Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Nhập gia tuỳ tục.

Thứ Hai, 10 Tháng Năm 20218:00 SA(Xem: 3219)
Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Nhập gia tuỳ tục.
Mấy hôm nay, Cộng đồng người Việt ở Úc (và cả trên thế giới) tỏ ra bất bình trước hành động của một thiếu niên (du học sinh từ Việt Nam) xúc phạm lá cờ biểu tượng cho Cộng đồng ngay tại khu phố có đông người Việt cư ngụ. Hành động này nếu nhìn xa một chút sẽ thấy có nhiều ý nghĩa và con đường hòa hợp - hòa giải dân tộc còn rất xa.
vXLbN6E6xawkrmmq8ii4hzcgTGx6P8b_6Sc87lYS2l_eQqiDoB8RgbNm7nBYS9x6BSNouXd0mTdxJaHWfsJn5BMzyg700IZGodBWY1q6sDvIiduStjFnukoj2tmQJARzP8xEc-c=w223-h400
Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Nhập gia tuỳ tục.

Thiếu niên đó chưa đầy 18 tuổi, nhưng đã tỏ ra là một người hung hãn và bất kính. Mới có 18 tuổi mà đã chửi thề như bắp rang. Mỗi lời thốt ra là kèm theo một tiếng chửi thề tục tĩu đặc thù cách nói của người miền Bắc [1]. Mới 18 tuổi mà đầu óc đã bị tiêm nhiễm ý tưởng hận thù, hận thù một cách vô cớ. Ngôn ngữ chửi thề và xấc láo của người thiếu niên đó sử dụng thì chỉ có thể mô tả bằng 3 chữ "vô giáo dục".

Thiếu niên đó rất may mắn đến Úc vào thế kỉ 21, chớ nếu vào những năm trong thập kỉ 1980 thì chưa biết chuyện gì xảy ra. Trước khi đến Úc, đáng lí ra thiếu niên đó nên tìm hiểu tại sao người Việt có mặt ở đây, họ là ai, đã trải qua những khó khăn gì để xây dựng nên một cộng đồng như hôm nay. Thiếu niên đó đáng lí ra phải cảm ơn những người Việt 'boat people' đi trước đã đóng góp vào xã hội này, và tạo nên được một thế đứng cho người Việt ở xứ người, để người Úc nể trọng người Việt.

Hậu quả của tuyên truyền và tẩy não

Nói rằng thiếu niên này là một sản phẩm của nền giáo dục hiện nay thì quá đáng, vì trong thực tế đa số học sinh Việt Nam là những người lễ phép, biết kính trên nhường dưới. Đa số du học sinh đến Úc học hành mà tôi tiếp xúc là những em đàng hoàng, có tư cách, và biết suy nghĩ đúng sai. Không ai có vẻ thù hằn như thiếu niên này. Ngược lại, du học sinh ở đây hoà nhập vào cộng đồng khá dễ dàng. Hầu như ở bất cứ quán ăn hay tiệm thực phẩm của người Việt ở đây đều có bóng dáng du học sinh. Do đó, tôi nghĩ thiếu niên này là một ca đặc thù, một loại 'outlier' trong cộng đồng.

Tôi nghiêng về giả thuyết rằng thiếu niên này là một sản phẩm của hệ thống tuyên truyền sai trái và tẩy não. Những chữ mà thiếu viên đó thốt ra y chang như những chữ được cẩn thận nhào nặn bởi bộ máy tuyên truyền có từ thời chiến tranh. Họ được gieo vào đầu ngay từ lúc còn rất nhỏ về lòng căm thù, về sự khinh nạn dành cho người miền Nam. Trong cái đầu của họ, người trong Nam là tay sai của Mĩ, là bán nước, là sa đoạ, là vô đạo đức. Ngày nay, chúng ta thấy nhan nhản trên mạng những chữ căm thù đó được phun ra một cách mặc định, nó gần như là quán tính của những DLV. Ngay cả những khuôn mặt khả kính gọi là 'dân chủ' nhan nhản trên các diễn đàn cánh tả cũng hay phun ra những chữ đó. Họ chẳng cần biết những chữ đó đúng sai ra sao, vì mục tiêu đơn giản là thoá mạ, là gây tổn thương cao nhứt về tinh thần cho nạn nhân. Thiếu niên này chỉ là sản phẩm của một hệ thống.

Gieo hạt gì thì sẽ gặt quả đó. Gieo sự căm thù thì sẽ gặp thù hận. Giáo sư Olga Dror (Đại học Texas A&M) có một nhận xét rất hay rằng thời chiến tranh, hệ thống giáo dục miền Bắc nhắm đến việc nhào nặn con em họ cho chiến tranh, còn hệ thống giáo dục miền Nam thì chuẩn bị con em cho hòa bình. Ngoài ra, hệ thống giáo dục miền Bắc là một hệ thống tuyên truyền, tất cả phục vụ cho đảng và Nhà nước, ghét Mĩ, ghét 'Nguỵ'. Ngược lại, hệ thống giáo dục trong Nam thì thuần tuý giáo dục mà trong đó sự khác biệt được tôn trọng và chấp nhận. Do đó, sau chiến tranh, có sự 'lệch pha' giữa người miền Bắc và miền Nam. Nói như Giáo sư Dror là “Tuy nhiên, chiến lược này lại trở nên rất dở sau chiến tranh bởi vì người dân miền Bắc lúc đó không có được sự chuẩn bị để xây dựng đất nước cũng như sống trong xã hội mới. Trong khi đó miền Nam không có được cơ hội thực hiện tầm nhìn của mình.” [2].

Thất bại trong hoà giải dân tộc

Sự việc cậu thiếu niên kia xúc phạm đến biểu tượng của Cộng đồng người Việt ở Úc (và trên thế giới), nhìn từ bên ngoài thì chỉ là một biến cố nhỏ, nhưng nếu nhìn kĩ thì đó là dấu hiệu của sự thất bại trong quá trình hoà giải dân tộc mà Chánh phủ Việt Nam theo đuổi mấy năm qua.

Nhìn bề ngoài, chúng ta dễ dàng thấy Chánh phủ trong nước rất quan tâm đến vấn đề hòa giải dân tộc. Sau cuộc chiến tương tàn 20 năm, với hàng triệu người chết, và sự xung đột ý thức hệ dẫn đến sự chia rẽ dân tộc sâu sắc. Do đó, nhu cầu hòa giải dân tộc là hoàn toàn đúng. Hầu như trong bất cứ cuộc họp nào có liên quan đến người Việt ở nước ngoài (gọi tắt là 'Việt kiều') các quan chức trong Chánh phủ VN đều nói đến việc hòa giải dân tộc bằng một ngôn ngữ rất thiết tha. Bỏ qua những ví von vô duyên (như 'khúc ruột ngàn dặm'), công bằng mà nói Chánh phủ có thiện ý trong việc hòa giải dân tộc.

Nhưng thiện ý là một chuyện, còn thực hiện là một chuyện khác. Nói hòa giải dân tộc thì rất dễ, nhưng thực hiện thì rất khó. Trong thực tế có thể nói không ngoa rằng hành động của các quan chức Việt Nam không phù hợp với thiện ý hoà giải dân tộc. Họ cảm thấy không thoải mái khi nói về những tuyên truyền dối trá, họ vẫn còn thù hận biểu tượng của cộng đồng 'boat people'.

Trong một chuyến viếng thăm chánh thức nước Úc, ông Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là thủ tướng) có than phiền về việc Cộng đồng người Việt Tự Do ở Úc treo cờ vàng, và ông nhờ thủ tướng Úc Malcolm Turnbull can thiệp các hội đồng thành phố Úc không cho treo cờ vàng. Nhưng dĩ nhiên ông Turnbull không thể can thiệp, bởi vì đó là vấn đề cộng đồng, và đó là di sản của cộng đồng, thuộc các thành phố địa phương. Các thành phố đó công nhận lá cờ vàng thời VNCH là biểu tượng của Cộng đồng người Việt Tự do ở Úc.

Tôi rất ngạc nhiên về phàn nàn của ông thủ tướng Phúc, vì đáng lí ra ông phải hiểu biết rõ hơn và có tinh thần hòa giải hơn. Dĩ nhiên, lá cờ đó không đại diện cho nước Việt Nam ngày nay. Nó chỉ đại diện cho Cộng đồng người Việt tị nạn ở Úc mà thôi. Nó không có ý nghĩa ngoại giao gì cả (theo tôi nghĩ). Nó là biểu tượng của cộng đồng, như bao nhiêu biểu tượng khác của các cộng đồng khác. Ở Mĩ, đó là lá cờ Tự do và Di sản (Heritage and Freedom Flag) của Cộng đồng người Việt Tự do ở Mĩ. Vậy thì hà cớ gì mà phải so đo với một lá cờ chỉ là biểu tượng.

Nhưng sự thù hận biểu tượng đó đã lan tràn từ cấp trên xuống cấp dưới. Trong một xã hội mà những gì từ thời VNCH bị các quan chức cao cấp phỉ báng, thì các thiếu niên lớn lên trong môi trường đó cũng sẽ bắt chước làm theo thôi. Bắt chuớc một cách không cần suy nghĩ đúng sai. Có thể nói rằng các quan chức đã tạo nên một tấm gương không lành mạnh cho giới trẻ.

Có lần tôi hỏi một cựu trung tá VNCH rằng nếu anh có dịp về Việt Nam và dự một hội thảo mà người ta chào cờ (đỏ sao vàng) thì anh có chào cờ không. Anh ấy, một người từng đi 8 năm tù cải tạo sau 1975, trả lời không ngần ngại rằng anh ấy vẫn đứng lên chào cờ, vì đó là đạo lí của 'nhập gia tuỳ tục'. Cái sai lầm của thiếu niên xúc phạm lá cờ là không biết cái đạo lí nhập gia tuỳ tục.

____

[1] "Địt mẹ mày! Cầm cờ lên mà giải phóng đất nhà bố mày à?"
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn