‘Đảng ta’ khó mà… khác được!

Thứ Bảy, 06 Tháng Hai 20214:00 SA(Xem: 2770)
‘Đảng ta’ khó mà… khác được!

Blog VOA

Trân Văn

Tuy đại hội 13 của đảng CSVN đã bế mạc nhưng bất bình vì tốn kém thì… chưa. Tối 2 tháng 2, bất kể đợt dịch mới vừa bùng lên khiến sinh hoạt xã hội tiếp tục bị lộn ngược, dân chúng căng thẳng và thêm âu lo khi phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn hơn trong tương lai, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Khát vọng và tỏa sáng” – tập hợp 1.800 nghệ sĩ, diễn viên ở nhiều vùng, miền trên khắp Việt Nam vẫn khai diễn để… chào mừng thành công của đại hội 13 (1).

***

Trên mạng xã hội, có rất nhiều người không tán thành chương trình nghệ thuật đặc biệt vừa kể, trong số đó, có ông Nguyễn Ngọc Chu viết hẳn một bài, chia sẻ những “suy ngẫm” của ông…

Suy ngẫm đầu tiên của ông Chu là nhận thức trong lựa chọn. Cho dù chương trình này đã được chuẩn bị từ lâu – dẹp bỏ sẽ rất đáng tiếc nhưng khi đợt dịch mới đã bùng phát với biến thể mới được xem là rất nguy hiểm mà vẫn tập trung nhiều ngàn người, trong đó có rất nhiều vị lãnh đạo đảng và nhà nước, nếu lỡ xẩy ra lây lan thì chưa cân phân lợi hại. Chuẩn bị công phu như Olympic Tokyo mà còn phải hoãn, nói chi một đêm diễn.

Suy ngẫm thứ hai là tốn kém. Tổ chức cho 1.800 người ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh tập luyện, diễn thử, biểu diễn chắc chắn rất tốn kém. Đã vậy phải tổ chức xét nghiệm COVID-19 khiến tốn kém nhiều hơn. Khó mà biện hộ khi cả quốc gia căng mình chống đợt dịch mới. Nếu tính đúng, đủ thì 100 phút biểu diễn của 1.800 người đã tiêu phí bao nhiêu tỉ cho cả nghệ sĩ và người tham dự?

Đảng luôn đề cao tiết kiệm. Thủ tướng chỉ thị không sử dụng ngân sách cho bắn pháo hoa trong dịp Tết rất phù hợp và kịp thời nhưng chi cho chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của đại hội 13 thì thật khó thuyết phục. Mức độ thành công của đại hội 13 phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Việc tổ chức “hoành tráng” lễ chào mừng không có nghĩa là mức độ thành công của đại hội đảng tỉ lệ thuận với sự “hoành tráng” của lễ chào mừng.

Hy vọng những người có trách nhiệm sẽ tham khảo ý kiến công chúng để đưa ra quyết định phù hợp cho các sự kiện tương tự trong tương lai, ông Chu nêu ra ba câu hỏi có tính chất gợi ý: Nếu không phải là tiền từ ngân sách có nơi nào chào mừng như vậy không? Nếu thực hiện theo phương thức bán vé thu tiền, lời ăn lỗ chịu, có nơi nào dám đứng ra tổ chức không? Nếu có quyền quyết định cuối cùng về tổ chức lễ chào mừng, kể cả quyết định về chi phí, bạn có tổ chức như đêm 02/02/2021 hay không?

Ông Chu lưu ý: Trong 20 năm gần đây, nước ta đã chi quá nhiều tiền, một cách quá lãng phí, cho các cổng chào, các tượng đài, các lễ hội. Chi một cách xa hoa. Xa hoa là thứ người cộng sản dị ứng. Xa hoa đối nghịch với tính cách giản dị cần kiệm của giai cấp công nhân – đội ngũ tiên phong của Đảng. Gom củi ba năm đốt một giờ. Không sắm xe mới, không chạy theo đồ đắt tiền là điều rất quý. Nhưng quý hơn nữa là cắt bỏ được mọi hoạt động mang tính hình thức dẫn đến tiêu tiền lãng phí. Học tập bác Hồ – xin đừng sao nhãng sự khiêm tốn, giản dị, thực chất, và hiệu quả. Đó là nghĩ đến DÂN (2).

Trong số hơn 4.000 người bày tỏ sự tán thành suy ngẫm của ông Chu, có người như ông Huy Dinh Pham nói thêm: Những cựu chiến binh lớn tuổi như chúng tôi buồn lắm. Thật hoang phí khi chi cho văn nghệ đêm 2 tháng 2 vừa qua trong khi hàng triệu cựu chiến binh thời chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Cộng còn thiếu thốn, khó khăn vì di chứng của chiến tranh, của tuổi già! Có người như ông Lam Thanh Nguyen tin rằng: Chắc đến hơn 90 triệu dân nản và chán chả buồn nói vì có nói cũng như nước đổ đầu vịt, họ không để vào tai. Ngay cụ Hồ dặn dò họ chu đáo thế mà họ cũng chả thèm để ý dù luôn mồm nói là học tập và làm theo tấm gương cụ. Dân chả là cái… gì với họ!

Có người như ông Võ Quang Anh so sánh: Hô hào tiết kiệm nhưng thực hiện thì KHÔNG như thế. Lãnh đạo ra đường thì cảnh sát giao thông hụ còi, dọn đường bằng xe dẫn, xe “khoá đuôi”. Ông Anh ao ước: Các nhạc hội tối 2 tháng 2 và 3 tháng 2 là KHÔNG CẦN THIẾT. Để hàng trăm tỉ đó cứu trợ người nghèo ăn Tết… có ý nghĩa gấp triệu lần nhạc hội chào mừng! Cũng có người như ông Đỗ Xuân Phương bênh vực hoạt động chào mừng vì: Làm chính trị phải thuộc lòng câu “sự thật là điều không có thật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần” nên nhìn ở khía cạnh đạo đức như ông Chu chỉ là thiểu số!

Có người như ông Hòa Bình Trương lý giải: Họ không nghĩ như nhiều người có trách nhiệm với xã hội. Họ nghĩ để đại hội 13 thành công thì đã chi cỡ ngàn tỷ, liên hoan chúc mừng đại hội đảng chi vài trăm tỷ… cũng được! Đó cũng là lý do nhiều người chia sẻ tâm trạng của Xuân Nguyễn: Dân chỉ biết thở dài để chào mừng!

***

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của đại hội 13 cũng là lý do khiến Le Nguyen Duy Hau nêu ra những băn khoăn về các mảng tối trong phòng – chống dịch tại Việt Nam: Tuần qua, Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung gánh cùng lúc bốn tình huống có thể làm quá tải (nếu vẫn chưa quá tải) hệ thống xét nghiệm:

(a) Tình huống dịch bùng phát ở các tỉnh lân cận và trong địa bàn Hà Nội ở mức độ xoá chu kỳ lây nhiễm, khiến cho việc xét nghiệm đang đi đến bước phải lấy mẫu cả F3. (b) Tình huống 1.500 đại hội đại biểu đảng cộng sản Việt Nam nhóm họp, tất cả trước đó được xét nghiệm hai lần. (c) Tình huống sự kiện nghệ thuật “Khát Vọng – Toả Sáng” với ít nhất 1.800 nghệ sĩ biểu diễn và hàng trăm khách mời. Tất cả cũng được xét nghiệm COVID. (d) Tình huống các buổi biểu diễn văn nghệ ngày 3 tháng 2 chào mừng ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam và tất cả nghệ sĩ đều được xét nghiệm COVID-19.

Hà Nội đã phải đề nghị Bộ Y tế giúp thêm vật tư xét nghiệm vì bị quá tải. Trên facebook, một người mình biết thuộc đơn vị xét nghiệm kể rằng “máy xét nghiệm cháy, máy in của phòng thí nghiệm cũng cháy, máy tính của phòng thí nghiệm cũng cháy vì NÓNG”. Không biết có phải là nói quá không nhưng trong bốn tình huống kể trên, bỏ bớt tình huống nào cũng giúp giải toả bớt áp lực.

Vậy tại sao người ta kêu gọi người dân ở nhà, hạn chế tụ tập, đeo khẩu trang đầy đủ, nhưng vẫn chấp nhận cho sự kiện (c) và (d) diễn ra? Có cần thiết không? Tổ tôm quan trọng thế sao? Có ai đó dám nói là văn nghệ quan trọng không kém truy vết không? Và có ai dám khẳng định là các nghệ sĩ không được xét nghiệm cấp tốc (mà chỉ xét nghiệm trước đó) giữa thời điểm dịch bệnh không?

Một lần xét nghiệm ở Bạch Mai có giá khoảng 750.000 đồng. Một ngày biết mình âm tính sớm hơn đối với nhiều người còn có giá trị lớn hơn nhiều. Những F1, F2 đang chờ kết quả sẽ nghĩ gì khi thấy rất nhiều người không phải là F nào cả được xét nghiệm trước chỉ để phục vụ văn nghệ? Xét nghiệm, cũng như gạo trước đây, suất trên chuyến bay giải cứu bây giờ và vaccine sau này đều là những nguồn lực và việc phân phối nó như thế nào cần phải được thảo luận và giám sát một cách đàng hoàng. Mục tiêu cuối cùng phải là công bằng và bình đẳng.

Nếu không đảm bảo được công bằng và bình đẳng thì sẽ tạo nên những mảng tối trong bức tranh chống dịch thành công của Việt Nam. Đại dịch rồi sẽ chấm dứt sớm, nhưng những mảng tối này có thể để lại hậu quả lâu dài.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn