Sài Gòn bốn tháng “bi tráng”, tháng 10 rồi sẽ ra sao?

Thứ Ba, 28 Tháng Chín 20214:00 SA(Xem: 3489)
Sài Gòn bốn tháng “bi tráng”, tháng 10 rồi sẽ ra sao?
FB Cù Mai Công 26-9-2021 - Vài ngày trước, ở một con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 đã xảy ra một cuộc xô xát giữa nhân viên y tế xét nghiệm và một gia đình. Hai nhân viên y tế bị ba người lấy bàn ghế nhựa “phang” tới tấp. Chỉ vì gia đình sợ lây nhiễm từ nhân viên y tế nên đòi tự xét nghiệm. Bên kia không chịu. Lời qua tiếng lại, thế là xảy ra chuyện.
Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, xe môtô, xe đạp và ngoài trời
Đó là nguyên nhân trực tiếp, còn sâu xa có lẽ ai cũng đoán ra: cả hai bên căng thẳng, stress với gần bốn tháng giãn cách Covid ở TP.HCM: từ sợ bịnh, lo bữa cơm mỗi ngày đến điên đầu với vô số chính sách phòng chống Covid thay đổi xoành xoạch, khó ai biết tình hình thực tế như thế nào, mình phải làm gì và sắp tới ra sao. Khổ thân cả hai bên.

Gần bốn tháng cả Sài Gòn, từ chính quyền, ngành y, quân đội… đến dân như đi trong cơn mê, thậm chí có lúc hoảng loạn khi số ca nhiễm, số chết lên không kiểm soát nổi. Hình ảnh người đi, tro cốt mang về sẽ là ám ảnh lâu dài cho từng người sống trong thời khắc nghiệt ngã này. Cả Sài Gòn “chèo chống mỏi mê”, lo chữa mấy trăm ngàn người bịnh lẫn lo cơm nước hơn 10 triệu người còn khỏe.

Ngân quỹ TP.HCM hiện đã âm khi chi 16.000 tỉ đồng hỗ trợ và vô số khoản chi khác lớn không kém cho y tế, nhân lực. Túi tiền của dân còn thâm hụt nặng hơn nhiều. Nếu chỉ lấy con số 7,3 triệu người thành phố sắp hỗ trợ hiện nay, mỗi người một triệu đồng, thấm gì so với khoản thu nhập bị mất gấp 10 gói một triệu đó so với số tiền họ kiếm được lúc bình thường.

Giờ đã hơi hơi ổn xíu. Ca nhiễm ở TP.HCM từ 5, 6, 7.000, có hôm như ngày 3-9-2021 lên 8.499 ca/ngày, hai ngày nay 24, 25-9 chỉ trên dưới 4.000 ca/ngày. Quan trọng hơn, bốn ngày qua, số ca tử vong giảm mạnh từ 188 xuống 123 ca vào hôm qua 25-9.

Vẫn chưa thể yên tâm, vì kết quả này, nói theo cách nói của ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM, vẫn chưa bền vững. Dù rằng, mấy hôm trước, đã có một số giáo sư, tiến sĩ nói về cái mà tôi đã nói nhiều lần trên trang này từ giữa tháng 7: hệ số ca lây nhiễm Rt.

Tuy nhiên, các vị ấy nói khi đã có kết quả thực tế và phân tích hệ số đó chứ chưa dự toán trước tình hình số ca sắp tới; hay có dự toán mà chưa công khai hay không thì tôi không rõ. Bởi quan trọng không phải là R mà là t, tức nhịp hệ số, tức thời gian bao lâu (một ngày, hai ngày, một tuần, một tháng…) để có hệ số x1, x2…

Nếu có dự toán đó thì thành phố mới có kế hoạch, có bước đi phù hợp, không để vỡ trận như giữa tháng 8 vừa qua. Trước đó, ngày 4-6, khi TP.HCM mới 300 
ca nhiễm, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, khi ấy là giám đốc Sở Y tế TP.HCM (hiện đã về hưu) đã vội nhận xét số ca nhiễm ở RTP.HCM “chựng lại, giảm dần”. Thực tế tới giờ số ca nhiễm đã gấp hơn 1.200 lần nhận định vội vã ấy (đến sáng nay là 366.539 ca).

Cuối tháng 6-2021, khi dịch mới rộ, Sở Thông tin truyền thông trình lên thành phố một nghiên cứu, dự toán của nhóm Fulbright: thành phố đã qua cao điểm dịch; số ca nhiễm cao nhất là 11.000 ca. Liệu dự toán này có góp phần khiến thành phố chủ quan và “vỡ trận” khi chỉ ít lâu sau số ca vượt ngưỡng giường bệnh của thành phố nhiều lần? Số ca chết giờ đã trên dưới 15.000 ca, tỉ lệ 4% trên số ca nhiễm, hơn hẳn tỉ lệ chung của cả nước 2,5%.

Chuyện dĩ lỡ rồi, không ai muốn và ai cũng đau khổ vô cùng với hậu quả này. Sau này chắc chắn sẽ có trao đổi, tranh luận, thậm chí mâu thuẫn khi sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm gì gì đó. Nhưng thôi, xong rồi thì ai nói gi chẳng được. Nói hay nữa là đằng khác.

Giờ nói chuyện hôm nay, sắp tới coi bộ thiết thực hơn, bởi tới giờ, dân Sài Gòn ai cũng muốn biết sắp tới, ít nhất tháng 10 tới chính sách sẽ ra sao, “số phận” mình, gia đình mình sẽ như thế nào khi mà mạch máu hồi phục là việc đi lại vẫn khá rối rắm, chưa rõ với giấy đi đường, thẻ xanh hai mũi – thẻ vàng một mũi.

Thẻ vàng ở TP.HCM thì có lẽ chưa áp dụng đã “chết yểu” vì hiện 94% dân Sài Gòn từ 18 tuổi trở lên đã chích mũi một. Còn thẻ xanh thì tính toán sao đây khi dữ liệu và các app vẫn lung tung; nếu ổn thì thực tế ai sẽ kiểm tra khi các rào chốt trong nội thành chắc chắn sẽ phải tháo dỡ và mấy trăm nqàn người già, con nít, người nghèo không xài smartphone sẽ bị “loại khỏi đường phố”?

Nó na ná như học trực tuyến, tới giờ cả triệu học sinh bị “loại khỏi vòng chiến”. Long An hơn 100.000 học sinh không có máy móc. TP.HCM khá giả nhất nước cũng năm, bảy chục ngàn học sinh… Không chỉ tạo so le về trình độ do giàu nghèo mà còn ngược lại với chủ trương nhất quán từ đầu cho tới nay của của Chính phủ: “Không để ai ở lại phía sau”. Bên Mỹ áp dụng việc này từ tháng 3-2020, giờ đã có nhận định ban đầu: nhiều học sinh mất căn bản.

Mỹ, Úc… giàu như vậy, ai thiếu máy là cấp không mà giờ cũng nhận ra sự thật phũ phàng này. Bạn bè, người thân mình ở bển nói quy định thẻ này, thẻ nọ vậy chứ ra vô quán, siêu thị, đi chợ thoải mái. Y như ở TP.HCM hiện nay. Người bán nào, ở đâu lại không cần khách hàng. Đó là chưa nói một lực lượng hùng hậu, chiếm đa số người buôn bán là tiểu thương, hàng rong, sạp chợ… Khi “tham chiến”, đòi hỏi “binh chủng” này yêu cầu khách hàng quét mã quả khó như “hái sao trên trời”. Vô số người không hề biết smartphone là gì.

Và không lâu nữa, khi dân Sài Gòn đã cơ bản chích đủ hai mũi rồi thì thẻ xanh ra sao, có như số phận thẻ vàng chích một mũi hôm nay?

Khi đại dịch mới bùng phát, các chính phủ khắp thế giới đều giống nhau: coi smartphone là vũ khí then chốt trong cuộc chiến chống COVID-19 thông qua các “app COVID”, phục vụ từ việc truy vết và cảnh báo tiếp xúc, khai báo y tế đến đăng ký xét nghiệm, đặt lịch tiêm chủng và cuối cùng là hoạt động như “giấy thông hành” điện tử.

Nhưng tiếc thay, thực tế không phải lúc nào cũng như kỳ vọng. Để đến nỗi ông Albert Cahn, nhà sáng lập và giám đốc điều hành dự án giám sát công nghệ Surveillance Technology Oversight, nói với CNN: “Các hãng công nghệ từng cam đoan với chúng ta rằng các ứng dụng cảnh báo tiếp xúc sẽ giúp ngăn đại dịch. Họ đã thất bại”. Rồi vị đại gia công nghệ thế giới bảo: “Có bao nhiêu app đi nữa thì bằng chứng đã chích ngừa tốt nhất vẫn là tấm thẻ CDC cấp đã ép nhựa mà tôi luôn mang theo trong ví”.

Tất nhiên, khi xuất ngoại vẫn cần khi nhiều nước cũng áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Nhưng thực tế hiên nay, có nước như Anh đã bỏ.

Chính sách luôn phải nghĩ lâu dài, không “cháy đâu dập đó” như vụ xét nghiệm shipper: lúc thành phố tổ chức xét nghiệm miễn phí, lúc doanh nghiệp bỏ tiền túi xét nghiệm cho, một ngày sau dồn cục, thế là giao shipper tự làm luôn (!).

Khi nào một chính sách bị coi là duy ý chí? – Khi nó quá sức, thiếu thực tế về khả năng, nhân lực => không làm nổi, không kiểm soát nổi => không khả thi. Như “đi chợ hộ”. Ngay chuyện rào chốt hiện nay, anh em bộ đội đâu rảnh làm hoài, họ phải lo nhiệm vụ chính là tập luyện quân sự để bảo vệ nước nhà chứ đâu phải đi mua thịt cá, mua rau hoài. Trung Quốc mới vừa đưa máy bay vận tải ra Hoàng Sa tập đổ bộ kìa.

Quay trở lại chuyện tháng 10 sắp tới, ví dụ Shipper dù có được chạy ro ro, đầy đủ quân số “đăng lính” 82.000 người cũng chỉ đáp ứng khoảng 820.000 – một triệu hộ dân của TP 2,4 triệu hộ + vài trăm ngàn phòng trọ. Thực ra chỉ những ai lúc này còn chút của ăn của để trở lên mới kêu ship. Dân lao động (như 7,3 triệu người được hỗ trợ đợt 3 này của TP.HCM) hiện nay toàn tự đi mua ở vô số hàng quán la liệt khắp nơi “tự cứu mình” trong thành phố.

Vài ngày nữa thôi, khả năng lớn rào chắn nội thành sẽ không còn. Thành phố không thể để hoài nhưng hình ảnh xấu xí, phản cảm và tác dụng phòng chống dịch khá mơ hồ ấy mãi.

Về lý thuyết, lãnh đạo thành phố đã xin Thủ tướng gia hạn cho TP.HCM thêm nửa tháng, đến 30-9 rồi. Xin gia hạn nữa khác gì nói hai lời với cấp trên; khác gì nói TP.HCM chống dịch kiểu gì mà cứ vậy hoài, không bớt chút nào (!).

Thực tế có bớt, bớt rõ như ở trên nói. Dịch Covid ở TP.HCM thật sự đã sáng hơn về số ca, số chết và nhịp hệ số lây nhiễm Rt. Khả năng kiểm soát Covid của TP.HCM hiện này càng rõ khi số bệnh nhân điều trị trong các bệnh viện hiện theo mình ước đoán hiện chỉ 85% giường bệnh. Ngành y tế bớt cực, số người chết giảm do được chăm sóc tốt hơn. Khi xuống 75% là có thể tạm yên tâm, và tôi tin con số này chỉ nay mai thôi.

Tất nhiên, ai cũng biết khó mà giải quyết gọn Covid trong năm nay, thậm chí sang năm tới. Sẽ có những chùm lây nhiễm mới. Không sao, cả dân lẫn Chính phủ chọn sống chung rồi mà. Vấn đề là có nằm trong ngưỡng chịu đựng của ngành y TP.HCM không? Nếu không mở, ngân sách TP.HCM lẫn túi tiền của dân không chịu đựng nổi đâu. Hết tiền thì phòng chống gì nữa.

TP.HCM từ 1-10 sẽ mở dần chứ không “đùng một cái”. “Nếm đòn” chủ quan rồi, chính quyền giờ “như con chim bị tên, thấy cành cây cong cũng sợ”. Sợ cả trách nhiệm. Nên chính thức sẽ chỉ chỉ cho bán mang đi, có kiểm soát “xanh đỏ”. Nhưng sẽ ngầm thừa nhận việc bung ra của các cửa hàng, cửa tiệm, siêu thị… như thực tế hai, ba tuần nay?

Riêng massage, quán bar, vũ trường… tôi nghĩ khó có cửa mở lại ít nhất hết năm nay. Hàng ăn, quán nhậu, quán nướ từ từ mở và hạn chế khách. Cho đến khi nào, TP.HCM xuống dưới 1.000 ca/ngày.

Nhịp hệ số x2 ca nhiễm ở TP.HCM từ một tuần, lên hai tuần, bốn tuần và hiện là năm tuần. Từ các dữ liệu (data) thực tế chủ quan nắm bắt, tôi xin phép đưa ra dự toán mới của mình về nhịp hệ số Rt x2 sắp tới: x2 sau 14-15 tuần; tức gần tết âm lịch, số ca nhiễm của TP.HCM có thể là 366.539 x 2 = 733.178 ca.

Nghe ớn quá phải không? – Xin nói rõ t của dự báo này là 14-15 tuần – trên dưới 100 ngày. Trung bình mỗi ngày dưới 3.660 ca. Trong khi số ca khỏi bệnh đang tăng từng ngày; ngày bảy, tám ngàn ca là bình thường. Rồi gần một nửa F0 nhẹ sẽ do gia đình tự chăm sóc.

Cách đây hơn ba tuần, từ 4-9, không phải ngẫu nhiên trên trang nhà mình, tôi đã mạn phép nêu câu hỏi như một cách trả lời về thời điểm TP.HCM mở cửa: “Bao giờ cho đến tháng 10?”.

Miệng bảo “sống chung” nhưng tay cứ kéo rào chắn nghe nó ngược ngạo quá. Nói như phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM: “Mỗi người đều có quyền đưa ra quyết định cho chính bản thân sau khi được thông tin đầy đủ về các lựa chọn. Miễn là những hành động này tuân thủ các quy định về phòng chống dịch và không gây gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho xã hội”.

Quan điểm này có khác gì bên Mỹ và nhiều nước lâu nay đâu. Phòng chống dịch Covid ở TP.HCM giờ cũng nên như vậy. Nhất là với giá phải trả về nhân mạng, sinh kế bốn tháng qua cho thấy đâu phải chỉ chính quyền sợ. Xin nói rõ: là người nhận trực tiếp hậu quả đó, dân sợ Covid gấp 10 để có cách phòng chống cho mình, người thân của mình.

Ta vốn có kinh nghiệm làm “chiến tranh nhân dân” đầy mình. Nên tin dân, “lấy dân làm gốc” bằng hành động cụ thể. Dân đang chờ.

… Sài Gòn tháng 9 thường mưa nhiều, mưa dầm. Nhưng năm nay mưa nhiều quá, từ 22-8 đến nay 26-9, 36 ngày, hầu như ngày nào cũng mưa, chỉ hai, ba ngày ngày không mưa. Tối qua và bây giờ cũng đang mưa lớn. Nhớ nắng Sài Gòn quá…
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn