Chính quyền VC trấn an, nhưng dân vẫn ồ ạt mua thực phẩm ( Dân nghèo làm gi có tiền mua )

Chủ Nhật, 22 Tháng Tám 20216:39 SA(Xem: 2495)
Chính quyền VC trấn an, nhưng dân vẫn ồ ạt mua thực phẩm ( Dân nghèo làm gi có tiền mua )
rfi.fr

Sài Gòn ‘‘siết phong tỏa’’: Chính quyền trấn an, nhưng dân vẫn ồ ạt mua thực phẩm

Trọng Thành

Hôm qua, 20/08/2021, chính quyền Việt Nam thông báo sẽ siết chặt thêm một nấc các biện pháp phòng dịch tại Sài Gòn. Dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 23/08 và kéo dài hai tuần lễ. Hôm nay 21/09, dân chúng ồ ạt mua thực phẩm dự trữ từ sớm. Vì sao người dân lo lắng tích trữ thực phẩm bất chấp chính quyền đã cam kết bảo đảm nguồn thực phẩm cho tất cả ?

Việc « giãn cách » phòng dịch theo Chỉ thị 16, kéo dài từ giữa tháng 6 đến nay, sau hơn 2 tháng, dường như đã không cho phép dịch bệnh đi xuống nhanh như chính quyền dự kiến. Hôm qua 20/08, vẫn tiếp tục có thêm ít nhất 390 người qua đời vì Covid-19 (320 người tại TP HCM), theo số liệu chính thức. Tuy nhiên, đe dọa của bản thân virus gây bệnh Covid-19 chưa chắc đã đáng sợ bằng tình trạng thiếu đói đang đè nặng lên một bộ phận đáng kể dân cư thành phố. Ngày 17/08, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã phải đề nghị chính quyền Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 28 nghìn tỉ đồng và 142.000 tấn gạo để cứu nguy cho gần 5 triệu dân nghèo thành phố.

Trong bối cảnh dịch đã lan rộng, lan sâu trong cộng đồng, việc chính quyền tiếp tục siết chặt phòng dịch theo các biện pháp kiểu cũ, nhưng lần này đặc biệt lại có thêm sự tham gia của quân đội (bao gồm cả nhiệm vụ « lo lương thực, thực phẩm » cho người dân), gây nhiều hoài nghi trong xã hội. Nhiều người lo ngại việc chính phủ không có được một chính sách phù hợp, hiệu quả, khiến nạn thiếu đói và chăm sóc y tế không kịp thời thêm trầm trọng hơn. Theo một số chuyên gia y tế, dịch bệnh tại Sài Gòn trên thực tế không hẳn đang tiếp tục bùng phát, mà đang trên đà chững lại, một phần do số lượng người được tiêm chủng ít nhất một liều đã đủ cao (hơn 5 triệu người), phần khác do số người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số 160.000, cộng với việc không có thêm ổ dịch mới phát hiện từ một tuần nay.

***

Từ thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội, nhận xét với RFI Tiếng Việt về chính sách « lockdown » (phong tỏa), mà chính quyền dự định tiến hành. 

GS Hoàng Dũng : Chính quyền sợ dân phản ứng, cho nên quả quyết rằng đó không phải là « lockdown » (phong tỏa), nhưng mà ngay tình trạng hiện nay, chưa đến ngày 23/08, thì thực sự đã là việc lockdown nghiêm ngặt hơn rất nhiều nước trên thế giới. Tôi phải nói là « lockdown », vì chính ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng ban Tuyên Giáo của Thành Ủy thành phố HCM - phủ nhận có « lockdown ». Ông ấy nói bằng tiếng Tây hẳn hoi. Trên thực tế, tình trạng hiện nay ở TP HCM, chưa kể chính sách sau ngày là 23/08 đã là « lockdown cứng » (phong tỏa cứng) so với nhiều nước.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, ông ấy sợ là dân sốc. Sự sợ hãi đó ta có thể hiểu được một phần, nhưng một phần khác khiến ta tức giận. Bởi vì bây giờ không phải là ngày xửa ngày xưa, coi dân như một bọn trẻ con, trình độ kém, để mình có thể chỉ cần đổi tên sự vật mà người ta hiểu thành vật khác. Đối với dân, phải thành thật hơn và phải tôn trọng hơn, nói đúng sự việc. 

Ngày 23 người ta đưa quân đội vào, để đảm nhận toàn bộ việc tiếp tế lương thực. Và tất nhiên còn những chuyện khác, chẳng hạn như việc kiểm soát 312 điểm kiểm soát. Và không chỉ là quân đội tại chỗ, mà có thông tin cho biết là có lính từ sân bay Nội Bài bay vào Sài Gòn. Ta thấy rằng ngày 23 sắp đến là một bước ngoặt. Một bước ngoặt phong tỏa có thể nói là chưa bao giờ quyết liệt như vậy. Như vậy có thể nói đây là tình trạng « thiết quân luật », hay một tình trạng bán chiến tranh. Tôi chưa thấy ở đâu, để chống Covid, mà người ta lại sử dụng quân đội làm lực lượng chủ lực cả. Có thể nói điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn, « một trận đánh » cuối cùng. Sở dĩ nói là trận đánh cuối cùng bởi vì người ta hy vọng với trận đánh như thế, với các biện pháp như thế, thì sau ngày 15/09, người ta có thể trở lại với trạng thái gọi là « bình thường mới ». Mới đây, đại diện hãng Intel ở Việt Nam lo ngại, sau 15/09, nếu vẫn còn tình trạng phong tỏa như vậy, thì rất có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam. Đe dọa đó rất lớn. Tôi biết rằng hiện nay, tuy chưa đến ngày 15/09, nhiều xí nghiệp vừa và nhỏ đã phải phá sản. Bạn bè tôi nhiều người làm kinh tế, giám đốc công ty vừa và nhỏ, họ nói rất bi đát. Có thể nói là cứu giúp của Nhà nước cho đến nay đa số là trên giấy tờ. Trong khi đó người ta đang cần sự cứu giúp thực sự và đến ngay với doanh nghiệp và với người dân.

Hiện nay, Nhà nước đã có một số cứu giúp, tuy quý nhưng chưa thấm vào đâu, chưa giải quyết được vấn đề. Trong tình hình đấy mà lockdown (như sắp tới sẽ làm), thì có thể sẽ phải trả giá bằng cái chết của nhiều người. Bởi nếu anh nắm dân không kỹ, thì ngay cả chuyện đau ốm bình thường, chứ không phải Covid, ví dụ như khi có cấp cứu, lúc đó kiếm được một phương tiện cấp cứu là không dễ với những người trong cuộc. Ngay hiện nay, tình trạng tràn ngập người ở các bệnh viện đã là một thực tế ai cũng thấy. Tất cả những cái đó làm người dân lo lắng.

Lo lắng của người dân biểu hiện rõ nhất là sáng hôm nay, ngay sau khi biết thông tin ngày 23/08 sẽ kiểm soát chặt hơn, quân đội sẽ đảm nhiệm nhiều công việc như tôi vừa nói, thì các siêu thị tràn ngập người đi mua thực phẩm. Theo tờ Thanh Niên, người ta sắp hàng từ mờ sáng, nhưng mà người ta nói là chưa bước đến được cửa siêu thị, chưa nói vào được trong mà mua hàng. Tình trạng đó chắc chắn sẽ phải trả giá bằng việc lan truyền thêm dịch bệnh.

Hiện tượng này cho thấy điều gì ? Thứ nhất, đó là năng lực của Nhà nước là yếu kém. Bởi vì tất cả những chuyện này, người quản lý phải hình dung trước, và làm thế nào để người dân khỏi phải tới tập trung ở siêu thị, vi phạm quy định về « giãn cách xã hội ». Điểm thứ hai là điều này cho thấy người dân không còn tin Nhà nước nữa. Nhà nước nhắc đi nhắc lại, ý thức được chuyện người dân lo ngại chuyện thiếu ăn, cho nên tuyên bố của Nhà nước, của rất nhiều quan chức, từ cấp thấp đến cấp cao, đều nhắc đi nhắc lại là bà con đừng lo mua tích trữ, vì quân đội sẽ lo việc mang đồ ăn đến từng nhà. Thế nhưng, người ta vẫn lao đi mua như thế, điều đó chứng tỏ rằng trong dân, lòng tin vào Nhà nước giảm sút. Họ không tin, họ nói tốt nhất là tự họ lo cho mình.

RFI : Ông có thể cho biết điều gì đáng lo nhất sau cái mốc 23/08 ?

GS Hoàng Dũng : Ngày hôm qua, trên mạng truyền đi đoạn video một người cao tuổi sống với một chiếc xe lăn, và chết trên chiến xe lăn ấy. Một nhóm làm từ thiện, họ phun thuốc rồi đưa xác đi, người vợ lạy thi hài đã được quấn vào bao nylon. Thực tế đó (tức sự tìm đến hỗ trợ của những nhóm từ thiện, tìm đến những cá nhân, gia đình khó khăn, nhưng không nơi nương tựa như vậy, cho dù là quá muộn) có thể sẽ chấm dứt sau ngày 23, khi quân đội vào cuộc.

Để biết được số phận của những người như vậy, tình trạng của những người vậy, có đau ốm gì không, có đói không… cần phải có một chính quyền cơ sở nắm rất chắc. Cho đến nay, không có cơ sở nào để tin rằng đã làm tốt được việc này. Người đói rất nhiều ! Tất nhiên, nếu căn cứ theo những con số « vô hồn », thì chúng ta có thể tin tưởng, vui vẻ, vì tổng số những người bị bỏ sót như vậy có thể là « quá ít » so với dân cư hơn chục triệu dân của thành phố. Tuy nhiên, một người cũng quan trọng. Qua những bạn bè của tôi đang lao vào cứu giúp từng người dân, tôi thấy rằng số lượng ấy là lớn. Tôi tin là lớn. Hãy nhớ rằng, sau ngày 23/08, việc các tổ chức dân sự, thiện nguyện, việc người này đi giúp người kia, với tư cách cá nhân, sẽ hết sức hạn chế trong điều kiện phong tỏa cứng như vậy. Số người đứt bữa, không có ăn, đau ốm khi cần không ai đưa đến bệnh viện sẽ tăng lên rất cao. Tất cả gánh nặng ấy đặt lên vai Nhà nước. Và lúc đó, Nhà nước là người hứng chịu mọi trách nhiệm. Tôi cho đó là thách thức rất lớn.

RFI : Ông nghĩ gì về quyết định siết chặt phong tỏa này ?

GS Hoàng Dũng : Phong tỏa có tác dụng không, phong tỏa đến mức nào thì đi đến chỗ phải xem xét bài toán Được - Mất (trade-off) ? Đó là một cuộc tranh cãi lớn hiện nay, không chỉ ở Việt Nam. Tính toán của các nhà chính trị phải dựa trên các nhà khoa học đáng tin cậy. Ở Việt Nam, tôi nhớ, có một ông thủ tướng, tôi nhớ khi được khuyên phải tiếp xúc, phải dựa vào các nhà khoa học, ông ấy đã thản nhiên trả lời là xung quanh tôi có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ. Điều đó chứng tỏ nhà cầm quyền như vậy không biết phân biệt đâu là trí thức thực sự giữa một biển vô vàn giáo sư, tiến sĩ. Tôi sợ rằng ngay hiện nay, Nhà nước Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng đó. Cho nên, các chính sách bây giờ cho thấy là sai, mà chính quyền bắt buộc phải sửa đổi, rốt cuộc đã được tham vấn bởi một loạt các giáo sư, tiến sĩ không thực chất kiểu đó.

Tôi chỉ muốn nói là, tất cả những người ở vị trí ra quyết định phải rời khỏi phòng lạnh. Hãy sống với cuộc sống của người dân. Trước khi đưa ra một quyết định, phải cân nhắc quyết định đó, tác động của quyết định đó đến người dân như thế nào. Cân nhắc mọi lẽ, tính toán được mất, rồi sau đó sẽ làm. Đừng có sung sướng với một sáng kiến lóe lên trong một giây phút, rồi ngày hôm sau đem ra áp dụng. Sinh mạng của người dân không phải là nơi cho anh thử nghiệm những sáng kiến kiểu ấy.

RFI: Xin cảm ơn Giáo sư Hoàng Dũng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn