Hình ảnh lễ tang anh Trần Đức Đô, được đưa lên mạng internet

Nguồn hình ảnh, Internet

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh lễ tang anh Trần Đức Đô, được đưa lên mạng internet

Một kiến trúc sư tại Việt Nam kể lại chuyện có an ninh đến nhà mời lên công an phường "làm việc".

Trên Facebook cá nhân vào ngày 25/7, bà Hằng Nguyễn cho biết có hai nhân viên an ninh mặc thường phục tới nhà mời lên đồn công an phường để làm việc về hai bài viết của bà, trong đó có một bài có tựa "Hãy trả lại công bằng cho Đô".

Bà Hằng mô tả nhân viên an ninh hỏi bà liệu đây là việc "Chị tự viết" và "có ai xúi dục không" và rằng "ngoài đăng facebook thì còn đăng chỗ nào khác không".

Sau đó bà Hằng kể lại về việc nhân viên an ninh hỏi bà là "chị có biết chị sai chỗ nào không" khi bà có đề cập tới việc mà bà mô tả là "các em tân binh đều bị đánh phủ đầu khi mới vào trường".

"Lúc ấy quá phẫn nộ, mình viết mà không để ý và cũng không xem lại - up luôn. Nhưng bên dưới comment thì mình có sửa ý đó rồi mà. Mình đã đính chính rằng, nó không phải tất cả, nhưng nó xảy ra ở nhiều nơi và nhiều năm rồi… nếu đã đọc facebook mình, thì hẳn là bạn [nhân viên an ninh] cũng biết ngay việc mình dùng sai từ thôi, bà Hằng đáp lại và nói rằng "vậy để lát về, mình sẽ sửa chỗ sai này đi. Mình sai thì mình sửa thôi".

'Chị cam kết không viết gì nữa đi'

Bà Hằng, một kiến trúc sư tự do (theo mô tả trên Facebook), cho biết thêm rằng bà đã thu âm cuộc nói chuyện với nhân viên an ninh nhưng sau đó các nhân viên yêu cầu "mượn điện thoại" và đã xóa nội dung "cuộc trò chuyện vui vẻ kéo dài 3 tiếng".

"Vì bọn em hiểu là chị rất yêu nước và viết là vì đồng cảm và chia sẻ với gia đình cháu Đô mà thôi. Thế nên chị lưu ý viết thì chuẩn chỉ câu từ, để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam chị nhé…Chị cam kết không viết gì nữa đi cho em," bà Hằng mô tả lại lời nhân viên an ninh.

Bà cho biết bà nói với nhân viên an ninh rằng "Chị sẽ sửa bài cho chuẩn nội dung và không cần hứa" và "Cái chị cần và muốn làm, là sự chấn chỉnh Kỷ Luật Quân Đội để đảm bảo an toàn tính mạng và Thân Thể cho các cháu Tân Binh khi tham gia Nghĩa vụ Quân Sự mà thôi".

"Chị Hằng hãy yên tâm, chắc chắn là sự thay đổi sẽ sớm thành hiện thực thôi chị ạ", nhân viên an ninh nói lại, theo lời bà Hằng.

Bà Hằng kết luận trên dòng trạng thái Facebook rằng "Nếu thật lòng yêu nước, và không có tư tưởng lật đổ chế độ, thì bạn vẫn được tiếp đón tử tế và tôn trọng mà không kém phần thân thiện.

"Không phải cứ nói chuyện Chính Trị là bị bỏ tù đâu" và nhắc nhở bè bạn rằng "hãy cứ nói lên tiếng lòng mình miễn sao nói để xây dựng chế độ này và làm nó trong sạch lên".

Người dân phía bên ngoài nghĩa trang tới tiễn đưa quân nhân Trần Đức Đô

Nguồn hình ảnh, thanhnien.vn

Chụp lại hình ảnh,

Người dân phía bên ngoài nghĩa trang tới tiễn đưa quân nhân Trần Đức Đô

Vào ngày 23/7 Đài tiếng nói Việt Nam có bài mô tả về việc xử phạt vì đăng tin "sai sự thật" về quân nhân Trần Đức Đô.

Bài viết mô tả về một trường hợp lợi dụng vụ việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong đăng tải bài viết trên nhóm "Cộng đồng vì đồng chí Trần Đức Đô" có nội dung "sai sự thật, công kích lực lượng Công an, Quân đội bao che, không kết luận vụ việc".

"Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hưng Yên đã triệu tập D (sinh năm 1991) lên làm việc, làm rõ nội dung vi phạm, tham mưu Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên ra Quyết định xử phạt đối với D. số tiền 7,5 triệu đồng", VOV đưa tin.

Bản tin của TTXVN ngày 13/7 đưa tin Cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 3 (Quân khu 1) có kết luận về việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong vào ngày 28/6/2021 tại thao trường ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là "ngạt do tự treo cổ" và ra quyết định ''không khởi tố vụ án hình sự'' đối với sự việc này.

Bản tin có một số nội dung như sau:

VN

Chụp lại hình ảnh,

Câu chuyện gây chấn động dư luận VN

"Bản kết luận giám định pháp y về tử thi của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Nguyên nhân chết của quân nhân Trần Đức Đô là ngạt do treo cổ.

"Về cơ chế hình thành các dấu vết trên thi thể của Trần Đức Đô: Rãnh hằn vùng cổ và xây xát da vùng cằm trái, mặt tím tái phù nề, sung huyết các phủ tạng… do treo cổ

"Cơ quan Điều tra đã lấy lời khai của toàn bộ các cán bộ, học viên, nhân viên phục vụ chuyến đi huấn luyện dã ngoại của Đại đội 14 và một số lời khai của các quân nhân huấn luyện tân binh ở Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) cùng với quân nhân Trần Đức Đô. Các lời khai đều khẳng định không có hiện tượng mất đoàn kết, hành hung, quân phiệt, đánh nhau xảy ra trong đơn vị. Đa số các cán bộ, học viên đều nhận xét quân nhân Đô là người trầm tính, ít nói, không vi phạm kỷ luật, không thấy có mâu thuẫn với ai…

"Kết quả kiểm tra, xác minh không phát hiện thấy quân nhân Trần Đức Đô bị xúi giục, bức ép, làm nhục; không có mâu thuẫn trong đơn vị, gia đình, quan hệ tình cảm nam nữ; không có hành vi cờ bạc, lô đề, vay nợ; không có việc bị đánh đập hành hung. Các dấu vết xây xát trên cơ thể quân nhân Đô là do khi treo cổ và quá trình cắt dây đưa quân nhân xuống để cấp cứu đã làm va quệt vào thân cây gây ra. Với diễn biến và kết quả kiểm tra, xác minh nêu trên, đủ căn cứ để xác định không có sự việc phạm tội xảy ra".