• Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chính quyền TP HCM vừa thông báo sẽ hủy chương trình bắn pháo hoa; nhiều địa phương khác cũng ngưng các hoạt động lễ hội chào mừng ngày 30/4. Lý do đưa ra là để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ việc tập trung đông người.

Xét về khía cạnh chống dịch, quyết định của lãnh đạo TP HCM và các địa phương nhìn chung được hoan nghênh từ mọi phía. Và từ quyết định ấy, nhiều người còn đi xa hơn khi đề xuất hủy luôn các hoạt động "ăn mừng" trong một ngày mà lúc sinh thời ông Võ Văn Kiệt từng nói là "có triệu người vui mà cũng có triệu người buồn".

'Tôn trọng nỗi đau của đồng bào'

Trên Facebook cá nhân, luật gia Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Tạp chí Luật Khoa, nhận xét quyết định hủy bắn pháo hoa để chống dịch là cần thiết, nhưng ông còn bổ sung rằng "30/4 là ngày không phải ai cũng vui để mà chính quyền phải bắn pháo hoa ăn mừng".

Ông viết tiếp: "Bất kể chính nghĩa chiến tranh nằm ở bên nào, ngày 30/4/1975 thực chất là ngày mở ra một tấn bi kịch khổng lồ kéo dài cho tới ngày nay của hàng triệu người miền Nam, nếu không muốn nói là hàng chục triệu người."

"Ăn mừng mãi trên nỗi đau của phe đối nghịch là thái độ chỉ nên có trên sân cỏ, trong những trò chơi vô thưởng vô phạt. Còn ở đây là mạng người và cuộc đời. Tôn trọng nỗi đau của đồng bào nên là tiêu chuẩn tối thiểu của lòng yêu nước, nếu tự nhận là yêu nước," luật gia Trịnh Hữu Long chia sẻ.

Về biến cố 30/4/1975, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng khi ấy ông còn nhỏ nên không đủ trải nghiệm đau thương như những người lớn từng trải qua giai đoạn đó.

"Nhưng chứng kiến tất cả những gì mà chính quyền hành xử hôm nay, tôi nhận ra được nỗi đau thương đó, tức là đau thương của thực tế mà cuộc chiến tranh đó đem lại," ông nói. "Sự kết thúc chiến tranh đó, hay cuộc chiến thắng đó, tôi không nhận thấy rõ bằng những chính sách mà mỗi ngày càng trở nên định kiến hơn, càng tàn nhẫn hơn và thậm chí vô tâm hơn với dân tộc của mình."

Chính từ đó, ông nhận định: "Thế hệ Việt Nam ngày hôm nay lớn lên và sớm nhận ra những điều đó. Chúng ta đừng ngạc nhiên vì sao trong một thể chế luôn luôn kiêu hãnh và tự hào về cuộc chiến đó, tự cho mình sánh ngang với nhà Nguyễn trong việc thống nhất Việt Nam, nhưng luôn có những người rất trẻ tiếp tục đứng lên và đặt vấn đề về chiến thắng này. Một số người lên tiếng thậm chí xuất phát từ miền Bắc."

"Tôi luôn ủng hộ cho một đất nước Việt Nam hòa bình và luôn đi tới. Nhưng rồi tôi nhận ra nó không đi tới mà chỉ đi theo chiều hướng mà các lãnh đạo muốn cho một cái chủ nghĩa hay một mục tiêu duy ý chí nào đó của họ," ông nói.

Nhìn lại cuộc chiến đã lùi xa gần nửa thế kỷ và những gì xảy ra sau đó, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ: "Đó là một cuộc nội chiến tương tàn rất kinh khủng. Và tới một lúc nào đó, người ta nên bỏ đi những cụm từ như 'giải phóng đất nước', mà hãy coi đó như là một dấu mốc lịch sử, nó chứa đựng trong đó những câu chuyện lịch sử và đòi hỏi sự thật của lịch sử. Ở đó, không có một tên gọi nào để trang trí cho nó hết."

Việt Nam chú trọng tuyên truyền về ngày 30/4 là ngày chiến thắng cho lớp trẻ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam chú trọng tuyên truyền về ngày 30/4 là ngày chiến thắng cho lớp trẻ

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 28/4, nhà báo, nhà văn Khải Đơn ý kiến: "Bên thắng cuộc mà kêu gọi hòa giải thì dễ thôi, vì họ... thắng mà. Kêu gọi hòa giải không đem lại hòa giải nếu nhận thức của cả hai bên vẫn còn bị dán nhãn "thắng cuộc" hay "thua cuộc". Bởi khi chọn phe, tâm lý người tiếp nhận không bao giờ muốn nghe câu chuyện phía bên kia."

"Tôi sẽ không nói về sự mất mát của thế hệ cha ông tôi. Họ cơ bản đã chọn phe và chịu trách nhiệm sống với phe họ chọn. Ai VNCH thì đã lênh đênh biển khơi mất mát để tìm sự sinh tồn khác. Ai cộng sản thì đã có được vị trí xã hội viết tên trong sử sách làm người thắng cuộc. Cảm giác hòa giải đến từ sự thấu hiểu nỗi đau và hạnh phúc của những người trước mặt mình, sau lưng mình, phía bên kia của mình. Sự hòa giải không đến từ những diễn ngôn ra rả hòa giải để làm ăn, hòa giải để có đầu tư, hay không thể hòa giải vì thù địch thâm sâu."

"Tôi muốn trở lại vị trí của mình như một đứa trẻ, xin ông bà kể chuyện xưa, hãy kể bằng lương tâm - đừng kể bằng sự thù địch. Bởi thù địch chỉ tiếp tục là sự mất mát mà nhóm người lớn lên kế tiếp sẽ tiếp tục phải chịu đựng và tổn thương," nhà văn tỏ bày.

Còn nhiều chia rẽ

Trái với ý kiến của nhạc sĩ Tuấn Khanh, ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, cho rằng kỷ niệm ngày 30/4 là cần thiết.

"Khía cạnh chính trị của ngày kỷ niệm 30/4 hàng năm, nó cần thiết ở chỗ, đó là ngày chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất dân tộc sau hơn hai mươi năm chiến tranh tàn khốc giữa Mỹ và Việt Nam, giữa hai bên người Việt với nhau. Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ văn Kiệt luôn có một mong muốn là, làm sao để lấy cái ngày thống nhất đất nước ấy để hàn gắn vết thương dân tộc," ông viết trên Facebook cá nhân.

Ý kiến của ông Khế ngay lập tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi.

"Bỏ luôn mọi 30/4 thì mới tầm vóc anh ạ. Các nước chỉ bắn pháo hoa quốc khánh. Còn cá nhân em thấy bỏ bắn pháo hoa vì dịch bệnh không có gì phải khen ngợi ạ," một người dùng Facebook tên Nguyễn Tiến Tường viết.

Có thể thấy có nhiều người cho rằng nên bỏ luôn việc ăn mừng 30/4, vì "có gì vui đâu mà mừng". Tuy nhiên, không ít người cho rằng đó là ngày thống nhất đất nước, ngày chiến thắng, nên cần phải có các hoạt động kỷ niệm.

Thậm chí có người còn nêu điều kiện rằng, muốn hàn gắn vết thương dân tộc thì chính những người ở hải ngoại hãy chấm dứt ngay cái việc tổ chức Quốc hận, tháng Tư đen vì đấy mới chính là việc làm khơi dậy và kích động hận thù. Còn 30/4 ngày thống nhất đất nước ngày vui của dân tộc không thể không kỷ niệm.

"Nhiều người nói lãnh đạo TP HCM đưa ra quyết định đó nhằm hai mục đích, chống dịch và hướng tới hòa giải, tức là không gây tổn thương cho những người ở về phía của nỗi buồn," một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian giấu tên từ TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt. "Tôi cho rằng không phải như thế."

"Mục đích của việc làm này chỉ là chống dịch mà thôi. Còn cách truyền thông của chính quyền, dù đã giảm bớt những từ như 'ngụy quân", 'ngụy quyền', thì cái cảm xúc của người chiến thắng vẫn lồ lộ," nhà nghiên cứu chỉ rõ. "Các biểu ngữ, áp phích trên đường phố vẫn nhấn mạnh 'giải phóng', 'chiến thắng' đấy thôi. Đài truyền hình mấy ngày gần đây vẫn chiếu lại những phim chiến tranh, vẫn nhấn mạnh chính nghĩa của bên này, phi nghĩa của bên kia."

Và rồi ông nhận định: "Tôi nghĩ không phải là vấn đề thời gian bao lâu, mà là với cái không gian chính trị này, thì câu chuyện vẫn sẽ được kể với giọng điệu đấy, dù bề ngoài người ta cứ hô hào hòa giải."

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng có nhận xét tương tự: "Tôi nhớ vào dịp 30/4 năm ngoái, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói rất nhiều về chiến thắng, về việc phải cho người dân nhận thức được cuộc chiến này có kẻ thắng, người thua. Chỉ mới năm ngoái thôi, một người như ông tướng Nguyễn Chí Vịnh còn nói ý đó, thì rõ ràng, nhận thức, định kiến trong nội bộ Đảng Cộng sản vẫn chưa thay đổi."

Về ý kiến hòa giải phải đến từ hai phía, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng bất cứ một cộng đồng nào đều có tâm thức, đều có những nỗi tự sự của mình. "Cộng đồng ở hải ngoại, những người có quá khứ liên quan tới VNCH, những người mất hết tài sản, quê hương và cả người thân trong hành trình vượt biển tìm tự do, họ có nhiều lý do để lưu giữ những nỗi niềm đó."

"Nhưng một chính quyền thì lại khác," ông phân tích thêm. "Chính quyền Việt Nam, nếu nhận thấy rằng hòa giải dân tộc quan trọng hơn, cần được ưu tiên trên hết, thì họ nên là bên chủ động. Đây không phải là quan hệ giữa hai quốc gia mà đưa ra điều kiện bình đẳng; không thể đòi hỏi tôi thế này thì anh phải thế kia. Đây là ứng xử của một nhà nước với người dân, dù có thể nhiều người trong số đó đã ở nước ngoài, không còn quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn là đồng bào."

"Nhà nước nếu hành xử theo hướng đó, thì những người vẫn còn những mắc mứu, hẳn sẽ được giải tỏa phần nào," ông kết luận. "Rất tiếc là tôi chưa thấy nhà nước này ưu tiên điều đó."