Thế nào mới thật sự là… ‘đánh phá quân đội’?

Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Hai 20216:00 SA(Xem: 3170)
Thế nào mới thật sự là… ‘đánh phá quân đội’?
voatiengviet.com

Thế nào mới thật sự là... ‘đánh phá quân đội’?

Trân Văn

Dân chúng Việt Nam tiếp tục bày tỏ sự nghi ngại về nguyên nhân khiến Binh nhất Nguyễn Văn Thiên thiệt mạng và việc bày tỏ sự nghi ngại đó đang bị quy kết là... “đánh phá quân đội”, hạ uy tín của đảng, nhà nước...

Thay vì bình phẩm về kiểu quy kết vừa dẫn xin giới thiệu một trường hợp xảy ra tại Mỹ vào năm ngoái để độc giả tự so sánh: Một binh nhất mất tích, hai tháng sau người ta phát giác cô bị giết... và đến nay, đã có hai Thiếu tướng (một là Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, một là Tư lệnh Sư đoàn 1 Kỵ binh) của lục quân Mỹ bị cách chức, chưa kể hàng chục sĩ quan, hạ sĩ quan cao cấp cấp tiểu đoàn, lữ đoàn bị xử lý nhưng cuộc điều tra nhằm tìm kiếm – xác lập giải pháp chấn chỉnh vẫn chưa kết thúc...

***

Binh nhất Thiên 23 tuổi, cư dân huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, phải thi hành nghĩa vụ quân sự hồi tháng 2 năm ngoái và được điều động đến phục vụ tại một trung đoàn bộ binh đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Gia Lai.

Ngày 29/11/2021, gia đình Binh nhất Thiên nhận được tin anh bị đột quỵ và đã được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai song khi thân nhân chưa đến nơi thì anh Thiên đã qua đời.

BCHQS tỉnh Gia Lai đã tổ chức giải phẫu tử thi và khẳng định: Binh nhất Thiên thiệt mạng là do tự té hồi 20 giờ 15 phút ngày 29/11/2021, khoảng một tiếng sau thì đương sự co giật, khó thở. Đơn vị đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi vì não xuất huyết (1).

Gia đình nạn nhân không chấp nhận nhận định vừa kể vì trên thi thể Binh nhất Thiên có nhiều vết bầm cả ở đầu, mặt, sườn, lưng, mô – cơ ở vùng thái dương giập nát, ngoài ra còn phù phổi – sung huyết, tim có nhiều điểm sung huyết (2)...

BCHQS tỉnh Gia Lai bác bỏ những nghi ngờ ấy và khẳng định: Các vết bầm trên thi thể Binh nhất Nguyễn Văn Thiên là do tự ngã và vết mổ khám nghiệm tử thi tạo nên, không phải do xô xát, đánh nhau!

Có một điểm đáng lưu ý là khi thông tin về sự kiện Binh nhất Nguyễn Văn Thiên, website của Lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam (LLDQTV VN) nhấn mạnh, Binh nhất Thiên qua đời là do... đột quị, té ngã, xuất huyết não, nhồi máu phổi.

Trang web chính thức của LLLDQTV VN phê phán: Việc loan truyền một số hình ảnh và thông tin về trường hợp tử vong của đồng chí Thiên trên mạng xã hội là sai sự thật, khơi thêm nỗi đau mất mát không gì bù đắp được của gia đình đồng chí Thiên, làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống của quân đội và gây hoài nghi, tạo dư luận xấu trong xã hội... đồng thời cảnh báo: Những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi nhọ và “đánh phá” quân đội chắc chắn sẽ thất bại hoặc sẽ bị... xử lý nghiêm minh (3)...

Cứ cho là Binh nhất Thiên bị... đột quị, té ngã thì liệu đề nghị trả lời thắc mắc: Tại sao đơn vị không đưa đi cấp cứu ngay lập tức mà phải chờ một giờ sau, khi Thiên... co giật, khó thở mới chuyển đến bệnh viện - có bị... xử lý nghiêm minh không?

Cách nay khoảng nửa năm, dư luận Việt Nam từng rúng động khi Trần Đức Đô, 19 tuổi, quê ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sau bốn tháng thi hành nghĩa vụ quân sự thì... tự tử tại trường Quân sự Quân khu. Lúc đó cả gia đình Trần Đức Đô lẫn phần lớn công chúng đều không tin nguyên nhân tử vong như tuyên bố của các viên chức hữu trách vì tử thi có rất nhiều vết tích bất thường: Sọ bị lõm. Miệng – sườn – ngực sưng, tím. Lưng - chân - tay có dấu hiệu như bị trói,... (4).

Thỉnh thoảng lại có thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam chết bất thường và khuấy động dư luận như trường hợp Nguyễn Văn Thiên hay Trần Đức Đô... Lần nào hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức cũng lên án những cá nhân nêu thắc mắc, góp ý đối với vấn nạn vừa đề cập và lần nào hệ thống tư pháp cũng lùng sục, xử lý một số cá nhân “thông tin sai sự thật” để răn đe công chúng (5)! Giờ, xin tham khảo chuyện ở Mỹ...

***

Vanessa Guillen sinh năm 2000. Cô tình nguyện gia nhập lục quân Mỹ và được chọn để đào tạo về sửa chữa vũ khí cá nhân. Tháng 4 năm ngoái, khi đang đồn trú ở Fort Hood (một căn cứ lục quân tại Texas), Guillen mất tích. Đơn vị của cô thông báo với CID (Cục Điều tra hình sự Lục quân). Tuy CID điều tra ngay lập tức nhưng gia đình Guillen muốn biết tin tức về thân nhân của họ sớm hơn nên họ đã vận động một số tổ chức dân sự liên tục tổ chức biểu tình bên ngoài Fort Hood.

Các đại diện của dân chúng Texas tại Quốc hội liên bang cũng vào cuộc, họ yêu cầu Bộ Quốc phòng phải xem xét, đốc thúc lục quân tìm kiếm Guillen nhanh hơn... Hai tháng sau, CID xác định một người lính cùng đơn vị đã giết Guiillen và mang thi thể Guillen từ bên trong Fort Hood ra ngoài chôn giấu... Ngay sau đó, Bộ trưởng Lục quân Mỹ ra lệnh tổ chức một cuộc điều tra độc lập, xem lại toàn bộ trường hợp của Guillen và đánh giá về cách quản trị, điều hành căn cứ Fort Hood (6).

Cuối năm ngoái, phần đầu tiên của cuộc điều tra được công bố, ba sĩ quan là Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 (nhân vật thay Tự lệnh Quân đoàn lúc đó đang ở Afghanistan điều hành Fort Hood), Đại tá Chỉ huy trưởng Trung đoàn 3 Kỵ binh và Thượng sĩ nhất Thường vụ của trung đoàn này bị cách chức. Đó là chưa kể 11 sĩ quan và hạ sĩ quan cao cấp khác lúc đó đang đảm nhận vai trò chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn... cùng vì đã để cho môi trường sinh hoạt, làm việc không lành mạnh...

Đến cuối tháng 4 vừa qua có thêm 13 sĩ quan và hạ sĩ quan cao cấp nữa bị kỷ luật. Theo một ông tướng bốn sao của lục quân Mỹ (người trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra để tìm hiểu tại sao và cần phải làm gì) thì cuộc điều tra vẫn còn tiếp tục vì: Chúng ta không thể phá vỡ niềm tin của đồng bào đặt nơi chúng ta. Chúng ta phải chứng minh chúng ta có thể nhận trách nhiệm – chịu trách nhiệm, tất cả các đơn vị của chúng ta đều có thể tự học hỏi và tự điều chỉnh (7).

Tên của Vanessa Guillen mới được dùng để đặt cho một trong những cổng ra vào Fort Hood. Vì sao lục quân Mỹ muốn mỗi người lính tại đó phải nhớ mãi sự kiện chẳng hay ho chút nào như vậy?

Cần nói thêm một chút, Vanessa Guillen không phải “con ông, cháu cha”, gia đình cô cũng chẳng phải “thế gia, vọng tộc”. Cha mẹ cô chỉ là những di dân bình thường, từ Mexico đến Mỹ định cư nhưng khi họ biểu tình, vận động tìm kiếm cô, đòi công lý cho cô, đòi chấn chỉnh quân đội Mỹ để không xảy ra chuyện tương tự như với người thân của họ, không có người Mỹ nào, đặc biệt là không có cơ quan truyền thông hay viên chức hữu trách nào của Mỹ cảnh cáo họ đừng để... kẻ xấu kích động, giật dây!

Nếu đòi minh bạch về nhân phẩm, tính mạng của những công dân phục vụ quân đội là... “đánh phá quân đội”, chẳng lẽ ban phát đủ loại đặc quyền, cho phép giấu diếm đủ loại đặc lợi, do vậy kích thích hết Tư lệnh quân chủng này đến Tư lệnh quân chủng khác, rồi Tư lệnh quân đoàn, Tư lệnh Sư đoàn thi nhau nhũng lạm là... xây dựng quân đội vững mạnh? Xưa giờ có quân đội của quốc gia nào mà cả bầy tướng lãnh câu kết với nhau nhũng lạm như Việt Nam (8)? Lẽ nào như thế mà vẫn còn... uy tín để hạ ư?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn