Bắt quan chức tham nhũng và bắt bớ giới hoạt động dân chủ-nhân quyền: hai mục tiêu khác nhau!

Thứ Ba, 26 Tháng Giêng 20216:00 SA(Xem: 4717)
Bắt quan chức tham nhũng và bắt bớ giới hoạt động dân chủ-nhân quyền: hai mục tiêu khác nhau!
rfa.org

Bắt quan chức tham nhũng và bắt bớ giới hoạt động dân chủ-nhân quyền: hai mục tiêu khác nhau!

RFA 2021-01-25

Không đặt mục tiêu bắt quan chức tham nhũng

Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đăng tải vào ngày 25/1, Ủy viên Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trong nhiệm kỳ XII của Đảng CSVN, tòa án xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ với 14.540 bị cáo.

Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh rằng dấu ấn nhiệm kỳ XII của Đảng là “chống tham nhũng để trong sạch bộ máy”.

Ủy viên Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ rằng mục tiêu cao nhất của chống tham nhũng không phải là bắt bớ quan chức và các mức án cao dành cho họ, mà phải xây dựng đội ngũ cán bộ không tham nhũng. Do đó, phải làm cho cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng mà còn phải không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng.

Báo cáo của Chính phủ Hà Nội về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2020 cho thấy có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm dẫn đến tham nhũng. Trong số này có 69 người bị xử lý kỷ luật và 12 người bị xử lý hình sự.

Đài RFA ghi nhận một số nhà nhà quan sát tình hình Việt Nam đánh giá số liệu được công bố trong báo cáo này không phản ánh trung thực vấn nạn tham nhũng cũng như nỗ lực chống tham nhũng của Nhà nước Việt Nam.

Thế nhưng, qua thông tin mà ông Nguyễn Hòa Bình vừa chia sẻ trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online có phần minh chứng cho việc Đảng và Nhà nước Việt Nam không đặt mục tiêu bắt bớ quan chức tham nhũng.

Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 25/1, đưa ra trường hợp đơn cử của ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị.

“Vụ án Đinh La Thăng trong năm 2020 không phải thuộc loại vụ án được rút gọn, nhưng lại điều tra rất nhanh. Chỉ sau vài ngày là có cáo trạng và đưa ra tòa xét xử trong 10 ngày. Xử cả ngày lẫn đêm và cả luôn ngày Thứ bảy và Chủ nhật. Vụ án nà là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Với cáo buộc đối với ông Đinh La Thăng thì lẽ ra phải tử hình, nhưng người ta xử theo án số. Sau đó, nhiều vụ án tiếp theo của ông Đinh La Thăng cũng vẫn là án số thì ông Đinh La Thăng tự tin rằng ông không bị chung thân hoặc bị xử tử hình. Thành ra trong vụ án gần đây nhất, ông Đinh La Thăng chống lại cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và tòa án. Tức là ông Đinh La Thăng tin rằng nếu có tham nhũng kiểu gì đi nữa thì cũng không bị chết và sẽ có ngày được về.”

Luật sư Phạm Công Út đề cập thêm về quy định khắc phục hậu quả tham nhũng từ 3/4 trở lên thì không bị tử hình và được giảm án. Vì thế, không ít quan chức, cán bộ dù tham nhũng nhiều lần mà hoàn trả lại cho nhà nước tối thiểu 3/4 số tiền của tham nhũng thì sẽ có ngày được trả tự do, mà luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh rằng “về hưởng thụ cùng nhiều thế hệ con cháu của gia đình”.

Đối với người dân thì hiện nay có thể nói trên 90% trong mục tiêu bị bắt bớ, gần 100%. Còn lại thì một số rất nhỏ các quan chức bị bắt. Trước thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII thì có những cuộc bắt bớ, truy tố để có thể gọi là vì mục đích hay ý đồ chính trị gì đó mà tôi không biết. Nhưng sau Đại hội Đảng XIII, sẽ chìm lắng xuống và giảm bớt vấn đề bắt bớ, xử tù và bỏ tù các quan chức mà mang tính chất đấu đá nội bộ. Còn về người dân thì không phải trong thời gian diễn ra Đại hội Dảng mà suốt cả nhiệm kỳ của Đại hội Đảng đều bị bắt bớ nhiều nhất-Luật sư Phạm Công Út

70c774cd-4cdd-466c-a788-c6daa4915953.jpeg
Ảnh minh họa. Ông Đinh La Thăng tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 29/3/2018. Reuters.

Gia tăng đàn áp và cầm tù người dân

Trong khi Ủy viên Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam không bao giờ đặt mục tiêu bắt bớ quan chức tham nhũng thì Asia Sentinel, vào ngày 21/1, đăng tải bài viết của tác giả David Brown có nhan đề “ ‘Calamitous’ Year For Vietnamese Democracy”; tạm dịch “ ‘Một năm đầy tai họa” đối với phong trào dân chủ Việt Nam”..

Là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam, ông David Brown nhận định phong trào dân chủ Việt Nam bị thu nhỏ bởi sự đàn áp ngày càng hữu hiệu của chế độ Hà Nội và năm 2020 là một năm đầy tai họa đối với phong trào dân chủ ở Việt Nam.

Tác giả David Brown trưng dẫn vụ án Đồng Tâm như là một bằng chứng về những lỗ hổng rõ ràng mà sự phản đối của công chúng là không đáng kể.

Ông David Brown ghi nhận không gian mạng ở Việt Nam, là nơi dành cho những tiếng nói phản biện độc lập của người dân không còn tự do và ông khẳng định “việc lên tiếng chống lại nhà nước độc đảng đã trở nên quá nguy hiểm”.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào ngày 26/10/2020, Bộ trưởng Công an Tô Lâm báo cáo tỷ lệ điều tra khám phá án đạt gần 86%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Qua đó, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Luật sư Phạm Công Út nói về ghi nhận của ông liên quan Chính quyền Việt Nam bắt bớ người dân trong năm 2020:

“Đối với người dân thì hiện nay có thể nói trên 90% trong mục tiêu bị bắt bớ, gần 100%. Còn lại thì một số rất nhỏ các quan chức bị bắt. Trước thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII thì có những cuộc bắt bớ, truy tố để có thể gọi là vì mục đích hay ý đồ chính trị gì đó mà tôi không biết. Nhưng sau Đại hội Đảng XIII, sẽ chìm lắng xuống và giảm bớt vấn đề bắt bớ, xử tù và bỏ tù các quan chức mà mang tính chất đấu đá nội bộ. Còn về người dân thì không phải trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng mà suốt cả nhiệm kỳ của Đại hội Đảng đều bị bắt bớ nhiều nhất.”

Luật sư Phạm Công Út nói thêm về tình cảnh những người dân bị bắt và giam cầm bởi các cáo buộc là “chống phá nhà nước” hay “tham gia tổ chức phản động”…

“Nhất là nhiều tù nhân lương tâm và tù chính trị bị bắt bớ mà người ta phải tuyệt thực. Họ đánh vào kinh tế của các gia đình tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đó, khiến họ bị tan nhà nát cửa. Ví dụ gần đây, tui nhận tin về anh Lê Dũng Vova bị an ninh đến nhà sau 3 lần (chính quyền) mời mà không đến làm việc. Bây giờ trước thềm Đại hội Đảng XIII thì an ninh ập tới nhà và không biết số phận của anh Lê Dũng Vova sẽ như thế nào?”

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà đấu tranh dân chủ bị Hà Nội tống xuất sang Đức hồi tháng 6/2018, bày tỏ đồng quan điểm với nhận xét của ông David Brown. Thậm chí, luật sư Nguyễn Văn Đài cho là “một năm thảm họa”, chứ không chỉ là tai họa, khi mà Tòa án Việt Nam tuyên các bản án tù với mức án tăng gấp đôi theo Điều 117 mới, so với Điều 88 cũ về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Một trong những nạn nhân là nhà báo Phạm Chí Dũng, bị tuyên mức án đến 15 năm tù giam.

Chắc chắn từ phía nhà cầm quyền không có sự thay đổi trong năm năm tới. Bởi vì, chính sách công an trị mở rộng vẫn còn hiện hữu. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2020, mặc dù Quốc hội đã bác bỏ hai Dự luật về An toàn Giao thông đường bộ và về Giao thông Đường bộ, tức là giao quyền kiểm soát nhiều hơn cho Bộ Công an; đồng thời bác bỏ Dự luật về Dân quân Tự vệ, tức là đưa về cho Bộ Công an lãnh đạo và kiểm soát gần 700.000 quân tuy nhiên các dự luật đó vẫn còn treo. Họ trao quyền cho Quốc hội khóa mới của năm 2021 sẽ xem xét thông qua. Do đó, với vị trí cao hơn của những người như ông Tô Lâm nắm giữa trọng trách cao hơn thì ông Tô Lâm sẽ thúc đẩy những việc đó. Cho nên chính sách công an trị sẽ được mở rộng hơn trong xã hội Việt Nam-Luật sư Nguyễn Văn Đài

df4b2c04-4543-4203-b938-5b47d565f7d8.jpeg
Ảnh minh hoạ. Bốn người hoạt động về đất đai bị bắt giữ hôm 24/6/2020 vì đưa tin vụ đụng độ ở Đồng Tâm. Từ trái sang: ông Trịnh Bá Tư, bà Cấn Thị Thêu, ông Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm. RFA Edited

Trong bài viết “ ‘Một năm đầy tai họa” đối với phong trào dân chủ Việt Nam”, tác giả David Brown kết luận rằng “chừng nào công an và bàn tay kiểm duyệt của chế độ có thể thao túng mạng xã hội theo ý họ muốn thì có rất ít lý do để họ ngừng làm như vậy. Trong điều kiện như thế, càng ít có lý do để mong đợi một phong trào dân chủ hồi sinh, trỗi dậy từ đống đổ nát hiện tại”.

Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng quả quyết chế độ công an trị còn hiện hữu thì phong trào dân chủ tại Việt Nam càng bị khó khăn và dân chúng càng bị rủi ro cao trong việc bị bắt bớ và cầm tù.

“Chắc chắn từ phía nhà cầm quyền không có sự thay đổi trong năm năm tới. Bởi vì, chính sách công an trị mở rộng vẫn còn hiện hữu. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2020, mặc dù Quốc hội đã bác bỏ hai Dự luật về An toàn Giao thông đường bộ và về Giao thông Đường bộ, tức là giao quyền kiểm soát nhiều hơn cho Bộ Công an; đồng thời bác bỏ Dự luật về Dân quân Tự vệ, tức là đưa về cho Bộ Công an lãnh đạo và kiểm soát gần 700.000 quân tuy nhiên các dự luật đó vẫn còn treo. Họ trao quyền cho Quốc hội khóa mới của năm 2021 sẽ xem xét thông qua. Do đó, với vị trí cao hơn của những người như ông Tô Lâm nắm giữa trọng trách cao hơn thì ông Tô Lâm sẽ thúc đẩy những việc đó. Cho nên chính sách công an trị sẽ được mở rộng hơn trong xã hội Việt Nam.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng thêm vào yếu tố ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ 3 thì ông Trọng sẽ kiểm soát xã hội một cách siết chặt hơn nữa để tìm người kế vị và chuyển giao quyền lực được an toàn hơn trong thời gian từ nay đến giữa nhiệm kỳ khóa XIII.

“Thế nên về một sự cởi mở hay một sự nới lỏng từ phía chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn không có.”

Về tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam trong năm 2021, luật sư Phạm Công Út dự đoán:

“Tình hình nhân quyền, dân chủ trong nước sẽ là một bản sao đậm nét hoặc là mờ nhạt so với Trung Quốc. Tôi cho rằng như vậy!”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn