Ai muốn phản biện, hãy nhìn gương Báo Sạch

Thứ Sáu, 23 Tháng Tư 20218:00 SA(Xem: 2975)
Ai muốn phản biện, hãy nhìn gương Báo Sạch

Blog RFA

Gió Bấc

Trong phiên họp đầu tiên của tân chính phủ, tân Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra ba thông điệp làm nức lòng người. Trong đó, thông điệp thứ ba là “phải nghe ý kiến phản biện”. Nhưng như gáo nước lạnh âm 50 độ C đổ vào niềm tin hy vọng vừa le lói, chỉ năm ngày sau, ba nhà báo của nhóm Báo Sạch, tiếng nói phản biện sôi động duy nhất gần đây đã bị khởi tố bắt giam.

Theo báo chí lề phải, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, ngày 15-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra khá nhiều thông điệp quan trọng thể hiện tầm nhìn và phương thức hành động của Chính phủ mới. Ấn tượng nhất có lẽ là 3 thông điệp không làm thay, hành động phải có thể chế và lắng nghe phản biện.

Thủ Tướng bảo nghe, Công An bắt nhốt

Với thông điệp phản biện, ông Chính không nói chung chung mà đưa ra nội dung, phương thức lắng nghe, tiếp nhận tiêu hóa ý kiến phản biện rất cụ thể: “thành viên Chính phủ phải nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Các góc nhìn khác nhau sẽ mang lại những nhận thức khác nhau về sự vật. Vấn đề không phải là công nhận một góc nhìn nào đó mà là tập hợp được tất cả các góc nhìn này. Ai sẽ phải đảm nhận công việc này nếu không phải là các thành viên Chính phủ?” (1)

Nghe đến đây có lẽ các nhóm trí thức của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhóm Bô-xít hay hương linh cố Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sẽ hả lòng hả dạ. Dư luận xã hội trong nhiệm kỳ mới chắc chắn sẽ được tôn trọng, lắng nghe. Sinh hoạt dân chủ sẽ sôi động hơn…

Nhưng mừng chưa kịp no thì lo đã tới. Số người ít ỏi tự ứng cử đại biểu quốc hội với mong muốn có tiếng nói đóng góp với nhà nước, lớp bị bắt, lớp xin tự rút lui. Chỉ năm ngày sau phiên họp chính phủ, ba thành viên của nhóm Báo Sạch lại bị khởi tố bắt giam theo điều 331 BLHS “lợi dụng  quyền tự do dân chủ ….”

Báo Sạch là gì? Gồm những ai? Đã làm gì lợi dụng quyền tự do dân chủ để hại ai?

Nói nhóm Báo Sạch, người ta cứ ngỡ là một tổ chức chính trị, xã hội quy mô chặt chẽ đáng gờm nhưng nhìn lại các thành viên, cách thức hoạt động của họ chỉ là một nhóm bạn ngẫu hứng trên diễn đàn Facebook chỉ có bốn thành viên là Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã. Họ gặp nhau ở một điểm chung: Cùng nghề nghiệp, cùng nhiệt huyết muốn nói lên sự thật, bằng kiến thức vận dụng pháp luật phản biện với những sự kiện vụ việc thuần túy kinh tế, xã hội.

0-106
Từ trái qua: ông Đoàn Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nhã và ông Nguyễn Phước Trung Bảo. Ảnh trên mạng

Báo Sạch: Những nhà báo trẻ, nhiệt tình

Không thể đồng nhất Trương Châu Hữu Danh và Báo Sạch, mặc dù Hữu Danh là thành viên, là admin của Báo Sạch vì thật ra Báo Sạch không phải là một tổ chức mà chỉ là tên một diễn đàn theo mục đích chung là góp tiếng nói phản biện xã hội mà mỗi người có phương pháp tác nghiệp, thể hiện khác nhau. Trên diễn đàn Báo Sạch có khi họ ghi tên riêng của từng người trong từng bài viết.

Trong đó, Hữu Danh đột phá điều tra, thâm nhập các hoạt động xã hội, có quan hệ rộng với nhiều giới. Các thành viên còn lại của Báo Sạch chỉ thuần túy thông tin và bình luận phản biện.

Nói về nhiệt tình, Nguyễn Phước Trung Bảo đã từng một lần bị trút nước lạnh năm 2009, khi còn làm báo Thanh Niên. Bài viết “Tản mạn đảo xa” của Trung Bảo đăng trên báo Xuân số tết báo Du Lịch đã gây chấn động, Báo Du Lịch bị đình bản, cha anh là nhà báo Nguyễn Trung Dân, Phó Tổng Biên Tập báo này, bị thu thẻ nhà báo.

Như tựa đề của nó, bài “Tản mạn đảo xa” (2) rất hiền hòa, nhẹ nhàng viết về tâm trạng bùi ngùi nhớ lại ký ức và cảm nghĩ về cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 9-12-2007, nhắc về lòng yêu nước của thanh niên Việt. Căng nhất trong bài báo có lẽ là đoạn này:

“Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích động” người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những “kẻ xấu” này. Ngược lại, khi “người tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người tốt” này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ”.

Khi báo điện tử Một Thế Giới mới thành lập, Trung Bảo là Thư Ký Tòa soạn đầu tiên. Sau đó, Trung Bảo rời nghề báo, lập doanh nghiệp, cứ tưởng là đã thoát “nghiệp”. Như Nguyễn Du nói “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, trước những sự kiện nhiễu nhương, Trung Bảo lại lên tiếng, bước đầu là trên Facebook cá nhân và cuối cùng là Báo Sạch. Nhưng chừng như với kinh nghiệm đã có, Trung Bảo biết kềm chế và tự giới hạn mình trong các đề tài thuần túy kinh tế, xã hội, pháp lý.

Đoàn Kiên Giang là phóng viên lành tính, điềm đạm của báo Nhà Báo và Công luận. Báo Sạch, với tên gọi của nó đã là một thách thức nên hứng chịu rất nhiều gạch đá từ nhiều phe phái: Dư luận viên, nhóm báo chí bưng bô, nhóm báo chí đâm thuê chém mướn, Đoàn Kiên Giang mấy lần có các bài viết lưu ý cộng đồng có thái độ, phương pháp tranh luận xây dựng, thân thiện, không bỏ bóng đá người, không miệt thị, … Trên trang riêng của mình người ta thấy rằng đến ngày 9-12, Đoàn Kiên Giang vẫn có bài đăng trên Nhà Báo và Công Luận.TP.HCM Dự án The River Thủ Thiêm được giao đất với giá “không tưởng” (3)

Nguyễn Thanh Nhã là thành viên mờ nhạt nhất trong Báo Sạch. Thông tin trên mạng xã hội thì có vài thành viên là đồng nghiệp bày tỏ thương cảm và những thông tin ít ỏi về Thanh Nhã như Nguyễn Quốc Việt cựu đồng nghiệp ở báo Pháp Luật TPHCM viết “năm 2005, Nhã thi vào báo Pháp Luật TP.HCM và làm chung toà soạn với mình cỡ 5 năm, rồi Nhã về SG tiếp thị.

– Tính tình Nhã vui vẻ, hoà đồng và có tài vặt như ảo thuật, đàn ghi-ta.

– Về nghiệp vụ, chuyên môn Nhã chưa từng bị điều tiếng gì. năm 2013 mình bị đuổi khỏi báo Pháp Luật TP.HCM và về làm chung với Nhã ở Một Thế Giới được 6 tháng. Rồi anh em chia tay nghề báo.

Cuộc sống chật vật lắm, nhưng Nhã là người mình biết nhiều nhất trong các thành viên báo sạch.” (4)

Phác thảo vài dòng về nhân thân các thành viên Báo Sạch để thấy rằng, đây là những thanh niên có hiểu biết đúng đắn, có lý tưởng, nhân thân tốt và không có động cơ gì để lợi dụng quyền tự do dân chủ.

Nhiệt huyết ấy lẽ ra phải được nhân lên, nếu có sai lệch, chỉ cần uốn nắn chứ không phải trấn áp, vùi dập.

Phản biện chuyện xã hội đơn thuần

Hoạt động của họ cũng đơn giản thể hiện công khai trên trang Facebook Báo Sạch, Làm Báo Sạch. Thiết nghĩ muốn điều tra làm rõ chỉ cần đọc, phân tích các trang này và chất vấn, không nhất thiết phải trấn áp nặng nề là bắt giam.

Báo sạch đã ra đời như thế nào? Theo Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà thì “Báo sạch thành lập 2019 sau vụ việc của doanh nghiệp Asanzo trên Tuổi Trẻ. Thành viên nhóm bao gồm các nhà báo và đã gây nhiều tiếng vang, nhanh chóng đạt được lượng theo dõi khủng”. (5)

Nói chính xác hơn, Báo Sạch ra đơi chính từ scandal Ansazo đình đám kéo dài từ tháng 6-2019, mãi đến nay cũng chưa hoàn toàn chấm dứt. Nguyên Asanzo là doanh nghiệp Việt Nam lắp ráp hàng điện máy, điện tử gia dụng phân khúc giá rẻ được đông đảo người tiêu dùng tín nhiệm, được chứng nhận danh hiệu Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao.

Ngày 21-6 (ngày “Báo Chí Cách Mạng” Việt Nam), báo Tuổi Trẻ khởi đăng loạt phóng sự nhiều kỳ Điều tra lật tẩy Asanzo (6).

Từ thông tin Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp trong nước và phát hiện một số lô hàng của các doanh nghệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc gắn nhãn hiệu Asanzo, báo Tuổi Trẻ quy chụp Asanzo buôn lậu, trốn thuế, làm giả thương thiệu, lừa dối khách hàng. Tổng Cục Hải Quan, Cục Thuế TPHCM cũng ra quyết định xử phạt hành chính và chuyển hồ sơ cho Bộ Công An khởi tố Asanzo về tội buôn lậu, trốn thuế.

Thủ Tướng Chính Phủ cũng chỉ đạo làm rõ. Người tiêu dùng vốn nhạy cảm và ấn tượng xấu với từ Trung Quốc nên tẩy chay hàng Asanzo. Báo TT còn đánh lấn, xúc phạm cả Ban Chủ Nhiệm, chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng Cao mà chính bà Vũ Kim Hạnh, nguyên TBT tiền nhiệm báo TT nhiều thế hệ trước hiện đang là chủ nhiệm.

Chính trong bối cảnh bức xúc đó, từ những bài viết rời rạc trên các trang Facebook cá nhân, các nhà báo này kết hợp thành diễn đàn Báo Sạch. Báo Sạch đưa các thông tin phản biện với báo Tuổi Trẻ, trong đó có quan điểm của chính Bộ Công Thương và cơ quan tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cũng đang bối rối vì thời điểm đó chưa có quy định thế nào là hàng hóa “made in Viet Nam” với hàng sản xuất trong nước. Nói Asanzo làm hàng giả, lừa dối khách hàng là chưa có cơ sở.

Cũng trong lúc này, trên mạng xã hội lưu truyền hình ảnh, thông tin cho thấy nhà báo VT trực tiếp tổ chức loạt phóng sự điều tra của báo TT có văn bản và nhắn tin yêu cầu Asanzo ký hợp đồng “giải cứu truyền thông” với số tiền rất lớn. Báo TT đình chỉ công tác nhà báo VT mà nợ công chúng một lời giải thích. Báo TT cũng nợ bà Vũ Kim Hạnh và Ban Chủ Nhiệm chương trình Hàng VNCLC lời xin lỗi về thông tin không chính xác.

Nói có căn cứ, góp phần giải oan

Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã điều tra làm rõ và hơn một năm sau mới có kết luận, cho rằng “do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” nên việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “Chế tạo tại Việt Nam”, “Nước sản xuất Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam” hoặc “Sản xuất bởi Việt Nam” là phù hợp quy định”, “chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo” (7)

Về hành vi trốn thuế, đến ngày 21-4-2021, Chủ tịch Asanzo vẫn khẳng định “Trong quyết định xử phạt hành chính của cơ quan thuế, mặc dù chúng tôi cho rằng có một số điểm chưa đồng tình, nhưng với tinh thần tránh thất thoát ngân sách nhà nước, công ty sẽ đồng ý đóng toàn bộ các khoản thuế theo quyết định của cơ quan thuế”. (8)

Như vậy những phản biện của Báo Sạch trong vụ Asanzo là có căn cứ.

Người viết bài này hoàn không thích hàng TQ, không ủng hộ việc nhập hàng TQ lắp ráp và gắn thương hiệu Việt Nam, quảng cáo theo công nghệ Nhật. Nhưng luật pháp không cấm, thị trường chấp nhận, thì việc dùng quyền lực báo chí quy chụp doanh nghiệp phạm pháp là sự lạm quyền đáng hổ thẹn. Báo Sạch phản biện với tệ nạn ấy thì có hại cho ai?

Đề tài thứ hai mà Báo Sạch tham gia phản biện là vụ án Hồ Duy Hải. Với đề tài này, Báo Sạch thông tin về những phát hiện mới, những tình tiết, tài liệu của vụ án mới phát hiện và bình luận pháp lý.

Thí dụ như những bản ảnh hiện trường mới phát hiện, những bút lục bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, nghi vấn hung thủ thuận tay trái…

Những thông tin, tài liệu này được luật sư tập họp và kiến nghị đến các cơ quan chức năng để kêu oan, khiếu nại tái thẩm vụ án và tố cáo yêu cầu khởi tố về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Viện Kiểm sát, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã tiếp nhận và đang xử lý. Với vụ án oan khuất này, không riêng Báo Sạch mà cả báo chí lề phải cũng tham gia. Trên mạng youtube nhiều kênh thông tin bình luận bịa đặt xuyên tạc nặng nề sao không ai bị xử lý gì?

Quyền cung cấp thông tin tội phạm được pháp luật minh định thì việc Báo Sạch đăng các thông tin này cũng không thể là lợi dụng quyền tự do dân chủ để làm hại đến ai.

Phó Thủ Tướng phải nói phân hai

Đề tài thứ ba, gần đây nhất mà Báo Sạch theo đuổi là vụ Tổng Liên Đoàn Lao Động kỷ luật ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng của trường Đại Học Tôn Đức Thắng. Quan điểm Báo Sạch cho rằng, ông Danh quản lý hiệu quả, đưa ĐHTDT thành thương hiệu, đào tạo chất lượng tốt. Việc cơ quan chủ quản trực tiếp kỷ luật và sắp xếp nhân sự của nhà trường là không phù hợp với quy chế tự chủ giáo dục.

Chính Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam khi trả lời chất vấn trước Quốc Hội cũng phải nói nước đôi “nếu trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xử lý Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường thì không đúng luật. Tuy nhiên, đây là một trường hợp rất đặc thù bởi vì Hội đồng trường trường Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn là chậm trễ do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan….” (9).

Trong vụ này, Báo Sạch mở rộng thêm đến việc Tổng Liên Đoàn Lao Động có công văn yêu cầu nhà trưởng phải trích nộp 30% lợi nhuận và việc ông Bùi Văn Cường – nguyên bí thư tỉnh Đăk Lắk, nguyên Chủ tịch TLĐLĐ tiền nhiệm đạo văn trong luận văn Tiến sĩ. Báo Sạch cũng bênh vực ông Tiến sĩ Phạm Đình Quý khi ông này bị Công An Đắc Lắk khởi tố bắt giam về hành vị tố cáo ông Cường đạo văn.

Báo Sạch căn cứ vào luật cho rằng, hành vi vu khống chỉ bị cấu thành tội khi nội dung vu khống là tội phạm. Thí dụ đặt điều nói ai đó giết người thì phạm tội nhưng nếu chỉ bịa chuyện nói ai đó nghiện rượu thì không phạm tội. Hành vi đạo văn không phải là tội phạm nên dù ông Quý có nói sai sự thật thì cũng chỉ có thể phạt hành chính chứ không cấu thành tội hình sự. Huống hồ chi ở đây kết quả giám định cho thấy, luận văn ông Cường có sử dụng tài liệu của người khác “trong mức cho phép”.

Đây cũng là vấn đề pháp lý cần phải làm rõ vì có liên quan đến nhiều người. Nếu dễ dãi trong việc bắt người về hành vi vu cáo thì quyền bắt người quá rộng, ai cũng có thể thành tội phạm.

Ông Phạm Minh Chính, hãy làm như ông nói!

Với ba nguồn thông tin nói trên, nội dung Báo Sạch đã nêu đều mang tính phản biện xã hội. Báo Sạch đưa ra góc nhìn của mình, có thể trái ý với góc nhìn của một ai đó thì liệu có phải là tội phạm để bị giam cầm, xét xử?

Rất tâm đắc với ý kiến của tân Thủ Tướng: “thành viên Chính phủ phải nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Các góc nhìn khác nhau sẽ mang lại những nhận thức khác nhau về sự vật. Vấn đề không phải là công nhận một góc nhìn nào đó mà là tập hợp được tất cả các góc nhìn này”.

Vụ án hiện đang được Công An Cần Thơ thụ lý và được biết, tân Thủ Tướng ứng cử Đại biểu Quốc Hội tại Cần Thơ. Như vậy, tân Thủ Tướng có đến hai trách nhiệm phải trực tiếp xem xét vụ việc Báo Sạch.

Thứ nhất, sẽ làm gương, thực hiện thông điệp mở đầu nhiệm kỳ của Chính Phủ lắng nghe các ý kiến phản biện của Báo Sạch và sớm giải oan cho các bị can. Thứ hai, trách nhiệm của một Đại Biểu Quốc Hội phải lắng nghe ý kiến phản biện của cử tri, của dư luận xã hội về vụ việc trấn áp người phản biện trên địa bàn ứng cử.

Tân Thủ Tướng phải xem xét và kết luận làm rõ lằn ranh giữa từ ngữ lồng trong “phản biện” và “tội lợi dụng quyền tự do dân chủ”, để người dân có thể mở miệng mà không bị tù oan!

Nếu không làm được điều ấy thì thông điệp của tân Thủ Tướng cũng chỉ là lời đầu môi chót lưỡi mị dân. Công dân dù tâm huyết đến mấy, muốn đóng góp ý kiến xây dựng nhà nước đến mấy, nhớ tới Báo Sạch đều sẽ rùng mình ớn lạnh.

Những cử tri bỏ phiếu cho Đại Biểu Phạm Minh Chính sẽ bị sốc hàng vì đã bầu lầm cho kẻ chỉ nói không làm; nói một đường, làm một nẻo.

Vấn đề là từ đầu năm 2021 đến nay, rất nhiều nhà báo, facebooker thậm chí là người tự ứng cử ĐBQH đã bị bắt giam vô cớ bởi điều luật mơ hồ 331. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, khắc phục thì công luận bị buộc phải hiểu rằng việc bắt bớ đàn áp báo chí là quan điểm chung của hệ thống chính trị chuyển tiếp giữa các nhiệm kỳ chính phủ và của cả chính ông tân Thủ Tướng. Dư luận quốc tế và các đối tác nước ngoài cũng đang nhìn và chờ đợi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn