết vì lý do gì, đã lách được qua cửa kiểm duyệt để ra mắt bạn đọc với cái tên “Chuyện ở nông trại”. Nhưng rồi nó cũng nhanh chóng bị thu hồi và bị liệt vào danh sách cấm.

Cuốn “Chính trị bình dân” của Đoan Trang thì không “may mắn” được như thế. Cô không có cách nào xuất bản được nó ở trong nước mà phải dựa vào một “thế lực nước ngoài” là gã khổng lồ công nghệ Amazon.

Đoan Trang là một kiểu nhà báo luôn đau đáu với những người… chưa biết gì. Trái ngược với những tiếng thở dài ngao ngán của nhiều người về trình độ dân trí của nước nhà, Đoan Trang luôn tìm đến với những người dân còn xa lạ với những khái niệm căn bản về chính trị và pháp luật.

“Mình còn nhớ rất rõ hồi 2009, khi bị bắt, mình hoàn toàn ngây thơ và không biết một chút gì về luật, cũng chẳng biết phải ứng xử ra sao với công an. Đến hồi biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 cả bọn cũng chẳng biết hơn gì nhiều, toàn bị công an bắt nạt”, Đoan Trang kể.

“Mãi đến năm 2013 mình mới thực sự bắt đầu tìm hiểu về chính trị, pháp luật, dân chủ, nhân quyền, v.v. Bởi vậy nên khi viết, mình luôn thấy như mình đang viết cho cái cô Đoan Trang trước năm 2013”.

Ý tưởng viết cho giới bình dân nảy sinh khi cô đọc lời bạt của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành trong cuốn sách dịch “Thám tử kinh tế” của Tim Harford, rằng cần có những sứ giả truyền đạt những kiến thức hàn lâm khó hiểu cho công chúng.

Làm báo gần hai mươi năm, Đoan Trang cho rằng, “báo chí, truyền thông Việt Nam không làm được việc đó. Đừng nói dân trí thấp, người dân không chịu đọc. Đó là do chúng ta không chịu khai phá, mở mang cho người đọc”.

“Mình viết sách chẳng mong nó thành tác phẩm để đời hay sống mãi gì cả. Sống mấy năm thôi cũng được, miễn là nó giúp thoát mù về chính trị cho độc giả và hy vọng có nhiều cuốn sách chính trị hay hơn. Ta phải viết cho người dân bớt sợ”.

Nói là làm, cô viết “Chính trị bình dân”, “Phản kháng dân sự phi bạo lực”, và đang chấp bút viết thêm nhiều cuốn nữa.

Khi cuốn “Chính trị bình dân” được xuất bản, một số độc giả có ý trách Đoan Trang vội vã quá mà để sót một số lỗi không đáng có.

“Vội vã”.

Đoan Trang luôn vội vã. Luôn giục giã. Luôn thúc vào mông người khác bắt họ phải khẩn trương lên.

Cô không chờ được. Vì có một thứ cô không biết sẽ ập đến lúc nào: sắc phục xanh và chiếc còng số 8.

“Chúng ta không thể bỏ cuộc”

Ít ai biết rằng, Đoan Trang từng có cơ hội xin tị nạn và ở lại Mỹ sau khi kết thúc học bổng chín tháng ở Đại học South California hồi năm 2014. Có ít nhất ba cơ quan, tổ chức đề nghị hỗ trợ cô làm thủ tục vì lo ngại cho sự an toàn của cô nếu trở về Việt Nam.

Nhưng Đoan Trang chưa bao giờ có ý định ở lại nước ngoài.

“Nhiều người nhìn vào cuộc sống của chị thì chỉ thấy một kẻ đi làm những việc chẳng giống ai và rước vào thân toàn là bất hạnh. Chị có thấy bất hạnh không?”, tôi hỏi Đoan Trang.

40 tuổi, không chồng, không con, sống nay đây mai đó và tài sản lớn nhất lại là một tương lai bất định, không mấy ai hiểu rằng cô hạnh phúc chứ không bất hạnh như họ tưởng.

“Nhiều người coi trọng sự ổn định, họ muốn lập gia đình, sinh con, sống cuộc đời yên ả, không có gì sai hay đúng ở đây cả vì đó là cuộc sống của họ. Nhưng với riêng mình, nếu không hoạt động thì sẽ không thể nào được trải nghiệm sự yêu mến mà mọi người dành cho mình”, Đoan Trang nói.

Quả vậy. Thỉnh thoảng tôi lại được Đoan Trang kể về những trải nghiệm đó một cách vừa hàm ơn, vừa hãnh diện. Khi thì một ông chủ khách sạn khuyên Trang nên rời đi ngay vì có công an đến hỏi, và còn chỉ đường cho cô đi. Khi phải mổ chân thì có nhiều người giúp đỡ, trong đó có nhiều người cô chưa gặp bao giờ.

“Có khi họ vào bệnh viện thăm, dúi cho chút tiền rồi vừa khóc vừa bỏ chạy. Hoặc có những bạn bè cũ bao nhiêu năm không liên lạc gì bỗng xuất hiện giúp cái nọ cái kia”, Đoan Trang kể.

“Bạn đi đường có người nhận ra bạn. Đặc biệt vui khi có những bạn trẻ nhận ra và nói đã đọc những gì mình viết. Vào tiệm ăn ở Sài Gòn thì anh chủ quán cứ nhìn mình cười cười, lại gần hỏi có phải Đoan Trang không. Biết rồi thì anh đích thân phục vụ cho mình, ăn xong tính tiền giá rẻ lại còn dúi quà cho mình”.

Đoan Trang nói, “đó là tài sản quý giá vô cùng. Đánh đổi cái gì mới được những tình cảm đó? Chúng ta không thể bỏ cuộc được vì còn có những người như vậy”.

Một trong những bài hát Đoan Trang yêu thích nhất là bài “Fernando” của ABBA, ban nhạc gắn liền với thế hệ 7X của cô. Lời bài hát là những hoài niệm của hai người bạn già đã cùng nhau chiến đấu cho tự do ở Mexico đầu thế kỷ XX.

Bài hát kết thúc bằng một câu điệp khúc đầy cảm hứng:

…If I had to do the same again
I would, my friend, Fernando…

(…Nếu phải làm lại
Tôi vẫn sẽ làm, Fernando bạn ơi…)

Có thể lúc này, ở một “đầu dây” nào đó trong trụ sở Bộ Công an, có một viên sĩ quan nào đó đang nghe tiếng đàn guitar réo rắt điệp khúc “Fernando”, tựa như chẳng cần biết đêm nay bão có về…

…If I had to do the same again
I would, my friend…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn