“Tôi yêu tiếng nước tôi”… mà tôi sai chính tả quá trời người ơi! ( Răng hô, thuốc lào, nói phét, sư cha mấy thằng Bắc kỳ 75 )

Thứ Sáu, 03 Tháng Mười Hai 20212:00 SA(Xem: 2860)
“Tôi yêu tiếng nước tôi”… mà tôi sai chính tả quá trời người ơi! ( Răng hô, thuốc lào, nói phét, sư cha mấy thằng Bắc kỳ 75 )
rfa.org

“Tôi yêu tiếng nước tôi”… mà tôi sai chính tả quá trời người ơi!

Bài bình luận của Chính Đệ 2021-12-03

Có một câu comment (nhận xét) kinh điển của thời đại này rất hay được dùng trên các mạng xã hội tiếng Việt.

Đó là: “Trình độ đọc hiểu có vấn đề hả?”, thường được viết giản lược là “Đọc hiểu có vấn đề?”

Ý nghĩa của nó thì khỏi cần giải thích nữa. Người được hỏi câu hỏi tu từ này đã hiểu sai/hiểu nhầm/hiểu lệch lạc văn bản nào đó đang được nhắc đến.

Có vài lần tôi lâm vào những hoàn cảnh rất bối rối

Chuyện A: Trên mạng xã hội, chúng tôi đang bàn về tình cảnh một cô gái trẻ chấp nhận kết hôn với người chồng ngoại quốc rất già và rất yếu để lấy tiền xây nhà, trả nợ và lo sinh kế cho cha mẹ. Tấm ảnh hai người đứng bên nhau trông xót xa vì sự chênh lệch quá ghê gớm: người chồng tóc râu bạc trắng, lưng còng, mặt xếp nếp, lụ khụ trong bộ vest chú rể cài hoa hồng bên cạnh cô vợ mười tám non tơ như một trái cây vừa chớm chín.

Tôi bình luận:

“Cười ra nước mắt!”

Rất nhanh, một người tôi mới quen phản ứng dữ dội. Anh viết đại khái: “Tôi không ngờ chị nhẫn tâm đến như vậy, chị chẳng có chút xúc động và thông cảm nào của một con người bình thường, tôi cứ tưởng chị nhân hậu chứ, tôi rất thất vọng về chị”.

Bụp-anh ta block tôi luôn.

Chuyện B: Có một người chụp ảnh động vật rất đẹp. Tôi may mắn gặp anh trong một buổi cà phê cùng với nhiều người khác và chúng tôi đã kết bạn face book với nhau. Người này hay post những tấm ảnh ưng ý lên trang cá nhân và tôi rất thích xem.

Lần kia, anh chàng post một tấm ảnh chụp một con chim hiếm hoi. Tấm ảnh pha trộn kỳ lạ giữa bộ lông nhiều sắc độ sẫm và sáng của con chim và nền rừng với nhiều tầng lá tối xung quanh, tạo nên một cảm giác trong tôi không thể gọi là gì khác

Tôi viết bình luận dưới tấm ảnh: “Tấm ảnh thật ma mị”. Để bày tỏ ý mình rõ hơn, tôi đã “like” tấm ảnh.

Nhưng chủ nhân vô cùng giận dữ: “Chị nhận xét thật ác ý. Tôi không hiểu tại sao chị dùng từ nặng nề như vậy”.

Anh này không block tôi, chỉ unfriend thôi.

Cả hai lần tôi đều ngơ ngác như bò đội nón.

Cười ra nước mắt là trạng thái cảm xúc cao độ diễn tả sự đau lòng trước một nghịch cảnh trớ trêu quá đến nỗi người ta không thể khóc như bình thường. Cái cười ấy là cười gượng gạo, là hình thái méo mó của tiếng khóc khô không lệ.

Người bạn kia đã hiểu nhầm câu tôi viết “Cười ra nước mắt” thành “Cười chảy nước mắt”, và kết luận tôi nhẫn tâm cười cợt trước nỗi ê chề của cô dâu Việt Nam trẻ tuổi kia.

Người thứ hai hiểu lầm từ ma mị thành “ma quái” và biến lời khen tối đa của tôi thành câu chê bai trắng trợn.

Cả hai đều không cho tôi cơ hội giải thích, và tôi-vốn chảnh chó-cũng nghĩ chả tội quái gì phải giải thích. Câu chữ vẫn nguyên đấy trên mạng, muốn hiểu đúng chỉ cần đọc lại, giở từ điển ra là xong. Thái độ bộp chộp vội vã của họ khiến tôi không muốn làm rõ để giữ họ lại như những người bạn.

Tự dưng hôm nay nhớ mấy cái chuyện đã rất lâu này là vì hôm qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đề xuất một ý tưởng rất hay, là thành lập Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.

sai chinh ta 3.jpg
Một tấm biển sai chính tả trên đường ở Việt Nam

Ngày Tôn vinh tiếng Việt

Mục đích là khuyến khích, cổ vũ người Việt Nam ở nước ngoài học tập và giữ gìn tiếng Việt.

Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nói: Tiếng Việt vừa là cầu nối, vừa là phương tiện để lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, do đó việc giữ gìn và phát huy nó là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Nhưng tôi nghĩ nhiệm vụ này trước nhất nên được trao cho chính những người Việt đang sống trong nước.

Lý do đầu tiên: khả năng tiếng Việt của rất nhiều người Việt hiện tại ở trong nước là một thảm họa.

Dưới đây là những lỗi thường gặp ở bất cứ giai tầng nào (mức độ có khác biệt), từ sơ đẳng đến cao:

-Sai chính tả: người Bắc thường sai phụ âm đầu. Tờ báo Hà Nội Mới ngày 07.9.2013 thuật về hiện tượng sai chính tả phổ biến: “Biển hiệu quán ăn, nhà hàng ghi dòng chữ "cơm xuất", "cháo chai", "sôi thịt". Biển báo trên các tuyến đường có khi là "cấm hàng dong", "cấm giẽ trái"….

Người Trung thường sai dấu và nguyên âm giữa, người Nam thường sai phụ âm cuối.

-Sai ngữ pháp, không hiểu ý nghĩa, không biết cách dùng viết hoa-viết thường, từ loại, các loại câu, dấu chấm câu. Nhiều người không phân biệt được câu kể với câu hỏi và luôn luôn dùng dấu hỏi ở cuối câu kể, trong khi phải dùng dấu chấm.

Ví dụ: Em hỏi anh hôm nay đi đâu.

Nhiều người viết sai thành Em hỏi anh hôm nay đi đâu?

Đây là câu kể, diễn tả nội dung chính là người vợ hỏi người chồng về nơi anh ta đi. Nếu là câu hỏi (nội dung chính là “anh đi đâu” thì phải viết: Em hỏi anh, hôm nay (anh) đi đâu?
Ví dụ rõ hơn: Rất nhiều người chất vấn WHO nguồn gốc của vi-rút gây bệnh COVID-19 là từ đâu.

Câu này là câu kể, phải dùng dấu chấm cuối câu. Nếu viết “Rất nhiều người chất vấn WHO nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19 là từ đâu?” thì sai ngữ pháp.

Ví dụ thứ ba: Một người viết: Em cảm ơn Anh và Anh Em đã giúp đỡ em rất nhiều trong thời gian qua.

“Anh”, “anh em” ở đây đều là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, là you trong tiếng Anh, nị trong tiếng Hoa chứ không phải tên riêng, nhưng người viết nghĩ cứ viết hoa lên tức là bày tỏ tôn trọng. Cho nên nếu hiểu đúng ngữ pháp thì câu này có nghĩa người viết đang cảm ơn một người tên là Anh và một người tên là Anh Em. Viết đúng thì những từ này không cần viết hoa.

-Không hiểu được hoặc không hiểu đúng ngữ nghĩa của từ.

-Không đủ vốn từ để diễn đạt điều muốn nói. Hệ quả của nó là sính từ ngoại mới du nhập. Ví dụ từ khi dòng ngôn tình Trung Quốc du nhập thì từ “sinh nhật” (ngày sinh, birthday) biến mất. Đâu đâu cũng “sinh thần”, tôi nghe cảm thấy như ăn mắm tôm với phô mai vậy.
Cảm tưởng như dân ta giống như ngọn cỏ, gió đùa đến đâu ngả nghiêng đến đấy. Khi phong trào tiếng Anh mạnh mẽ trở lại, người ta chôn quách luôn từ “thủ công” vốn có từ hàng ngàn đời và ai cũng hiểu, chuyển sang gọi “handmade”. Thậm chí có tờ báo non tiếng Việt đến nỗi dịch ngược trở lại “handmade” là “làm bằng tay”- túi xách làm bằng tay, áo quần làm bằng tay. Ấy quý vị độc giả có thấy chỗ này người ta làm hàng hóa không phải bằng tay mà bằng chân hay bằng mông xin gọi điện cho chúng tôi để bổ sung vốn từ cho khỏi lạc hậu nhé!

-Không thuộc/sử dụng được một số tối thiểu về vốn văn học dân gian như ca dao, tục ngữ, thành ngữ…

-Chính trị hóa việc dùng tiếng Việt: Chuyện này thường gặp ở cộng đồng Việt kiều trí thức lớn tuổi sống ở Mỹ hoặc các nước đồng minh Mỹ.

Biến động ghê gớm của cả đời người kèm với những ký ức kinh hoàng đã khiến ngôn ngữ của cuộc sống cũ đối với họ không còn là phương tiện giao tiếp và diễn đạt thông thường mà trở thành một biểu tượng cho sự bất khuất quyết không sống chung với “Việt cộng”. Giữ chắc những từ ngữ cũ, cách nói cũ, với họ có nghĩa là Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa vẫn còn đó, cuộc sống và vị trí một thời của họ vẫn còn đó. Nó giống như chiếc vòng bảo vệ mà Tôn Ngộ Không vẽ ra trên đất, gây ảo tưởng một thành quách an toàn gồm toàn những người cùng đẳng cấp, cùng chí hướng. Nó giúp họ phân loại và đuổi ra vòng tròn đó những thành viên khác biệt (khác biệt ở đây chỉ có một nghĩa là thân Việt cộng!).

Vậy là các ông bà cô chú ấy kiên quyết dùng “trương mục” thay cho “tài khoản”, “phi trường” thay cho “sân bay”, “túc cầu” thay cho “bóng đá”, “vũ cầu” thay cho “cầu lông” (tôi đọc được một bình luận của một người thuộc nhóm này rằng chữ vũ cầu nghe thanh tao làm sao, còn cầu lông nghe rừng rú mọi rợ, cái gì mà lông lông ghê vậy). Hoa nhài cũng không được, phải là hoa lài (của đáng tội, giọng Nam gọi lài nhưng miền Bắc gọi nhài. Các cô bác này đồng nhất miền Bắc với “Cộng sản”, nên ghét lây cả những từ được phát âm với giọng Bắc!).

Những từ mới được dùng nhiều theo những nghĩa vui vui sau này như “hoành tráng” (bữa tiệc hoành tráng nghĩa là thịnh soạn, xa xỉ, lộng lẫy, quy tụ nhiều khách mời cao cấp… chẳng hạn), “sấp mặt” (học sấp mặt, chơi sấp mặt.. nghĩa là đến mức độ tận cùng”) cũng bị đả phá quyết liệt, thậm chí người vô tình nói ra cũng sẽ bị tẩy chay.

Những Việt kiều cao niên ấy quên rằng ngôn ngữ không có tội.

Mặt khác, ngôn ngữ chính là sinh ngữ, luôn luôn có những từ ngữ mới hoặc cách dùng mới của từ ngữ cũ được sinh ra trong một cộng đồng thường xuyên dùng nó để diễn đạt và giao tiếp. Trong nhịp sống hối hả hiện tại, số lượng từ ngữ sinh ra và mất đi càng nhanh và nhiều. Có những từ/cụm từ mới cách đây vài tháng nở râm ran trên cửa miệng khắp mọi người, giờ thì chẳng ai còn nhắc đến nó nữa. Đó là điều thú vị của ngôn ngữ: bản thân nó cũng chính là một dạng sử liệu.

Tuy nhiên, phải thừa nhận tuy có đôi chỗ già cỗi và lỗi thời, nhưng các Việt kiều cao niên đã sử dụng tiếng Việt rất đẹp. Họ hiểu đúng, hiểu sâu và tôn trọng ngữ nghĩa, ngữ pháp tốt nên nói/viết rất chính xác và bóng bẩy. Họ còn nhắc nhau viết đúng chính tả/ngữ pháp và dùng từ cho chuẩn xác.

Ngược lại, ở trong nước, trừ một số người giỏi ra thì trình độ tiếng Việt chung là khá thấp. Ngay trên nhiều tờ báo vốn phải gánh trách nhiệm hướng dẫn ngôn ngữ cho xã hội vẫn lỗi chính tả và ngữ pháp ngập ngụa. Mà than ôi, toàn những lỗi thuộc vào hàng sơ đẳng, một học sinh cấp hai không trốn các tiết Ngữ pháp hoàn toàn không thể mắc phải.

Theo khảo sát tỷ lệ văn bản sai chính tả ngữ pháp do Công ty cổ phần Truyền thông và Công nghệ VieGrid và Báo điện tử VietNamNet thực hiện năm 2013, ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỷ lệ sai lên tới 7,47%; tại Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tỷ lệ văn bản mắc lỗi chính tả lên tới 38,46%.

Tôi yêu tiếng nước tôi nhưng Bộ giáo dục cần phải qua đời trời ơi

Nguyên nhân thì nhiều. Thiết bị điện tử cầm tay tràn ngập khiến người ta dễ dàng giải trí bằng YouTube, Tik Tok, Facebook… và không đọc sách nữa. Các video ngắn rất đập vào mắt nhưng không thể trình bày sự tinh tế, đa tầng nghĩa và các sắc thái cảm xúc của ngôn ngữ, vì vậy số đông người chỉ nghiện video cũng không thể học được cách sử dụng ngôn ngữ.

Nguyên nhân quan trọng hơn xuất phát từ việc dạy văn trong nhà trường phổ thông.

Nhiều năm qua, việc dạy môn Văn và tiếng Việt bị ép vào cái khuôn công thức. Thầy cô buộc phải chấm điểm một trong những môn học thể hiện tính cá nhân và sáng tạo nhất theo cách vô lý nhất, là đếm số ý trả lời đúng với đáp án. Nếu học sinh cảm nhận khác với đáp án, thầy cô giáo có thể sung sướng vì có một học trò cảm thụ văn chương tốt, nhưng bài thi vẫn không thể cho điểm cao. Bởi thế, nên trừ học sinh các lớp chuyên văn thì không học trò nào dám cả gan phá vỡ các bài thi cứng nhắc.
Giáo án chuẩn của Bộ Giáo dục (trong một tiết dạy phải liệt kê được những ý gì, thông điệp nào của tác phẩm muốn học sinh ghi nhớ) cũng khiến người dạy không thể bay bổng. Họ không được tự do truyền thụ cho học trò những cảm nhận, phân tích, bình luận nào không trùng với yêu cầu.

000_Hkg10208685.jpg
Hình minh hoạ: Học sinh xem sách tại hội chợ sách ở Hà Nội năm 2015. AFP

Ví dụ dạy tác phẩm Hòn Đất, người dạy không thể mải mê phân tích nỗi lòng đau đớn của bà Cà Xợi, mẹ thằng Xăm, khi có ý định giết con mình, mà phải tập trung đề cao ý chí anh hùng, trừ gian diệt bạo của bà, chẳng hạn.

Khuôn khổ hạn hẹp như thế khiến cho học sinh chán ngán, cảm thấy bị áp đặt và do đó ghét môn học. Ghét rồi thì làm sao chịu học từ vựng, ngữ pháp! Vì thế khi lớn lên, trừ một số ít người có khả năng tự học tốt để bổ sung phần kiến thức thiếu hụt thì rất nhiều người nói và viết rất kém, dù rất mê đọc tiểu thuyết. Nó phản ánh ngay trên công việc và đời sống của họ: những văn bản nhà nước trúc trắc tối ý, khiến người ta hiểu sai nghĩa; những đoạn viết trên mạng xã hội dài cả gang tay không dấu chấm câu, từ ngữ sai lè, diễn đạt như ngậm nắm sỏi trong miệng…

Cứ chịu khó đọc vài tờ báo tiếng Việt và lướt mạng xã hội tiếng Việt thì quý vị có cả rổ minh chứng luôn.

Cho nên, điều tôi muốn trình bày với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là đừng chỉ tổ chức ngày Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban) mà hãy thực hiện nó cho tất cả những người sử dụng tiếng Việt đang sống ở bất kỳ mảnh đất nào. Đặc biệt cần tiên phong thực hiện nâng cao trình độ tiếng Việt ngay cho học sinh, sinh viên, người đang đi làm trong bộ máy Nhà nước đầu tiên.

Hãy chọn ngày 1.1 hàng năm làm ngày Tiếng Việt

Trong đề án do Ủy ban đưa ra có ý định chọn ngày 8.9 hàng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vì “đấy là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ”, cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam về tiếng Việt: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp" (trích bài báo trên tạp chí Tuyên giáo ngày 30.11.2021).

Nếu lưu tâm đến các khác biệt về quan điểm chính trị của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, chắc ai cũng thấy được nguồn gốc của ngày này sẽ khó được chấp nhận trong một số không ít người Việt.

Tôi cho rằng nên chọn một ngày không có liên quan gì đến các sự kiện chính trị, cho dù là sự kiện chính trị của bên “đỏ” hay bên “vàng”. Tiếng Việt đã tồn tại hàng ngàn năm và sẽ tồn tại hàng ngàn năm nữa. Bản thân tiếng Việt đã có lịch sử và sức sống độc lập, với tất cả vẻ đẹp phong phú và trường tồn của nó.

Tôi nghĩ đến chọn ngày Tết nguyên đán. Tết là ngày vui của tất cả người Việt, là dịp để tất cả mọi người gửi đến nhau mọi từ ngữ tốt lành đẹp đẽ nhất, là lý do rất phù hợp để làm ngày Tiếng Việt.

Nhưng nếu chọn lịch âm thì nó sẽ thay đổi theo từng năm, không thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động định kỳ. Vậy hãy chọn ngày tết Dương lịch 01.01 đầu năm đi, ngày đó vẫn là tết nhưng không ai phải lo nhiều việc nhà như cái tết truyền thống nên vẫn có đủ thời gian và hứng thú để tham gia các hoạt động tôn vinh tiếng Việt.

Quý vị nghĩ sao?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn