Việt Cộng Phát triển điện than do thích… lệ thuộc hay còn lý do khác?

Thứ Tư, 31 Tháng Ba 20213:00 SA(Xem: 3340)
Việt Cộng Phát triển điện than do thích… lệ thuộc hay còn lý do khác?
voatiengviet.com

Phát triển điện than do thích… lệ thuộc hay còn lý do khác?

Trân Văn

Báo giới và các chuyên gia đang tiếp tục mổ xẻ Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện VIII).

Thương tuần tháng trước, Bộ Công Thương Việt Nam công bố Dự thảo lần một Quy hoạch Điện VIII để thu thập góp ý.

Dự thảo này được khởi thảo từ cuối năm 2018 song khi được công bố, dự thảo đã làm nhiều người, nhiều giới thất vọng về nhiều mặt (1).

Thất vọng lớn nhất và cũng là ẩn họa đáng ngại nhất cả về kinh tế - xã hội, lẫn môi trường, an ninh năng lượng chính là sự trung thành với các nguồn điện tạo ra từ than.

Bất chấp những nhà máy đốt than để phát điện đang tạo ra vô số vấn nạn về môi trường… Bất kể giữa năm ngoái, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc chính thức phát lời kêu gọi các quốc gia ngưng đầu tư và ngừng tài trợ cho các dự án liên quan tới than, không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới để chuyển đổi sang năng lượng sạch, cắt giảm khí thải, giảm bớt tác hại của biến đổi khí hậu (2)... Dẫu không có tiền, phần lớn vốn đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than phải hỏi vay, trong khi rất nhiều tổ chức tài chính – tín dụng quốc tế đã loan báo ngưng tài trợ cho những dự án xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, theo xu thế đó, các ngân hàng Standard Chartered và HSBC, cùng với tập đoàn Mitsubishi cùng rút khỏi Dự án Nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận (3)… thì Dự thảo lần một Quy hoạch điện VIII vẫn hết dạ trung thành với nhiệt điện than.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII , từ 2021 đến 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đổ 24,5% tổng vốn đầu tư vào nguồn điện cho nhiệt điện than.

Trong giai đoạn từ 2026 đến 2030, EVN dành 17.3% tổng vốn đầu tư vào nguồn điện cho nhiệt điện than.

Ở giai đoạn từ 2021 đến 2045, vốn dành cho nhiệt điện than chiếm 14,7% tổng vốn mà EVN đầu tư vào nguồn điện.

***

Mới đây, khi trò chuyện với phóng viên tờ Đất Việt về Dự thảo lần một Quy hoạch Điện VIII, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã lặp lại nhiều vấn đề mà cả GreenID lẫn các chuyên gia, tổ chức quốc tế đã liên tục lưu ý nhiều năm: Vốn đổ vào các dự án xây dựng những nhà máy đốt than phát điện tại Việt Nam là vốn vay. Phía hào phóng nhất trong cho vay là Trung Quốc, kế đó là Nhật, Nam Hàn. Mục đích khi cho vay để phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam là giúp các công ty thiết kế, xây dựng, cung cấp thiết bị của những quốc gia này mở rộng thị trường. Riêng với Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị trường là đặc biệt quan trọng vì hoạt động của các công ty liên quan tới nhiệt điện than sa sút do công suất điện than dư thừa, bị năng lượng tái tạo cạnh tranh và Trung Quốc phải giảm ô nhiễm (4).

***

Cuối năm ngoái, Nam Hàn tuyên bố, đến 2030 sẽ nâng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời,…) lên mức 20% tổng sản lượng điện. Đến 2034 sẽ đóng cửa 30/60 nhà máy nhiệt điện than (5). Cũng năm ngoái, Nam Hàn loan báo dự tính cấm doanh nghiệp Nam Hàn đầu tư vào các dự án điện than ở ngoại quốc để bảo vệ uy tín của Nam Hàn – không bị xem là “phản diện” trong tiến trình chung của nhân loại, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, giảm bớt thiệt hại của biến đổi khí hậu (6).

Cũng năm ngoái, Nhật tuyên bố đóng cửa 100/140 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 (7). Đầu năm nay, Nhật loan báo ngưng tiếp nhận đề nghị hỗ trợ vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển) nếu quốc gia hỏi vay muốn dùng vốn ODA để thực hiện các dự án nhiệt điện than. Ngoài ra Nhật cũng quyết định tạm dừng cấp vốn ODA cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài và chỉ dùng vốn ODA để hỗ trợ sản xuất năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu (8).

Với xu thế và các diễn biến như vừa kể, sự trung thành của bộ phận soạn thảo Dự thảo lần một Quy hoạch điện VIII với nhiệt điện than, bất chấp thực tế sẽ dẫn tới hậu quả tất nhiên là lệ thuộc cả vào nguồn vốn lẫn công nghệ Trung Quốc về năng lượng trong tương lai xa. Đặt hậu quả ấy bên cạnh vô số trở ngại trong quá trình phát triển điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, có một điều mà người Việt nên hỏi chính phủ: Ngoài sở thích bị… phụ thuộc, còn lý do nào khác hơn không?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn