Chính trị Việt Nam, phe nào là phe nào?

Thứ Bảy, 30 Tháng Giêng 20216:00 SA(Xem: 4711)
Chính trị Việt Nam, phe nào là phe nào?

HoiDong-Chuot
Chính trị Việt Nam, phe nào là phe nào?
Có nhiều cách nhìn về các phe phái chính trị bên trong Việt Nam. Cho đến khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị hạ đo ván vào năm 2016, người ta hay cho rằng có hai phái, phái cải cách và phái bảo thủ. Phái cải cách là ông Dũng thủ tướng, phái bảo thủ là ông Nguyễn Phú Trọng.


Cách nhìn nhị phân bảo thủ cải cách này có lẽ bắt đầu từ năm 1986 khi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quyết định công nhận kinh tế thị trường.

Cách nhìn thứ hai dựa trên vùng miền của Việt Nam, phe Nam bộ, phe Bắc kỳ, phe miền Trung,… Cách đánh giá này dựa trên sự cân bằng tương đối về nhân sự trong bộ máy ĐCSVN, mặc dù con số đảng viên người gốc Bắc cao hơn khá nhiều.

Cách nhìn thứ ba cho rằng, có nhiều phe phái ở Việt Nam, và những phe này được gọi là những phe trục lợi. Đây là một cách nhìn có phân tích kỹ và toàn diện nhất. Người đưa ra mô hình này lần đầu tiên có lẽ là ông Vũ Hồng Lâm, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Hawaii, vào năm 2019.

Mô hình phe phái thứ tư là sự cạnh tranh giữa phe “đảng” và “chính phủ”. Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa tương đối của nó, phe nào cũng là đảng, nhưng những người được ghép vào phe thuần đảng là những người từ khi biết kiếm cơm cho tới lúc lìa đời, không biết gì khác ngoài việc đi họp chi bộ.

Ta cũng có thể nói phe thuần đảng này là những người không (chưa) dính phần vô các công ty, bộ ngành, trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, họ có thể là những tay chuyên làm bí thư đảng từ thấp leo lên cao như các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng… hay là họ làm công đoàn, công an, bộ đội.

Cả bốn mô hình nêu trên đều có những điểm đúng ở một lúc nào đó, một nơi nào đó. Những tên gọi, khái niệm phe phái đôi khi sẽ trùng vào nhau hay tách ra ở một giai đoạn nào đó.

Ví dụ như, ta có thể nói, vào thập niên 1990, quả là có những người muốn đẩy mạnh cải cách, có thể gọi là phe cải cách, nhưng hiện nay những người cải cách này có thể được gọi là nhóm chính phủ thì chính xác hơn. Hay như sự phân biệt vùng miền bị xóa nhòa trong các phe trục lợi thời ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông này người Nam bộ, nhưng đàn em của ông ta rất đông dân gốc Bắc và ngược lại người đồng hương Nam bộ với ông là ông Trương Tấn Sang, lại chính là người đặt ra cái hỗn danh “đồng chí X” để ám chỉ ông Dũng.

Và các mô hình này có thể chồng lên nhau. Ông Vũ Hồng Lâm cho rằng, các nhóm trục lợi này không cố định, mà có thể chạy từ chỗ này qua chỗ kia, thay thầy đổi nhóm, dựa theo các quyền lợi khác nhau, quyền lợi về kinh tế hay chính trị, có lúc chính trị nặng hơn, có lúc kinh tế nặng hơn.

Theo tôi thì lúc này đây, giữa lúc đại hội 13 của ĐCSVN đang họp thì cách nhìn mô hình “đảng” đối với “chính phủ” tương đối chính xác hơn. Tôi có trình bày chuyện này trong bài viết ngày 11-1-2021: “Đại hội 13, lại loay hoay ai Đảng, ai Nhà nước”.

Ông David Brown, một cựu viên chức ngoại giao Mỹ, là người theo dõi rất sát tình hình Việt Nam, cũng chia sẻ cách nhìn này của tôi trong loạt bài gần đây của ông trên BBC Việt ngữ, hay trên trang Asia Sentinel.

Tôi có các lý do sau đây để nói như vậy. Thứ nhất là mô hình vùng – miền đã tạm thời được gác qua một bên, khi địa phương nào cũng đã có người đại diện ở Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị.

Thứ hai là mô hình phe cải cách đối với phe bảo thủ coi như không còn quan trọng nữa sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, là người được cho là cầm đầu phe bảo thủ. Chuyến đi đó rất quan trọng, làm cho ông Trọng và những người ngại ngùng phương Tây thấy rằng, phương Tây không tìm cách lật đổ họ, mà ngược lại dùng họ làm một đồng minh không hiệp ước để chống Bắc Kinh.

Việc nhìn ra sự cạnh tranh giữa “đảng” và “chính phủ” hiện nay thật ra trùng với mô hình các nhóm trục lợi mà ông Vũ Hồng Lâm nêu ra. Việc tranh chấp các ghế tứ trụ trong các hội nghị trung ương vừa qua cho thấy, phe “đảng” đã nhân nhượng trong việc loại bỏ Trần Quốc Vượng, đổi lại, phe “đảng” giành lấy miếng bánh thủ tướng ngon lành cho ông Phạm Minh Chính.

Bên cạnh đó, ý kiến về “tự diễn biến” mà ông David Brown đưa ra, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng xem ông Nguyễn Tấn Dũng là “tự diễn biến”, và hiện nay ông cũng nghi ngờ ông Nguyễn Xuân Phúc như thế.

Thật ra, khái niệm “tự diễn biến” này là sự nối dài của mô hình bảo thủ và cải cách lúc trước. Nó là một ước mong vô vọng của cái gọi là ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ của ông Nguyễn Phú Trọng đầu đảng. Cứ cho là ông công an Phạm Minh Chính không tự diễn biến, bởi vì ông ta chưa điều hành kinh tế quốc gia, nhưng khi đã điều hành nó, với những nguyên tắc thị trường phải tuân theo, thì ông Chính làm sao mà làm cho được, nếu ông ta không tự diễn biến?

Theo những nguồn tin khả tín, cho đến nay thì hầu như chắc chắn bốn vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ sẽ nắm tứ trụ. Tin này cũng đã được “cánh tay nối dài” của Đảng bên Singapore là ông Vũ Minh Khương gián tiếp xác nhận.

Dư luận khá ồn ào về ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng theo tôi điểm quan trọng trong cơ cấu tứ trụ lần này chính là Phạm Minh Chính, bởi ông Trọng còn được bao nhiêu vốn liếng về thời gian nữa đâu?

Ông Chính làm yên lòng các nhóm có liên quan đến bộ đội, công an, phe thuần đảng của ông Trọng. Ông ta cũng có cái lý đưa ra để giành cái ghế thủ tướng, là ông cũng từng điều hành một chương trình cải cách ở tỉnh Quảng Ninh.

Ông Chính là người trẻ nhất trong tứ trụ, liệu ông ta có đào tạo được một lớp thuần đảng “phi diễn biến” trong 5 năm tới hay không? Liệu ông có sơn đỏ được thế hệ đảng viên trung niên trở xuống, chẳng có mấy ý thức hệ? Mà liệu chính ông có đỏ hay không?

Jackhammer Nguyễn 

(Tiếng Dân)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn