Áp lực nào phải thừa nhận bộ đội Nguyễn Văn Thiên bị đánh chết chứ không phải bị té?

Thứ Sáu, 07 Tháng Giêng 20226:00 SA(Xem: 2532)
Áp lực nào phải thừa nhận bộ đội Nguyễn Văn Thiên bị đánh chết chứ không phải bị té?
rfa.org

Áp lực nào phải thừa nhận bộ đội Nguyễn Văn Thiên bị đánh chết chứ không phải bị té?

RFA 2022.01.06

Ngày 6 tháng 1 năm 2022, Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 52 thuộc Quân khu 5, Bộ Quốc phòng phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ba bị can là quân nhân thuộc Tiểu đoàn BB50 để điều tra với cáo buộc “Cố ý gây thương tích”, liên quan đến cái chết của quân nhân Nguyễn Văn Thiên tại đơn vị này vào tháng 11 năm ngoái.

Cuối tháng 11, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo về việc này. Tại buổi họp báo, đại tá Lê Tuấn Hiền - chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai - khẳng định quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong do đột quỵ, té ngã, xuất huyết não, nhồi máu phổi chứ không phải bị đánh như một số thông tin sai sự thật đang lan truyền trên các trang mạng xã hội. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cũng khẳng định hình ảnh vết bầm và vết mổ trên thi thể quân nhân Nguyễn Văn Thiên là do tự ngã và vết mổ khám nghiệm tử thi tạo nên, không phải do xô xát, đánh nhau.

Ngày 5 tháng 1 năm 2022, mạng báo Tiền Phong dẫn nguồn tin riêng cho biết, lãnh đạo thừa nhận quân nhân Nguyễn Văn Thiên chết do bị đánh chứ không phải té ngã mà chết.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu giải thích việc truy tố ba quân nhân về tội ‘cố ý gây thương tích’ chứ không phải tội ‘giết người’:

“Khởi tố về tội ‘cố ý gây thương tích’ là do gây thương tích rồi nạn nhân không qua khỏi do vết thương dẫn đến cái chết. Nó khác với tội giết người là ngay từ đầu đã muốn tước đoạt mạng sống người khác. Còn ở đây là do một cái gì đó tác động vô rồi gây thương tích, từ đó mới dẫn đến cái chết nên khởi tố như vậy là hợp lý.

Mà muốn hợp lý hay không thì phải bằng chứng cứ qua giám định pháp y của Bộ Quốc Phòng. Qua những vết thương, cơ quan điều tra thấy cái chết đó là do đâu. Họ làm rất kỹ vì nếu không kỹ họ sẽ phải bồi thường.”

Trong trường hợp này, tôi đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng phải điều tra trách nhiệm và thái độ của lãnh đạo và BCH quân sự tỉnh Gia Lai. Nếu nhẹ thì cách chức còn nếu nặng, có hành động bao che vò vấn đề này vấn đề khác thì phải điều tra và truy tố trước tòa án quân sự.- Ông Đinh Kim Phúc

Trước cái chết của quân nhân nghĩa vụ quân sự Nguyễn Văn Thiên, dư luận cho rằng không thể bỏ qua trách nhiệm của Ban chỉ huy quân sự tại đơn vị anh đóng quân.

Ông Đinh Kim Phúc, một cựu quân nhân cho rằng, đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng mà nếu không làm đến nơi đến chốn thì người dân không dám cho con em mình gia nhập quân đội nữa. Ông nói:

“Chúng ta thấy rõ ràng BCH quân sự tỉnh Gia Lai ban đầu lấp liếm, s trách nhiệm và trốn trách nhiệm. Do đó đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận quần chúng. Đến ngày hôm nay, cơ quan điều tra của Quân khu 5 đã thừa nhận quân nhân này bị đánh chết. Ở đây chúng ta thấy rõ ràng lãnh đạo của BCH quân sự Gia Lai thứ nhất là vì bệnh thành tích, sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị, của cá nhân mà bao che.

Ai cũng biết rằng kỷ luật là sức mạnh của quân đội và bất cứ vấn đề gì trong quân đội phải được điều tra và xử lý đến nơi đến chốn. Trong trường hợp này, tôi đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng phải điều tra trách nhiệm và thái độ của lãnh đạo và BCH quân sự tỉnh Gia Lai. Nếu nhẹ thì cách chức còn nếu nặng, có hành động bao che vì vấn đề này vấn đề khác thì phải điều tra và truy tố trước tòa án quân sự.”

