Áp lực thành tích có thể gây tội ác giết người

Thứ Bảy, 04 Tháng Chín 20218:00 SA(Xem: 2894)
Áp lực thành tích có thể gây tội ác giết người

Chu Mộng Long

2-9-2021

Việc anh phó lý ở thành phố biển hung hăng đi dẹp tiệm bánh mì để chống dịch với lý do “bánh mì không là thực phẩm” làm tôi lại nghĩ đến bệnh thành tích, không chỉ trong chống dịch mà từng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến lúc phải nói to rằng, áp lực thành tích có thể gây tội ác, thậm chí là tội ác giết người chứ không đơn thuần làm giả, nói dối như lâu nay ta vẫn nghĩ.

Tôi hình dung, cái sự hung hăng đến ngu xuẩn của anh phó lý này cũng chỉ là nạn nhân của bệnh thành tích và anh thành con tốt thí. Khi nhận làm đội trưởng chống dịch, ắt anh ta phải chịu áp lực kinh khủng rằng, “phải bịt kín, không để virus chui lọt” (khẩu hiệu của quan trên), vậy là anh phó lý ngoài việc dùng chuyên chính rào chặn từng ngõ hẹp cho đến bịt luôn đường sống của người dân. Nếu dư luận không ồn ào thì sẽ có bao nhiêu người chết đói?

Còn nhớ những khẩu hiệu trong chống dịch: “Không để ai bị bỏ lại đằng sau”, “Không để người chết vì dịch” đã gây áp lực đến mức, ban đầu các trường hợp chết vì dịch đều buộc báo chí viết thành “chết vì bệnh lý nền”. Viết như thế thì chỉ có thể gây tâm lý chủ quan và đến bây giờ thì không thể giấu chuyện người chết hàng loạt.

Còn nhớ, trên các trang tư liệu thời cải cách ruộng đất, vì thành tích mà trên giao chỉ tiêu một làng có bao nhiêu địa chủ phải đấu tố thì các ông đội phải truy cho ra đủ số, đến mức xử bắn cả những người chỉ có một vườn rau hay một con bò.

Thời chiến tranh, ba tôi kể, vì thành tích diệt tề mà nhiều người chết oan vì phải diệt cho đủ số chỉ tiêu đề ra.

Khi nghe bên ngành toà án ra chỉ tiêu phải xử tội bao nhiêu tội phạm là tôi rùng mình. Không chừng vì áp lực thành tích mà xử oan luôn những người vô tội.

Tôi nói một chút sang giáo dục. Tôi vẫn giữ quan điểm như từng viết trên Vietnam.net, rằng các vụ bạo hành trẻ em ở nhà trẻ, ở trường tiểu học đều do bệnh thành tích. Vì quy định và thành chỉ tiêu cuối tháng trẻ em phải tăng cân mà các cô phải bóp mũi trẻ để nhồi thức ăn vào mồm và đánh đòn bọn trẻ đến chí tử. Vì thành tích và thành chỉ tiêu “nhà trẻ chất lượng cao” mà nhiều trẻ em hay khóc bị bịt mồm, bị nhốt trong nhà xí, trong cầu thang, có đứa chết ngạt khi có thanh kiểm tra. Vì thành tích và thành chỉ tiêu học sinh giỏi toàn diện mới có chuyện học sinh phải vừa quỳ vừa học hay uống nước giẻ lau, bị thầy đánh như đánh tội phạm.

Dối trá đã là tội ác. Ở đây, áp lực thành tích còn có thể gây chết người, tức tội giết người. Nhưng vì sao bao nhiêu năm “nói không với bệnh thành tích” mà bệnh vẫn càng nặng, ngay cả khi tất cả chúng ta đang đối mặt sinh tử với dịch bệnh?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn