COVID-19: Nỗi lo ca nhiễm tăng cao khi người lao động tháo chạy về quê

Thứ Năm, 07 Tháng Mười 20217:20 CH(Xem: 2354)
COVID-19: Nỗi lo ca nhiễm tăng cao khi người lao động tháo chạy về quê
rfa.org

COVID-19: Nỗi lo ca nhiễm tăng cao khi người lao động tháo chạy về quê

RFA 2021-10-07

Cuộc tháo chạy ồ ạt một tuần qua đã khiến các quan chức địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên phải vất vả theo dõi và cách ly những người trở về. Nhiều người trong số họ trước đó đã trải qua nhiều tháng bị giam cầm không có việc làm hoặc không có đủ lương thực khi mắc kẹt tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận... nay lại tiếp tục bị giam cầm cách ly nếu xét nghiệm nhiễm vi-rút corona chủng mới.

Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 7/10, Bác sĩ Đinh Đức Long, nhận định:

“Việc này đúng ra chính quyền có đủ thời gian để chuẩn bị rồi, nếu như vậy đã không xảy ra. Lẽ ra bốn tháng nay chính quyền phải tiêm chủng đầy đủ cho người ta, nhưng không ai tiêm, bây giờ người ta đói quá, không ai nuôi người ta, không công ăn việc làm thì người ta phải về, đó là nhu cầu sống còn của người ta, không có cách nào khác. Cứ cho người ta là F0 đi, nếu không triệu chứng thì chỉ là người lành mang mầm bệnh, thành phải đối xử bình đẳng, cho về ở nhà người ta theo dõi... Chứ bây giờ mà lại lặp lại nhốt người ta cách ly như đã từng làm ở thành phố thì có khi người ta có khi lại mang bệnh nặng thêm và chết do lây nhiễm chéo.”

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long việc này có thể tránh được, ví dụ mấy tháng qua mỗi tuần cho người dân về quê vài nghìn người thì không đến nỗi quá tải như vừa qua. Ông Long nói tiếp:

“Đã lỡ xảy ra như vậy thì chỉ có cách về đến tỉnh nào thì tỉnh đó cho cách ly tại nhà, chủ trương bây giờ là chung sống với dịch bệnh. Chứ không thể nào loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng được, và đẩy mạnh tiêm chủng, mà muốn vậy phải có vắc-xin... Nếu mấy tháng qua mà tiêm rồi thì có sợ gì, có bị đi nữa thì cũng rất nhẹ. Cái này rõ như ban ngày rồi, nhưng vấn đề là nhà cầm quyền làm đến mức độ nào? Trách nhiệm họ đến đâu và khả năng họ đến đâu? Có khi họ muốn nhưng không làm được vì không có nổi vắc-xin. Tôi nghĩ đúng ra chính quyền phải dự báo, phải tiên lượng là nó sẽ như thế, để xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên là chính quyền.”

Vấn đề là nhà cầm quyền làm đến mức độ nào? Trách nhiệm họ đến đâu và khả năng họ đến đâu? Có khi họ muốn nhưng không làm được vì không có nổi vắc-xin. Tôi nghĩ đúng ra chính quyền phải dự báo, phải tiên lượng là nó sẽ như thế, để xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên là chính quyền.
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Theo truyền thông nhà nước, cho đến ngày 5/10, tổng cộng đã có hàng trăm trường hợp dương tính với COVID-19 đã được tìm thấy trong số hơn 160 ngàn người trở về quê nhà của họ.

Chỉ riêng tại tỉnh An Giang, trong số 37 ngàn người trở về bằng xe máy, chỉ mới một nửa được xét nghiệm, mà đã có 130 ca dương tính. Trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Thân Bình - một cán bộ địa phương ở tỉnh An Giang cho biết: “Biển người về quê vào thời điểm này là vô cùng khó khăn đối với tỉnh chúng tôi.”

Tại Đồng Tháp, tính đến ngày 5/10 có 107.000 người về quê và đã phát hiện 99 người nhiễm COVID-19. Còn tại Cà Mau, nhà chức trách cho biết đã có gần 20 ngàn người hồi hương, sau khi xét nghiệm được 50%, ngành y tế phát hiện trên 100 F0.

Không chỉ An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp có nhiều F0, Bạc Liêu cũng đã ghi nhận 41 người nhiễm COVID-19 khi sàng lọc hơn 13.000 người trở về từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Số F0 tại Cần Thơ là 10 người, Trà Vinh 12 trường hợp…

roi-sg-700.gif
Người lao động rời TPHCM hôm 1/10/2021. Reuters.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, khi trả lời RFA hôm 7/10, nhận định:

“Sau những cái rút kinh nghiệm điều trị và xử lý dịch thì Việt Nam hiện đã tạm ổn định. Còn các đoàn người về quê thì theo tôi chỉ ảnh hưởng làm đứt gãy chuỗi lao động sản xuất, là điểm bất lợi cho TPHCM và các cụm công nghiệp miền Nam... Nhưng việc sợ F0 di chuyển thì theo tôi không thể cấm, thật ra cũng có những tỉnh cũng đã tự phát rồi. Theo mình thì sẽ không sao đâu, lo ngại phân chia F0 cũng không đúng, vì 20% F0 do chúng ta phát hiện ra, còn 20% trong cộng đồng... Ví dụ như ba mươi mấy nghìn người về quê mà phát hiện 400 ca F0 thì tỷ lệ ấy quá thấp.”

Thứ hai theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, miễn dịch cộng đồng đến từ việc tiêm vắc-xin và từ những ca F0 không phát hiện. Hiện tình hình dịch bệnh đã đạt độ bão hòa và không còn lây lan khủng khiếp như đầu dịch. Ông Thắng nói tiếp:

“Ngoài ra, các biến thể mới như delta, gamma hay biến thể lambda... thì phải có quá trình cộng sinh với người Việt Nam. Hiện nay theo quan điểm của tôi thì coronavirus nó đã có tương thích đáng kể với chủng người Việt Nam cho nên điều cần quan tâm nhất là tỷ lệ khỏi bệnh, và tỷ lệ tử vong không vượt quá chỉ số cho phép của các nước. Theo tôi không sợ nữa đâu, nhiều tỉnh đã bình thường hóa, cuộc sống đã quay trở lại bình thường, nhưng tất nhiên không như trước dịch. Chính phủ đã rút ra kinh nghiệm rất nhiều, nhưng mình là người Việt Nam thì cảm thấy quá đau xót khi hai vạn người tử vong, đây là một cú sốc, nhưng nó sẽ thúc đẩy mình đi tới, để chính phủ Việt Nam đáp ứng dịch tốt hơn. Từ trước đến giờ chính phủ đã không đáp ứng nên khi dịch xảy ra mới lúng túng như và tổn thất lớn như vậy.”

Mình là người Việt Nam thì cảm thấy quá đau xót khi 2 vạn người tử vong, đây là một cú sốc, nhưng nó sẽ thúc đẩy mình đi tới, để chính phủ Việt Nam đáp ứng dịch tốt hơn. Từ trước đến giờ chính phủ đã không đáp ứng nên khi dịch xảy ra mới lúng túng như và tổn thất lớn như vậy.
-Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng

Hơn 120 ngày, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương và Đồng Nai ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt với mong muốn chặn đứng dịch lây lan. Đây là khu vực có chừng 3,5 triệu lao động nhập cư. Biện pháp cấm ra ngoài dù chỉ để kiếm thức ăn khiến nhiều công nhân nhập cư rơi vào tình thế tuyệt vọng.

Khi lệnh ở nhà kết thúc vào thứ Sáu 1/10, cảnh hỗn loạn diễn ra tại các trạm kiểm soát của Thành phố Hồ Chí Minh. Những người bị chặn lại cho biết họ không có gì để ăn ngoại trừ mì gói. Họ nói rõ bị mất việc cả mấy tháng rồi, không còn tiền để mua thức ăn...

Trong bối cảnh hỗn loạn, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi biện pháp và cho phép người dân rời đi, nhưng cho biết những người trở về phải được kiểm tra và cách ly khi trở về nhà. Trong khi tiếp tục kêu gọi mọi người không tự ý về quê, chính quyền hôm thứ Bảy 2/10 đã bố trí 113 xe buýt để đưa 8.000 người di cư về nhà. Công an ở tỉnh Đồng Nai cũng đã áp giải 14.000 người đi xe máy ra khỏi khu vực của họ hôm thứ Ba 5/10.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp - thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, sự hỗ trợ của chính phủ là quá ít và chưa bao giờ là đủ, họ rời đi bởi vì họ bị mất việc làm và không có cơ hội có việc làm mới. Còn bà Ngô Thị Bích Huyền thuộc Tổ chức từ thiện Trẻ em Sài Gòn khi trả lời hãng tin Al Jazeera cho biết: “Họ không có tiền ăn, không có tiền trả tiền thuê phòng và con cái không có sữa để uống. Họ chỉ có thể trông chờ vào mớ rau, gạo hoặc một số thức ăn từ nhà thờ hoặc các tổ chức từ thiện ”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn