Nghĩa trang nghìn tỷ - Chết còn tốn tiền của dân!

Thứ Ba, 06 Tháng Hai 20181:30 SA(Xem: 8730)
Nghĩa trang nghìn tỷ - Chết còn tốn tiền của dân!

Thanh Hồ

Những ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao việc Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội phối hợp công bố quy hoạch xây dựng dự án nghĩa trang Yên Trung dành cho cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, các anh hùng, danh nhân của đất nước ở Thạch Thất, Hà Nội với nguồn vốn dự kiến khoảng 1.400 tỉ đồng từ ngân sách. Hầu như mọi ý kiến đều cho rằng, đó là việc không nên.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tổng diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người.

Được biết, từ trước tới nay nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy- Hà Nội) là nơi táng những nhân vật chính trị cấp cao như bộ trưởng, thứ trưởng các bộ trong chính phủ, các ủy viên Trung ương Đảng trở lên; các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ được giải thưởng Hồ Chí Minh; các tướng lĩnh xuất sắc; anh hùng lực lượng vũ trang,... nhưng nay đã hết chỗ. Vì vậy, năm 2015 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đưa ra chủ trương xây dựng Nghĩa trang mới. Và khi đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng hoàn thiện Quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang Yên Trung. Điều đặc biệt ở dự án nghĩa trang Yên Trung là khi cán bộ cấp cao từ trần được chôn cất chung cùng vợ (hoặc chồng).

Đọc những thông tin trên tôi thực sự “choáng”, không hiểu các vị nghĩ gì khi thực hiện dự án trên bằng tiền ngân sách. Còn nhớ, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: “phải trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”. Vậy việc bỏ ra 1.400 tỷ đồng để xây nghĩa trang như thế thì trách nhiệm ở đâu?

Mấy chục năm, trong di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn hỏa táng thi hài để vừa "tốt về mặt vệ sinh", lại không tốn đất. Ngày nay, quỹ đất ngày càng thu hẹp, hoả táng đang là xu hướng vừa tiết kiệm lại vệ sinh. Vậy có cần thiết xây dựng nghĩa trang ngàn tỷ để chôn cất những người theo diện trên ? Theo thông tin mà ông Hoàng Thành Thái, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay ở Hà Nội gần như 100% ở khu vực các quận đều hỏa táng, còn ở các huyện, tỉ lệ hỏa táng cũng đã lên tới 70%.

Tôi chưa có dịp đi nước ngoài nhưng cũng biết trên thế giới chẳng có nước nào quy hoạch nghĩa trang hoành tráng như vậy để chôn lãnh đạo cấp cao cả. Ngay cả thời phong kiến, cũng không có chuyện quy hoạch nghĩa trang dành cho quan lại, trừ vua chúa xây lăng mộ. Ngày nay, tuy mỗi nước điều có nghĩa trang quốc gia nhưng đó là nơi an nghỉ dành cho những liệt sĩ hi sinh thân mình vì tổ quốc, những người có công trạng đặc biệt với đất nước chứ không phải là nơi chôn cán bộ cấp cao.Vì suy cho cùng lãnh đạo dù ở cấp bậc nào thì cũng chỉ là công chức, làm công ăn lương. Chính vì vậy, ở các quốc gia văn minh mộ của các nguyên thủ quốc gia cũng chôn cùng nghĩa trang với thường dân, không có sự phân biệt.

Ở đâu mà lại có thứ đặc quyền lạ như vậy ? Khi còn đương chức đã được hưởng những đặc quyền, đặc quyền lợi: ở nhà công, đi xe công, có chế độ chăm sóc y tế riêng, đến khi chết già lại có xuất chôn, rộng rãi y như mộ hoàng tộc.

Mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25 - 35m2, rộng gấp 5 lần so với quy định - diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2 (quy định tại Điều 4 của Nghị định 35/2008/NĐ-CP).

Trong khi đất nước nghèo, lẹt tẹt, tài nguyên cạn kiệt, thuế phí nhiều, nợ công chồng chất, biển đảo thì bị nước ngoài xâm chiếm, dân oan mất đất kiện cáo khắp nơi, nhiều nơi dân không có cầu mà đi, mùa đông các em nhỏ vùng cao không có đủ áo ấm, bữa cơm của học trò nội trú chỉ có rau, nhiều người bị bệnh không có tiền đi viện… Với thực trạng đó mà nói xây nghĩa trang dành cho cán bộ lãnh đạo thì tránh sao được lòng dân oán than.

Vậy mà họ lại tự cho phép dùng tiền thuế của dân không chỉ chăm lo cho bản thân hiện tại mà còn lo cho cả sau khi chết. Chẳng lẽ quan chức cấp cao nghèo đến độ không lo được phần mộ mà phải “xí phần” đất công ? Lúc nào cũng kêu gọi xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng nhưng lại có sự phân biệt đẳng cấp và ngay cả khi chết. Có thể khi đương chức anh có một những đặc quyền, đặc lợi nhưng khi đã nghĩ thì phải công bằng như hàng triệu công chức bình thường khác. Sao lại có sự phân biệt về cống hiến để có những đặc ân khi chết. Như thế cũng gọi là tham nhũng, loại tham nhũng tập thể, tham nhũng công khai, đất ở Hà Nội 25 đến 35 m2 đâu có ít tiền, có khi cả chục tỷ đồng.

Tôi đồng ý việc xây nghĩa trang quốc gia, nhưng không phải là dành cho những cán bộ cấp cao mà phải như các nước khác, đó là nơi an nghỉ của những người hi sinh vì tổ quốc, những người có đóng góp cho sự thịnh vượng, phát triển của đất nước. Xin đừng nhầm lẫn rằng cứ là cán bộ cấp cao là có công trạng với đất nước. Lịch sử còn đó, khối kẻ phá nước, hại dân là lãnh đạo cấp cao. Khi chết bị dân nguyền rủa, bia mộ cũng bị đập phá. Không cần lấy ví dụ đâu xa, đấy như trường hợp ông Lê Đức Thọ chẳng hạn, mộ chôn ở nghĩa trang Mai Dịch bị quần chúng phá hoại nhiều lần vì những việc làm của ông khi còn đương chức, nên gia đình đã phải sang cát đem về quê cho an toàn.

Lúc nào cũng nói, cán bộ là đầy tớ của nhân dân vậy mà khi chết được chôn ở nghĩa trang hoành tráng, phần mộ lại rộng gấp năm sáu lần mộ của dân, thế là thế nào? Lịch sử kim cổ đông tây chưa ai quy hoạch xây lăng mộ cho đầy tớ cả. Mà sao không học theo người xưa, khi hết làm quan thì về quê sống già và khi chết chôn cất ở quê?

Cho nên mới nói, một người khi chết đi, được cả xã hội tôn vinh và kính trọng không phải ở địa vị giai cấp, chức vụ, học hàm hay học vị… Mà là nằm ở những giá trị sống của anh nó đã có ích cho xã hội, đất nước như thế nào. Lịch sử luôn công bằng, cho nên dù là vua chúa đi chăng nữa, nếu là “hôn quân” dù xây lăng mộ to đến mấy cũng chỉ để người đời sau khinh bỉ, đập phá. Có câu thơ khuyết danh lưu truyền trong dân gian:“Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương” chính là như vậy.

Thanh Hồ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn