Một phong trào đối lập coi như đã chết

Thứ Tư, 06 Tháng Giêng 20218:00 SA(Xem: 3005)
Một phong trào đối lập coi như đã chết

Trịnh Hữu Long

Ba nhà báo hôm nay bị kết những cái án văn tự ngục dài đằng đẵng. Người già, người trẻ.

Kết án 11 năm với người già như bác Nguyễn Tường Thụy, năm nay đã 70 tuổi, thì tức là họ ý thức trong đầu rằng đây rất có thể là án chung thân.

Còn với người trẻ như bạn Lê Hữu Minh Tuấn, 31 tuổi, 11 năm tới là những tháng năm sung sức nhất cuộc đời.

Với anh Phạm Chí Dũng, 55 tuổi, sau 15 năm thụ án là 70 tuổi, nghĩa là gần như hết khả năng cống hiến.

Không ai bất ngờ với những cái án dài thế này, cũng đã quá quen để giận dữ, nhưng chua xót thì có.

Xưa, sau mỗi phiên tòa thế này, nhiều người lại lớn tiếng mỉa mai chính quyền rằng chế độ này tồn tại được bằng số năm kết án người ta không. Cách nói này thực ra là bắt chước bà Võ Thị Thắng, cán bộ cộng sản bị Việt Nam Cộng hòa bắt trong chiến dịch Mậu Thân. Có điều, cho đến nay, mới chỉ có bà Thắng nói đúng. Không có gì để tin là sẽ có thay đổi gì lớn trước năm 2036, thời điểm mãn hạn tù của anh Phạm Chí Dũng.

Kể từ cuối những năm 1980, khi Đông Âu bắt đầu sụp đổ, người ta đã luôn nuôi hy vọng vào một sự sụp đổ rất sớm ở Việt Nam. Ban đầu người ta dự báo là đầu những năm 90, sau rồi dự báo tiếp là “cùng lắm là năm 2000 thôi”, rồi tiếp theo nữa là 2010. Rất nhiều phong trào, hội nhóm đối lập cả trong và ngoài nước đã đấu tranh dựa trên cái giả định sụp đổ thượng tầng rất sớm như vậy. Họ đã phải đi từ hết thất vọng này tới thất vọng khác.

Ba nhà báo trên của Hội Nhà báo Độc lập, và nhà báo Phạm Đoan Trang, bị kết án, bị bắt giữa lúc gần như toàn bộ phong trào đối lập Việt Nam đang say và mê một vị tổng thống vốn đang ra sức đạp đổ những giá trị và thiết chế dân chủ ở một cường quốc dân chủ (may là chưa thành công). Và hôm nay, rất nhiều người đang nô nức vào kết quả của cuộc “đảo ngược kết quả bầu cử” vào ngày mai ở Mỹ.

Đó là một tình thế tréo ngoeo đến cùng cực, một bi kịch khó có thể lớn hơn cho một phong trào vốn gọi tên mình là dân chủ. Những giá trị dân chủ vốn lạ lẫm với người Việt Nam đã phải cố gắng lắm mới bén rễ được qua vài chục năm qua, nay đã bật gốc.

Với phiên tòa Hội Nhà báo Độc lập và sắp tới là phiên tòa Đoan Trang, một phong trào đối lập coi như đã chết.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 06 Tháng Giêng 20219:56 CH
Khách
Ở một số nước tiên tiến, đảng đối lập được chấp nhận , có khi được hoan nghênh và được tham gia vào cơ cấu đảng phái trong chính phủ . Mục đích để chính phủ lắng nghe mọi tiếng nói, hầu tìm ra những điểm yếu kém và sai sót của họ để họ sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Họ thực hiện đúng với từ Chính Trị (nguyên ngữ là Chỉnh Trị : sửa đổi việc cai trị) . Bởi vậy người ta mới được gọi là "tiên tiến".Trong học thuyết Mác -Lê cũng có ý tưởng "mâu thuẩn là điều kiện của tiến bộ". Nhưng học thuyết đó chỉ là ngụy ngôn , ai có ý "mâu thuẩn" với chúng thì bị chụp mũ là "phản động" hay "âm mưu lật đổ" (chỉ là Ý thôi à nha , chưa có Hành Động hay Tổ Chức Có Vũ Khí ...!) Từ đó , nên định danh cho đúng giữa Chính Phủ -Chính Quyền và Tà Phủ -Tà Quyền - Bạo Quyền , giữa Tiên Tiến và Chồn Lùi !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn