BS Quan Thế Dân - Trong bệnh viện 'tầng ba'

Thứ Ba, 31 Tháng Tám 20212:48 CH(Xem: 2868)
BS Quan Thế Dân - Trong bệnh viện 'tầng ba'

bv_04

 Bảy giờ sáng, giao ban, không khí căng thẳng. Trưởng khoa nhăn nhó: “Sao ca này để mất, hôm qua đã diễn biến tốt lên rồi mà?”.

Kíp trực mệt mỏi: "Bệnh nhân suy hô hấp nặng lên từ chiều, bọn em cố gắng kéo không được, đến đêm thì ngừng tim".

Không ai nói gì thêm nữa. Căn bệnh quái ác. Chợt có tiếng bộ đàm léo nhéo từ buồng bệnh: "Cấp cứu, bệnh nhân giường số bảy ngừng tim". Tất cả cùng quay phắt nhìn lên màn hình. Qua camera, nhân viên y tế đang hì hục ép tim. Mấy nhân viên đang giao ban đứng vụt dậy, đi mặc đồ bảo hộ để vào hỗ trợ.

Buổi giao ban lại tiếp tục, liệt kê các bệnh nhân nặng, nguy kịch, rồi nhanh chóng kết thúc. Mọi người đứng dậy, hối hả ai vào việc nấy. Trái với không khí im phắc giao ban, lúc này căn phòng hành chính - tổng hành dinh của khoa - như cái chợ. Tiếng người gọi nhau, cãi nhau, hỏi nhau hối hả, ồn ào. Đủ cả tiếng ba miền. Giọng Bắc rõ ràng, giọng Trung nặng, giọng Nam thanh thanh. Nhân viên y tế cả nước đã về đây.

Rồi mọi người tản ra, mỗi người mỗi góc, đứng tỉ mỉ mặc bộ đồ bảo hộ PPE. Mặc bảo hộ thì không được vội và phải thật cẩn thận vì tiếp xúc với môi trường cực kỳ nguy hiểm, độc hại. Bộ bảo hộ này có nhiều món, phải mặc rồi sát khuẩn từng bước, từng bước, để cuối cùng thành một cây trắng toát, kín mít.

Cuối cùng cũng mặc xong, chúng tôi chậm chạp tiến vào vùng nguy hiểm, nơi bệnh nhân đang chờ từng phút.

Phòng bệnh nhân nặng nhất nằm là vùng đỏ, vùng cách ly tuyệt đối, nguy hiểm nhất. Kế đó là vùng chuyển tiếp gọi là vùng vàng. Cuối cùng, cứ điểm an toàn của nhân viên y tế là phòng giao ban - vùng xanh.

"Giao thông" giữa vùng xanh và vùng đỏ riêng biệt, không trộn lẫn. Từ vùng xanh đi vào vùng đỏ phải mặc đồ bảo hộ an toàn, còn từ vùng đỏ đi ra phải cởi bỏ đồ bảo hộ ở vùng vàng và khử trùng toàn thân kỹ lưỡng trước khi vào vùng xanh. Về lý thuyết là thế, nhưng nguy cơ bị lây nhiễm luôn trực chờ.

Chúng tôi tiến vào buồng bệnh. Mặc đồ bảo hộ xong, mọi cử động đều rất khó khăn, kính bảo hộ mờ hơi nước, hơi thở cũng khó. Chúng tôi tỏa ra thăm khám người bệnh, động viên họ cố gắng chịu đựng.

Bệnh nhân, ai cũng bị cơn khó thở dày vò, lại thêm nỗi lo lắng hoảng loạn khi chứng kiến người cùng phòng trở nặng rồi không qua khỏi. Chính sự hoang mang đó làm người bệnh thở gấp, càng thiếu oxy hơn. Nhiều bệnh nhân biết nghe lời bác sĩ, nằm sấp tập thở đều, phần nhiều dần tốt lên. Còn những ai hay phàn nàn thì phần nhiều trở nặng. Nói nhiều ở đây là cấm kỵ, vì tăng nguy cơ bị lây bệnh. Chúng tôi phải tập nói và thở nhẹ nhàng, không hít sâu, không gắng sức đột ngột để tránh luồng không khí quá mạnh đi qua khẩu trang, dễ lây nhiễm.

Nói vậy, nhưng khi có bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu là chúng tôi quên hết. Bản năng nghề nghiệp nổi lên, lao vào cấp cứu đến tụt cả đồ bảo hộ. Những ai bị hở bảo hộ lập tức bị đuổi ra khử trùng lại và thay bộ bảo hộ khác ngay.

Môi trường nguy hiểm cùng đồ bảo hộ kín bưng khiến chúng tôi làm việc rất khó khăn. Điều dưỡng lấy ven khó. Các em mọi ngày lấy ven "siêu" thế mà nay có khi hai đến ba lần mới được, vì mang mấy đôi găng nên cảm giác ngón tay giảm. Bác sĩ khám bệnh cũng khó, không thể dùng ống nghe được, hỏi bệnh cũng thật ngắn gọn. Lúc này, năng lực quan sát là quan trọng số một. Nhìn kiểu thở nhẹ nhàng hay khó nhọc, hay nặng hơn nữa là nghịch thường, nhìn nét mặt, mồ hôi, màu da, đỏ gay hay tím tái... chúng tôi đánh giá được mức độ tiến triển của bệnh. Rồi đo nồng độ oxy trong máu, quan sát lượng oxy tiêu thụ, chúng tôi phác dần ra kế hoạch cho thuốc ngày hôm nay.

Bệnh nhân nặng đa phần là béo phì. Không kể tuổi tác, cứ béo phì là dễ trở nặng. Nhìn những người bệnh thở khó nhọc, lớp mỡ bụng nặng nề phập phồng mà tôi đâm ám ảnh, đến bữa tự giác ăn giảm cơm hẳn để chống béo phì.

Rồi chúng tôi, cả điều dưỡng và bác sĩ đi đổ bô chất thải cho bệnh nhân. Họ không thể rời khỏi giường vì đi xa khỏi nguồn oxy là ngã ngay. Chúng tôi đi lấy nước cho bệnh nhân uống. Bệnh nhân khó thở, thở gấp nên mất nước rất dữ, ngày uống vài lít nước. Những người bệnh nặng tự uống được nước còn đỡ, tuy rất khó khăn. Còn những người nặng, phải thở oxy mask che kín mặt có khi bị thiếu nước trầm trọng, khô hết cả người.

Nhân viên y tế rất thiếu, không thể đủ để mà đứng cạnh phục vụ từng người bệnh. Nhiều lần tôi nghĩ, giá mà lúc này có lực lượng tình nguyện là các F0 đã khỏi bệnh được huấn luyện rồi cùng phục vụ đơn giản trong bệnh viện tầng ba thì tốt quá.

Thời gian qua mau, người bệnh nặng được xử trí, người nhẹ hơn đang phục hồi, chúng tôi thấy yên tâm, mặc cho mồ hôi lúc này ướt đầm toàn thân.

Đã đến lúc chuẩn bị quay ra vùng xanh để ghi chép bệnh án thì lại có tiếng xôn xao ở phòng bên. Có bệnh nhân diễn biến nặng. Tất cả áo trắng lại nhẹ nhàng kéo máy móc lướt về hướng đó, xúm vào cấp cứu... Sau mấy phút, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, lại gắn ống vào máy thở tiếp. Các đồng nghiệp ai nấy mồ hôi vã ra như tắm.

Trong đời hành nghề gần 40 năm của mình, tôi chưa bao giờ thấy căn bệnh phổi nguy hiểm đến thế. Mới mắc, chỉ ho khan vài tiếng, vẫn khỏe mạnh. Nhưng chỉ một vài ngày sau là khó thở, phải nhập viện.

Rồi khó thở đột ngột tăng nhanh. Lúc mới vào, bệnh nhân chỉ thở oxy "gọng kính" 5 lít mỗi phút, rồi mau chóng chuyển sang thở mặt nạ oxy 15 lít mỗi phút, vẫn không đỡ. Nồng độ oxy trong máu SpO2 thấp dưới 90, phải chyển sang thở oxy dòng cao 60 lít mỗi phút. Oxy phun qua ống kêu phè phè thành tiếng, vẫn không đỡ.

Với những trường hợp này, bác sĩ buộc phải chuyển sang vũ khí cuối cùng là đặt ống nội khí quản và thở máy. Nhưng hình như chiếc máy thở là con tàu không có vé khứ hồi. Ít ai đặt chân lên con tàu này mà còn quay trở lại được. Đây là tình trạng điều trị Covid ở Mỹ, Italy và các nước chứ không riêng Việt Nam. Các bác sĩ ở phương Tây trước khi đặt ống cho bệnh nhân đều để người bệnh gọi điện về cho gia đình, có thể coi như nói lời từ biệt.

Đến giờ này, dù tham gia điều trị cho nhiều bệnh nhân, với tôi Covid vẫn là một căn bệnh bí ẩn. Người ta có thể giải mã trình tự bộ gene của virus, biết cách nó bám vào thụ thể nào để đi vào cơ thể, biết làm sao nó lại nhân lên bên trong tế bào... tức chúng ta có vẻ như biết tất tật về con virus này. Thế nhưng sao bệnh nhân vẫn tử vong?

Trong Y học, nếu đủ hiểu biết về một căn bệnh thì người ta sẽ chữa được, nếu vẫn để chết người là chúng ta vẫn chưa biết hết về nó.

Đến trưa, chúng tôi mới ra đến vùng vàng chuyển tiếp, thận trọng cởi bỏ bộ đồ bảo hộ bám đầy virus rồi nhanh chóng đi tắm rửa, khử trùng toàn thân, thay quần áo mới để quay về vùng xanh ghi chép bệnh án, cho thuốc, trực trên màn hình camera.

Tốp kế tiếp lại lệt sệt bước vào vùng đỏ. Cuộc chiến đấu của chúng tôi cứ thế, đang tiếp diễn...

BS QUAN THẾ DÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn