Dân nghèo Sài Gòn vật lộn mưu sinh sau dịch

Thứ Sáu, 05 Tháng Mười Một 20212:00 SA(Xem: 2349)
Dân nghèo Sài Gòn vật lộn mưu sinh sau dịch
voatiengviet.com

Dân nghèo Sài Gòn vật lộn mưu sinh sau dịch

VOA Tiếng Việt

Người dân thuộc nhóm yếu thế nhất ở thành phố Hồ Chí Minh đang cầm cự mưu sinh qua ngày sau thời gian dịch bệnh kéo dài khiến họ mất thu nhập, lâm cảnh nợ nần hoặc phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của bá tánh, theo tìm hiểu của VOA.

Thành phố lớn nhất nước vừa trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 tàn khốc trong suốt bốn tháng và chỉ mới mở cửa lại được hơn một tháng qua. Trong lúc này, mặc dù sinh hoạt ở thành phố đã trở lại gần như bình thường nhưng cuộc sống vẫn đang rất khó khăn đối với nhiều người, nhất là những người lao động nghèo hay già yếu, tàn tật.

VOA đã tìm cách tiếp xúc và hỏi thăm hoàn cảnh của ông Nguyễn Mạnh Hùng, 54 tuổi, hiện đang bán đồ chay ở Quận 10 và bà Ung Kim Liên, 78 tuổi, hiện đang lượm ve chai kiếm sống ở huyện Bình Chánh.

Cả bà Liên và ông Hùng đều là lao động chính nuôi gia đình. Ông Hùng phải lo ăn học cho hai đứa cháu 7 tuổi và 12 tuổi trong khi bà Liên, vốn góa chồng được 10 năm nay, phải chăm lo cho đứa con trai trên 50 tuổi hiện đang bị tâm thần.

Cả hai đều phải làm lụng để có tiền trả tiền thuê nhà trọ, tiền ăn và tiền thuốc men. Ông Hùng bị bệnh tim, còn bà Liên đôi chân cũng đã yếu không thể đi lượm ve chai xa được nữa.

‘Chỉ mong trả hết nợ’

“Tôi bệnh tim nên bữa nào mệt quá phải nghỉ bán, khi nào khỏe mới bán lại,” ông Hùng nói với VOA và cho biết kể từ khi bán lại sau dịch ông chỉ ‘bán được lai rai, đủ sống qua ngày’.

“Có bữa ế quá không có tiền mua đồ ăn cho tụi nhỏ, tụi nhỏ cũng thương tôi nói thôi để tụi con ăn đồ chay,” ông kể. Cha mẹ của hai đứa nhỏ đã ly dị, có gia đình mới và bỏ hai đứa con lại cho ông nuôi, ông Hùng cho biết.

Ông còn nuôi một người chị ruột, bị tai biến, nằm một chỗ đã nhiều năm. Bà đã qua đời hồi tháng 7 lúc dịch đang bùng phát. “Nhà tôi không ai bị Covid. Chị tôi ngủ dậy nghe tin người này người kia trong xóm bị dịch mà chết nên chỉ hoảng hốt, bỏ ăn hai ngày rồi chết,” ông nói.

Sau khi y tế phường xuống xét nghiệm xác nhận âm tính, phường cho ông để thi hài chị lại nhà làm đám tang trong 3 ngày. Chi phí đám tang chị, ông phải đi vay nóng hết 30 triệu đồng và phải trả tiền lời 300 ngàn đồng mỗi ngày, cũng theo lời ông.

“Nếu bà chị bị Covid mà chết thì mai táng khỏi lo, được nhà nước tài trợ hết,” ông cho biết. “Đằng này bị đột quỵ mà chết.”

Ông Hùng cho biết trong suốt bốn tháng phong tỏa, vì cuộc sống mà ông phải tìm đường bán bún bò Huế qua mạng, giao hàng cho shipper để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Lúc dịch cũng lăn lộn ngoài đường, cũng buôn bán này nọ, cũng leo rào trốn công an đi mua đồ về bán,” ông nói.

“Có lúc bị công an chặn không ra ngoài đi siêu thị được thì nghỉ bán,” ông nói thêm. “Tôi cũng năn nỉ công an nói là nhà tôi khổ lắm, mấy tháng không buôn bán thì lấy tiền đâu trả tiền nhà?”

Khi được hỏi có sợ bị dính Covid không khi trốn ra ngoài đường, ông nói: “Tôi cũng lo ra ngoài mùa dịch sẽ ảnh hưởng đến chị với hai đứa nhỏ, cũng sợ lắm nhưng bước đường cùng rồi, đành đánh liều luôn chứ sao giờ.”

Tiền trọ mỗi tháng ông phải trả là 6 triệu luôn cả điện nước, theo lời ông. Bản thân ông Hùng đã được chích hai mũi vaccine của Trung Quốc và đứa cháu lớn của ông đang học lớp Sáu cũng sắp được chích.

Trong suốt đợt dịch, ông Hùng được nhận tiền cứu trợ của Nhà nước là 3 đợt, tổng số tiền 4 triệu đồng, chị ông nhận được hai đợt là 2,5 triệu, còn hai đứa cháu ông mỗi đứa được 1 triệu. Ông nói nhận được tiền hỗ trợ ông ‘mừng lắm’ vì ‘xoay sở được cuộc sống gia đình’.

Ngoài tiền, cả nhà ông được cấp 80 kg gạo cùng với dầu ăn, bột ngọt, hột gà, rau củ các loại, ông cho biết. Ngoài ra cũng có nhà hảo tâm đến cho quà.

“Tôi buồn vì chỉ còn có hai chị em mà chị lại bỏ tôi mà đi, nhưng vui là hai đứa cháu bình an không có bị dịch,” ông Hùng giãi bày.

Ông Hùng đi bán lại trong bối cảnh dịch bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và thành phố chuyển sang chủ trương ‘sống chung với dịch’ nên ông nói ông ‘vẫn phải rất cẩn thận’.

Hiện giờ ông đã được cho khách ngồi ăn tại chỗ kể từ đầu tháng 11. Tuy nhiên do còn dịch, người dân chưa dám ra đường nhiều nên ông chỉ bán được 6/10 so với trước khi có dịch, cũng theo lời ông. Quán đồ chay của ông nằm ở hẻm 322 đường Vĩnh Viễn, vốn được người dân xung quanh gọi là ‘quán chay chú Hùng’.

“Có khách hàng đến ăn chỉ có 30 ngàn mà họ trả 100 ngàn nói khỏi thối. Có người cho 200-300 ngàn, có người cho đến 500 ngàn nữa,” ông Hùng kể về tình thương của khách hàng đối với hoàn cảnh gia đình ông.

Hai đứa cháu ông học qua mạng bằng ‘hai chiếc điện thoại quẹt thường – một chiếc của người ta cho, một chiếc tôi mua’.

“Tôi chỉ mong là trả hết nợ,” ông Hùng nói khi được hỏi về nguyện vọng, ý nhắc đến số tiền ông mượn làm ma chay cho chị mà hiện giờ ông vẫn phải đóng tiền lời mỗi ngày.

‘Mong có tiền trả tiền nhà’

Về phần mình, bà Liên cũng đã ra đường lượm ve chai trở lại sau bốn tháng bị buộc phải ở nhà. Bà hiện đi lượm xung quanh đường Cây Cam, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

“Hiện giờ cũng chưa lượm được nhiều đâu, tại họ cũng đi lượm đông quá,” bà nói. “Có mấy người trẻ họ đi xe đạp lượm, còn bà đi bộ nên đâu đi lượm xa được.”

Lúc trước khi bị dịch thì bà kiếm được mỗi ngày 70-80 ngàn đồng, ngày nào khá hơn có khi được 100 ngàn, bà nói. Số tiền đó chỉ đủ tiền ăn và mua thuốc cho hai mẹ con trong khi tiền nhà mỗi tháng bà phải đóng 1,6 triệu.

“Chừng nào tới tiền nhà, bà đi ra mấy quán xin chủ quán, bà nói bà già khổ quá không có tiền đóng tiền nhà thì người này giúp 100 ngàn, người kia giúp 200 ngàn, gom lại cũng đủ đóng tiền nhà,” bà nói thêm.

Sau dịch thì thu nhập của bà chỉ còn khoảng 30-40 ngàn một ngày, và chủ yếu bà nhờ các hàng quán cuối ngày họ gom đồ ve chai trong quán lại cho bà. Bà cho biết bà phải đi thu gom ve chai từ 3h đến 8h sáng, vì nếu trễ quá ‘công nhân quét rác gom hết’. Sau đó bà về nhà tắm rửa, lo cơm nước cho con, đến 10h lại đi lượm tiếp.

“Ai kêu cái gì phụ người ta nhiêu cũng làm hết tại vì khổ quá. Có khi kêu giặt một thau đồ 20 ngàn cũng làm,” bà nói.

Bà cho biết, trong lúc dịch bệnh hoành hành mà Bình Chánh lại là một trong những nơi bị dịch nặng nhất thành phố, mặc dù sợ dịch nhưng nhiều lần bà phải vượt các chốt chặn ra ngoài kiếm sống.

“Bà cũng xin đi à. Công an họ chửi ‘bộ bà muốn chết sao mà bà đi hoài?’ Tôi nói ‘Không đi lấy cái gì sống?’ Rồi họ nói ‘Tôi cho bà mấy chục ngàn nè bà về đi’,” bà Liên thuật lại cho VOA màn đối đáp giữa bà với công an.

Khi bị đuổi thì bà về, nhưng hôm sau bà lại ra năn nỉ tiếp, bà nói. Có khi công an thấy bà khổ quá, họ gom ve chai lại để sẵn cho bà lại lấy, cũng theo lời bà Liên.

“Tuần bà đi ra 3-4 ngày, bà len lén tìm các đường tắt, hẻm nhỏ mà ra,” bà nói thêm.

Bà Liên cũng được lãnh tiền hỗ trợ của nhà nước nhưng ít hơn nhiều so với ông Hùng. Tính ra, bà chỉ được hỗ trợ có 1 lần với số tiền 1,5 triệu đồng, còn con trai bà không được hưởng. “Lần thứ hai họ nói cho mà có thấy cho gì đâu,” bà than.

Ngoài tiền, bà còn được cho gạo, trứng, rau, bà nói, nhưng sau khi thành phố mở cửa lại thì ‘không còn cho nữa’. Bên cạnh đó, chủ nhà trọ cũng miễn cho bà hai tháng tiền nhà.

Lúc dịch, các tiểu thương trong chợ chỗ bà hay lượm ve chai ‘người ta thấy bà khổ quá’ người ta cho rau, cho cá.

“Nhờ đó bà sống qua ngày, có gì ăn đó,” bà nói. “Nhưng bây giờ người ta buôn bán ế ẩm lắm, nên ít người cho.”

Bà Liên cũng đã được chích ngừa đầy đủ. Bà cho biết lúc đi lượm ve chai khi gặp người khác ai cũng kêu là ‘thôi bà đi xa xa ra’. “Nói chuyện thôi cũng phải đứng cách hai thước,” bà nói.

Khi được hỏi về mong ước, bà nói: “Bà chỉ mong có người giúp đỡ cho bà có tiền trả tiền nhà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn