Sài Gòn có đang ổn không?

Thứ Hai, 12 Tháng Bảy 20214:00 SA(Xem: 3030)
Sài Gòn có đang ổn không?
rfa.org

Sài Gòn có đang ổn không?

Bài viết của Dân Sài Gòn 2021-07-09

Có, đang ổn.

Mặc dù đã trải qua 40 ngày hạn chế đi lại, giao thương, và giờ thì bắt đầu 15 ngày gần như phong tỏa.

Nói là gần như, vì ngôn ngữ văn bản hành chính của Thủ tướng và Chính phủ không dùng từ “phong tỏa”. Mức cao nhất hiện tại chỉ là cho phép tụ tập tối đa hai người nơi công cộng. Nhưng với các biện pháp nghiêm khắc đang được thực hiện như phát phiếu đi chợ, lập chốt kiểm dịch xung quanh các khu có nguy cơ cao trong nội thành và phạt tiền khá nặng những người không có giấy tờ chứng minh mục đích ra đường (như đi mua thực phẩm, mua thuốc hoặc làm việc trong nhóm tổ chức được cho phép), thì đợt thực hiện chỉ thị 16 của năm nay nghiêm ngặt hơn hẳn so với cùng đợt thực hiện chỉ thị này trên toàn quốc, bắt đầu vào 01/4 năm ngoái.

Cách ly xã hội trong chỉ thị 16 là “nhà cách ly với nhà”, “phường xã cách ly với phường xã”, “quận huyện cách ly với quận huyện”. Nói tóm lại, ai ở yên trong nhà người nấy.
Năm ngoái cả nước cùng cách ly, nên tuy là lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác cách ly nhưng người dân ai cũng sợ hãi và lo lắng như nhau. Năm nay, ngoại trừ nhiều tỉnh lốm đốm cách ly hoặc giãn cách thì chỉ riêng TPHCM, toàn bộ thành phố phải trải qua thời gian giãn cách và cách ly dài nhất. Số ca bệnh nhiều nhất. Số ca nặng đang tăng. Đã có những người trẻ tuổi tử vong. Vậy là rất nhiều người lo lắng hỏi xem Sài Gòn có ổn không?
Sài Gòn có ổn không? Tại sao trong các cửa hàng hay siêu thị chỉ thấy các kệ hàng trống trơn sạch bách, không còn tí cá thịt hay rau củ nào?

Sài Gòn có ổn không? Tại sao nhiều người đi hai ba ngày không mua được vỉ trứng nào? Tại sao thấy những tấm ảnh chụp miếng bông cải chưa đến 8 lạng, giá gần 300 ngàn đồng? Cái bắp cải cũng 8 lạng, hơn 200 ngàn đồng? Giá tăng gấp 10 lần như vậy làm sao người dân sống nổi?

Dạ thưa xin quý dzị bình tĩnh. Hai tấm hình nổi tiếng đó đây:

gia rau tang phi ma tin nham.png
Hình chụp rau bán ở siêu thị trong TPHCM trước khi lệnh phong toả có hiệu lực. FB


Quý dzị hãy xem kỹ nguồn gốc của miếng bông cải 300 ngàn đồng. Trên bao bì của nó dán một tấm nhãn rõ to ghi rõ “Rau nhập khẩu”.
Trên bao bì của miếng bắp cải cũng ghi rõ xuất xứ “bắp cải xoăn Úc”.

Hóa ra, nó toàn là rau nhập khẩu, rau Organic, lúc nào giá cũng đã cao ngất so với rau nội địa rồi.
Hỏi các anh chị bên Mỹ đang ăn sầu riêng đông lạnh giá bao nhiêu một ký? Các anh chị ở Nhật đang ăn vải thiều Thanh Hà bao nhiêu một quả? Chuối bao nhiêu một nải?

bap cai.jpg

Bên xứ lạnh, táo trồng đầy vườn để chín rụng, chim không thèm ăn nhưng về xứ nóng, nó được cẩn thận nâng niu, bán giá bét nhất gần trăm ngàn 1 ký. Cherry về Việt Nam thành món đắt tiền giá 500 ngàn đồng/ký, mua nửa cân về ba mẹ nhường con, con nhường ông bà.
Để mục sở thị, trong buổi tối cuối cùng trước ngày phong tỏa, tôi cũng đi siêu thị xem sao.

Tôi đi siêu thị ở trên đường Cống Quỳnh quận 3. Siêu thị này ở trung tâm, ngày thường cũng đã rất đông. Hôm nay lối vào chuyển vào bãi xe phía sau, rất rộng. Khách được xếp thành bốn hàng dọc, ngăn cách bằng dây giăng. Có ghế nhưng không ai ngồi. Nay là đêm cuối, nên hầu hết xếp hàng vô siêu thị giờ muộn này là những người trẻ, nhiều người còn đeo ba lô, chắc từ chỗ làm về đi thẳng tới đây.

Xung quanh có nhiều bàn đặt rải rác để sẵn bút, xấp giấy khai báo y tế cùng mã QR code để khai báo điện tử. Đếm thử, mỗi hàng xếp khoảng 15-20 người, tổng cộng khoảng 100 người  cùng lúc. Khi có khách ra khỏi siêu thị thì bảo vệ mới cho đợt mới vào, mỗi lần tám người cho bốn hàng. Mọi người tự động xếp hàng rất trật tự, không ai tỏ vẻ nôn nóng hay lo lắng.
Khai báo điện tử xong độ vài phút, tôi vô xếp hàng. Nhìn đồng hồ, 19 h 34.  Gần nửa tiếng sau, lúc 19h 56  thì đến lượt tôi được vào.
Như rất nhiều người, tôi tiến thẳng đến quầy rau. Rau trên quầy hầu như đã hết sạch, chỉ còn bắp cải, cà chua, xà lách, khoai tây, su su, năm sáu loại rau thơm, hẹ, ớt. Mộ thanh niên cao lớn mặc đồng phục Grab xách giỏ vào, cầm điện thoại nghe loáng thoáng: “Hành lá… hết rồi em. Rau cải ngọt… hết rồi em”. Đây là dịch vụ đi chợ giùm, các ứng dụng xe công nghệ này mới phát triển gần đây và rất được chuộng, vì nếu có mã giảm giá hay miễn ship thì rất tiện và rẻ.

Lượn qua lượn lại, tôi mua được đủ lượng rau ăn trong khoảng 1 tuần. Su su tươi xanh giá 22.000 đ/ký. Bí đỏ 16.000 đ/ký. Hẹ 45.000 đ/ký. Kẹt quá không đi mua rau được thì ngâm đậu xanh làm giá là có món giá hẹ xào ngon lành rồi.
Lúc tôi ra cân rau vào khoảng 20 h 15 thì nhân viên siêu thị vẫn đang tiếp tục chuyển cà chua và bắp cải tươi roi rói ra, bày kín cả quầy.

Bên quầy thịt tươi không còn miếng nào. Trứng càng không. Hôm qua ở tiệm tạp hóa gần nhà tôi người ta cũng lùng mua trứng nhưng hết sạch, cô bán hàng đều hẹn lại một ngày. “Dễ ăn, chiên xào kho hấp luộc gì cũng được nên người ta mua nhiều”-cô giải thích. Dĩ nhiên, bảo quản cũng dễ và rẻ.
Nhưng cá tươi, đậu hũ và các món chế biến sẵn vẫn đầy ắp: xúc xích, ba rọi xông khói, dồi tươi, nem chả các loại, mắm chưng... Trong các tủ đông, cá nội địa và nhập khẩu, tôm mực, nem chạo… chẳng thiếu thứ gì. Mì gói vơi đi vài khoảng bằng cái thúng. Nhìn vào giỏ hàng của những người trẻ trẻ, tôi thấy họ chọn yaourt và sữa tươi các loại là chủ yếu.

Trong suốt thời gian ở siêu thị, loa phóng thanh nhắc đi nhắc lại liên tục: “Từ ngày mai (tức 09/7) siêu thị mở cửa từ 6h sáng đến 24 giờ để phục vụ bà con…” . Ngày thường siêu thị chỉ mở từ 7-8 giờ sáng đến 10 giờ đêm thôi.

Sáng nay 09/7, vừa lên mạng đã thấy bà con khoe hàng mới đi mua ở siêu thị về, cá thịt tươi đầy đủ, rau ngồn ngộn. Đương nhiên cũng có người khoe ảnh chụp quầy kệ trống trơn, không biết hết hàng từ sớm hay chưa nhập kịp.

000_9EG2CR.jpg
Đường phố TPHCM ngày 9/7/2021, ngày đầu thực hiện phong toả do dịch bệnh. Hình AFP

Dân Sài Gòn vốn năng động, chớp thời cơ rất lẹ. Hai tuần qua gần nhà tôi đã có mấy điểm bán rau củ tự phát, bán đủ thứ. Tới chiều qua thì giá mắc hơn ngày thường như cải ngọt 35.000 đ/ký (ngày thường khoảng 25.000 đ/kg). Do tâm lý tích trữ và cả sự thiếu thông tin, cho rằng sẽ hoàn toàn không được ra đường nên chiều qua người ta ghé xe vô mua nhiều vượt bậc. Ai cũng mua đến cả chục ký rau các loại, chở túi lỉnh kỉnh. Người ít nhất cũng cỡ  năm ký.

Các tiệm bánh mì ngày thường vốn bán lai rai, ít khi có cảnh vòng trong vòng ngoài, cũng bán vòng trong vòng ngoài. Người ta mua hàng túi khoảng 5, 10 chiếc bánh mì không nhân, loại lớn.
Các bà dì nhanh nhạy gói bánh tét, bánh ú tro và chả lụa bán la liệt, hết nhanh như cuồng phong. Phần vì ngày đầu tiên phong tỏa trúng vô ngày 30 âm lịch, dân mua bánh chay về cúng. Còn bánh tét chả lụa để dành.
Mấy đứa nhỏ trong công ty tôi thì rủ nhau qua chợ sỉ mua hoa, về chưng trong hai tuần cách ly cho đỡ buồn.
Cái không khí mua sắm hừng hực, đám đông người (đông hơn hẳn mấy ngày trước đó) chạy ngược chạy xuôi tíu tít, xe ba gác máy chở hàng phóng rầm rầm… làm Sài Gòn giống như không phải đang trải qua cơn đại dịch mà là đang … chuẩn bị ăn tết.

Trên trang mạng Facebook, nhiều người chỉ nhau mua rau ở đâu cho rẻ, hay gộp nhóm gần nhà mua chung cho đỡ tiền ship. Có người than vãn giá trứng lên 100 ngàn đồng/chục, hay rau bán sa cạ giá 50 ngàn đồng/ký (ngày thường khoảng 20 ngàn-25 ngàn đồng), nhưng cũng rất nhiều người cho hay ở các quận ngoại thành như Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú, rau vẫn nhiều, xanh mướt chợ, giá không xê xích bao lăm.

Và không ít các quảng cáo bán rau như thế này:

Rau Thien thao.jpg
Kể nhanh vài dòng cho bà con đang ở bên ngoài và lo lắng cho Sài Gòn bị đói, thiếu thực phẩm. Dạ, đang là đại dịch nên tất nhiên không có gì như bình thường cả. Người phải ở yên trong nhà, ra đường phải có giấy thông hành. Lơ mơ ăn phạt vài triệu.
Nhưng điện nước vẫn đầy đủ không bị cúp, gạo mắm rau củ quả thịt cá vẫn đầy nhóc. Giấy vệ sinh không thiếu cuộn nào. Các nhóm từ thiện vẫn phát phần ăn cho các khu phong tỏa, xóm lao động quá nghèo. Người bệnh có bệnh viện dã chiến.
Sài Gòn vẫn ổn, vẫn bình tĩnh sống, như đã từng sống vững chãi qua nhiều cơn binh lửa trước đây. Bà con yên tâm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 15 Tháng Chín 20196:00 SA