Đạo đức này là loại đạo đức gì?

Chủ Nhật, 06 Tháng Mười Hai 20208:00 SA(Xem: 4617)
Đạo đức này là loại đạo đức gì?

Khải Đơn

Bài viết này nêu một vài điểm nghiêm trọng đã xuất hiện trong giáo dục ở Việt Nam từ lâu, nhưng ít khi được chính thức hóa trong một quy định nào.

Về đồng phục, mỏng/dày, ngắn/dài là cảm giác hoàn toàn tương đối. Nếu biến thành quy định, nhà trường hoặc cơ quan giáo dục phải nêu rõ, ví dụ, váy phải dài qua gối, hay không được ngắn trên gối, mỏng dày ra sao. Quy định của trường không hiện hữu, tại sao giáo viên có thể đem ý kiến cá nhân ra để làm nhục nữ sinh.

Ở tuổi 16 thường là ở giai đoạn dậy thì, nữ sinh cảm thấy họ có quyền tự hào về thân thể họ, và có thể mặc đẹp hơn, hoặc trang điểm nhẹ, hoặc mặc hấp dẫn hơn nếu họ bắt đầu có hiểu biết về giới tính. Điều này xuất phát từ sự tự nhận thức về giới tính của họ (vốn thường phản ánh ở cách ăn mặc).

Ở đây, ta thấy có những trường hợp giáo viên đòi “xử lý” nếu nam sinh có xu hướng giới tính khác và em thích làm đẹp. Trong vụ việc này, bạn gái thường xuyên bị bêu tên vì bộ áo quần bạn mặc. Sự xúc phạm và sỉ vả về nhận thức cơ thể, trang phục, giới tính của học trò, nhất là ở giai đoạn dậy thì, có thể gây ra tổn thương lâu dài cho chủ thể bị tấn công, và có thể “làm gương” để những học trò khác bắt chước chế nhạo và sỉ nhục bạn có bề ngoài khác mình. Đã đến lúc những bình phẩm về nhân dáng, giới tính, trang phục nên được sử dụng thận trọng, nhất là khi giáo viên là người phát ngôn.

Hãy tưởng tượng xem, nếu bạn có con trẻ 16 tuổi, bé đang tự hào về cơ thể mới lớn của mình, đột nhiên cô giáo nắm cổ bé lên và chất vấn con sao mặc hở này hở kia, không thấy nhục hả – trong khi trường không có quy định cụ thể nào – thì sự đối xử này vô lý ra sao.

Trong bài viết của báo Thanh Niên, giáo viên chủ nhiệm Huỳnh Thị Thu Huệ cố ý làm đi làm lại hành động nhấn mạnh “áo dài mỏng” nhiều lần, thường xuyên. Đây thực chất là hành động tấn công cá nhân nhiều lần dựa trên quyền lực mà cô được trường ban cho.

Trong một trao đổi có xung đột giữa hai người, nếu không có quy định của nhà nước là các cơ quan, vị trí không ghi âm (tôi biết chắc trong không gian trường học không có biển cấm loại này), thì việc nữ sinh muốn ghi âm để bảo vệ bản thân trước tranh chấp là hành động bình thường. Chưa kể đến tranh chấp này là việc em bị xúc phạm nhiều lần bằng sự lớn tiếng và dọa nạt. Tại sao trường lại bắt cha mẹ em phải xin lỗi? – Trường thấy giáo viên thì cần được bảo vệ còn học sinh thì có thể chà dẫm ra sao cũng được hả?

Cách xử lý của trường Vĩnh Xương với em học sinh là như sau: “phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 50 phút từ thứ 2 đến thứ 7 để các cô của trường luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường” – Một học sinh phải có mặt từ 6h30 sáng ở trường, thường có nghĩa là em phải dậy từ 5h30 sáng để có thể chuẩn bị kịp đến trường, nếu nhà em gần trường.

Về thể chất, liên tục thực hiện điều này trong 14 ngày không phải là hành động giáo dục, mà là hành hạ thân thể. Vì đến người lớn phát triển đầy đủ, họ cũng chỉ có mặt làm việc ở công ty từ 7 giờ sáng, để có thể ngủ đủ giấc, ăn sáng và làm việc có chất lượng. Trong 14 ngày này, em nữ sinh phải nghe thầy cô “luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức”

Tôi không rõ ứng xử đạo đức của trường này có gì cao quý vĩ đại độc đáo mà bắt em phải học từ 6h30 sáng (sau đó em vẫn phải tiếp tục giờ học bình thường), trong khi đó từ hiệu trưởng đến giáo viên chủ nhiệm đã đi từ sỉ nhục thân thể học sinh, đến bức ép em về mặt sức khỏe, và đẩy em tới hành động tự tử.

Đạo đức này là loại đạo đức gì?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn