Thấy gì qua việc thầy giáo xin thôi việc vì môi trường 'phi giáo dục, dối trá'? ( Thấy di sản " Mặt Bác Hồ" )

Thứ Tư, 13 Tháng Mười 20211:33 CH(Xem: 3179)
Thấy gì qua việc thầy giáo xin thôi việc vì môi trường 'phi giáo dục, dối trá'? ( Thấy di sản " Mặt Bác Hồ" )
rfa.org

Thấy gì qua việc thầy giáo xin thôi việc vì môi trường 'phi giáo dục, dối trá'?

RFA 2021-10-12

Mới đây một thầy giáo ở Đồng Nai đã xin nghỉ việc vì ông thấy môi trường nơi ông giảng dạy 'phi giáo dục, dối trá'.

Người xin nghỉ việc là thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai. Trong đơn xin nghỉ việc được báo chí Nhà nước đăng tải, thầy Sơn nêu lý do: “công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục... nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”.

Trả lời RFA hôm 12/10, Thầy Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, người từng có rất nhiều thành tích chống tiêu cực trong giáo dục, nhận định:

“Thầy Lê Trần Ngọc Sơn vừa làm một đơn xin thôi việc, vừa là một lá đơn có nội dung tố cáo sự xấu xa nơi trường học nơi thầy ấy công tác. Theo lá đơn này và trả lời của hiệu trưởng trên báo chí, thì đúng là trường học đó có rất nhiều vấn đề. Phòng giáo dục đã thuyên chuyển một hiệu phó và đang có ý định thuyên chuyển cả hiệu trưởng. Rất là buồn, vì theo thầy ấy là sự dối trá tràn ngập, theo tôi điều này rất là đúng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực... Trước đây tôi dạy ở trường Vân Tảo thấy rằng, khi tay hiệu trưởng côn đồ, lưu manh, dở trò xấu xa áp đảo, khủ bố thầy cô... thì cả trường phải nói dối theo nó.”

Nguy hiểm hơn cả, theo thầy Khoa, là cả ban lãnh đạo Sở GDĐT hùa theo với sự dối trá đó và cũng trở thành những kẻ dối trá lừa lọc. Thầy Khoa cho rằng đấu tranh ở Việt Nam rất khó vì cấp trên hư hỏng mục ruỗng, chứ không phải vì khó phát hiện sai phạm ở cơ sở. Cho nên Việt Nam nên có biện pháp mạnh, có những lãnh đạo thật mạnh mẽ kiên quyết xử lý những trường hợp này. Thầy Khoa nêu ví dụ:

“Tôi thấy ở Hải Phòng có trường nào lạm thu thì như năm vừa rồi, thì lãnh đạo tỉnh cách chức, xử lý luôn hiệu trưởng. Nhưng không phải nơi nào cũng được như vậy.”

Rất là buồn, vì theo thầy ấy là sự dối trá tràn ngập, theo tôi điều này rất là đúng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực... Trước đây tôi dạy ở trường Vân Tảo thấy rằng, khi tay hiệu trưởng côn đồ, lưu manh, dở trò xấu xa áp đảo, khủ bố thầy cô... thì cả trường phải nói dối theo nó.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Thầy Lê Trần Ngọc Sơn khi giải thích với báo chí trong nước về lý do là một giáo viên đã công tác trong ngành giáo dục gần 25 năm, nhưng phải viết ra những lời cay đắng như vậy, vì khi về trường giảng dạy thấy nhiều bất hợp lý, đã góp ý cho ban giám hiệu nhưng đã bị trù dập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khi trao đổi với RFA hôm 12/10 cho rằng chuyện đi dạy thì cũng có chỗ xấu, nhưng cũng có chỗ tốt:

“Nhìn chung thì giáo dục Việt Nam cũng có chỗ này chỗ kia, có chỗ thì tôi tin giống như chỗ thầy giáo đã xin nghỉ việc nói như thế, đây có thể là chuyện có thật. Nhưng có những chỗ khác thì không đến nỗi như thế, thậm chí có môi trường rất tốt. Trường tôi là trường đào tạo giáo viên, học trò học xong đi dạy... nhiều em gặp lại thầy kể lại chuyện đi dạy có chỗ xấu, có chỗ tốt. Nhưng nhìn chung có những cái khá phổ biến, mà người tự trọng không chấp nhận được, chẳng hạn như bệnh thành tích, bắt các thầy cô giáo phải làm hết các chuyện nhỏ đến to, nhưng thực chất là chỉ để phục vụ các sếp thôi. Những cái đó thì những người tự trọng họ không chịu được, tất nhiên không phải chỗ nào cũng vậy, nhưng phổ biến lắm. Thành ra tôi rất thông cảm quyết định của thầy giáo khi mà quyết định xin nghỉ việc.”

Thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai. Photo courtesy of giaoduc.net.vn
Thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai. Photo courtesy of giaoduc.net.vn

Trả lời báo chí trong nước hôm 11/10, ông Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng trường tiểu học An Lợi xác nhận mình đã ký và phê duyệt đồng ý vào đơn xin nghỉ việc của thầy Sơn.

Theo vị hiệu trường này, ông đã ký sau khi họp xem xét đơn xin nghỉ của thầy Sơn cùng các ban ngành chức năng của trường. Ông Tùng còn cho biết đã liên hệ với phòng giáo dục huyện, thanh tra đồng ý cho hiệu trưởng ký duyệt cho nghỉ việc để hưởng trợ cấp thôi việc 1 lần.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Thành - Đồng Nai, việc quản lý giáo viên là thẩm quyền của hiệu trưởng, nhưng nếu cho giáo viên nghỉ việc thì phải ra văn bản đàng hoàng, chứ không phải hình thức bút phê vào đơn. Ông Toàn còn cho biết thêm, thầy Lê Trần Ngọc Sơn có mâu thuẫn từ trước với hiệu trưởng nơi ông đang công tác.

Thầy giáo này đúng là có dũng khí, thầy từ bỏ nền giáo dục này thầy đi, thầy ở nhà mở lớp bồi dưỡng cho học sinh thì may ra có ích, có lợi cho xã hội. Tôi nghĩ rằng đấy là một người có nghĩa khí, rất trân trọng, rất hoan nghênh.
-Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Thấy gì qua việc thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, với 25 kinh nghiệm mà phải xin thôi việc vì môi trường 'phi giáo dục, dối trá'? Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, khi trao đổi với RFA hôm 12/10, nhận định:

“Thật ra thầy giáo ấy nói đúng như định nghĩa của Lenin nói về một nền giáo dục lạc hậu, chín phần sai và một phần dối trá... coi như 100% là không ra gì. Ông giáo này coi như là giọt nước tràn ly, nhiều người bức xúc về nền giáo dục hiện nay của ta lắm. Ví dụ trong luật giáo dục họ vẫn khẳng định nền tảng của giáo dục Việt Nam là tư tưởng HCM và chủ nghĩa Mác Lenin. Cứ tưởng tượng thì thấy nó vớ vẫn như thế nào?”

Thư xin nghỉ việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn. Hình: FB Ngọc Sơn
Thư xin nghỉ việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn. Hình: FB Ngọc Sơn

icon-zoom

Bởi vì theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, một nền tảng giáo dục không thể là mấy tư tưởng như thế, liệu nó có đủ để nói hết lịch sử văn hóa - tư tưởng triết học của Việt Nam hay không? Có bao quát được hết các vấn đề ấy không? Ông Mai nói tiếp:

“Lịch sử văn hóa của Việt Nam từ thời Vua Hùng cho đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu... cho đến nhà Đinh Lê Lý Trần sau này... nó là một chuỗi dài nghìn năm văn hiến như thế mà nói nền tảng của giáo dục là tư tưởng Hồ Chí Minh. Và như thế tức là có rất nhiều khoảng trống trong một nền tảng, thì nền tảng ấy nhất định là yếu ớt và không đầy đủ. Cho nên thầy giáo này đúng là có dũng khí, thầy từ bỏ nền giáo dục này thầy đi, thầy ở nhà mở lớp bồi dưỡng cho học sinh thì may ra có ích, có lợi cho xã hội. Tôi nghĩ rằng đấy là một người có nghĩa khí, rất trân trọng, rất hoan nghênh.”

Trước đó, vào tháng 2 năm 2020, Trường tiểu học An Lợi đã từng bị Ủy ban nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai kết luận đã để xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động như: Thu tiền của học sinh để photo đề thi không đúng quy định; vận động cha mẹ học sinh đóng góp để mua một số thứ không đúng; không công khai khoản đóng góp của giáo viên để thuê cơ sở vật chất dạy phụ đạo; bà Lê Thị Anh Thư – Phó Hiệu trưởng nghỉ nhiều ngày, nhưng vẫn nhận lương; Hành vi vi phạm nhận học sinh trái tuyến...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sau đó đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân đã để xảy ra những sai phạm vừa nêu.

Còn theo Thầy Lê Trần Ngọc Sơn, những người nêu vấn đề bất hợp lý hay tố cáo sai phạm... không những không được tuyên dương mà còn bị ban giám hiệu trù dập.

Ngoài trường hợp Thầy Lê Trần Ngọc Sơn, một số trường hợp tương tự được nhiều người biết đến. Gần nhất mới vào tháng 6/2021 là cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở huyện Quốc Oai, Hà Nội; hay như trước đây của cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ ở Phú Yên…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn