• Hoàng Nguyễn Thị Thương
  • Gửi đến BBC từ Việt Nam

Học sinh đi học

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Khi còn đi học, quý vị đánh nhau bao nhiêu lần? Đừng nói là không có nhé. Tôi chẳng tin đâu.

Tôi đây, từng được xem là một kiểu "con nhà người ta", học giỏi từ bé đến lớn, suốt ngày đi thi thố nọ kia rạng danh nhà trường và địa phương, thầy cô cha mẹ phê học bạ thường xuyên kèm chữ "ngoan", phần thưởng, giấy khen đều như vắt tranh và gần như mặc định.

Nhưng tất cả các trò phổ biến của học trò như đánh nhau, đua xe, trốn học đi chơi… tôi đều không hề là chiếc chiếu mới. Chỉ có điều thầy cô cha mẹ chẳng ai biết mà thôi.

Song có lẽ sự ngổ ngáo của học trò thời chúng tôi và các quý vị đang là cha mẹ của bọn học trò bây giờ, nó là sự ngổ ngáo dễ thương.

Chúng ta cũng kéo bè kết cánh, cũng tụm năm tụm ba bàn nhau trùm mền đứa nào hội mình ghét, cũng có thủ lãnh và đàn em, cũng gây dựng phô trương thanh thế của phe mình… Nhưng đến mức thủ hung khí, chặn đường giết một bạn học nào đó khó ưa, thì không bao giờ.

Lại còn, thủ lĩnh của các nhóm thường cũng là những đứa học giỏi và thông minh nhất. Lại thêm khôn sớm hơn tuổi nên cách đối đãi với bạn bè cũng rộng rãi và bao dung hơn bọn trẻ con chíp hôi.

Có lẽ vì ngoài việc cùng học với nhau một trường, chúng tôi còn sinh sống gần nhau, nhà đứa nọ có thể đi bộ đến nhà đứa kia, cha mẹ thường biết nhau, nhiều gia đình còn là đồng nghiệp hay bạn hàng.

Cho nên có thể đánh nhau ban ngày, thì chiều đến mẹ của hai đối thủ lại sai đứa nọ sang nhà đứa kia xách xô nước heo, hay nhờ vả việc vặt gì đó.

Cũng có thể vì cái uy của nhà trường, của thầy cô lúc đó quá lớn với học trò-bất cứ đứa đầu bò đầu bướu nào trong xóm tôi, cho dù chưa bao giờ đi học hay đã nghỉ học ra giang hồ, hễ thấy ông thầy hiệu trưởng trường cấp 1 xách cặp về ngang đều đứng lại, vòng tay, cúi đầu chào.

Cha mẹ thì khỏi nói. Ai cũng bận mưu sinh, và họ giao con cho nhà trường, nhưng nhất nhất mọi thứ đều nghe lời thầy cô. Họp phụ huynh mỗi năm hai lần, đứa nào bị thầy cô phàn nàn chỉ có nước ăn đòn quắn đít.

Cũng có thể vì truyền thông thời đó hầu hết đều chỉ ca ngợi những gương tích cực học hành, lao động, sống tốt. Trên báo đài, những hành vi bị xem là gây hại cho cộng đồng (như buôn lậu, tham lam của công…) là mục tiêu để xã hội lên án. Ở cộng đồng, họ bị chỉ rõ tên tuổi và bị bình xét về đạo đức. Trên báo đài, họ bị vẽ tranh, viết tiểu phẩm chế giễu, thậm chí bình luận phê phán nghiêm khắc đến mức gần như tẩy chay.

Mặt khác, các kẻ phạm tội lớn hơn và có quyền chức thì được giấu kín trong các cuộc xử trí nội bộ.

Môi trường như vậy khiến tạo ra cảm giác tuyệt đại đa số đều là người tốt và hiền lành. Nếu có một ai dám không tốt, đó là con cừu đen vô cùng hiếm giữa mênh mông toàn cừu trắng tuyết.

Có lẽ vì như vậy mà ngay cả sự ngổ ngáo hay hành vi bạo lực cũng vô hình trung bị giới hạn ở những mức độ không trở thành tội phạm.

Trong khu nhà tôi có một anh tên L. Hồi nhỏ anh đã nổi tiếng vì nghịch ngợm, cầm đầu đám con trai choai choai. Sau này nhà tôi dời đi nơi khác khá xa. Vài chục năm sau tình cờ hỏi thăm hàng xóm cũ, tôi mới biết năm 17 tuổi, anh làm cướp, rồi thành tướng cướp, bị bắt đi tù. Đó là cái thời rối ren chuyển giao giữa bao cấp và "đổi mới" một cách kịch liệt và quay ngoắt không hề có chuẩn bị. Nhưng ở khu nhà cũ, anh vẫn là anh L. đại ca, giang hồ với giang hồ chứ không đi bắt bạt bẩn, đánh giết bạn học hay những người sống trong tiểu khu.

Thế thì tại sao vài chục năm sau, kinh tế và văn hóa của Việt Nam đều phát triển lên vượt bậc so với thời bao cấp, thì nhiều cuộc đánh nhau học trò lại phổ biến và cực đoan đến nỗi trở thành vác dao đi giết người?

Mới tháng tư năm ngoái, một nhóm học sinh lớp Năm ở Nghệ An (lớp Năm-xin nhớ chúng mới 11 tuổi) chơi đá banh. Một đứa đá trái banh trúng điện thoại của đứa khác, khiến nó bị hỏng. Chúng cãi nhau. Hôm sau, đứa có điện thoại bị hỏng mang con dao bấm đến trường, đâm thẳng một phát vào đứa kia.

Trước đó một năm, cũng ở Nghệ An, chỉ vì đọc tên một nhân vật trong game không giống nhau, hai thiếu niên 16 tuổi cũng gây gổ đến mức cầm dao chém chết đứa kia. Một đứa học lớp 10 vừa bỏ học, đứa kia lớp 11.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Một vụ án khủng khiếp vào năm 2015: nam sinh 15 tuổi giết một người đàn ông sau khi bị ông ta rủ rê quan hệ đồng tính, sau đó quỵt tiền.

Còn những vụ như nam sinh, nữ sinh đánh tát xé áo xé quần bạn, bắt quỳ, quay phim chụp hình đưa lên mạng… quý vị có thể tìm ra rất dễ dàng. Chúng nhan nhản.

Những kẻ côn đồ nhỏ tuổi có xuất thân rất khác nhau. Chúng có thể có cha mẹ giàu, trung lưu, đủ ăn hoặc nghèo. Chúng sống ở thành thị hoặc miền núi xa xôi. Chúng có thể có toan tính trước hoặc ra tay nhất thời. Nhưng hầu như chúng đều có những điểm chung: non nớt trong suy nghĩ nhưng máu ăn thua cực cao. Trong nhiều vụ bạo lực giữa học sinh với nhau, phần lớn nguyên nhân là do chúng bị cảm thấy bị đánh giá thấp, bị coi thường hay chế nhạo, khiến cái tôi của chúng bị tổn thương.

Trong các vụ nữ sinh bạo lực nữ sinh, nguyên nhân chủ yếu hầu như là từ việc anh "người iu" hay thậm chí chỉ là "người trong mộng" trước giờ của mình bỗng không thèm đoái hoài đến mình mà quay sang có ý với em gái khác, khiến thủ phạm cảm thấy bị thua kém. Bạo lực là một cách để chúng bảo vệ và khẳng định giá trị bản thân.

Đó là một hiện tượng tâm lý lứa tuổi thông thường. Các nhà giáo dục sẽ biết cách để tăng cường giáo dục cách hiểu và điều chỉnh hành vi cho chính lứa tuổi này và những người thường xuyên tiếp cận với chúng.

Nhưng có những nguyên nhân không xuất phát từ chủ quan. Đó là hiện trạng xã hội và truyền thông xã hội.

Kỳ lạ làm sao, nhưng rất dễ hiểu với tâm lý lứa tuổi choai choai rất bị hút vào những gì phá cách và nổi loạn: mới đây thôi, một trong những thần tượng của không ít choai choai Việt Nam là Khá Bảnh. Anh chàng cắt mái tóc xấu xí và kỳ quặc, bỏ học từ lớp 7, bị bắt vì từng gây thương tích cho người khác và đánh bạc, dù anh ta khai nghề nghiệp của mình là thợ mộc.

Nhưng trên kênh youtube một thời từng có gần hai triệu lượt người theo dõi, Khá Bảnh thường up những video đậm tình đạo lý giang hồ như anh em là phải sống chết cùng nhau, một người bị làm nhục, cả đám kéo đến đánh dằn mặt tơi tả. Với anh em, tiền vứt ra cả cục không cần đếm. Chà chà, quý vị phải thấy cảnh đám đông học sinh mặc nguyên đồng phục hò hét tên Khá Bảnh và chen lấn nhau chụp hình cùng anh ta. Hay cảnh Khá Bảnh cười tươi, vẫy tay khi bị áp giải vào trại giam, như ngôi sao chứ không phải anh giang hồ xóm tép riu thích diễn.

Trước đó vài năm, một clip rõ mặt quay cảnh một cậu "thiếu gia" con một chủ ngân hàng tư nhân lớn ngồi xem đàn em lột quần áo một cô gái bị lừa chuốc rượu say để cưỡng hiếp từng lan truyền rất mạnh trên mạng. Rồi cũng như cách nó đến, chiếc clip bỗng tắt lặng và biến mất hoàn toàn trên mạng. Nhưng ai cũng hiểu để dìm được vụ việc đốn mạt và phạm tội hình sự đó, vô số tiền bạc đã được vung ra.

Những ví dụ tương tự từng nhan nhản trên mạng xã hội và báo chí Việt Nam. Thực tế, các quan chức, con cái họ và con cái những người giàu có có thể dùng tiền và thế lực để ngang nhiên thách thức pháp luật và đạo đức xã hội. Nó đẻ ra một câu cửa miệng mới của người Việt vẫn còn thông dụng cho đến hôm nay là "Có tiền (thì) có quyền". Đông tiền thì bất khả xâm phạm.

Một xã hội choáng ngất vì tiền, bộc lộ những khoảng cách sâu không đáy giữa người có tiền và người không, đồng thời cũng tước đi thời gian và sự quan tâm đến con cái của nhiều người làm cha mẹ. Nhiều người cắm mặt vào mưu sinh hoặc làm giàu, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, chỉ cần biết sáng sáng chúng vẫn mang ba lô đi học, chiều chiều vẫn về nhà là đủ. Nhưng khác với trước kia, họ cũng không còn kính trọng trường học.

Môi trường xã hội nhiễm độc trầm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức chung của lứa tuổi học trò, chúng còn giết chết sự khả kính của một nghề nghiệp từng được mệnh danh là cao quý nhất. Trước kia, nhà giáo tuy gần chết đói nhưng vẫn còn cố giữ mực thước như anh giáo Thứ của Nam Cao, thì bây giờ, cùng với cơn quay quắt kiếm tiền của xã hội nói chung, không ít "nhà giáo" bộc lộ bản chất con buôn với nghĩa xấu nhất của từ này. Thầy cô giáo gạ tình, dụ dỗ học trò, lừa đảo, mua bằng, dốt nát, bẩn thỉu… đều có cả.

Bị vô số tấm gương như thế soi chiếu hàng ngày, trong khi quá ít thông tin tích cực và đúng đắn (buồn thay, những con người tích cực đúng đắn thường không giàu có, sống khiêm tốn và chẳng thèm xài chiêu trò thu hút dư luận), quá thiếu sự hướng dẫn, uốn nắn từ gia đình, trường học cho đến tôn giáo, bọn trẻ tiêm nhiễm tư tưởng chỉ cần có tiền hoặc trở thành kẻ mạnh, chúng có thể bất khả xâm phạm.

Xã hội trong mắt chúng là chốn hoang dã, cá lớn nuối cá bé, nguyên lý vận hành chỉ dựa trên câu kẻ mạnh thì thắng. Đánh đập một bạn học yếu hơn mình, chúng lập tức thành kẻ mạnh. Khi cầm dao đi lùng một bạn học vừa cãi nhau, chúng trở thành kẻ mạnh.

Kẻ mạnh thì bất khả xâm phạm. Kẻ mạnh được ca ngợi, có tiền và trở thành thần tượng. Người tốt, sống tử tế và hiền lành thì yếu đuối, bị bắt nạt và thua thiệt. Bất cứ thủ đoạn nào cũng được chấp nhận, miễn thắng. Xã hội đã dạy chúng điều đó.

Cho nên, quý vị ạ, chúng ta hãy nhìn rộng ra. Bạo lực học đường chỉ là một phần nhỏ và tất yếu của một xã hội đang bị mục ruỗng những giá trị thật, những giá trị vĩnh cửu làm nên văn minh nhân loại. Đó là công chính, liêm sỉ, danh dự và trung thực.

Để hạn chế và hy vọng giải quyết bạo lực học đường, UNICEF Việt Nam đã từng vận động thông qua Luật trẻ em với các biện pháp trừng phạt hành vi bạo hành trẻ. Nhưng, hình phạt chỉ là cái ngọn rất bé của tình trạng. Cái gốc vẫn mọc rễ và bò lan sâu trong tâm thức đã được vài thế hệ.

Ngày nào sự trung thực, công chính, trọng danh dự và liêm sỉ vẫn được xem là biểu hiện của loài ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam, thì ba cái chuyện lẻ tẻ như học trò vác gậy đến tận trường xử nhau vẫn là chuyện nói mãi, chán rồi.