Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng sau khi bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’

Thứ Hai, 21 Tháng Mười Hai 202012:01 CH(Xem: 4201)
Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng sau khi bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’
voatiengviet.com

Thủ tướng Việt Nam lên tiếng sau khi bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’

VOA Tiếng Việt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cho các bộ ngành hữu quan làm việc với các đối tác Mỹ để “xử lý những tồn tại, vướng mắc” ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump định danh Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/12 đưa Việt Nam, cùng với Thuỵ Sỹ, vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sau khi cho rằng quốc gia Đông Nam Á, hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hoa Kỳ, đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.

Mỹ cho rằng Việt Nam đã đáp ứng 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ dùng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất là 2% GDP.

“Trên thực tế, thời gian quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ,” ông Phúc được Báo điện tử Chính phủ trích lời nói hôm 19/12. “Thực hiện các chỉ đạo này, các bộ, cơ quan Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhát là về thương mại, đầu tư…”

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho biết các bộ ngành Việt Nam và các đối tác Mỹ đang “cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hoà, bền vững, cùng có lợi cho cả đôi bên.”

Trước đó một ngày, Thủ tướng Phúc tại một cuộc họp của chính phủ một lần nữa nhấn mạnh quan điểm Việt Nam “không thao túng tiền tệ” như kết luận của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra hôm 16/12. Ông Phúc được VnExpress trích lời nói rằng “chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam là để ổn định kinh tế vĩ mô, không phải hạ giá tiền tệ có lợi thế thương mại không công bằng.”

Quan điểm này của Chính phủ Việt Nam cũng được cả Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước đề cập hôm 17/12. Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, “thặng dư thương mại việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.” Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam “đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ” và “thực hiện nghiêm túc” các cam kết cũng như thoả thuận thương mại giữa hai nước.

Hồi tháng 10, Thủ tướng Phúc đã lên tiếng phủ nhận chính sách tỷ giá tiền tệ của Việt Nam nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố cuộc điều tra về việc Việt Nam thao túng tiền tệ. Ông Phúc, trong cuộc gặp với Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ Adam Boehler tại Hà Nội, đã đề nghị người đứng đầu DFC “có tiếng nói với Tổng thống” Donald Trump để có “đánh giá khách quan hơn về thực tiễn tại Việt Nam.”

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long hôm 17/12 nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh là không có những dấu hiệu thao túng tiền tệ như Bộ Tài chính Mỹ vừa định danh theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Quốc tế Omnibus năm 1988.

Với việc bị Mỹ định danh là nước thao túng tiền tệ, Việt Nam được cho là có khả năng bị chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên hàng hoá nhập vào Mỹ. Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Việt Nam gửi cho Reuters, các quan chức Việt Nam và Mỹ sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để bàn thảo các vấn đề thương mại. Bộ này nói rằng việc “hai bên duy trì các cuộc thương thảo vào lúc này là vô cùng quan trọng” và cho biết thêm rằng bất cứ hàng động nào của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhằm đánh thuế lên hàng hoá của Việt Nam sẽ gây tổn hại đến các mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 1/4 tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Tổng cục Hải quan được Tuổi Trẻ trích dẫn. Trong khi đó thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt con số kỷ lục hơn 56,6 tỷ USD tính đến hết tháng 10 năm nay, theo thống kê của Cục Thống kê Hoa Kỳ.

Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái và mới đây phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai 20208:26 CH
Khách
Cuộc điện đàm giữa Ng. X. Phúc và Trump :
- Oa lâu ! ưa em Phất ! Héo oa rờ dú ?
- Hi ! pardon me ! I don't.....
- Dú nóa Vit Nem thâu tún tiền tuệ lòa ren, sóa ri òa !...
- Oh no ! I heard all you said , but I understand nothing ...
- Chu choa! Dú khôn hểu tiếng En hỉ ?
- Oh...! What do you mean ?
- Ờ mờ tờ dờ nờ hờ .....
- Bye ! ....( w.t.f...)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn