Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Câu chuyện chiếc vali chứa đô la hối lộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Nguyễn Phú Trọng kể hôm 1/2/2021 khiến gợi nhớ tới lời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 14/11/2012:

"Trong sự nghiệp chính trị của mình, tôi không chạy, không xin..."

Vậy ta có thể hiểu là đã từng có chuyện chạy, xin chức vụ, thậm chí chạy để lên rất cao trong bộ máy.

Hình ảnh 3 triệu USD tiền nhận hối lộ, xếp đầy hai vali và ba lô cất giấu ngoài ban công năm 2015 của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, chưa mấy ai quên.

Đó mới chỉ là vài ví dụ.

Số lượng người bị bắt càng nhiều, chức vụ người tham nhũng ngày càng cao, số tiền ngày càng lớn.

Tham nhũng đến từ đâu?

Ông Nguyễn Phú Trọng nói "đây là bệnh của người có quyền".

Quá đúng! Chỉ có các quan chức trong bộ máy nhà nước mới có cơ hội tham nhũng. Chức vụ càng cao càng dễ tham nhũng lớn. "Ai cũng thích của, thích tiền" mà.

Không trực tiếp tham nhũng thì họ cũng có thể ủng hộ, bao che cho người thân tham nhũng và qua đó họ hưởng lợi.

Cựu TBT Lê Khả Phiêu cũng từng thừa nhận năm 2005, "chuyện đưa và nhận hối lộ ở cấp cao đã trở thành tự nhiên".

Quan chức cấp càng cao thì khả năng che chắn, tự bảo vệ mình khỏi bị phát giác, trừng phạt lại càng tốt.

"Tham nhũng ở nước nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, lớn hay nhỏ thôi," ông Trọng giãi bày.

Đứng vậy, nhưng ông Trọng không nói rõ mức độ tham nhũng của Việt Nam đang ở đâu, và vì sao chống tham nhũng ở Việt Nam khó thế.

Thống kê của Minh Bạch Quốc tế (Transparency International) công bố đầu năm 2020: Việt Nam đứng vị trí 96/180 về tham nhũng.

"Sờ vào đâu cũng thấy tham nhũng," một đại biểu Quốc hội VN từng phải thốt lên.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

TBT Nguyễn Phú Trọng nói tham nhũng "là bệnh của người có quyền"

Tác hại của tham nhũng

Theo Minh Bạch Quốc tế tham nhũng là vấn đề của toàn cầu. Thiệt hại do tham nhũng gây ra chiếm từ 1 đến 4% tổng sản lượng kinh tế thế giới mỗi năm, là trở ngại lớn nhất cho cuộc chiến chống lại nghèo đói.

Kinh khủng hơn, tham nhũng "cản trở sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của một quốc gia".

Cũng theo tổ chức kể trên, chính tham nhũng cũng là nguyên nhân thường xuyên dẫn tới vi phạm quyền con người ở nhiều nước.

Chứ sao nữa, các quan chức tham nhũng, các nhóm lợi ích dại gì không tận dụng sức mạnh nhà nước có sẵn trong tay để dập tắt báo chí, đàn áp những ai dám tố giác, các đối thủ chống lại mình.

Nhưng trên thế giới có nhiều ví dụ vụ tham nhũng bị trừng phạt không kiêng nể gì cả những người đứng đầu quốc gia.

Vụ xử cựu tổng thống Đức và 720 euro

Đơn cử trường hợp tổng thống thứ 10 của Đức, Christian Wullf.

Năm 2011, báo Bild của Đức lần theo nghi vấn rằng ông Wullf từ thời còn làm thống đốc bang Niedersachsen đã lợi dụng chức vụ làm lợi cho mình.

Báo Bild những ngày đó đã bán rất chạy, dư luận Đức nổi sóng, Tổng thống Đức buộc phải từ chức năm 2012, bị ra tòa.

Một trong những cáo trạng nói ông Wullf và gia đình hưởng lợi 720 euro (990 USD) tiền khách sạn nhờ quan hệ thân hữu.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Christian Wullf của Đức đã phải từ chức hồi 2012 và phải ra hầu tòa sau khi báo chí đăng tin ông chấp nhận việc ở khách sạn mà không cần trả khoản tiền 720 euro từ thời ông còn làm thống đốc bang

Tổng thống Christian Wullf gọi điện cho Tổng biên tập báo Bild muốn tác động, ngăn cản báo Bild phê phán ông.

Tổng biên tập báo Bild - Kai Diekmann lập tức cho công bố đoạn ghi băng âm lời ông Tổng thống.

So với tiền triệu đô khuân bằng vali ở Việt Nam thì vụ án xử cựu tổng thống Đức, nguyên phó chủ tịch đảng cầm quyền CDU quả là 'hạt cát'. Nhưng ông vẫn bị xử.

Tòa án độc lập của Đức chẳng có lý do gì e ngại ông Wullf, xét xử công bằng. Tổng biên tập báo Bild vẫn sống khỏe. Đồng minh thân cận cùng đảng CDU của ông Wullf, bà thủ tướng Merkel chẳng thể giúp gì được ông.

Ở Đức hay các quốc gia dân chủ, báo chí tự do, độc lập với chính quyền chính là một nhân tố chống tham nhũng hữu hiệu nhất.

Báo chí luôn khát tin, sẵn sàng lăn xả vào phát hiện tham nhũng để có tin hay, có nhiều người xem, người đọc, báo bán chạy.

Báo chí Việt Nam khác, sẽ lập tức im bặt nếu bị Bộ trưởng TT-TT, Thủ tướng hay thậm chí Tổng bí thư chỉ thị phải dừng, kẻo lỡ "đánh chuột vỡ bình", "ta đánh vào ta".

Truyền thông Việt Nam do chính quyền chi tiền nuôi, quản lý và chỉ thị cụ thể phải làm gì.

Chống tham nhũng sao được nếu việc phát hiện, trừng phạt tham những lại trao cho những người dễ tham nhũng nhất và chân rết của họ?

Dân Đức và châu Âu chắc sẽ cười ngất nếu nghe các quan chức chính phủ "kêu gọi toàn dân chống tham nhũng".

Ông Nguyễn Phú Trọng thú nhận vai trò của ông rằng "Cá nhân có vai trò quan trọng, nhưng cũng chỉ là cá nhân thôi". Thế thì còn đáng ngại hơn nữa. Ông đã già yếu, một ngày không xa, không thích hoặc không khỏe để đánh tham nhũng nữa ông sẽ dừng công việc. Vậy ai là sẽ người đáng tin cậy làm tiếp công việc của ông đây?

"Lỗi tại cơ chế"?

Không ít quan chức và doanh nhân ở Việt Nam từng chia sẻ thật lòng: xã hội quản lý có lỏng lẻo họ mới có cơ hội làm ăn. "Cứ chặt chẽ như bên Đức, phương Tây thì có mà ăn cám."

Ngày xưa cán bộ nhà nước gặp nhau thường hay hỏi "dạo này khỏe không?", bây giờ câu cửa miệng lại là "dạo này làm ăn thế nào?"

Những người có tâm huyết với đất nước thường rất hay thở dài, kết thúc bằng một câu quen thuộc "lỗi tại cơ chế ấy mà" khi các cuộc tranh luận của họ gần tới đích và họ bắt đầu cảm thấy sợ nói ra sự thật.

Con đường đúng đắn là áp dụng cơ chế phân chia quyền lực, kiểm soát quyền lực, thực hiện triệt để nhà nước pháp quyền… như cũng từng được nói ra rả trong nhiều văn kiện của Đảng và nhà nước, có chăng chỉ né không nói "tam quyền phân lập".

Để Việt Nam chống tham nhũng hiệu quả, báo chí phải được độc lập, tòa án, viện kiểm sát phải độc lập, các đảng phái đối lập tự động kiểm soát lẫn nhau.

Vậy thì tại sao không áp dụng?

Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo duy nhất, đảng đó thâu tóm quyền lực của tất cả các cơ quan nhà nước khác, đứng trên tất cả, kể cả luật pháp và đứng đầu đảng đó lại chính là những người thuộc về nhóm có khả năng tham nhũng cao nhất.

Thay đổi sẽ dẫn tới mất quyền lực độc tôn với bao ưu đãi, bổng lộc. Có ai muốn tự thay đổi để mất đi những lợi thế đang có?

Nước Đức cũng sẽ gặp vấn đề y chang Việt Nam nếu chỉ có mỗi một đảng CDU của bà Angela Merkel độc quyền lãnh đạo. Báo Bild sẽ chẳng dám ho he và ông Christian Wullf đã được bà Merkel giải cứu chỉ trong vòng một nốt nhạc.

Xóa bỏ cơ chế một đảng lãnh đạo, thay bằng hệ thống chính trị với nhiều đảng phái, điều mà Đức hay nhiều nước phát triển, đứng đầu danh sách các quốc gia ít tham nhũng nhất đã áp dụng thành công.

Nhưng nghe có vẻ khó cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quá.

Bộ máy tuyên truyền của Việt Nam chắc sẽ vẫn lập luận rằng: cương quyết duy trì chế độ một đảng lãnh đạo để "duy trì ổn định" đất nước.

Có thật vậy không một khi tham nhũng là điều tất yếu và không thể khắc phục trong cơ chế một đảng đó, nó sẽ còn dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp hơn.

Ông Trọng từng nói: "Tham nhũng là giặc nội xâm, đe dọa sự tồn vong của chế độ."

Thiết nghĩ không chỉ có đe dọa sự tồn vong của chế độ đâu mà đe dọa cả sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc. Tham nhũng hoàn toàn có thể dẫn tới bán nước, bán đất, bán chủ quyền cho ngoại bang.

Đứng trước món lợi khủng, những kẻ lấy tham nhũng làm lẽ sống sẽ rất liều mạng, chẳng từ điều gì đâu.

Các nước văn minh, đã phát triển cao họ vẫn luôn sẵn sàng cải thiện cách quản lý đất nước của họ cho phù hợp với xu thế thời đại để càng phát triển hơn.

Mở cửa làm ăn với thế giới, Việt Nam không thể mãi khư khư mô hình quản lý đất nước như hiện nay, nó sẽ luôn mâu thuẫn với những cam kết quốc tế.

Lảng tránh thay đổi sẽ chỉ kéo dài sự trì trệ, tham nhũng trầm trọng hơn, kìm hãm tốc độ phát triển của đất nước và thậm chí dẫn tới đổ vỡ.

Giải pháp chống tham nhũng hiệu quả có đấy, Việt Nam chỉ cần phải lựa chọn để áp dụng mà thôi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo độc lập Lê Mạnh Hùng từ Berlin, Đức.