Các vụ án hậu-Đồng Tâm báo hiệu ngày tàn của chế độ?

Thứ Hai, 20 Tháng Mười Hai 20218:00 SA(Xem: 3020)
Các vụ án hậu-Đồng Tâm báo hiệu ngày tàn của chế độ?
voatiengviet.com

Các vụ án hậu-Đồng Tâm báo hiệu ngày tàn của chế độ?

VOA

Hoàng Thành


Một ngày sau khi Phạm Đoan Trang bị tuyên 9 năm tù, đến lượt Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm – những nông dân bị cưỡng đoạt đất ở Dương Nội, Hà Đông, cũng lần lượt nhận những bản án rất nặng. Phương bị gọi 10 năm, Tâm 6 năm. Trịnh Bá Phương là thành viên thứ tư của một gia đình cùng bị án tù chỉ vì phản kháng đòi công bằng: Cha – ông Trịnh Bá Khiêm từng bị phạt 18 tháng tù. Mẹ – Cấn Thị Thêu (ba lần bị phạt tù, 10 tháng, 20 tháng và lần thứ ba 8 năm). Anh trai – Trịnh Bá Tư (mới bị 8 năm tù hồi tháng 5 vừa qua cùng với mẹ là bà Cấn Thị Thêu).

Các nhà quan sát bên ngoài Việt Nam đã phản ứng rất nhanh. Chỉ vài giờ sau khi bản án được tuyên, Giáo Sư Zachary Abuza từ Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ (NWC), một chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á, nói với báo Washington Post, rằng nguyên nhân nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù Đoan Trang là cô làm cho họ lúng túng, vì cô cho thiên hạ biết rằng, họ vi phạm chính luật lệ của họ. Tuy nhiên, một nhận xét khác không hoàn toàn đồng ý với GS. Abuza. Hàng ngày trên mạng xã hội có đến hàng trăm lời cáo buộc việc ĐCSVN “ngồi xổm” lên chính luật lệ của họ. Nếu không “rắn” với Đoan Trang chính quyền lo sợ một tiến trình phản kháng của trí thức sẽ bắt đầu trong một xã hội bị lai căng về mặt tinh thần và về hệ giá trị. Cách tiếp cận vấn đề quyết đoán và mãnh liệt của Đoan Trang đánh thức thế hệ trẻ Việt Nam đang thiếu vắng một tinh thần phản biện, một khả năng phân biệt đúng sai và thiếu sự can đảm (1).

Ai đó gọi Trang là một nhân vật lịch sử. 9 năm có ý nghĩa gì đối với lịch sử một dân tộc? Con người cá nhân mờ nhạt, thậm chí bị vùi lấp giữa các mốc thời gian, bị nhấn chìm trong dòng chảy mang tên “thời cuộc” để đáp ứng những đòi hỏi nặng nề của thời đại. Nếu nói về lịch sử, một người cùng làm việc với Đoan Trang nghĩ thế này: “Tất cả chúng ta đều là những nhân vật lịch sử, rằng mỗi chúng ta là nhân vật chính trong cuộc đời của riêng mình. Cách ta sống sẽ viết nên trang sử đời ta. Đời tôi giao với đời Trang một đoạn – đã hơn bốn năm kể từ hồi cùng biên tập cuốn ‘Chính trị bình dân’. Ở những trang giao nhau ấy, từng có nhiều điều tôi không đồng ý với Trang... Sự khác biệt là tất yếu, như Trang luôn nói, con người thì đa dạng và xã hội thì đa nguyên. Tôi quý mến Trang như một người viết dung dị, trân trọng Trang như một người đồng nghiệp nhiệt thành, kính nể Trang như một người tự do và giờ là một người tù tự do” (2).

ĐCSVN học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và những quốc gia toàn trị khác trong lịch sử, đã gộp cả 3 nhành hành pháp, lập pháp và tư pháp thành một hệ thống công cụ mặc sức tiến hành “khủng bố trắng” trong những ngày này, tháng này, năm này. Khi đàn áp như thế, họ không thể hình dung được, công an – tòa án – nhà tù… tất cả chỉ “gieo mầm” những phản kháng mới, bi tráng hơn, bạo liệt hơn. Càng đàn áp, càng khủng bố, chính quyền càng tạo ra sự khinh miệt lẫn phẫn nộ trong các bộ phận dân chúng khác nhau, ở đó, có cả những trí thức trong và ngoài dải đất chữ S nặng lòng vì tương lai xứ sở.

ĐCSVN sẽ tồn tại thêm được bao lâu khi họ nhân danh đủ thứ, lạm dụng đủ thứ, kể cả đàn áp khốc liệt như những năm gần đây, chỉ để giữ cho những cá nhân như Bộ trưởng Công an Tô Lâm có thêm cơ hội để giơ ngón cái lên với những Nusret Gökçe (còn gọi là “Salt Bae” – “Thánh rắc muối”), khen “bò dát vàng” là số một. Và chính Tô Lâm cùng đồng bọn, đã toa rập với nhau, trước đây giết Cụ Nguyễn Đình Kình và lên kế hoạch 419A để đánh úp bà con Đồng Tâm (ngay ngoại thành Hà Nội). Và giờ đây, chúng đẩy một nhà giáo gần 90 tuổi đời phải giơ ngón cái lên để cỗ võ, động viên con gái mình vững vàng trong chốn lao tù (3).

Các bản án hậu-Đồng Tâm là những cánh chim báo bão. Những cơn bão ấy hiện đang quét từ quốc tế vào quốc nội và cả chiều ngược lại. Ngay trong ngày 15/12, tất cả các Đại Sứ quán Mỹ, Anh, Canada và các nước khác đều đồng loạt phản đối bản án 9 năm tù đối với Phạm Đoan Trang. Đại Sứ quán Anh tại Hà Nội đưa lên Facebook bình luận của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á Amanda Milling, với nội dung như sau: “Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

Ngay trong ngày 15/12, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã đăng Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào một ngày trước đó lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price tuyên bố: “Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên án 9 năm tù đối với tác giả, nhà báo Phạm Đoan Trang, người không làm gì hơn ngoài việc bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến gần đây của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, cho thấy việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền” (4).

Tuyên bố của Chính pủ Mỹ viết tiếp: “Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang, người đã được quốc tế công nhận về nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam, đồng thời cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không lo sợ bị trả thù. Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng luật pháp và các hành động của họ thống nhất với các điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam (5).”

Các bản án của Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm là những tiếng chuông dóng lên, báo hiệu sự tan rã của chế độ, vì những mâu thuẫn khôn cùng của chính thể toàn trị khoác áo cộng sản. Đó là sự kết hợp giữa tính háo danh trên trường quốc tế, với cách thức kềm kẹp thần dân trong nước theo kiểu của phát xít Đức Quốc xã trước đây. Ở Việt Nam, bộ máy tuyên truyền làm rùm beng mọi thứ để tìm kiếm tính chính danh cho Đảng, từ xung quanh mấy chiếc váy của hoa hậu đến những đôi chân của các cầu thủ bóng đá. Đảng chỉ muốn cả thế giới này phải hô vang “Tự hào lắm Việt Nam ơi!”

Nhưng Đảng dấu tiệt rằng, Chủ nghĩa quốc xã, tức là Chủ nghĩa quốc gia xã hội phát xít Đức (Nationalsozialismus) với Chủ nghĩa xã hội dưới thời cộng sản đều có chung nguồn gốc, xuất phát từ các căn tính độc tài, phát xít và toàn trị! Thật ra, giữa cộng sản và phát xít rất ít sự khác biệt. Những kẻ phát xít, từ Ý đến Đức, đều đề cao chủ nghĩa dân tộc. Những người cộng sản tuy hay nói về chủ nghĩa quốc tế, nhưng thực tế, vẫn luôn luôn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, đều nhắm, trước hết, đến lợi ích của quốc gia và dân tộc của họ. Cả hai đều là những chế độ độc tài vô cùng tàn bạo (6).

Và đây là những tiếng nói dũng cảm từ trong nước. Nhà văn Tạ Duy Anh viết trên Facebook: “Dù bị tuyên bởi một bản án khắc nghiệt thì Phạm Đoan Trang cũng chỉ là tù nhân trong 9 năm, trong khi những người kết án cô thì chắc chắn là tù nhân vĩnh viễn của lịch sử.” Nhà báo Huy Đức nhận định: “Nếu chúng ta đang sống trong một xã hội có tự do, có phẩm giá, có công lý, có dân chủ thì những người như Đoan Trang sẽ có một vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội.” Tài khoản Danh Nguyen viết: “Vô cùng kính trọng Đoan Trang. Cô có đủ tố chất đòi hỏi Bi-Trí-Dũng từ một hành giả đấu tranh cho sự an vui của đồng bào mình. May mắn cho dân tộc Việt còn có những người trẻ như cô. Lành thay! Lành thay!” Danh khoản Khang Phan nhận định: “Khí phách cháu kiên cường! Bao giờ đất nước này có một chính quyền biết trân quý những lời phản biện nghịch nhĩ, khi đó đất nước mới có cơ sánh năm châu!”

Nhận định về phiên xử ông Phương và bà Tâm, người dùng Facebook, Đặng Bích Phượng, bình luận: “Nhìn ảnh vợ và hai con của Trịnh Bá Phương – Rất buồn… Một người bán cua ngoài chợ, nhỏ bé và khiêm nhường như Trịnh Bá Phương, là con của vợ chồng người nông dân mất đất như ông Trịnh Bá Khiêm, bà Cấn Thị Thêu, có thể làm gì để gây nguy hại cho nhân dân, cho đất nước?” Vẫn theo Đặng Bích Phượng: “Trịnh Bá Phương không có 10 tỷ để bảo lãnh như các quan chức cộng sản khi sa lưới pháp luật. Trịnh Bá Phương cũng không có cơ hội để tham nhũng, lợi dụng chức quyền để gây thất thoát tài sản quốc gia. Anh ta chỉ nói lên những điều anh ta nhìn thấy, nghe thấy và suy nghĩ của anh ta. Vậy thì anh ta có tội gì?" (7).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn