Tiểu Vũ - Ai ra xứ Huế thì ra…

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười 202110:00 SA(Xem: 3046)
Tiểu Vũ - Ai ra xứ Huế thì ra…

AVvXsEgvRy2F2TV1Xgxsbi2pocEvQhhMvQfJuSVB5o37xA0QsBG20j0ZP-LBr7BFQ9m_xL2gU4T5U_UmILJBL3KLD7pRUIT00ExD59sOBC49dIEPE9ThU7TtxqGOz16ZXfuP5xdE9nb1XmjkXTfa2fXjgQjEsQ25wlTSpDJDD4uwrnHy7IYaeYWHBWQl0_-m6Q=w400-h266

Nghe chuyện ở Huế, người hàng xóm, cách quê tôi một con đèo Hải Vân, tự nhiên nhớ đến câu hát: "Ai ra xứ Huế thì ra, ai về là về núi Ngự, ai về là về sông Hương?". 

Đối với người Huế, câu hỏi này, trong thời điểm này dường như không có câu trả lời vì chẳng ai về đó được khi mọi cánh cửa đều bị đóng lại...

Một quyết định từ Huế tuyên bố rằng ai về "tự phát sẽ bị xử phạt" làm tôi ngỡ ngàng. Tôi chưa hề nghĩ trở về quê hương về chính ngôi nhà của mình mà bị...phạt. Điều đáng sợ không phải là bệnh dịch, không phải là sự nghèo khổ túng thiếu, đáng sợ nhất là sự khước từ không thừa nhận của quê hương khi con người muốn quay về.

Những người bạn Huế của tôi đang vật vã đứng bên rìa quê hương, khóc cười bằng những giọt lệ xót xa...Trong một ý nghĩa nào đó, hai tiếng "quê hương" thiêng liêng sâu thẳm trong họ đã bị từ chối

Nói như thế cũng oan cho xứ Huế. Với tôi Huế luôn dịu dàng, nhân nghĩa, chỉ có những kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại đang có trên tay quyền bính mới nhân danh quê hương ra những quyết định xằng bậy đó thôi.

Tôi đã từng ở Huế nhiều năm, từng có một mối tình với cô gái Huế, chúng tôi có những buổi chiều ngồi trên bờ sông, chặng từ Bãi Dâu, Cồn Hến lên Kim Long, Văn Thánh với Túy Linh, Đoàn Tuyền Châu, Hòa, Quyết... chúng tôi thường nói về vẻ đẹp thay đổi từng lúc từ sớm đến chiều của sông Hương và bỗng lo xa, dù cho sự lo xa đó mới chỉ là một sự giả định “Lỡ một mai tê bóng xế qua cầu”...

Trong một tản văn của Trần Kiêm Đoàn, ông mô tả sự rung động của một người Huế khi đi xa và khi được quay về:

"Hình như không có ngoại lệ, mỗi người Huế xa quê đều mang theo một dòng sông cho đến cuối đời. Đôi khi ngỡ dòng sông ấy chỉ là tâm ảnh, nhưng không, đó là một hiện thực vô cùng. Những người Huế thành công xứ người vẫn mong ngày về với dòng sông để soi chút vinh quang của mình trên sóng nước".

Dịch giã hoành hành, những người Huế không may sống hẩm hiu xa Huế không mong chi ngày hội ngộ nhưng vẫn man mác nỗi xót xa khi tưởng đến sự cau mặt của dòng sông. Phải chăng tâm lý “soi bóng dòng Hương” đã dự phần năng nỗ “xui khiến” dân Huế tha hương hầu hết nếu không xênh xang áo gấm thì cũng chẳng đến nỗi khăn gói quả mướp... về làng.

Những mộng mơ tuyệt vời về một xứ Huế trong tôi bỗng trở nên tủi hờn hơn bao giờ hết. Tôi muốn hỏi: "Thiếu quê hương ta về, ta về đâu hả mấy cha nội chức quyền ngoài Huế?".

TIỂUVŨ 08.10.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn