Thừa nhận 'Không ai qua mắt được dân'... sao không trao quyền cho dân?

Thứ Bảy, 23 Tháng Giêng 20214:01 SA(Xem: 3002)
Thừa nhận 'Không ai qua mắt được dân'... sao không trao quyền cho dân?
rfa.org

Thừa nhận 'Không ai qua mắt được dân'... sao không trao quyền cho dân?

RFA 2021-01-22

“Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân. Phải lấy ý kiến của dân thực chất chứ không nên tổ chức hình thức, như vậy mới chọn được người đúng tiêu chuẩn...”

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hôm 21/1.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/1, nói:

“Họ nói theo sách vở thôi, chứ còn thực tế thì họ không dám để cho dân giám sát. Nếu ai mà có giám sát sắc sảo thì họ bắt bỏ tù, chính sách của họ một đằng, họ nói một nẻo. Thể chế chủ nghĩa xã hội không bảo đảm cho quyền giám sát của dân, bởi vì ngay cả quốc hội là cơ quan giám sát quan trọng nhất của quốc gia, thì chín mươi mấy phần trăm là đảng viên của Đảng rồi, nó có để cho ai vào đấy đâu mà giám sát. Còn bầu cử thì chỉ là hình thức, bất chấp luật pháp, ví dụ như ‘đảng cử dân bầu’ thì đảng phải cử, còn dân thì phải nhắm mắt bỏ theo.”

Họ nói theo sách vở thôi, chứ còn thực tế thì họ không dám để cho dân giám sát. Nếu ai mà có giám sát sắc sảo thì họ bắt bỏ tù, chính sách của họ một đằng, họ nói một nẻo.
-Ông Nguyễn Khắc Mai

Vấn đề thứ hai theo ông Nguyễn Khắc Mai là nhân cách con người, Việt Nam không có nhân cách mà các nước gọi là nhân cách dân chủ trong xã hội và các chính sách. Theo ông, dân chủ ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh cần phải tiếp tục chứ không phải là một bài nói:

“Anh cứ nói đi nhưng dân người ta sẽ xem anh làm như thế nào? Nói dân giám sát nhưng có dám tạo ra một thiết chế đàng hoàng để dân giám sát không? Dân người ta không tin, thế thì bây giờ phải đấu tranh để làm sao anh đã nói thì phải làm. Đặc biệt là cuộc bầu cử quốc hội tới, có tạo ra một quốc hội mạnh mẽ, trung thành với dân, và thực hiện quyền giám sát của dân một cách đến nơi đến chốn không? Đấy là vấn đề.”

Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp người dân tố cáo tiêu cực thì bị trù dập, ép nghỉ việc... Như trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi. Trả lời RFA vào tháng 4 năm 2020, Cô P. N. T. nói:

“Tự nhiên đến giờ trù dập tôi, ví dụ tôi nói phải thì nghe, không phải thì thôi, hoặc là sửa tôi thì tôi cám ơn. Nhưng tại sao lại đưa tôi đi, tôi đâu có chia sẻ hay phát tán gì đâu mà đổ thừa tôi. Cuối cùng đưa tới hình kỷ luật thôi việc tôi là quá nặng. Sợ tôi phanh phui việc này nên xử tôi luôn hay gì đó.”

anh-vvp.jpg
Anh V.V.P., một cán bộ tư pháp ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã bị côn đồ hành hung đến bất tỉnh sau khi anh nộp đơn tố cáo lãnh đạo. File photo.

Hay trước đó, từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tố cáo chống tiêu cực gửi đến ông Nguyễn Văn Tá - Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Phú Yên. Không giải quyết cho Cô, mà ngược lại ông Tá còn chỉ đạo xử lý kỷ luật cô Đệ với nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng là đuổi cô Đệ ra khỏi trường không cho dạy học.

Trở lại với tuyên bố của Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng về vai trò giám sát của người dân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/1, nhận định:

“Đấy là cách nói của họ thôi, nếu mà để người dân thật sự có quyền giám sát, thì cách tốt nhất là phải để cho người dân có quyền lập hội, có quyền tập hợp lại. Bởi vì hàng triệu người giám sát cần phải có kỹ thuật của nó, kỹ năng của nó, chứ không phải tất cả mọi người dân là có thể giám sát được tất cả mọi thứ... Vấn đề ở đây giống như là vấn đề chiếc đũa và bó đũa, khi người dân tập hợp thành tổ chức xã hội dân sự hay một cái hội gì đó, thì người ta có nguồn lực để người ta giám sát một cách hiệu quả. Còn từng người dân một như những hạt cát trong sa mạc, thì nói dân giám sát chỉ là nói chơi vậy thôi.”

Đấy là cách nói của họ thôi, nếu mà để người dân thật sự có quyền giám sát, thì cách tốt nhất là phải để cho người dân có quyền lập hội, có quyền tập hợp lại.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Chính sách nhất quán của Đảng CSVN, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, là muốn nhân dân như những hạt cát, như những củ khoai, như những hòn sỏi, không được kết nối với nhau thì làm sao mà tập hợp được 10 ngàn tiếng nói nếu không có những tổ chức XHDS như vậy. Ông nói tiếp:

“Họ tự tổ chức ra đoàn thanh niên của họ, phụ nữ của họ, tất cả mọi thứ đều dưới một cái ô chung là MTTQVN. Họ nói đó là một cơ chế để thông qua các tổ chức xã hội... nhưng thực sự đấy chính là cánh tay nối dài của ĐCS để góp ý, giám sát... Thật sự là không hiệu quả, nhưng họ vẫn phải nói như vậy. Những tiếng nói dư luận của người dân không phải là không có ý nghĩa, nhưng muốn hiệu quả thì người dân phải được tự nguyện tổ chức lại, hợp sức lại để giám sát. Hay nói cách khác là phải phát triển XHDS xây dựng, sôi động. Nhưng đáng tiếc cái đấy thì Đảng CSVN luôn luôn không muốn, nhưng họ cứ phải nói là dân thế này, dân thế kia...”

Không chỉ bị buộc thôi việc, nhiều người tố cáo tiêu cực còn bị trả thù bằng bằng cách này hoặc cách khác. Biện pháp trả thù thường mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe hoặc nhiều trường hợp cướp đi tính mạng nạn nhân.

Đơn cử như trường hợp anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng. Anh cũng là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Sau khi tố cáo, anh bị công an chặn đường đánh với lý do gây rối...

Vào tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký ban hành Thông thư 03, quy định chi tiết một số điều của biện pháp thi hành Luật tố cáo năm 2018, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên ngay thời điểm đó, anh V.V.P., một cán bộ tư pháp ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã bị côn đồ hành hung đến bất tỉnh sau khi anh nộp đơn tố cáo lãnh đạo.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, người dân hiện đã mất lòng tin vào chính quyền. Nhiều nhà quan sát còn cho rằng, Luật Tố cáo hay các Nghị định thông tư liên quan của Việt Nam chỉ mang tính mị dân, chỉ phục vụ cho các phe nhóm cai trị dân và không có triết lý.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn