Hoàng Tư Giang - Khát vọng 22 và căn bệnh tự sướng.

Chủ Nhật, 22 Tháng Mười Một 20208:00 SA(Xem: 3774)
Hoàng Tư Giang - Khát vọng 22 và căn bệnh tự sướng.
Ha%2BNoi
                                                                         TP Hà Nội

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế mở bậc nhất thế giới, có lẽ chỉ sau Singapore, sau khi ký kết 13-14 các FTA và tổng giá trị xnk tương đương 200% GDP. Chúng ta đã mở toang cửa ra với thế giới.

Tôi không phản đối quá trình đó vì xu thế toàn cầu hóa hiện tại, và vì những bài học rút ra từ cha ông ta trong thế kỷ trước đã không mở cửa lại còn đóng chặt hơn với thế giới.

Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn là trong bối cảnh thuế quan về 0% thì liệu chúng ta còn cơ hội xây dựng các ngành công nghiệp, nhất là chế biến, chế tạo, trong nước?

Cá nhân tôi không đủ trình độ để trả lời câu hỏi này, nhưng tôi nhận thức là nếu chúng ta không xây dựng được ngành công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo, thì chúng ta sẽ mãi chỉ là thân phận làm thuê ở công đoạn gia công, lắp ráp – tức điểm thấp nhất của chuỗi giá trị toàn cầu; chúng ta mãi chỉ là thị trường tiêu thụ của các sản phẩm nước ngoài. 

Chúng ta không tự làm được xe máy, máy ủi, ô tô trong công nghiệp dân dụng thì nói chi làm được xe tăng, tàu chiến trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

VN đã bảo hộ hơn 20 năm nay cho ngành công nghiệp ô tô, nhưng nay không có ngành công nghiệp ô tô. Có vài ba doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước nhưng họ đang gặp tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc vì hội nhập. Linh kiện nhập khẩu về để lắp ráp ra ô tô vẫn phải chịu thuế cao trong khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về từ Thái Lan hay Indonesia thì thuế 0%. Giá chiếc ô tô lắp ráp trong nước cao hơn giá ô tô nhập khẩu ở nước ngoài thì có ai dám đầu tư, sản xuất? (cứ so Subaru thì với các dòng tương tự thì thấy).

Không có công nghiệp phụ trợ, không có công nghiệp ô tô thì đừng mong làm gì cả. Cả nước thắt tim vì Covid nhưng cũng chỉ có 1 doanh nghiệp có năng lực làm ra máy thở.

Doanh nghiệp nào của VN có năng lực làm ra tấm pin mặt trời, làm ra quạt gió khi các dự án năng lượng tái tạo đang mọc như nấm sau mưa? Không ai cả!

Việt Nam đã thất bại trong kế hoạch công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước năm 2020 nhưng kỳ lạ là không có bất kỳ một báo cáo đánh giá, phân tích nguyên nhân thất bại. Ngay cả cụm từ “công nghiệp hóa” cũng không còn được xuất hiện dù chỉ 1 lần trong các dự thảo văn kiện ktxh.

Tuy nhiên, các bản dự thảo đó vẫn nhận xét lạc quan: “Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới”. Bổ sung cho nhận định này là các con số: Năm 2019, dệt may xuất khẩu 32,8 tỉ USD, đứng thứ bảy thế giới; da giày xuất khẩu 18,3 tỉ USD, đứng thứ hai thế giới; điện thoại di động xuất khẩu 51,4 tỉ USD, đứng thứ hai thế giới; thuỷ sản chế biến xuất khẩu 8,5 tỉ USD, đứng thứ tư thế giới; đồ gỗ xuất khẩu 10,7 tỉ USD, đứng thứ năm thế giới.

Đọc các con số trên thì quả là to, nhưng người Việt kiếm được bao nhiêu phần trăm giá trị gia tăng trong đó? Có lẽ trừ ngành thủy sản, chúng ta chỉ đơn giản là nhập khẩu nguyên liệu về để kiếm chút công ăn việc làm, kiếm ít thuế phí từ tiền cho thuê đất, hay bán điện giá rẻ mà thôi. Mà đó là chưa kể, phần lớn miếng bánh đã thuộc về khu vực FDI, đang chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% giá trị xuất khẩu.

Cửa đã mở toang, gió đã lồng lộng thổi, mà sức và lực của chúng ta còn yếu quá thì có bị cuốn bay? Nếu không nhìn vào các yếu kém thì sao lượng sức để đi?

Hoàng Tư Giang

(FB Hoàng Tư Giang)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn