Tự hào quá Việt Nam ơi, mỗi mét vuông đất giá 2,4 tỷ

Thứ Bảy, 08 Tháng Giêng 20226:29 CH(Xem: 2591)
Tự hào quá Việt Nam ơi, mỗi mét vuông đất giá 2,4 tỷ

Tự hào quá Việt Nam ơi, mỗi mét vuông đất giá 2,4 tỷ

Bài bình luận của Nguyễn Minh Hiển RFA 2022.01.08

Đi qua khu Sala ở quận 2 và khu Thủ Thiêm, nơi có bốn mảnh đất vừa được bán với giá tỷ đồng/m2, tôi ngắm nhìn những ngôi nhà đắt tiền đang mọc lên. Chúng được gắn cái mác “nơi hội tụ tinh hoa cuộc sống”, nơi thể hiện đẳng cấp tiền của, dành cho giới nhà giàu tận hưởng.

Dưới chân nơi hội tụ “tinh hoa”

Mấy năm trước chúng tôi đã tìm đến khu ổ chuột ngay dưới chân những khu biệt thự xa hoa, nơi những người cựu dân của Thủ Thiêm còn bám trụ. Để ý lắm mới thấy con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo chạy vào sâu trong một vùng cỏ dại và lau lách hoang vu. Bùn lầy, rác rưởi và nước đọng khắp chốn. Trong những mái nhà lụp sụp, ẩm mốc và tối tăm, nhiều cư dân cũ của Thủ Thiêm vẫn sống ở đó, chỉ cách cái khung cảnh xa hoa kia nhiều nhất là hai cây số, nhưng gần như khuất hẳn tầm mắt người đời. Họ kiên quyết không rời đi để gây áp lực cho chính quyền nhằm đòi lại quyền sinh sống trên chính mảnh đất này. Hàng ngày, người thì đi làm công nhân hoặc bán hàng rong lặt vặt, người cầm theo mảnh lưới nhỏ lặn lội đêm hôm ngoài sông, mò cua bắt ốc, bắt cá, con to đem bán, con nhỏ chia nhau ăn. Họ sống qua ngày đúng nghĩa, một cuộc sống tồi tàn cùng cực mà nếu không tận mắt chứng kiến thì không ai tin nổi nó có thật.

Họ đã sinh sống nhiều đời ở ngay đây. Hồi trước nó chỉ là một vùng đất nghèo nàn ven sông, dân sống bằng chèo ghe lưới cá, trồng lúa trên những doi đất bỏ hoang giữa các nhánh rạch và buôn bán vặt vãnh. Từ phía quận 1 nhìn qua, chỉ cách một con sông nhưng bên này sáng trưng rực rỡ, cao ngất với vô vàn ánh đèn lung linh và tưng bừng tiếng nhạc. Thủ Thiêm tối om om, những cái chòi bằng ván ép và tôn cũ lụp sụp, han rỉ và thấp bé nép vào nhau trên những cái cọc chống thẳng xuống nước bằng đủ thứ gỗ tạp và bê tông lởm chởm, bám rêu mốc đen.

Khi (công nghệ lõi là bán đất khiến cho) các lãnh đạo trước của TPHCM sáng mắt lên thì khu Thủ Thiêm nghèo nàn nước đọng muỗi rác bỗng rùng mình biến thành bán đảo kim cương. Cũng trong cái ngày xấu trời ất, chính những người đã khai phá khu đất kim cương từ đời ông cố, ông tổ, ông sơ… bỗng bị xem là kẻ ở đậu. Họ được đưa cho một số tiền đền bù rồi bị đuổi hẳn khỏi nơi chôn rau cắt rốn. Ai bảo họ nghèo? Nghèo thì không được sống tiếp ở mảnh đất đó nữa, có vậy thôi.

thuthiemap11.jpeg

Những dân cư đã sống hàng trăm năm, đã gắn bó máu thịt với mảnh đất ông bà để lại, cũng như những người công nhân đã tự tay xây cất lên cái thiên đàng để cho “tinh hoa” hội tụ kia, cuối cùng chỉ có thể đứng bên ngoài cổng rào xa xôi ngắm những công trình lâu đài mọc lên trên nơi từng là vườn, nhà của mình, vĩnh viễn không bao giờ có thể bước chân vào trong.

Chính sách “Người giàu có đất”

Hàng chục năm trước, có quan chức quản lý đất đai Việt Nam đã nói chính sách đền bù tốt nhất cho người bị quy hoạch đất (tôi nhớ đại khái) là biến giá trị đất của họ cao hơn rồi đổi đất tại chỗ, để họ vẫn sinh sống ổn định và hòa thuận với quy hoạch mới. Chứ không phải là một ngày đẹp trời ông bỗng thích quy hoạch, thế là ông đuổi ráo dân nghèo đi để nhường cho dân giàu hơn.

Tháng 12/2021, kết quả cuộc đấu giá bốn lô đất Thủ Thiêm gây bàng hoàng ngay cả với những người đang giữ trách nhiệm quản lý đất đai của nhà nước.

Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh nói trên báo: “Tôi muốn nước ngoài mua đất Việt Nam với giá cao bằng Tokyo, New York”.

Ông Minh (hay những người đứng sau ông) trả giá cho một lô đất là 2,4 tỷ đồng/m2. Lô này cho phép xây 570 căn hộ. Dân trong ngành đã tính hộ chủ đầu tư rằng mỗi căn hộ phải bán với giá ít nhất 500 triệu đồng/m2.

Dạ quý vị không nhầm đâu ạ, mỗi mét vuông của căn hộ ở đây phải có giá thấp nhất là nửa tỷ đồng.

Ai sẽ có đủ tiền để vênh vang thượng đẳng trong những ngôi nhà lát vàng đó? Cứ suy từ tình hình “củi” và “lò” của Việt Nam mấy năm nay thì có thể đoán không sai rằng chúng sẽ được dành cho nhóm ăn hối lộ, dưới dạng quà biếu hoặc bán suất ngoại giao.

thuthiem2rfa.jpeg
Một khu đất ở Thủ Thiêm. RFA

Người nghèo có … lời hứa

Trong một diễn biến khác, các doanh nghiệp tại TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương… đang lo sốt vó vì thiếu hụt công nhân. Công nhân hầu hết ở tỉnh lên thành phố thuê trọ gần khu công nghiệp, mấy tháng dịch bị mất việc và điều kiện nhà trọ chật chội dễ lây nhiễm nên rất nhiều người đã về quê. Số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 12/10/2021 cho biết đã có 1,3 triệu lao động rời Hà Nội, TPHCM và các tỉnh khác về quê. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách (theo báo VnExpress ngày 12/10/2021).

Kèm theo đó là số người sinh sống bằng nghề dịch vụ cho công nhân ở quanh khu công nghiệp, như người bán thực phẩm tươi sống, hàng ăn và quán nhậu, giải khát, tiệm net, tiệm làm tóc làm móng, may mặc, sửa và bán điện thoại, phụ kiện… vốn rất đông đúc.

Sài Gòn giờ vắng hẳn.

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) thông báo vào đầu năm 2022 cho biết: nếu COVID-19 được kiểm soát, năm nay các doanh nghiệp, nhà máy ở thành phố cần được bổ sung tối đa 310.000 lao động. Tuy nhiên họ lo các doanh nghiệp không tuyển dụng được đủ, vì thực tế năm ngoái 65.000 doanh nghiệp ở TPHCM cần hơn 174.000 lao động song số ứng tuyển chỉ trên 135.000 người.

Năm nay với tình hình dịch vẫn chưa thể kiểm soát và dự báo, nhiều khả năng số người có nhu cầu lên thành phố tìm việc sẽ còn thấp hơn.

Là vì hai nỗi lo chính của công nhân và người lao động phổ thông vẫn chưa hề được giải quyết: nhà trọ vẫn tạm bợ, đông đúc, chật hẹp, dưới tiêu chuẩn sống rất xa. Bình quân mỗi phòng trọ công nhân gần các khu công nghiệp khoảng 15-25 m2 (kể cả gác xép), chỉ có một phòng vệ sinh chung với phòng tắm nhưng thường sống chung khoảng 6-8 người. Cộng với thu nhập không hứa hẹn tăng trong năm 2022, công nhân hầu như không thể hy vọng thuê được nơi ở thoáng rộng, sạch sẽ hơn.

Thảm cảnh quá nhiều người chết trong những tháng cao điểm dịch cũng đã khiến nhiều người quá sợ hãi nên chọn cách ở lại quê chứ không lên thành phố để sống trong khu ổ chuột nữa, cho dù tìm việc ở quê khó hơn nhiều và các tiện ích công cộng cũng không bằng ở thành phố.

Và theo truyền thống, chính sách nhà ở, điều kiện tối thiểu của khu lưu trú, ký túc xá cho công nhân, việc ưu đãi vốn cho các chủ trọ để họ đầu tư khu lưu trú đạt chuẩn, ưu đãi giá đất và thuế cho doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân… thì cứ nghe các cấp nói mãi, nói mãi… Nhưng chẳng mấy ai làm.

Thế cho nên có những nhu cầu rất lớn nhưng chẳng thể gặp nhau: doanh nghiệp cần người nhưng không tuyển nổi; người lao động cần việc nhưng không dám lên thành phố; cư dân cũ của Thủ Thiêm đã 20 năm sống tạm cư ngay trên đất ông bà tổ tiên nhưng không thể sở hữu, và một số “đại gia” hể hả vì kéo được giá đất TPHCM lên tận mây xanh.
Cái giá 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ đẩy mặt bằng giá đất lên cao. Câu chuyện nhà ở cho công nhân sẽ càng lùi xa vào vô cực.

Chỉ trong vòng chưa đến trăm ngày sau chuỗi ngày đen tối của Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang… chẳng còn ai nghĩ đến những gì đã xảy ra và còn có thể lặp lại, hay nghĩ cách giải quyết nó.

Nhưng ai thèm quan tâm? Câu chuyện chính sách (bao gồm nhà ở, thu nhập, phúc lợi… ) cho công nhân và đền bù - giải tỏa đất cho người bị lấy đất luôn là chuyện thuộc lĩnh vực lịch sử: lãnh đạo trước sẽ để lại trọn vẹn di sản này cho lãnh đạo sau, cứ thế. Để lại cả những “bài” quan chức thương khóc, xót xa, “đẩy mạnh” “tăng cường” chẳng cần cắt lấy chữ nào, hàng chục năm lấy ra xài lại vẫn bóng loáng nguyên vẹn chạy tốt.

Thì công nhân và dân nghèo thành thị ấy mà, đám cu li ấy có phải tinh hoa đâu mà cần quan tâm? Dù sao nhiệm kỳ này chúng ta đã vươn lên tầm giá đất cao nhất thế giới. Nhất thế giới! Tự hào quá Việt Nam ơi!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn