Lời cảnh báo không dễ bỏ qua!

Chủ Nhật, 07 Tháng Hai 20218:00 SA(Xem: 3035)
Lời cảnh báo không dễ bỏ qua!
rfa.org

Lời cảnh báo không dễ bỏ qua!

Lê Thế Hùng 2021-02-05

Ưu tiên địa-chính trị và chiến lược

Vậy là Đại hội XIII ĐCSVN chỉ là một cột mốc mang tính ước lệ. Dư luận trong và ngoài Việt Nam hầu như không ai chờ đợi đột phá nào theo hướng tiến bộ từ đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, trước, trong và sau thời gian Đại hội đã lần lượt bùng nổ hàng loạt các biến cố quốc tế mà theo giới phân tích sẽ có ảnh hưởng đến tầm nhìn của dàn lãnh đạo mới đối với cục diện khu vực và thế giới. Thay đổi chính quyền ở Mỹ, làn sóng biểu tình chống Putin, ủng hộ nhà đối lập Navalny ở nước Nga, đảo chính quân sự tại Myanmar và lập trường ngược nhau của các nước lớn đối với cuộc đảo chính ấy. Việt Nam vừa tăng cường đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, vừa theo dõi chặt chẽ các sự kiện liên quan.

Không phải ngẫu nhiên, đúng vào ngày 3/2/2021, Đài phát thanh VOA (Hoa Kỳ) có bài phân tích “Vì sao chính quyền Trump không lên án hay trừng phạt Việt Nam?”. Trong khi giữa nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam một cách công khai rằng nước này “lợi dụng Mỹ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc”. Vào cuối nhiệm kỳ, chính quyền của ông sau nhiều lần hăm doạ cuối cùng cũng đã liệt Hà Nội vào danh sách “thao túng tiền tệ”. Tuy nhiên, chỉ mới dán mác thao túng thôi, chứ trên thực tế chưa tiến hành áp đặt bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào.

Theo các chuyên gia, đằng sau lời cáo buộc để lại cho tân Nội các Biden xử lý tiếp, đã diễn ra hàng loạt các cuộc gặp gỡ và điện đàm giữa giới lãnh đạo Hà Nội với các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump, với mục đích là nhằm chuyển tải thông điệp hai bên cố gắng “duy trì đối tác toàn diện”, trong đó phía Hà Nội thì nỗ lực “biện hộ”, “xoa dịu”, còn Washington thì vừa “dọa”, vừa “ve vãn”. Có hai nguyên nhân quen thuộc xưa nay được VOA tái khẳng định nhân dịp này để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi nói trên.

Nguyên nhân thứ nhất, qua 25 năm bình thường hoá quan hệ, chính phủ Mỹ coi nhẹ yếu tố ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của Việt Nam. Trong cái nhìn thuộc về bản chất, Mỹ nhận ra Việt Nam không còn là một thể chế cộng sản nữa, cho nên người Mỹ có cách ứng xử khá thực tế! Nguyên nhân thứ hai, về mặt địa-chính trị và chiến lược, Hoa Kỳ và các đồng minh cần tranh thủ Việt Nam, vì Việt Nam có vị thế địa-chính trị và tầm quan trọng chiến lược ở Đông Nam Á, để từ đó Mỹ có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc luật lệ.

2019-02-27T065733Z_1032090578_RC1A276FDA00_RTRMADP_3_NORTHKOREA-USA-VIETNAM-TRUMP.JPG
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 27/2/2019. Reuters

Trump lên án chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, chỉ trích các mô hình chính trị ở Venezuela, Cuba là do lợi ích chiến lược của Mỹ đối với các nước này không song trùng. Mỹ phê phán các mô hình chính trị và nêu đích danh các nhà cầm quyền của mấy nước ấy là để gây sức ép, phục vụ cho ý đồ của Mỹ. Trường hợp Việt Nam, tuy Việt – Mỹ có hệ thống chính trị và ý thức hệ khác nhau, nhưng về ý đồ chiến lược, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều quyền lợi song trùng, đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc. Vì vậy, cho đến nay, Mỹ không đề cập nhiều về mặt ý thức hệ trong bang giao với Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIII, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu xử lý vấn để biển, đảo ngang với đối phó các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước (Tức nguy cơ từ Tàu và Mỹ là ngang nhau). Tại Đại hội XIII, Đại tướng – Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nhấn mạnh ba thách thức đe dọa đến sinh mệnh của đảng cộng sản và sự tồn vong chế độ cộng sản. Qua đó có thể thấy, dàn lãnh đạo mới hậu đại hội nhiều khả năng sẽ đặt nguy cơ chuyển hoá, tự chuyển hoá về chính trị nội bộ và nhiệm vụ đàn áp xã hội dân sự cao hơn nguy cơ đánh mất chủ quyền biển đảo vào tay Trung cộng.

Đặc biệt năm 2021 này, có thể chính phủ Biden sẽ triệu tập “Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ” nhằm mục đích khẳng định tinh thần và quyết tâm chung của các quốc gia trong thế giới tự do đối với tiến trình dân chủ hoá trên toàn cầu. Với tư cách là một chế độ độc tài và độc tôn, Hà Nội nhiều khả năng sẽ không được mời tham dự sự kiện nhân văn như vậy. Mà có được mời Việt Nam chưa chắc đã dám tham gia. Như giới phân tích cảnh báo, bản thân sự kiện không phải là vấn đề, mà vấn đề là ở chỗ, nó báo hiệu một điều gì đó mới mẻ về thế giới quan của tân Tổng thống Biden. Thông điệp có thể là, Hoa Kỳ sẽ hợp tác ít hơn với các quốc gia độc tài, toàn trị; nhiều hơn với các đối tác dân chủ.

Liệu quan hệ có bị trật đường ray?

Trong khi đó, việc không tìm ra người kế vị chức Tổng Bí thư, cho thấy sự mất phương hướng và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ ĐCSVN. Điều này là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới tư duy kinh tế suốt mấy chục năm qua nhưng về chính trị thì càng ngày càng phản tiến bộ và đi vào ngõ cụt. Sau hàng trăm cuộc hội thảo, cho đến nay ĐCSVN vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rạch ròi, tường minh, kinh tế thị trường định hướng XHCN là cái gì. Tầng lớp kỹ trị gia tăng trong hàng ngũ lãnh đạo đã khiến cho nhóm giáo điều cảm thấy bất an. Dư luận quốc tế đánh giá việc ông Trọng bám giữ quyền lực đến cùng, bằng mọi thủ đoạn, cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam đang bị “xơ cứng động mạch”, hệ thống ấy đang ngăn dòng máu mới dẫn tới não bộ (có thể gây ra chứng bại não).

2021-02-01T014033Z_641442324_RC2DJL94PLZA_RTRMADP_3_VIETNAM-POLITICS-CONGRESS.JPG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hàng dưới bên trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (hàng dưới bên phải) tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. Hai người đều được bầu lại vào Bộ Chính trị khoá 13 dù đã quá tuổi quy định.

Tiếp tục nhìn vào cơ cấu nhân sự sau Đại hội lần này, thấy khá rõ sự hội tụ của nhiều nhân tố bất bình thường có thể dẫn tới thời mạt của một triều đại sau 55 năm. Đặc biệt, sự nổi lên của các nhóm quyền lực địa phương trong cơ cấu nhân sự hậu đại hội sẽ là mầm móng cho những trận thư hùng đoạt vị tiếp theo, trong đó nhóm Nghệ Tĩnh đứng đầu các nhóm địa phương với 24 UVTƯ chiếm 13%, 5 ủy viên Bộ chính trị (UVBCT) chiếm 28%. Nhóm miền Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra, đứng đầu các nhóm vùng miền với 91 UVTƯ chiếm 51% và 9 UVBCT chiếm 50%. Nếu bộ gen “trí-phú-địa-hào đào tận gốc trốc tận rễ”, “công bằng không bằng công nông” nổi trội, thì dưới tác động của nhóm Nghệ Tĩnh, chưa biết ban lãnh đạo mới có cứng lên trong quan hệ với Mỹ hay không.

Tuy nhiên, có lập luận lạc quan hơn, tuy cũng chưa hoàn toàn chắc chắn. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Câu ngạn ngữ này thuần Việt, không có trong tiếng Tàu. Theo triết lý ấy, đừng nghĩ là phe Nghệ Tĩnh vẫn nghèo mạt rệp như xưa và sẽ “cứng” đến cùng, không thoả hiệp với “đế quốc Mỹ”. Võ Kim Cự trước đây chả là gốc Hà Tĩnh đó sao. Nhưng y đã ôm cả va li tiền (tính chuồn ra nước ngoài) nhờ đưa được Fomosa vào Vũng Áng mà hệ luỵ và vết nhục của sự cố “rước voi về giày mả tổ” ấy thì đến “ba đời” ĐCSVN vẫn không thể gột rửa nổi. Nhưng dưới thể chế “kim tiền” hiện nay, cả trong đảng lẫn ngoài xã hội, chưa ai đoán trước được tới đây, Tàu cộng hay Mỹ sẽ chiếm thế thượng phong trong cuộc “đu dây” của Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Derek J. Grossman được biết đến là chuyên gia cao cấp từ Trung tâm chính sách Châu Á – Thái Bình Dương thuộc RAND (một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ), trong bài viết mới đây đăng trên Tạp chí “The Diplomat” ngày 1/2/2021 có nêu ra một số tình huống đáng để suy nghẫm. Cùng với các kịch bản của Grossman, có thể bổ sung thêm một số tình huống khác khiến bang giao Mỹ – Việt tới đây quả là có nguy cơ “trật đường ray” thật.

Thứ nhất, tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ. Đảng, Nhà nước tiếp tục chiến dịch “khủng bố trắng hậu Đại hội” đối với xã hội dân sự dưới mọi hình thức. Thứ hai, triển khai “Báo cáo Quốc gia về Thực trạng Nhân quyền” hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ, khiến Việt Nam từ bất chấp đến có phản ứng tiêu cực hơn, vì tự tin vào vị thế địa-chính trị và nghĩ rằng Mỹ phải “xuống nước” với mình. Thứ ba, thái độ ngược nhau giữa Mỹ và Tàu trong phản ứng trước xu hướng thụt lùi dân chủ ở Myanmar, gây hoang mang cho Hà Nội. Thứ tư, Hoa Kỳ có đường lối cứng rắn hơn đối với những đồng minh “ruột” của Việt Nam là Trung Quốc và Nga trong các vấn đề dân chủ nhân quyền.

Tình huống thứ năm, xẩy ra điều Mỹ đã cảnh báo: Các chính sách và thực tiễn không lành mạnh góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ cần phải được chấm dứt. Nếu Washington quyết định trừng phạt Hà Nội vì lý do này thì thật rắc rối, nhất là trong mùa đại dịch COVID-19. Khi bị đánh vào cái “dạ dày” và cái “túi tiền” của Đảng và chính phủ mới thì Đảng và Nội các của chính phủ mới sẽ phải cầu viện phương Bắc. Nếu điều này xẩy ra, Việt Nam buộc phải thoả hiệp và nhượng bổ nhiều hơn với Trung Quốc trong vấn đề biển đảo. Giá trị địa-chính trị của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ hiển nhiên sẽ bị giảm đi đáng kể.

Một cách không may mắn – nếu nhìn từ tương lai của người dân trong nước – khi tất cả năm kịch bản nói trên xẩy ra cùng một lúc hoặc các kịch bản đan xen, tương tác với nhau, hệ luỵ thật khôn lường. Lúc ấy, không chỉ bang giao với Mỹ, mà ngay cả định hướng đối ngoại nói chung có thể biến dạng. Chưa biết được “nhà buôn” Trần Tuấn Anh sẽ chèo lái con thuyền ngoại giao Việt Nam theo hướng nào (Nếu tin đồn ông Tuấn Anh sẽ ngồi vào ghế của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là đúng).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn