Hà Nội, Bắc Kinh và việc gọi đúng tên cuộc chiến

Thứ Bảy, 24 Tháng Bảy 20219:00 CH(Xem: 2676)
Hà Nội, Bắc Kinh và việc gọi đúng tên cuộc chiến
 hagiang_01

Ngày 21-7-2021, thượng tướng Đỗ Căn đã lên Hà Giang viếng các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới (1979 - 1989). Đặc biệt, Thượng tướng đã thay mặt Đại tướng Phan Văn Giang, trao số tiền 50 tỉ đồng (do các doanh nghiệp Quân đội đóng góp) để nâng cấp Nghĩa Trang Liệt Sĩ Quốc Gia Vị Xuyên. Thượng tướng Đỗ Căn cũng đã thăm, tặng quà Đội Tìm kiếm, Quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Đại tướng Phan Văn Giang là một người lính đã chiến đấu và trưởng thành trong cuộc chiến tranh này. Việc làm của ông, ngay sau khi nhận quân hàm Đại tướng và chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là rất ý nghĩa.

Tuy nhiên, bản tin của báo Quân Đội Nhân Dân khi nhắc đến Nghĩa Trang Quốc Gia Vị Xuyên và Đài Hương 468 đều không nói rõ các liệt sĩ được an táng, được hương khói ở đó hy sinh trong cuộc chiến tranh nào.

Trong khi, trước đó một ngày, 20-7-2021, tại tỉnh Thiểm Tây, Quân đội Trung Quốc tổ chức một lễ rất trọng thể, khai trương Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Việt - Trung (Cuộc chiến tranh mà họ gọi là Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung - Việt) nằm trong Công viên văn hóa du lịch Tái Thượng Quân. Đây không phải là công trình đầu tiên, Trung Quốc xây để tôn vinh cuộc chiến tranh xâm lược này và đau đớn nhất là công trình xây trên điểm cao 1509.

Ngày 16-5-1984, sau mười tám ngày dùng một lực lượng lớn tấn công, Trung Quốc chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm dọc biên giới Việt Nam, trong đó có 1509. Hàng ngàn người lính Việt Nam đã hy sinh trong các đợt phản công lấy lại các cao điểm ấy, kể từ năm 1984.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2-2009, Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất cho chúng tôi, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, biết:

“Từ khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ý nghĩa thiêng liêng nên họ xin được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy chỉ có 0,77 hecta nhưng, 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang”.

Sự hy sinh của hàng ngàn người lính Việt Nam ở 1509, ở Vị Xuyên, ở các mặt trận Biên giới từ 1979 - 1989, há chẳng thiêng liêng sao.

Bắc Kinh gọi cuộc chiến tranh xâm lược này là Cuộc chiến phản kích tự vệ Trung - Việt. Chúng ta không cần tranh cãi với quân ăn cướp, chúng ta chỉ cần ngay thẳng gọi đúng tên cuộc chiến thôi: Chiến Tranh Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược.

Tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Quốc Gia Vị Xuyên, tại Đài Hương 468 và gần cả trăm nghĩa trang lớn nhỏ trên Biên giới phía Bắc nên có bia ghi rõ: Nơi An Nghỉ của Những Anh Hùng Liệt Sĩ Hy Sinh Trong Cuộc Chiến Tranh Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược 1979 - 1989.

Tại lễ khai trương Nhà kỷ niệm Chiến tranh biên giới Việt – Trung, các tướng là cựu binh Trung Quốc còn tặng sách mà họ đặt tựa đề là “Tổ Quốc Trong Tim”.

Tôi biết, có những cuốn sách rất thật do các cựu binh QĐND Việt Nam viết về cuộc chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại mà họ tham gia này đã chờ mấy “17 tháng Hai” rồi, đến nay vẫn chưa được cấp phép. Không chỉ có sách báo, trong các bảo tàng lịch sử cũng cần có không gian tương xứng cho cuộc chiến tranh Biên giới.

Không thể có một tương lai hòa bình vững chắc nếu các thế sau không biết sự thật về lịch sử, nhất là phần lịch sử còn có thể được viết bởi những người đã trực tiếp tham gia.

Những ngày này của 42 năm trước, nhiều người bạn tuổi Nhâm Dần của tôi đã nhập ngũ trong khuôn khổ “Lệnh Tổng Động Viên”, đợt Hai, 23-7-1979. Chúng tôi nhập ngũ đợt Một, trước đó 4 tháng 10 ngày.

Hàng trăm ngàn thanh niên ở thế hệ chúng tôi đã tàn phế, đã bỏ mình trên biên giới phía Bắc hoặc ở Campuchia. Chúng ta đã làm được rất ít cho họ, từ quy tập hài cốt cho đến chăm sóc các thương binh. Điều tử tế tối thiểu để an ủi các anh linh, theo tôi, là phải gọi đúng tên cuộc chiến.

Họ đã cầm súng và hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc, chống quân xâm lược Trung Quốc; họ không còn cơ hội để chiến đấu với sự sợ hãi vô cớ của chúng ta.

PS: Theo cựu ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao Nguyễn Đình Bin:

“Hiện Trung Quốc đã xây dựng xong Nhà kỷ niệm tác chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam, Nhà ký ức Nam Cương (biên giới phía Nam), Tháp kỷ niệm anh hùng cách mạng đỏ và các hạng mục trưng bày vũ khí mô phỏng, thể nghiệm huấn luyện quân sự, đi lại con đường trường chinh, xuyên rừng… Là khu công năng tổng hợp về giáo dục quốc phòng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục cán bộ đảng viên, giáo dục khoa học, đào tạo, hội nghị, nghiên cứu, tham quan, du lịch.

Tính đến nay, Công viên này đã tổ chức hơn 900 hoạt động đào tạo, giáo dục, huấn luyện quân sự cho học sinh trung tiểu học, cơ quan chính quyền, đơn vị sự nghiệp và cán bộ đảng viên, với hơn 110.000 người tham gia đào tạo. Các giới trong xã hội đến tham quan du lịch, thể nghiệm cuộc sống quân đội, tham gia giáo dục quốc phòng chủ nghĩa yêu nước lên tới hơn 1.2 triệu lượt người…”

HUY ĐỨC

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn