Facebook “quảng cáo” tự do ngôn luận. Ở Việt Nam, công ty hỗ trợ kiểm duyệt

Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Một 20207:57 CH(Xem: 5356)
Facebook “quảng cáo” tự do ngôn luận. Ở Việt Nam, công ty hỗ trợ kiểm duyệt
Los Angeles Times - Facebook

Để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình tại một thị trường quan trọng, Facebook gia tăng xóa bỏ nội dung mà chính phủ độc tài của Việt Nam không thích.

Trong nhiều tháng liên tục, Bùi Văn Thuận, một giáo viên hóa học, trở thành một blogger nổi tiếng ở Việt Nam, đã đăng nhiều bài trên Facebook về một vụ tranh chấp đất đai giữa những dân làng và chính quyền cộng sản.

Ở một quốc gia không có truyền thông độc lập, Facebook là nơi duy nhất mà người Việt Nam có thể đọc về các chủ đề gây tranh cãi như Đồng Tâm, một ngôi làng ngoại ô Hà Nội, nơi người dân chống lại kế hoạch của chính quyền muốn chiếm đất nông nghiệp để xây nhà máy.

Tin rằng một cuộc đối đầu là không thể tránh khỏi, ông Thuận, 40 tuổi, đã lên án các nhà lãnh đạo của đất nước trong một bài đăng ngày 7 tháng Giêng. “Tội ác của các ông sẽ khắc sâu trong tâm trí tôi,” ông Thuận viết. “Tôi biết các người – những tên cướp đất – sẽ làm mọi thứ, dù tàn nhẫn đến đâu, để lấy đất của người dân.”

Ngày hôm sau, Facebook đã khóa tài khoản của ông Thuận theo đòi hỏi của chính phủ, ngăn cản 60 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook xem các bài đăng của ông ta.

Một ngày sau, giống như ông Thuận đã cảnh báo, cảnh sát ập vào Đồng Tâm với hơi cay và lựu đạn. Một trưởng làng và ba sĩ quan bị giết.

Sau ba tháng bị khóa tài khoản Facebook, công ty nói với ông Thuận là ông bị cấm vĩnh viễn sử dụng Facebook.

“Chúng tôi đã xác định rằng bạn không đủ điều kiện sử dụng Facebook,” thông báo viết bằng tiếng Việt.

Việc ông Thuận bị đưa vào danh sách đen, mà công ty truyền thông xã hội khổng lồ có trụ sở tại Menlo Park giờ đây gọi là một “lỗi lầm,” minh họa cho việc công ty sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu kiểm duyệt từ một chính phủ độc tài.

Facebook và người sáng lập Mark Zuckerberg nói rằng nền tảng này bảo vệ quyền tự do ngôn luận trừ những trường hợp hãn hữu, chẳng hạn như khi nội dung kích động bạo lực. Nhưng ở các quốc gia bao gồm Cuba, Ấn Độ, Do Thái, Morocco, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, Facebook thường hạn chế các bài đăng mà các chính phủ cho là nhạy cảm hoặc cấm kỵ.

Không nơi nào mà điều này hiển nhiên bằng ở Việt Nam.

Trang mạng Facebook có giao diện tiếng Việt vào năm 2008, đến nay hơn một nửa dân số Việt Nam có tài khoản Facebook. Mạng xã hội phổ biến này giúp các nhà phê bình chính phủ và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ – ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ – vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ cộng sản đối với các phương tiện truyền thông.

Nhưng trong vài năm gần đây, công ty Facebook đã liên tục kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam, để làm hài lòng một chính phủ chuyên đàn áp tự do ngôn luận, trước đe dọa sẽ bị đóng ở Việt Nam nếu Facebook không tuân thủ, theo tìm hiểu của báo Los Angeles Times.

Trong các cuộc phỏng vấn, hàng chục nhà hoạt động Việt Nam, những người vận động nhân quyền và các cựu quan chức Facebook cho biết công ty đã chặn các bài đăng của hàng trăm người sử dụng, thường với rất ít lời giải thích.

Facebook cũng đã cấm các nhà phê bình chính phủ Hà Nội – bao gồm cả một nhóm đối lập có trụ sở tại Nam California – mua quảng cáo để tăng lượng độc giả và đã không ngăn chặn được những dư luận viên của chính phủ sử dụng chiến thuật “đồng loạt báo cáo” với Facebook để tìm cách xóa bài đăng của những người bất đồng chính kiến.

Các nhà phê bình cho rằng, thay vì sử dụng lợi thế của mình là một nền tảng truyền thông lớn nhất của Việt Nam để chống lại kiểm duyệt, Facebook đã trở thành đồng phạm trong việc chính phủ tăng cường đàn áp những tiếng nói ủng hộ dân chủ.

Ông Dipayan Ghosh, một cựu cố vấn chính sách cộng đồng của Facebook, người đồng điều hành Dự án Nền Tảng Kỹ Thuật Số & Dân Chủ tại Trường Kennedy của Harvard nói: “Tôi nghĩ đối với ông Zuckerberg, những tính toán đối với Việt Nam rất rõ ràng: Đó là duy trì dịch vụ ở một quốc gia có dân số khổng lồ và ở đó Facebook đang thống trị thị trường Internet tiêu dùng, nếu không đối thủ cạnh tranh có thể chen chân vào.”

“Cách suy tính của công ty không phải là duy trì dịch vụ cho quyền tự do ngôn luận. Mà là duy trì dịch vụ để có doanh thu.”

Các giới chức điều hành của công ty cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các yêu cầu ngày càng gay gắt của Hà Nội nếu họ muốn tiếp tục hoạt động tại đây, họ cũng nói thêm rằng họ có phản ứng lại khi các nhà chức trách gây sức ép quá mức.

Facebook cho biết, trong một số trường hợp, chính phủ Việt Nam buộc người sử dụng phải vô hiệu hóa tài khoản của chính họ, mà không cần đến công ty.

Một số viên chức của Facebook đã đồng ý trả lời phỏng vấn về các hoạt động của công ty tại Việt Nam, nhưng với điều kiện ẩn danh. Công ty cũng đã gửi văn bản trả lời cho các câu hỏi.

Facebook cho biết trong một tuyên bố: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng ý với chính phủ ở các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm cả Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng những người ở Việt Nam luôn có thể sử dụng các dịch vụ của chúng tôi mà họ cần hàng ngày.”

Với dân số trẻ và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch COVID-19, Việt Nam là một thị trường tăng trưởng quan trọng của Facebook. Công ty kiểm soát hơn 40% thị trường quảng cáo kỹ thuật số, trị giá 760 triệu Mỹ Kim của Việt Nam mặc dù không có văn phòng hoặc nhân viên toàn thời gian trong nước.

Áp lực của Hà Nội lên Facebook, đòi hỏi công ty hạn chế các bài đăng đã gia tăng lên sau các cuộc biểu tình của người dân ở TP.HCM vào năm 2016, để phản đối phản ứng của chính phủ đối với việc một nhà máy thép xả thải chất độc ra biển, gây ra vụ cá chết hàng loạt. Nhà cầm quyền đã bắt giữ 300 người biểu tình và tạm thời đóng Facebook vì những người tổ chức đã sử dụng mạng xã hội để điều phối các cuộc biểu tình và đăng hình ảnh của những người biểu tình giương biểu ngữ.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam, vào tháng Tư, 2017, các quan chức Việt Nam đã nói với một giới chức điều hành cấp cao của Facebook, bà Monika Bickert, trong một cuộc họp tại Hà Nội rằng công ty phải hợp tác “tích cực và hiệu quả hơn” với yêu cầu của chính phủ để tháo gỡ nội dung.

Một giới chức Facebook cho biết, công ty đã thiết lập một kênh liên lạc trực tuyến mà qua đó chính phủ có thể báo cáo những người sử dụng bị cáo buộc đăng nội dung bất hợp pháp.

Facebook thường hạn chế các bài đăng và những người sử dụng vì một trong hai lý do – vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng,” đây là những quy tắc mà công ty cho biết là được áp dụng cho người sử dụng trên toàn thế giới, hoặc vi phạm “luật pháp địa phương.” Các bài đăng bị liệt vào danh mục thứ hai bị chặn ở quốc gia mà chúng bị cho là bất hợp pháp nhưng vẫn có thể truy cập được ở những nơi khác.

Vào tháng Tám, 2019, Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông của Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng, nói với quốc hội rằng Facebook tuân thủ “70-75%” yêu cầu của chính phủ về việc xóa nội dung, tăng so với khoảng 30% trước đây. Bộ Trưởng Hùng đã không đưa thêm chi tiết, và văn phòng của ông ta đã không trả lời các yêu cầu phỏng vấn.

Trong tháng này, Bộ Trưởng Hùng nói với các nhà lập pháp rằng Facebook đã nâng tỷ lệ tuân thủ lên 95%. Ông nói, sự tuân thủ của các công ty mạng xã hội đối với các yêu cầu của chính phủ đã “đạt đến mức cao nhất từ trước đến nay.”

Facebook từ chối bình luận về số liệu thống kê của Việt Nam, nhưng thừa nhận rằng công ty đã gia tăng kiểm duyệt.

Ngôi làng

Tuyên bố tự do ngôn luận của công ty và xu hướng tuân thủ các yêu cầu của Hà Nội xung đột với nhau trong sự kiện Đồng Tâm, một ngôi làng nằm khoảng 20 dặm về phía tây nam Hà Nội. Bắt đầu từ năm 2017, các cuộc biểu tình của dân làng và các vụ đụng độ với cảnh sát đã thu hút sự chú ý của các blogger và các nhà hoạt động Việt Nam. Những người này đã sử dụng Facebook để ghi lại những hành động phản kháng hiếm có, thu hút hàng chục ngàn lượt “thích” và chia sẻ.

Rạng sáng ngày 9 tháng Giêng năm nay, cảnh sát và bộ đội trang bị vũ khí chống bạo động đã ập vào ngôi làng, bắn hơi cay và đạn cao su khi họ di chuyển qua những con hẻm nhỏ hẹp hướng về nhà của thủ lĩnh cuộc phản kháng, Cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi.

Các công an đã kéo vợ và con của Cụ ra đường trước khi bắn chết Cụ Kình, viện cớ rằng họ thấy ông đang nắm trong tay một quả lựu đạn. Hơn hai chục cư dân bị bắt. Vào tháng Chín, một tòa án đã kết án tử hình hai người con trai của Cụ Kình và 27 người dân làng khác với những án tù khắc nghiệt.

Ngay trước khi cảnh sát tấn công vào, chính phủ đã tìm cách xóa bỏ các tài khoản độc lập [trên mạng xã hội]. Truyền thông nhà nước dẫn lời một quan chức Bộ Thông Tin đã mắng Facebook vì “phản ứng rất chậm chạp và quan liêu” trước các yêu cầu của chính quyền hạn chế các bài đăng về vụ Đồng Tâm.

Trong số các mục tiêu của chính phủ là ông [Bùi Văn] Thuận, một người từng ủng hộ Đảng Cộng Sản cầm quyền. Ông Thuận cho biết, sự xuất hiện của Internet ở Việt Nam vào năm 1997 “cho phép tôi đọc các tài liệu trên mạng và giúp tôi mở mắt.” Ông bắt đầu chuyển đổi từ một người tin tưởng tuyệt đối sang một nhà phê bình không ngừng nghỉ.

Ông bắt đầu viết các bài ngắn trên trang Facebook của mình vào năm 2016, tập trung vào vấn đề tham nhũng của chính phủ và chính trị nội bộ đảng, đôi khi dám chỉ trích đích danh các quan chức chính quyền.

Khi số người theo dõi trang Facebook của ông Thuận gia tăng nhiều, lực lượng an ninh cũng chú ý đến ông. Ông Thuận cho biết ông đã rời bỏ công việc của mình sau khi cảnh sát gây áp lực buộc trung tâm dạy thêm ở Hà Nội nơi ông làm giáo viên khoa học sa thải ông.

Theo ông Thuận và các nhà hoạt động khác biết về trường hợp của ông cho biết, công an đã đến căn hộ của ông, quấy rối con gái ông và gây áp lực buộc chủ nhà trục xuất gia đình ông. Dọn nhà đến đâu ông Thuận và gia đình vẫn tiếp tục phải đối mặt với những quấy nhiễu tương tự, khiến họ phải liên tục vội vã thay đổi chỗ ở. Cuối cùng họ phải lánh nạn tại quê của vợ ông ở tỉnh Hòa Bình, phía tây nam thủ đô.

Nhưng ông vẫn tiếp tục viết, và vào năm ngoái đã có hơn 20.000 người theo dõi trên Facebook.

Khi tình trạng bế tắc ở Đồng Tâm trở nên trầm trọng hơn vào cuối năm 2019, Facebook bắt đầu chặn các bài đăng của ông Thuận, trong đó có một bài đăng vào ngày 31 tháng Mười Hai khẳng định rằng chủ tịch UBND Hà Nội, một cựu quan chức công an, có liên quan đến vụ tịch thu đất. Một ngày trước cuộc truy quét [rạng sáng 9 tháng Giêng] của cảnh sát, ông Thuận nhận được tin nhắn từ Facebook cho biết họ đã khóa tài khoản của ông ở Việt Nam “do các yêu cầu pháp lý ở quốc gia của bạn.”

Ông đã gửi phản đối cho Facebook nhưng đã không được trả lời. Một người trung gian mà ông nhờ nói chuyện với các giới chức điều hành công ty được cho biết rằng Bộ Công An và Bộ Thông Tin và Truyền Thông của Việt Nam “đã đưa ông vào danh sách đen.”

Trong lúc tuyệt vọng, ông Thuận đã gửi email cho Alex Warofka, một giới chức của Facebook có văn phòng tại Singapore chuyên về vấn đề nhân quyền, để yêu cầu giải thích. Ông Thuận nói ông Warofka đã không có trả lời. Một giới chức của công ty cho biết ông Warofka không nhớ đã nhận được email.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Ba, 26 Tháng Mười Hai 202310:00 SA
Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Hai 20236:00 SA
Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 20234:09 SA
Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 202311:32 SA
Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20236:00 SA