2004-11-24T000000Z_1213710852_RP5DRICAXFAA_RTRMADP_3_VIETNAM.JPG
Bộ đội Việt Nam tập bắn gần Hà Nội 24 tháng 11 năm 2004. REUTERS

Một cựu quân nhân khác là ông Võ Minh Đức thì nhận định:

“Cái dư luận trong đơn vị là một rồi người dân xung quanh đơn vị này đóng họ biết quá nhiều không thể bưng bít được nữa. Họ sợ nếu bưng bít thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn nên cơ quan quân pháp của quân khu 5 buộc phải đưa vụ việc ra ánh sáng. Còn với phát ngôn báo chí của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai trước đây, cá nhân tôi đánh giá ít nhất người này phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý

Cá nhân tôi trước đây khi mới ra trường cũng đã rơi vào tình huống đó rồi. Mình nóng tính, mình bạt tai, đá đít lính là có. Khi xảy ra những chuyện nghiêm trọng thì chỉ huy ở đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nhưng vì bệnh thành tích, vì sĩ diện của chỉ huy và bệnh dối trá có tập quán lâu đời mà họ bưng bít, bao che. Những vụ việc ít nghiêm trọng ví dụ chỉ xảy thương tích nhẹ, thậm chí có nổ súng nhưng hầu như đơn vị nào cũng muốn bưng bít.”

Trước vụ quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong, hồi tháng 6 năm 2021, cái chết của quân nhân Trần Đức Đô ở Bắc Ninh khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng gây bất bình cho dư luận khi phía quân đội kết luận là do tự sát, trong khi gia đình cho là anh bị đánh đến chết vì trên cơ thể có nhiều vết thương.

Vụ việc đã được bốn đơn vị tham gia điều tra gồm Phòng điều tra hình sự Quân khu 1, Cục Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng, Cục Bảo vệ an ninh - Bộ Quốc phòng và Công an tỉnh Thái Nguyên, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Nhiều người cho rằng, những vụ quân nhân tử vong trong quân ngũ như trường hợp anh Nguyễn Văn Thiên hay Trần Đức Đô không phải do đánh nhau giữa các quân nhân, bởi kỷ luật trong quân đội rất nghiêm.

Sau cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, một cựu quân nhân (giấu tên vì lý do an toàn) cho RFA biết, anh chưa từng chứng kiến bạo lực trong thời gian quân ngũ. Anh giải thích:

“Chuyện đánh nhau ở trong đó rất là khó, nếu bị phạt thì họ phạt bằng điều lệnh. Ví dụ họ bắt mình tập các bài điều lệnh rất là vất vả, nhiều khi mình chỉ mong họ đấm mình một cái cho nó xong chứ còn tập các bài điều lệnh đấy còn vất vả hơn nhiều”. 

Tôi chứng kiến nhiều chỉ huy trưởng đánh lính nhưng thường họ không đánh công khai. Có lỗi gì nghiêm trọng thì họ lôi lên phòng nói chuyện rồi do nóng tính không kềm chế được thì bắt đầu đánh. Đánh có thể nói là như tra tấn. - Cựu quân nhân Võ Minh Đức

Cựu quân nhân Võ Minh Đức khẳng định, chuyện cấp trên lôi cấp dưới vào phòng kín đánh đập là có. Anh nói thêm:

“Thường cấp trên đánh cấp dưới là nhiều chứ còn bộ đội với nhau thì chỉ cãi vã nhau chút đỉnh rồi qua thôi chứ không đến mức đánh nhau nghiêm trọng đâu. Chuyện đánh nhau đến mức gây chết người thì chắc chắn một điều là do chỉ huy đơn vị.

Tôi chứng kiến nhiều chỉ huy trưởng đánh lính nhưng thường họ không đánh công khai. Có lỗi gì nghiêm trọng thì họ lôi lên phòng nói chuyện rồi do nóng tính không kềm chế được thì bắt đầu đánh. Đánh có thể nói là như tra tấn.

Cả vụ quân nhân Trần Đức Đô, tôi dám chắc một điều là do chỉ huy đánh thôi!”

Quân nhân Nguyễn Văn Thiên sinh ngày 10 tháng 10 năm 1998, nhập ngũ ngày 10 tháng 2 năm 2020, tử vong ngày 29 tháng 11 năm 2021. Khi sự việc xảy ra, Thiên là chiến sĩ thuộc trung đội thông tin, tiểu đoàn bộ binh 50, trung đoàn bộ binh 991, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn