Từ vụ Dương Đức Thịnh, nhìn lại mặt trận pháp lý và giá trị pháp quyền

Chủ Nhật, 23 Tháng Năm 20212:00 SA(Xem: 3642)
Từ vụ Dương Đức Thịnh, nhìn lại mặt trận pháp lý và giá trị pháp quyền
voatiengviet.com

Từ vụ Dương Đức Thịnh, nhìn lại mặt trận pháp lý và giá trị pháp quyền

VOA

Trần Kiều Ngọc

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã đưa đẩy hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi lánh nạn cộng sản. Sau 46 năm, có bốn thế hệ với khoảng 5 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, phần lớn may mắn sống tại các nước văn minh, trong đó nhân quyền được tôn trọng.

Nền tảng của các nước này, như nước Úc mà Kiều Ngọc đang sống, là pháp quyền (rule of law). Quyền lực đến từ pháp lý, từ văn bản pháp luật, không phải từ con người. Những ai đảm nhận vai trò nào đó, từ thủ tướng, đến bộ trưởng, đến các nhân viên thuộc mọi cơ quan công quyền, được trao cho quyền hạn trong lúc giữ vai trò và nhiệm vụ đó. Trong lúc đảm nhiệm, họ phải thực thi quyền lực của mình trong khuôn khổ mà hiến pháp và pháp luật cho phép. Khi không còn ở trong vai trò đó, quyền lực của họ chấm dứt.

Tại Việt Nam thì khác. Như nhiều người nói, Việt Nam là một rừng luật nhưng toàn dùng luật rừng. Hiến pháp hay pháp luật, cho đến lúc này, chỉ là công cụ để Đảng Cộng Sản Việt Nam duy trì quyền lực bằng mọi giá, và để thao túng nó khi cần.

Một nền chính trị độc quyền và tùy tiện như thế tại Việt Nam, với một nền giáo dục nhồi nhét và phi nhân văn, đã làm thui chột sự phát triển lành mạnh cho các thế hệ trẻ lớn lên dưới mái trường “xã hội chủ nghĩa” này.

Hành động vô giáo dục và đầy căm thù của du sinh Dương Đức Thịnh đối với Cờ Vàng, và lời nói đầy thách thức đối với người Việt tỵ nạn cộng sản, là điều không thể chấp nhận. Bản tính của Thịnh là một phần, phần kia hẳn nhiên là do thông tin và giáo dục miệt thị cờ Vàng và Việt Nam Cộng Hòa của chế độ cai trị trong suốt 46 năm qua.

Kiều Ngọc đã trình bày một số ý kiến trên BBC, và trên Facebook, và có góp ý với Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại NSW, các tiểu bang và lãnh thổ. Tuy nhiên Kiều Ngọc muốn được trình bày thêm các khía cạnh pháp lý trong bài này với hy vọng nếu nhiều người biết thêm về nó, và các giới hạn của mặt trận pháp lý, thì chúng ta sẽ có đầy đủ thông tin hầu lấy quyết định thực tiễn hơn.

Đây chỉ là một trường hợp điển hình để chúng ta cùng tìm hiểu.

Đầu tiên là luật hình sự

Về hành động giật cờ xuống, và sau đó giẫm lên cờ, thì trước hết chúng ta cần biết lá cờ đó của ai, người nào hay tổ chức nào sở hữu, và họ có muốn truy tố không? V.v…

Cho dầu người/tổ chức đó muốn truy tố, thì kết quả sau cùng có thể là gì?

Hành vi giẫm đạp lên cờ có thể được xem là nhẹ hơn so với đốt cờ (hành vi này gọi là flag desecration), nhưng nước Úc chưa thông qua Đạo luật Cờ, do đó các hành vi này hiện nay vẫn chưa cấu tạo thành tội phạm.

Để so sánh, một người có hành vi xúc phạm đến cờ Úc, quá khích đến độ đốt cờ, thì hành động này vẫn chưa đủ để cấu thành tội phạm bị truy tố. Chỉ khi nào hành động đó gây mất trật tự hoặc phá hoại tài sản thì mới có thể cấu thành.

Có thể nhận định khách quan rằng, mức độ gây thiệt hại tài sản qua hành động của cậu Thịnh, nếu cấu thành tội phạm, thì chắc là không cao lắm. Không phải đây là nhận định của riêng Kiều Ngọc, mà một số luật sư như Philip Tran phỏng vấn trên SBS, cũng chia sẻ nhận định tương tự.
Tóm lại, cho dầu người sở hữu Cờ Vàng này muốn cảnh sát khởi việc truy tố cậu du sinh này ra tòa, thì nặng lắm cậu ta sẽ trả tiền phạt tối đa là vài trăm đô la; nó cũng còn tùy hoàn cảnh tài chánh của cậu ta nữa.

Nó có được ghi vào hồ sơ tội phạm của cậu ta hay không thì tùy vị chánh án.

Còn hành vi nói lời khiêu khích, thách thức đối với cộng đồng, thì tuy cậu trẻ này tục tĩu và hỗn láo, chúng ta cần nhớ rằng quyền tự do ngôn luận và biểu đạt tại Úc được bảo vệ tối đa. Nếu Cộng Đồng quyết định dùng luật phỉ báng để truy tố, thì Cộng Đồng cần phải chuẩn bị các bằng chứng và lập luận kỹ để chứng minh mình bị xúc phạm như thế nào, từ thể xác đến tinh thần hay tâm lý ra sao?

Luật di trú: có thể bị hủy visa và trục xuất?

Di trú/visa - Thông thường mỗi visa đến Úc tạm thời đều có thể có nhiều điều kiện kèm theo. Trong trường hợp này, visa của nguyên đơn có khả năng rất cao là bị gắn điều kiện 8303, đó là: “Bạn không được tham gia vào các hoạt động gây rối đối với, hoặc trong bạo lực mà đe dọa gây hại cho, cộng đồng Úc hoặc một nhóm người trong cộng đồng Úc.”

Năm 2017, điều khoản 8303 được điều chỉnh để nhấn mạnh rõ và đặc biệt là nó trao quyền cho Bộ trưởng hủy bỏ visa của một người khi họ có hành vi bất lợi chống lại các cá nhân trong cộng đồng, chẳng hạn như nơi có bằng chứng khách quan về quấy rối, theo dõi, đe dọa, bắt nạt hoặc đe dọa một cá nhân, nhưng có thể không nhất thiết bị xử lý theo luật hình sự. Các hoạt động này có thể bao gồm ‘ngôn từ kích động thù địch’ công khai hoặc phỉ báng trực tuyến nhắm vào cả nhóm và cá nhân dựa trên giới tính, tình dục, tôn giáo và dân tộc. Bằng chứng do các cơ quan thực thi pháp luật cung cấp về âm mưu gây tổn hại hoặc kích động bạo lực đối với một cá nhân cũng có thể được xem xét theo điều kiện 8303.

Visa của nguyên đơn có thể bị Cancelled nếu vi phạm điều kiện 8303 của Schedule 2, Migration Regulations.

Visa của nguyên đơn cũng có thể bị Cancelled dưới quyền hạn của điều lệ thuộc Điều 116: vì là rủi ro cho sức khỏe, an toàn hay trật tự tốt của cộng đồng Úc hay một bộ phận cộng đồng Úc; hay sức khỏe và an toàn của các cá nhân.

Ngoài ra, visa của nguyên đơn cũng có thể bị Cancelled dưới quyền hạn của Điều lệ s501, tức tính cách của một người/character. Nhưng xác xuất rất thấp. Bị hủy visa vì tính cách của một người thường là vì hành vi, tiền án tiền sự, tội phạm, trong quá khứ hay hiện tại, nghiêm trọng. Bị phạm tội và ngồi tù 12 tháng trở lên có thể là một lý do cấu thành điều kiện cần, nhưng không phải điều kiện đủ, để hủy visa một người nào đó dưới điều s501.

Các hồ sơ s501 thường được do một bộ phận đặc biệt của Bộ Di Trú duyệt xét, và với những hồ sơ khá nghiêm trọng, thì mới được chuyển lên cho Bộ trưởng Di trú lấy quyết định.

Trong trường hợp Bộ trưởng Di trú tự ký lấy quyết định thì luật về công lý tự nhiên (natural justice) hay quy định thủ tục (code of procedure), như nộp đơn xét lại (review application) tại Administrative Appeal Tribunal (AAT), không được áp dụng.

Trong tường hợp Bộ trưởng Di trú không chính tay lấy quyết định, thì nguyên đơn có thể nộp đơn xét lại với cơ quan AAT.

Trong đại đa số các trường hợp, Bộ trưởng Di trú ủy nhiệm quyền hành cho các nhân viên của Bộ để duyệt xét và quyết định.

Chỉ trong các trường hợp mang tính nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến quyền lợi quốc gia, quan hệ ngoại giao, quốc phòng, an ninh quốc gia, tội giết người, tội phạm liên quốc gia, tình báo, tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, ấu dâm, v.v… thì mới trình lên cho văn phòng Bộ trưởng cứu xét. Nhưng ngay cả thế, không phải mọi trường hợp trong diện trên đều được Bộ trưởng quyết định.

Tiến trình nộp đơn tái xét (Review application)

Kiều Ngọc xin tóm tắt một cách tổng quát như sau:

  • Trước khi hủy visa, nếu có liên quan đến tội phạm, Bộ Di trú thường chờ cho đến khi có đủ bằng chứng cấu thành tội phạm của người đó, nhưng không nhất thiết là phải chờ án lệnh của tòa. Thường thì những truy tố của cảnh sát cũng là căn cớ để cân nhắc quyết định.
  • Khi có đủ bằng chứng, ngay cả khi nguyên đơn không bị kết tội gì nhưng nếu không trường học nào nhận, chẳng hạn, thì Bộ Di trú cũng sẽ gửi đơn báo cho nguyên đơn biết rằng visa của cậu có thể bị hủy, qua cái gọi là Notice of Intention to Consider Cancellation (NOICC). Họ cho nguyên đơn, thường là 5 ngày sau khi nhận được thư, để trả lời lý do vì sao visa mình không nên bị hủy. Bộ Di trú sẽ duyệt xét tất cả mọi chứng cớ và lý do trong thư phản hồi này trước khi lấy quyết định.
  • Trong trường hợp lấy quyết định hủy, nguyên đơn sẽ được cho cơ hội xin tái xét tại nhiều cấp khác nhau. Cấp đầu tiên là Administrative Appeal Tribunal/AAT. Cấp kế tiếp là Federal Court; rồi Full Federal Court; rồi High Court. Vì visa là vấn đề liên bang, thuộc quyền hạn của chính phủ liên bang, nên phải do các tòa cao và tối cao của Úc duyệt xét. Nhưng các tòa này không có quyền lật ngược quyết định mà chỉ xem xét khía cạnh pháp lý, nếu có lỗi pháp lý nào không; xong rồi chuyển hồ sơ lại cho cơ quan AAT hay Bộ Di trú.

Có những trường hợp khá phức tạp mà có thể kéo dài nhiều năm trời, tốn kém vài trăm ngàn đô la của nguyên đơn.

Đây là vấn đề giữa cậu Thịnh và các cơ quan công quyền Úc, điển hình là Bộ Di trú. Tất cả đều phải dựa trên pháp luật để duyệt đơn. Nếu Bộ trưởng hay nhân viên của Bộ lấy quyết định hủy visa của nguyên đơn thì rất có khả năng AAT phủ quyết để visa của nguyên đơn có hiệu nghiệm lại. Cho nên cuộc đấu tranh pháp lý với nguyên đơn theo dạng visa không phải là điều dễ dàng hay suôn sẻ.

Luật sư Andie Lam được phỏng vấn trên SBS cũng chia sẻ vài quan điểm về điều này.

Dân chủ pháp quyền

Như Kiều Ngọc đã trình bày trên, vì Úc là một quốc gia dân chủ pháp quyền, các cơ quan công quyền và các nhân viên làm việc tại đây được bảo vệ để họ lấy quyết định trong các tình huống bị chính trị hóa hay bị áp lực xã hội. Như thế mới bảo đảm tính khách quan, công bằng và miễn nhiễm chính trị. Hiến pháp và luật pháp, hay pháp lý, là trên hết. Thủ tướng, Bộ trưởng hay nhân viên được ủy quyền, khi lấy quyết định, cũng phải hành xử dựa trên pháp lý. Các chánh án/quan tòa cũng dựa trên pháp lý để quyết định. Họ độc lập và lấy quyết định dựa trên chứng cớ và pháp lý trước mặt mình. Những áp lực từ xã hội và chính trị có thể có một tác động nhất định vào một lúc nào đó, trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng không hoàn toàn trực tiếp lên các quyết định này.

Nếu các quyết định của Thủ tướng, các bộ trưởng hay nhân viên được ủy quyền bị ảnh hưởng bởi tác động chính trị thì các vị này có thể sẽ gặp vấn đề kiện cáo lên tòa vì quyết định thiên vị, không công bằng, khách quan v.v… Mỗi năm có hàng chục ngàn trường hợp kiện tụng như thế tại các tòa về di trú, khoan nói đến các lĩnh vực khác.

Một trường hợp điển hình được báo chí phanh phui cách đây không lâu. Một phụ nữ Ý khi đến phi trường Brisbane vào năm 2015 thì visa bị hủy vì không có ý định tuân theo các điều kiện mà visa cấp cho. Lẽ ra cô ta bị trục xuất về lại nước, nhưng cô gọi điện thoại cho gia đình một cặp cảnh sát mà cô dự định ở đó để giúp việc. Gia đình đó quen biết Bộ trưởng Di trú Peter Dutton. Ông đã can thiệp để cho người phụ nữ vào Úc ở đây. Cũng còn một trường hợp tương tự khác xảy ra dưới thời Peter Dutton. Vụ việc này đã được Thượng viện Úc điều tra xem xét Peter Dutton có lạm dụng quyền lực của mình hay không. Peter Dutton không bị kết tội gì tại Thượng Viện, nhưng cũng phải biện minh và nhức đầu đối phó với giới truyền thông, và quốc hội Úc.

Peter Dutton đã phải phát biểu trước báo chí rằng: “Quyết định đã được đưa ra… rằng hai du khách trẻ đó sẽ bị giam giữ và họ sẽ bị trục xuất. Tôi đã xem xét hoàn cảnh của hai trường hợp đó và tôi nghĩ rằng điều đó không phù hợp ”.

Thí dụ này đưa ra để cho thấy bất cứ một quyết định nào, dù cấp cho, hay từ chối, hay hủy bỏ visa, đều hệ trọng. Tất cả mọi người liên hệ đều phải làm việc dựa trên chứng cớ và luật lệ hẳn hoi. Không làm thế thì sau này nếu bị khám phá thì phải chịu trách nhiệm: bị kỷ luật, và có thể bị mất việc. Kể cả Bộ trưởng, vì áp lực của dư luận hay của Thủ tướng là đã không thi hành chức năng và trách nhiệm.

Vài kết luận

Con đường vận động để buộc trục xuất Dương Đức Thịnh ra khỏi Úc hoàn toàn tùy thuộc vào sự truy tố của cơ quan công quyền NSW và Bộ Di trú Úc, nếu có. Tất cả các cơ quan công quyền này phải dựa trên tiến trình pháp lý để duyệt xét. Họ được bảo vệ tối đa để không bị áp lực chính trị gì.

Chuyện giật Cờ Vàng, giẫm đạp và thách thức Cộng Đồng khiến chúng ta phẫn nộ thật. Nhưng giới công quyền Úc không nhất thiết chia sẻ cái nhìn này với chúng ta. Nỗi đau của người Việt Nam bởi chế độ cộng sản thì chỉ có người Việt thấu hiểu. Nhưng ngay cả các cơ quan công quyền có hiểu đi chăng nữa, thì họ cũng phải tôn trọng và thi hành pháp luật trước mặt họ. Bởi ngoài họ ra thì còn bao nhiêu cơ quan hữu trách khác theo dõi và giám sát họ. Tòa án, quốc hội, truyền thông đều đóng vai trò kiểm soát và cân bằng quyền lực của nhau trong nền dân chủ pháp quyền, không ngoại trừ ai.

Đây là những sự khác biệt căn bản giữa độc tài chuyên chế và dân chủ pháp quyền. Nền dân chủ đích thực là không ai đứng trên hay đứng ngoài pháp luật.

Hành động của cậu du sinh đụng tới căn cước tỵ nạn của chúng ta, nên không thể nào bỏ qua hay làm nhẹ được. Những người quan tâm cần phải hành động chiến lược, nhất là không để cậu ta từ một người tội lỗi trở thành một nạn nhân trong chuyện này.

Kiều Ngọc chỉ mong được cung cấp các thông tin này đến mọi người để có nhận định rõ ràng cho cuộc đấu tranh pháp lý này. Kiều Ngọc cũng đã gửi riêng các đề nghị này, một cách chi tiết hơn, đến Ban Chấp Hành Cộng Đồng NSW và các tiểu bang lãnh thổ tại Úc.

Là công dân trong một đất nước văn minh, nhân bản và dân chủ, mỗi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ các nguyên tắc và giá trị mà chúng ta được hưởng. Những kiến thức và tư duy này cũng giúp mỗi chúng ta có những biện pháp đấu tranh thiết thực hơn trước sự vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Ngoài ra, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần này đến giới trẻ Việt Nam, và những ai mong muốn mang lại dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, là điều tối cần thiết để góp phần chuyển đổi Việt Nam từ độc tài sang dân chủ trong tương lai gần.

Trần Kiều Ngọc
Adelaide, 19/05/2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn