Lại nói về báo chí

Thứ Hai, 28 Tháng Sáu 20218:00 SA(Xem: 2617)
Lại nói về báo chí

Dịch vi rút Vũ Hán, ở khía cạnh nào đó có tác dụng làm cho người ta quên. Quên nhiều thứ ở trên đời khi chỉ chăm chăm vào nó.

Ngày lễ trọng của nhà báo quốc doanh chẳng hạn, vừa mới tíu ta tíu tít, hớn ha hớn hở, nhắc nhau “mắt sáng bút sắc lòng trong”, chưa trôi được 4 hôm đã quên tiệt, chẳng ai nhắc tới nữa. Có nhẽ chỉ còn mình tôi, cũng chả phải duyên nợ gì, mà chỉ bởi đã hứa sẽ có phần tiếp theo.

Cứ sổ toẹt ra thế này, ở đâu có tự do báo chí thì có, chứ xứ này thì không.

Ông Đinh Thế Huynh, có thời nhân vật số 2 của triều đình-phủ chúa, trước khi lặn một hơi không sủi tăm, năm 2011 đã từng lớn tiếng trước bàn dân thiên hạ. Rằng nước nào đa nguyên đa đảng thì kệ họ, nước ta không có chỗ cho đa nguyên đa đảng, dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Nơi nào tự do báo chí cũng kệ, nơi này báo chí phải chịu sự lãnh đạo của đảng.

Hình như khi ấy đương sự nghĩ mình sắp là tổng bí thư nên lập ngôn đúng giọng điệu nhân vật số 1. Còn bây giờ đương sự làm gì, ở đâu, ra làm sao…, chịu.

Cùng giọng với Huynh Đinh, đồng chí X, tức Nguyễn Tấn Dũng, lúc chưa bị đánh bật khỏi ghế tể tướng, cũng hò hét kinh lắm. Đương sự 3X năm 2012 từng chém dứt khoát không có tự do báo chí, không chấp nhận báo chí tư nhân.

Lúc ấy thì phần phật thế thôi, biết đâu bây giờ lại tiếc, giá như đang cờ trong tay ai người ấy phất, cho ra phát báo chí tư nhân, tự do báo chí, sẽ có thứ mà dùng trong cảnh hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn. Cả Dũng và Huynh, không biết giờ này có muốn đính chính những điều mình đã hùng hổ nói văng mạng không. Giá “hồi xưa” đừng cấm báo chí tư nhân, đừng cấm đa nguyên đa đảng thì, thì…

Tôi tòng sự nghề báo khi các đương sự đang thét ra lửa nên biết rõ chuyện hai ông kễnh chứ chả phải bịa đặt, nói phét cho sướng miệng.

Cái dự án quy hoạch báo chí có từ thời Huynh, Dũng, Son, thậm chí manh nha trước đó, nhưng các đương sự chưa kịp hành động, hoặc chưa đủ võ, chưa có thời cơ chín muồi… nên phải đợi tới tay các đàn em là Thưởng, Tuấn mới thành hiện thực.

Đảng tất nhiên làm gì chẳng đúng theo ý đảng, chứ dư luận cho rằng đây là một bước thụt lùi của nền báo chí vốn chưa có tự do, là cách cưỡng bức bằng quyền lực, đưa tất cả vào khuôn phép chuyên chính, đeo cho báo chí quốc doanh vốn đã nhẫn nhục ngoan ngoãn cái vòng kim cô để dễ bề trị. Ai tin chuyện quy hoạch báo chí nhằm mục đích báo chí phát triển như đảng nói thì cứ tin, còn tôi quyết không tin.

Trong cuộc “cải cách báo chí” vừa qua, tuyên giáo và 4T thương ai thì kẻ đó được nhờ. Họ cóc cần quy định, càng không thèm đếm xỉa tới quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí như những nước văn minh, dân chủ.

Nói thẳng ra, nếu họ quy hoạch để nhằm mục đích triệt bớt những tờ báo ăn bám, tiêu tốn ngân sách, báo gói xôi, báo lá cải vô bổ làm băng hoại xã hội. Những báo địa phương (cơ quan của đảng bộ…) chỉ vài trăm người đọc, dùng tiền ngân sách in xong rồi biếu là chính, những báo chủ trương chống lại đất nước, dân tộc, nhân dân… thì việc dẹp bớt, quy hoạch thắt chặt là phải.

Chả cần tồn tại những thứ ấy, lại càng không cần chi tiền thuế của dân nuôi những thứ ấy. Quy hoạch vậy rất đáng hoan nghênh, ủng hộ.

Nhưng không, căn vào bản quy hoạch và từng bước thực hiện quy hoạch thì chỉ thấy họ làm cải lương, nửa vời, làm để chứng tỏ quyền lực, ra vẻ ta đây. Mà quy hoạch để làm gì, khi gần 900 tờ báo, tạp chí, cơ quan báo đài, truyền thông chỉ răm rắp làm theo cái gậy đe nẹt của trung ương tập quyền.

Đã buộc và chấp nhận định hướng, đã “tuân chỉ” thì đừng nói tới tự do. Có quy hoạch giời cũng vẫn thừa. Chỉ cần 1 tờ đã là quá nhiều. Còn đối với nhu cầu, khao khát thông tin đa chiều của dân chúng thì vạn tờ vẫn thiếu. Một khi còn độc quyền thông tin, cấm cản tự do báo chí, có tổ chức quy hoạch trăm lần cũng chả giải quyết được gì. Thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu.

NGUYỄNTHÔNG
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn