Ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn trong phiên tòa hôm 5/1/2020

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn trong phiên tòa hôm 5/1/2021

Anh Quốc nêu quan ngại về án tù cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, đồng thời kêu gọi Việt Nam để người dân 'tự do tranh luận'.

Phái đoàn Vương quốc Anh tại Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng về bản án gần đây đối với ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.

Trong bản tiếng Việt mà Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward chia sẻ trên Facebook hôm 12/01/2020, có đoạn:

"Vương quốc Anh quan ngại về việc kết án ba nhà báo gần đây tại Việt Nam. Cả ba đã bị tuyên án tổng cộng 37 năm tù, trong đó ông Phạm Chí Dũng - Chủ tịch của IJAVN phải nhận 15 năm, và hai ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn chịu 11 năm.

Vương quốc Anh cam kết vận động mạnh mẽ cho tự do báo chí trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng hệ thống báo chí tự do và độc lập tạo nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam. Khi tất cả mọi người đều được tự do tranh luận mà không sợ bị truy cứu thì cả xã hội sẽ cùng đi lên."

Ông Ward đã giới thiệu bạn đọc Facebook của ông mà rất đông là người Việt Nam, vào đọc toàn bộ văn bản của Sứ bộ Anh Quốc tại Geneva với nội dung tương tự bằng tiếng Anh.

Hôm 8/1/2021, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Ravina Shamdasani đã nói cơ quan này sẽ tiếp tục nêu vụ xử ba nhà báo độc lập với chính phủ Việt Nam.

Cao ủy Nhân quyền LHQ còn nhắc chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế bảo vệ nhân quyền và sửa đổi Luật Hình sự nhằm làm đúng với Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) liên quan đến tự do ngôn luận.

International Covenant on Civil and Political Rights tức Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ được thông qua năm 1966 và có hiệu lực từ 1976.

CHXHCN Việt Nam đã chính thức ký kết văn bản này ngày 24/09/1982.

Anh Quốc kêu gọi nhưng Việt Nam không hoan nghênh chỉ trích.

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Dominic Raab sang Việt Nam (30/09/2020), quan chức hai nước đã ký kết các văn bản, trong đó có phần cam kết về bảo vệ nhân quyền.

Trang của Bộ Ngoại giao Anh viết về tuyên bố chung ông Raab ký với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh, có đoạn như sau:

"Việt Nam và Anh Quốc sẽ hợp tác để cổ vũ và bảo vệ nhân quyền, gồm cả việc thực hiện các văn bản quốc tế về quyền con người mà các nước này đã ký kết." (Viet Nam and the UK will co-operate in the promotion and protection of human rights, including with regard to the implementation of international human rights instruments to which they are party).

Tuy thế, rất khó tìm thấy các cụm từ "nhân quyền, tự do báo chí" trên truyền thông chính thống ở Việt Nam khi đề cập về chuyến thăm của ông Dominic Raab.

Một bài dài trên trang Tạp chí Thông tin Đối ngoại vào ngày 01/10/2020 có tựa đề "Tầm nhìn mới, xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - Anh" đã nêu ra nhiều lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng hai bên, nhưng không nhắc đến cam kết hai bên Anh - Việt cùng "thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền" như bản tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Anh.

Văn bản chính thức của Anh, mang tên Báo cáo Nhân quyền và Dân chủ của Bộ Ngoại giao (FCO) hồi tháng 7/2020 xác nhận chính phủ Anh "ủng hộ quyền hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền trên thế giới", và "bảo vệ quyền tự do truyền thông và tự do ngôn luận" (defending the right to freedom of the media and freedom of expression).

Chính phủ Anh cũng nói họ thúc đẩy sự phát triển của dân chủ qua Quỹ Westminster Foundation for Democracy.

Riêng về Việt Nam, Anh Quốc còn gắn vấn đề bảo vệ nhân quyền với công tác chống buôn người và nạn nô lệ thời hiện đại.

Vẫn báo cáo nói trên nêu rõ vụ 39 công dân Việt Nam tử nạn trên đường vào Anh bất hợp pháp bằng xe container hồi tháng 10/2019 như một ví dụ để giới chức hai bên hợp tác chống tệ nạn nguy hiểm này.

Đây không phải là lần đầu tiên Anh Quốc nói về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trên các văn bản chính thức bằng tiếng Anh.

Ví dụ hồi 06/01/2018, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Harriett Baldwin đã phát biểu:

"Chính phủ Anh quan ngại sâu sắc về vụ xử sáu thành viên Hiệp hội Anh em Dân chủ (Brotherhood for Democracy) vì bị cho là tìm cách lật đổ chế độ, và về các bản án nặng nề, tổng cộng 66 năm tù cho họ.

Chúng tôi không tin rằng việc bày tỏ quan điểm hòa bình về hệ thống chính trị tại Việt Nam, hay việc thúc đẩy các quyền con người cơ bản, phổ quát, lại cấu thành tội hình sự. Tự do ngôn luận và tự do hội họp đã được ghi trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam và trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên."

Vẫn Bộ Ngoại giao Anh, trong văn bản năm 2015 nêu ra các tiêu chí về nhân quyền của nước này với Việt Nam, gồm: ủng hộ tự do ngôn luận, tăng ý thức về vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ một nhà nước có trách nhiệm giải trình, hỗ trợ phát triển xã hội dân sự để giải quyết các vấn đề dân quyền như quyền đất đai...

Với công dân của mình, chính phủ Anh có hướng dẫn riêng với thông tin khá cụ thể về nước Việt Nam.

Chẳng hạn trên trang dành cho các doanh nghiệp Anh sang Việt Nam làm ăn (Guidance: Overseas Business Risks, Vietnam 26/08/2019) chính phủ Anh trình bày ra toàn cảnh kinh tế, xã hội, truyền thông, y tế, nhân quyền, nạn tham nhũng...tại Việt Nam.

Riêng về bức tranh chính trị, văn bản này viết:

"Việt Nam là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất Đông Nam Á. Lãnh đạo của họ không hoan nghênh bất đồng chính kiến (Its leadership does not welcome dissent)...

Các kênh truyền thông chính hoàn toàn chịu sự kiểm soát và chỉ đạo của Đảng CSVN nên rất nhiều người đã bám theo các blogger độc lập để nắm tin tức cập nhật. Nhiều blogger này bị trấn áp, bị bắt và bỏ tù vì phê phán ĐCSVN và các chính sách của chính phủ."